Thông báo 108/TB-VPCP năm 2014 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và kế hoạch hoạt động năm 2014
Số hiệu: 108/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Khắc Định
Ngày ban hành: 18/03/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2014

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM, CHỦ TỊCH ỦY BAN QUỐC GIA VỀ NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2013 VÀ KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG NĂM 2014 CỦA ỦY BAN QUỐC GIA VỀ NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM

Ngày 01 tháng 3 năm 2014, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và kế hoạch hoạt động năm 2014 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam.

Tham dự Hội nghị có các thành viên Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo; các cơ quan: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe Báo cáo tổng kết công tác năm 2013 và kế hoạch nhiệm vụ năm 2014 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, ý kiến của các thành viên Ủy ban Quốc gia và đại diện các Bộ, cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam kết luận như sau:

1. Về kết quả thực hiện công tác người cao tuổi:

Hoan nghênh những kết quả đã đạt được qua việc ban hành văn bản hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện Luật người cao tuổi, thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020, cũng như qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, chương trình đối với người cao tuổi của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương trong cả nước.

Trong năm 2013 hầu hết người cao tuổi thuộc diện người có công với nước, người cao tuổi đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội; người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, thân nhân của lực lượng vũ trang đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Người cao tuổi được ưu tiên khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh, được tư vấn và chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng; hơn 1,5 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; gần 01 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ, được thăm hỏi và tặng quà với kinh phí trên 246 tỷ đồng; hơn 1,2 triệu người cao tuổi tham gia công tác Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tham gia công tác khuyến học, tham gia công tác hòa giải. Việc người cao tuổi tham gia ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và chương trình "Bảo vệ Tổ quốc, an ninh biên giới, hải đảo", "Bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới"... là việc làm tích cực, có ý nghĩa thiết thực, cần tiếp tục duy trì và phát huy.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác người cao tuổi năm 2013 còn một số khó khăn tồn tại như: một số chế độ, chính sách chưa đến với người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; xã hội hóa trong công tác chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế, tổ chức triển khai Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 còn chậm (còn 7 tỉnh chưa có kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình). Việc thành lập Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại xã/phường còn gặp khó khăn... Mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi hiện còn thấp. Một bộ phận người cao tuổi ở nông thôn, nhất là vùng núi, vùng cao biên giới, vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng đồng bào dân tộc còn phải sống trong nhà tạm, đời sống còn nhiều khó khăn. Công tác thông tin báo cáo của một số Bộ, ngành và địa phương còn chậm...

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do một số Bộ, ngành, địa phương chưa chủ động lồng ghép công tác người cao tuổi với các hoạt động của ngành, địa phương; trách nhiệm của một số nơi cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đúng về công tác người cao tuổi, còn coi công tác này là trách nhiệm của Hội Người cao tuổi. Ban Công tác người cao tuổi các tỉnh, thành phố hầu hết đã được thành lập nhưng chủ yếu là kiêm nhiệm, hoạt động chưa hiệu quả, năng lực cán bộ ở địa phương còn hạn chế...

2. Về những nhiệm vụ cụ thể cần tập trung thực hiện trong năm 2014:

Các Bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo triển khai, lồng ghép các chương trình, thực hiện có hiệu quả các chính sách chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi theo kế hoạch nhiệm vụ đề ra, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và các quy định hiện hành; tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác về người cao tuổi. Trong đó, tập trung những vấn đề sau:

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: khẩn trương phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan thúc đẩy việc triển khai Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020; tiếp tục thực hiện việc đề xuất xây dựng, điều chỉnh chính sách pháp luật về người cao tuổi theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi theo kế hoạch đề ra; kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và biên chế của Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam theo Quyết định số 197/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Bộ Nội vụ: khẩn trương thực hiện sửa đổi Thông tư số 08/2009/TT-BNV về hướng dẫn việc thành lập Ban công tác người cao tuổi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hướng dẫn về tổ chức, biên chế, chế độ chính sách đối với Ban công tác người cao tuổi cấp tỉnh, huyện, cán bộ chuyên trách làm công tác người cao tuổi; hướng dẫn việc kiện toàn về tổ chức, biên chế Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam bảo đảm ổn định hoạt động thường xuyên; báo cáo Ủy ban Quốc gia vào tháng 6 năm 2014.

c) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn chỉ đạo, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phù hợp với người cao tuổi; tổ chức thực hiện Đán hỗ trợ, chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần cho người cao tuổi và Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020; phối hợp với Trung ương Hội người cao tuổi nghiên cứu, đề xuất mẫu giấy chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi tròn 70, 75, 80, 85, 90, 95 và trên 100 tuổi bảo đảm thống nhất và phù hợp theo đề nghị của các địa phương.

d) Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 35/2011/TT-BYT trong công tác khám, chữa và phòng bệnh cho người cao tuổi; kiểm tra thường xuyên việc thực hiện ưu tiên khám, chữa bệnh cho người cao tuổi ở các bệnh viện; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng các mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu có hiệu quả; triển khai và nhân rộng số tỉnh tham gia Đề án "Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng".

đ) Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp nội dung Đề án thí điểm xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa vào Đề án quy hoạch và phát triển mạng lưới cơ sở bảo trợ giúp xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang chủ trì (công văn số 136/VPCP-KTN ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ); tiếp tục kiểm tra, đôn đốc và thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, ưu tiên đối với người cao tuổi.

e) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục chỉ đạo, duy trì và nâng cao công tác thông tin, tuyên truyền về công tác người cao tuổi.

g) Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện giảm giá vé, hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia phương tiện giao thông công cộng. Triển khai nghiên cứu các giải pháp tăng cường tiếp cận của người cao tuổi đối với phương tiện giao thông, nhà ga, bến đỗ...

h) Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án với việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam và các đề án liên quan. Tiếp tục thu thập, cung cấp số liệu liên quan đến người cao tuổi theo hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

i) Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng nguồn kinh phí để Hội người cao tuổi Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020; phối hợp với Bộ Nội vụ và Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam về việc củng cố, xây dựng và phát triển Quỹ chăm sóc người cao tuổi.

k) Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thường xuyên phổ biến luật pháp và chính sách về người cao tuổi; rà soát và đề xuất chính sách về người cao tuổi.

l) Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội cựu giáo chức Việt Nam, Hội khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2013-2015 (Chương trình số 766/CTr-BGDDT-HKHVN-HCGCVN-HNCTVN ngày 19 tháng 6 năm 2013).

m) Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và Ủy ban Dân tộc,... tiếp tục kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi; triển khai nghiên cứu các giải pháp tăng cường phát huy vai trò của người cao tuổi đối với bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ người cao tuổi có nhu cầu tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, vay vốn kinh doanh, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ xóa nhà tạm cho người cao tuổi...

n) Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi"; Chương trình "Mắt sáng cho người cao tuổi", "Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới", "Tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo". Hội tiếp tục nghiên cứu Đề án "Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau" và tham gia Đề án "Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi" phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội đất nước và địa phương; phối hợp với Hội Khuyến học đẩy mạnh việc phát triển các loại hình Câu lạc bộ, động viên người cao tuổi tham gia hoạt động tại Trung tâm học tập cộng đồng. Đồng thi, phối hợp vi Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan tổ chức đánh giá, nghiên cứu xây dựng và thực hiện Đề án củng cố, phát triển Quỹ chăm sóc người cao tuổi ở cơ sở, hướng dẫn cơ sở thành lập và xây dựng Quỹ.

Về loại hình tổ chức Hội người cao tuổi, các địa phương tiếp tục thực hiện theo Thông báo ý kiến của đồng chí Thường trực Ban Bí thư (công văn số 38-TB/VPTW ngày 06 tháng 11 năm 2012 của Văn phòng Trung ương Đảng).

o) Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền vận động các tổ chức thành viên, hội viên tổ chức và tham gia tích cực các phong trào chăm sóc và phát huy người cao tuổi; lồng ghép việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong các phong trào của cơ quan, tổ chức.

p) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chỉ đạo Ban Công tác người cao tuổi và các Sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan phối hợp xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở địa phương; tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền về chính sách đối với người cao tuổi.

- Khẩn trương tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020 của địa phương, đặc biệt là tỉnh Bình Dương, Cao Bằng, Lai Châu, Ninh Bình, Tây Ninh, Đắk Lắk và Hà Tĩnh; bố trí kinh phí dự toán ngân sách tỉnh để thực hiện việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; chỉ đạo các huyện, xã lồng ghép các chương trình có sự tham gia hoạt động của người cao tuổi để tăng cường hiệu quả hoạt động tại địa phương; hỗ trợ hoạt động Hội người cao tuổi ở địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

- Phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam và cơ quan liên quan tổ chức, rà soát, đánh giá hoạt động và các chính sách đối với đối tượng người cao tuổi. Kiến nghị điều chỉnh những nội dung chưa hợp lý; đồng thời củng cố và phát triển Quỹ chăm sóc người cao tuổi ở cơ sở.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện Luật, chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trên địa bàn; báo cáo Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về tình hình và kết quả thực hiện công tác người cao tuổi vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm.

q) Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tham mưu, giúp Ủy ban: Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2014 và hoàn thiện Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam trình lãnh đạo Ủy ban ban hành; nghiên cứu đề xuất xây dựng phn mềm, biểu mẫu thống kê về người cao tuổi thống nhất các chỉ tiêu đánh giá về công tác người cao tuổi trên toàn quốc.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng CP, các Phó Thủ tướng (để b/c);
- UBND các tnh, TP trực thuộc TW;
- Các thành viên Ủy ban Quốc gia NCT VN;
- Các cơ quan có thành viên UBQG;
- Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Văn phòng UBQG NCT VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, V.III;
- Lưu: VT, KGVX (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Khắc Định