Thông báo số 105/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cán cân thanh toán quốc tế và phát triển thị trường chứng khoán
Số hiệu: 105/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Quốc Huy
Ngày ban hành: 24/04/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Ngân hàng, tiền tệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 105/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Ngày 18 tháng 4 năm 2008, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp giao ban để nghe báo cáo về điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, kiềm chế lạm phát, bảo đảm cán cân thanh toán, cán cân tổng thể của nền kinh tế và ổn định, phát triển thị trường chứng khoán. Cùng dự họp với Thủ tướng có các Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các Bộ: Tài chính, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và một số thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Sau khi nghe báo cáo của đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và ý kiến của các Phó Thủ tướng, đại diện lãnh đạo các Bộ và cá nhân nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

1. Về cơ bản đồng ý với một số đánh giá, dự báo và giải pháp liên quan đến vấn đề tài chính, tiền tệ, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu năm 2008 nêu trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Trong Quý I năm 2008, bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp kiềm chế lạm phát, bước đầu đã có tác động làm cho tình hình tiền tệ, tín dụng và tỷ giá diễn biến theo xu hướng ổn định dần; sản xuất, xuất khẩu, tiếp tục tăng, cán cân vãng lai tuy còn thâm hụt nhưng đã có dấu hiệu tích cực, cán cân vốn và cán cân tổng thể tiếp tục thặng dư. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của đất nước, yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương cần đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp đã được Chính phủ xác định tại Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ và các văn bản khác liên quan về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; đồng thời, thường xuyên theo dõi, kịp thời dự báo tình hình và đề xuất các giải pháp xử lý những vấn đề về tài chính, tiền tệ, xuất nhập khẩu…; định kỳ hàng tháng và hàng quý, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp, đánh giá tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện các biện pháp ổn định cán cân thanh toán quốc tế.

2. Trong thời gian qua, cùng với nguồn vốn huy động trong nước, nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đã có những đóng góp nhất định trong việc bảo đảm vốn cho sự phát triển kinh tế đất nước, tăng tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp một cách bền vững thì cần phải có biện pháp quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư này, cụ thể:

a. Ngân hàng Nhà nước chủ trì và phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan:

- Cần phải có biện pháp quản lý nguồn vốn đầu tư gián tiếp và các khoản vay nợ ngắn hạn bằng ngoại tệ phù hợp với khả năng sử dụng và mức dự trữ ngoại hối, trên cơ sở bảo đảm ổn định tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính.

- Hoàn thiện chế độ mở tài khoản đối với hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài và chế độ báo cáo về lưu chuyển vốn trên các tài khoản này.

- Xây dựng cơ chế thu thập thông tin, chế độ báo cáo, cung cấp, công bố thông tin về nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài và nguồn vốn vay nợ ngắn hạn, trung hạn bằng ngoại tệ, để có thể nắm chắc quy mô các nguồn vốn vào ra, thông tin về đối tượng đầu tư, phương thức loại hình đầu tư, danh mục đầu tư, trên cơ sở đó có sự phân loại, đánh giá và dự báo được sự luân chuyển của luồng vốn này, bảo đảm đáp ứng thông tin phục vụ điều hành đối với hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài và hoạt động vay nợ ngắn hạn bằng ngoại tệ, để kịp thời điều chỉnh, ban hành các chính sách quản lý nguồn vốn gián tiếp và vay trả nợ nước ngoài một cách phù hợp.

- Có biện pháp quản lý các khoản vay nợ của doanh nghiệp, đặc biệt là các công cụ huy động vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ, các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn không có bảo đảm, các giao dịch hoán đổi và kỳ hạn bằng ngoại tệ.

- Nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong việc quản lý luồng vốn đầu tư gián tiếp cũng như các giải pháp ứng xử khi luồng vốn đầu tư gián tiếp, luồng vốn vay nợ ngoại tệ ngắn hạn đảo chiều đe dọa đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính ngân hàng.

b. Bộ Tài chính:

- Nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg ngày 11/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, Quyết định số 238/3005/QĐ-TTg ngày 29/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng quy định rõ việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và việc nắm giữ cổ phần của các công ty niêm yết, công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán.

- Xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho phép các chi nhánh, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán 100% vốn nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam để quản lý các quỹ đầu tư chứng khoán 100% vốn huy động ở nước ngoài.

- Ban hành quy định về việc quản lý hoạt động của văn phòng đại diện các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật; các văn phòng đại diện không được phép kinh doanh và không được thực hiện việc ủy quyền hoạt động đầu tư chứng khoán qua cá nhân.

c. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động ngân hàng, các tổ chức kinh doanh chứng khoán, bảo đảm tuân thủ luật pháp, tăng cường quản trị rủi ro, đạo đức nghề nghiệp; nghiên cứu xây dựng tiêu chí mới đối với việc thành lập các tổ chức kinh doanh chứng khoán, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu quản lý hiện nay để làm cơ sở cho việc cấp phép thành lập mới.

d. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đề xuất các quyết định liên quan đến việc chuyển đổi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thành công ty cổ phần, bảo đảm được khả năng quản lý và tuân thủ luật pháp của quá trình này.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty 91;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Các thành viên HĐTVCSTCTTGQ;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Đài Tiếng nói Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Quốc Huy