Thông báo 107/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp báo cáo trung gian về Quy hoạch điện VII
Số hiệu: 107/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Văn Trọng Lý
Ngày ban hành: 28/04/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 107/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP BÁO CÁO TRUNG GIAN VỀ QUY HOẠCH ĐIỆN VII

Ngày 12 tháng 4 năm 2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp báo cáo trung gian về Quy hoạch điện VII. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo và đại diện các Bộ, cơ quan: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tài chính; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam.

Sau khi nghe Viện Năng lượng báo cáo, ý kiến của các cơ quan, đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:

1. Viện Năng lượng tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo đúng quy định tại Quyết định số 42/2005/QĐ-BCN ngày 30 tháng 12 năm 2005 về nội dung, trình tự, thủ tục lập và thẩm định Quy hoạch phát triển điện lực của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương).

2. Đề án đã đánh giá việc thực hiện phát triển các công trình nguồn, lưới điện và tình hình tăng trưởng nhu cầu điện, làm cơ sở cho việc xây dựng Quy hoạch điện VII. Tuy nhiên, nội dung và cách phân tích mới dừng ở mức khái quát chung, cần phân tích, đánh giá toàn diện, nhất là các nội dung: trình độ công nghệ, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, suất sự cố, độ tin cậy cung cấp điện, cơ cấu tổ chức ngành điện, các vấn đề về nguồn vốn, đầu tư và việc đảm bảo điện cho khu vực nông thôn, miền núi,…

3. Cần đánh giá sâu và kỹ hơn về các tồn tại của việc triển khai thực hiện Quy hoạch điện VI để tìm ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục, phần lưới điện không chỉ đánh giá lưới truyền tải mà phải đánh giá cả lưới điện phân phối. Đánh giá công nghệ phải toàn điện từ nguồn điện, lưới điện đến hệ thống thông tin, điều độ…, có so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới để thấy được trình độ công nghệ trong ngành điện Việt Nam hiện nay.

4. Báo cáo phải làm rõ những yếu tố khách quan và chủ quan vì sao dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân nhu cầu điện giai đoạn 2006 - 2010 trong Quy hoạch điện VI của các phương án thấp, cơ sở và cao là 15%, 16% và 17%, nhưng thực tế tăng 13,89%; trong đó báo cáo rõ giai đoạn này có 3 năm bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, đây là yếu tố bất thường không dự báo được.

5. Khối lượng thực hiện các công trình nguồn, lưới điện trong giai đoạn 2006 - 2010 đạt thấp; so với khối lượng được phê duyệt thì nguồn điện đạt 66%, khối lượng đường dây và trạm biến áp ở các cấp điện áp đạt khoảng 50% - 60% có phải là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến việc thực hiện yêu cầu đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế vừa qua hay không.

Đề án cần phân tích các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực hiện thấp, kể cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó cần khẳng định nguyên nhân chính là công tác điều hành thực hiện Quy hoạch được duyệt của các Bộ và các doanh nghiệp ngành điện chưa quyết liệt, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính chủ động cho các đơn vị khi cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù.

Công tác chuẩn bị đầu tư, vốn đầu tư cho phát triển điện, giá bán điện, năng lực của các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công,… cũng cần được phân tích, đánh giá kỹ và rõ hơn.

6. Phần dự báo nhu cầu phụ tải cần sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để so sánh, đối chiếu từ đó lựa chọn được kết quả dự báo sát với thực tế hơn.

Dự báo ngắn hạn trong giai đoạn 2011 - 2015 cần thực hiện theo phương pháp trực tiếp là chủ yếu; nhu cầu tiêu thụ điện được tổng hợp từ nhu cầu của các hộ sử dụng điện hiện có, các dự án công nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất đang xây dựng và đã có kế hoạch xây dựng,…

7. Vấn đề nhiên liệu cho phát điện:

- Nguồn than: thống nhất với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về sản lượng khai thác than trong nước. Cân đối cung cầu than theo vùng than, theo loại than và nhu cầu than của các nhà máy điện. Đề án cũng cần xác định cụ thể từng nhà máy nhiệt điện than cần sử dụng loại than gì, lấy ở các mỏ nào; ưu tiên sử dụng than trong nước cho phát điện, trước khi xem xét đến việc nhập khẩu than.

- Nguồn khí: các nguồn khí nhìn chung đều phải thực hiện theo nguyên tắc bao tiêu, cần tính toán phát triển nguồn điện đồng bộ với tiến độ phát triển nguồn khí, đường ống khí, đảm bảo sử dụng hết sản lượng khí cam kết.

Nghiên cứu phát triển nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), trên cơ sở so sánh các mặt về kinh tế - kỹ thuật, môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

- Đề xuất cơ chế về giá điện để có thể thúc đẩy phát triển điện gió, giá năng lượng cần tiếp cận giá thị trường.

8. Bộ Công thương chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (DMC).

9. Bộ Công thương chỉ đạo Viện Năng lượng tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, hoàn chỉnh lại đề án, tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào đầu quý IV năm 2010.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.  

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường,
- Các Tập đoàn: Điện lực VN, Dầu khí VN, CN Than và Khoáng sản Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Các Vụ: TKBT, ĐP, TH, KTTH, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM  




Văn Trọng Lý