Thông báo 11/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2012 và triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2013
Số hiệu: | 11/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Hữu Vũ |
Ngày ban hành: | 09/01/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC – CHỦ TỊCH ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2012 VÀ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2013
Ngày 03 tháng 01 năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2012 và triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2013. Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ủy viên Ban Thường trực; lãnh đạo và thành viên Ban An toàn giao thông 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia báo cáo kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ “Năm an toàn giao thông - 2013” của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia; ý kiến phát biểu của các Ủy viên Ủy ban, Ban Thường trực và lãnh đạo Ban An toàn giao thông một số địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG NĂM 2012
Năm An toàn giao thông 2012, với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong việc thực hiện các giải pháp cấp bách và lâu dài trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; mặc dù trong điều kiện nguồn lực đầu tư nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn hạn hẹp, không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện nhưng công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đã được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Số vụ vi phạm, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông gây ra trong năm 2012 đều giảm sâu cả 3 tiêu chí. Trong đó, số vụ tai nạn giao thông giảm 7.490 vụ (17,06 %), số người chết giảm 1.647 người (14,33 %) số người bị thương giảm 9.527 người (20,02%) so với cùng kỳ năm trước. Số điểm ùn tắc giao thông trong năm 2012 ở thành phố Hà Nội còn 67 điểm (giảm 46%), thành phố Hồ Chí Minh còn 76 điểm (giảm 86,6%) so với cùng kỳ năm trước. Điều đó khẳng định các giải pháp mà Chính phủ đã ban hành và đang được triển khai thực hiện trong thời gian qua là phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao. Các kết quả đạt được trong năm 2012 là rất quan trọng, đã được Đảng, Nhà nước và Quốc hội ghi nhận.
Tuy nhiên đây mới là kết quả bước đầu, tình hình trật tự an toàn giao thông nhìn chung vẫn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại về người và tài sản vẫn còn ở mức cao, điều đó cho thấy tính bền vững trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian tới vẫn là một thách thức lớn. Tình trạng vi phạm giao thông vẫn còn diễn ra phổ biến như: đi sai phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, chạy quá tốc độ quy định, người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn cho phép, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán vẫn xảy ra,... Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều ở một số tuyến, nút giao trọng điểm trong giờ cao điểm. Do vậy, cần có sự nỗ lực và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trong năm 2013 và các năm tiếp theo.
Thống nhất với báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về những nguyên nhân tồn tại, bất cập trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông năm 2012.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Mục tiêu và chỉ tiêu:
a) Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trên lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
b) Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.
c) Tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, giảm thiểu tối đa các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
d) Giảm 5% - 10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông gây ra.
đ) Lấy chủ đề năm an toàn giao thông 2013 là “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”.
2. Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Để đạt được các mục tiêu trên, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Chỉ thị số 18-CT/BBT ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và chống ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ. Trong đó, chú trọng thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài sau:
a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.
Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/BBT ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng; Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Các kế hoạch này cần được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành.
b) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông
- Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục kịp thời những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Giải quyết những vấn đề khó khăn trong quản lý chậm được giải quyết như chuyển chủ sở hữu phương tiện cơ giới đường bộ, quy trình thử nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển phương tiện cơ giới, đội mũ bảo hiểm kém chất lượng,...
- Đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung đối với các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông; Tăng cường biện pháp đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy trình, quy chế, điều lệnh đối với cán bộ, công chức, chiến sỹ, nhất là lực lượng trực tiếp tiếp xúc với nhân dân trong các lĩnh vực đào tạo sát hạch cấp Giấy phép lái xe, đăng kiểm, đăng ký phương tiện, vận tải, quản lý giao thông, kiểm tra, xử lý vi phạm. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi tiêu cực của người thực thi công vụ trong khi làm nhiệm vụ.
- Tiếp tục phối hợp các lực lượng triển khai phòng, chống đua xe trái phép. Kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đua xe trái phép, tụ tập gây mất trật tự an toàn giao thông, chống người thi hành công vụ.
c) Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông
- Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền theo chủ đề với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sâu rộng thông qua hệ thống thông tin xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, hệ thống đài truyền thanh xã, phường.
- Xã hội hóa các hoạt động truyền thông. Xây dựng và triển khai các kế hoạch truyền thông trên cơ sở tận dụng các đơn vị chuyên nghiệp.
- Phát động phong trào thi đua nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường giáo dục, quán triệt cho cán bộ, công chức, chiến sỹ và thanh tra chuyên ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông; có chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích và phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân mắc khuyết điểm trong công tác này. Tổ chức tốt công tác tập huấn nghiệp vụ, quy trình công tác, nâng cao tính chuyên nghiệp cho lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
- Nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức an toàn giao thông và ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông trong các trường học; tiếp tục thực hiện Kế hoạch tổ chức cuộc thi “Giao thông thông minh”. Xây dựng lộ trình và chuẩn bị các điều kiện để sớm đưa giáo dục an toàn giao thông thành môn học bắt buộc trong các trường phổ thông.
d) Chống ùn tắc giao thông
- Triển khai thực hiện Đề án “Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020”; tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tham gia lưu thông.
- Nghiên cứu, tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; tăng các tuyến phố có phân làn giao thông một chiều; phân tách làn phương tiện giao thông, bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt. Tiếp tục xây dựng thêm các cầu vượt lắp ghép dành cho phương tiện tải trọng nhẹ và xe mô tô đi qua một số nút giao thông chính của thành phố. Cấm xe taxi, xe ô tô cá nhân tham gia giao thông trên một số tuyến phố trong giờ cao điểm và trên một số tuyến phố.
- Thiết lập trật tự, kỷ cương quản lý lòng đường, vỉa hè theo nguyên tắc vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện tham gia giao thông.
đ) Huy động các lực lượng quần chúng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, phối hợp cùng Thanh tra giao thông và các lực lượng của ngành Công an.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Công an:
- Xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
- Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ qua tài khoản ngân hàng; phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 124/2011/TT-BTC ngày 31 tháng 8 năm 2011 về hướng dẫn lệ phí trước bạ và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc sang tên đổi chủ giải quyết tình trạng không chuyển sở hữu phương tiện.
- Chỉ đạo Công an địa phương và các đơn vị trực thuộc:
+ Huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường kiểm tra phát hiện vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, xử lý nghiêm theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
+ Tổ chức, phối hợp với các lực lượng chuyên ngành mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát vào dịp Tết Nguyên đán 2013, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, quốc khánh 2/9, kỳ thi tuyển sinh đại học cao đẳng tháng 7/2013, đợt cao điểm cuối năm 2013.
+ Tăng cường tổ chức cưỡng chế theo chuyên đề để tăng tính răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm: chuyên đề về vi phạm tốc độ; về vi phạm nồng độ cồn; mũ bảo hiểm; dừng đỗ xe; vi phạm phần đường, làn đường; vi phạm của xe khách và xe tải nặng.
+ Kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy: phương tiện chở quá tải, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật, không đăng ký, không đăng kiểm, không trang bị hoặc thiếu dụng cụ cứu sinh; thuyền viên và người lái không có bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn, vi phạm quy tắc giao thông; trọng tâm kiểm tra phương tiện chở khách ngang sông, tàu chở khách du lịch; xử phạt nghiêm theo Nghị định số 60/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Bộ Giao thông vận tải:
a) Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe.
- Triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông”; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe, kiên quyết đình chỉ các cơ sở đào tạo, sát hạnh vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe.
- Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác đăng ký phương tiện thủy nội địa và đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa”; tăng cường kiểm tra xử lý phương tiện giao thông không đăng ký.
b) Tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện giao thông.
Triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa” để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Bảo đảm 100% Trạm kiểm định xe cơ giới sử dụng hệ thống camera giám sát hoạt động kiểm định, xử lý nghiêm các đăng kiểm viên sai phạm, tiêu cực. Hàng tháng công bố các xe ô tô, phương tiện thủy hết niên hạn sử dụng. Thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng đăng kiểm cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, an ninh đối với tàu biển.
c) Quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải.
- Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước, cho công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
- Triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác vận tải đường bộ theo hướng hiện đại nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ”.
- Đẩy mạnh tuyên truyền thời gian áp dụng xử phạt phương tiện không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 để các doanh nghiệp vận tải khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
d) Nâng cao điều kiện an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
- Triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới toàn diện công tắc quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ”.
- Tăng cường khắc phục các điểm đen thường xuyên gây tai nạn giao thông. Rà soát tổng thể và có biện pháp điều chỉnh, lắp đặt biển báo hiệu đường bộ theo đúng quy định và thuận lợi cho người tham gia giao thông.
đ) Phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Chỉ đạo việc nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức an toàn giao thông trong trường học; giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông; nhà trường kết hợp với gia đình giáo dục học sinh phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy; quy định biện pháp mạnh ngăn chặn tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Hiệu trưởng nhà trường xây dựng tiêu chí chấp hành pháp luật an toàn giao thông vào bộ tiêu chí đánh giá đạo đức học sinh hàng năm.
- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan tổ chức có hiệu quả cuộc thi “Giao thông thông minh” theo kế hoạch đã đề ra, bảo đảm trong năm học 2012 - 2013 có ít nhất 3 triệu học sinh tham gia cuộc thi.
- Nghiên cứu, đề xuất lộ trình và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phấn đấu đến năm học 2014 - 2015 đưa việc giảng dạy an toàn giao thông vào chương trình giảng dạy chính khóa ở các cấp học.
4. Bộ Y tế:
Phối hợp với Bộ Công an xây dựng Thông tư liên tịch quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; tăng cường đào tạo nhân lực và phổ biến kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu cho người bị tai nạn giao thông trong cộng đồng, trước mắt thí điểm tập huấn cho đội ngũ lái xe taxi, xe chở khách và tình nguyện viên.
5. Bộ Khoa học - Công nghệ:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải xây dựng Thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.
6. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Thông tư quy định quản lý việc quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện quảng cáo, yêu cầu khi quảng cáo rượu, bia phải gắn kèm nội dung cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và nguy cơ xảy ra tai nạn nếu điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
- Phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng và công bố “Tiêu chí Văn hóa giao thông”. Phối hợp với các cơ quan Thành viên của Ủy ban triển khai “Văn hóa giao thông” đến người tham gia giao thông.
7. Bộ Tài chính:
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an sửa đổi, bổ sung Thông tư số 89/2007/TT-BTC về hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 106/2004/TT-BTC ngày 9 tháng 11 năm 2004 hướng dẫn sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách Trung ương cấp.
8. Bộ Thông tin và Truyền thông:
Tăng cường chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông.
9. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam
Tăng cường và nâng cao hiệu quả các chuyên mục, chương trình, nội dung về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thường xuyên phát sóng các thông điệp về an toàn giao thông.
10. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam triển khai các hoạt động nhằm yêu cầu hội viên, đoàn viên tự giác chấp hành pháp luật giao thông khi tham gia giao thông; tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” tới mọi gia đình, khu dân cư.
11. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia:
- Xây dựng chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này ở các Bộ, ngành, địa phương.
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
- Sơ kết, tổng kết và xây dựng Chương trình phối hợp hoạt động với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp.
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, nhất là trên truyền hình, phát thanh Trung ương. Sản xuất các sản phẩm truyền thông để tuyên truyền thống nhất trên toàn quốc (thông điệp, áp phích, pano, tờ rơi,...).
- Phối hợp với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 2” với chủ đề “An toàn cho người đi bộ”; tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông”; tổ chức Diễn đàn các nhà khoa học, chuyên gia về an toàn giao thông; tổ chức chiến dịch tuyên truyền đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, phòng chống uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Công ty truyền thông Đa phương tiện VTC tiếp tục triển khai cuộc thi giao thông thông minh trên mạng Internet.
- Tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng “Doanh nghiệp Vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn” năm 2013, bình chọn, trao giải thưởng; tổ chức phát động và trao giải thưởng báo chí viết về an toàn giao thông năm 2013.
- Tổ chức đánh giá năng lực của Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo bộ tiêu chí đánh giá.
- Tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc 3 tháng một lần để kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai thực hiện, biểu dương, khen thưởng các địa phương đạt thành tích tốt và phê bình các địa phương yếu kém.
- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc các ngành, đoàn thể và địa phương thực hiện Kế hoạch triển khai hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2013, Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
12. Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2013 với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”, tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan, các địa phương, các Ủy viên Ủy ban, thành viên Ban Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, chỉ đạo triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Nghị quyết 88/NQ-CP năm 2013 thành lập phường Thanh Vinh thuộc thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ Ban hành: 23/07/2013 | Cập nhật: 24/07/2013
Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ Ban hành: 19/09/2012 | Cập nhật: 22/09/2012
Nghị quyết 88/NQ-CP năm 2011 về tăng cường thực hiện giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông Ban hành: 24/08/2011 | Cập nhật: 27/08/2011
Thông tư 124/2011/TT-BTC hướng dẫn lệ phí trước bạ Ban hành: 31/08/2011 | Cập nhật: 08/09/2011
Nghị định 60/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa Ban hành: 20/07/2011 | Cập nhật: 23/07/2011
Thông tư 89/2007/TT-BTC hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa . Ban hành: 25/07/2007 | Cập nhật: 04/08/2007
Thông tư 106/2004/TT-BTC về việc sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách trung ương cấp Ban hành: 09/11/2004 | Cập nhật: 07/12/2012