Thông báo 10/TB-VPCP năm 2019 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với tỉnh An Giang về kiểm tra thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2018
Số hiệu: | 10/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Thành |
Ngày ban hành: | 08/01/2019 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2019 |
Ngày 15 và 16 tháng 12 năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn kiểm tra khảo sát thực hiện công tác dân vận chính quyền tại thành phố Châu Đốc và làm việc tại tỉnh An Giang về kiểm tra thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2018. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ban Dân vận Trung ương, Nội vụ, Tài chính, Công Thương, Tư pháp, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Tổng Cục Quản lý thị trường, Tổng Cục Hải quan, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Tỉnh, ý kiến của lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan và các thành viên Đoàn kiểm tra; phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ kết luận như sau:
Biểu dương công tác chuẩn bị chương trình, nội dung và báo cáo của Tỉnh ủy phục vụ Đoàn kiểm tra của Trung ương và ghi nhận những kết quả đạt được về thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2018 của Tỉnh, nổi bật là:
1. Về kinh tế - xã hội:
Năm 2018, mặc dù tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nước lũ, sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp..., tác động đến hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân nhưng tình hình kinh tế-xã hội của Tỉnh vẫn chuyển biến tích cực: 12/13 chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,52%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 5.866 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 13.458 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 28.837 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 37,12 triệu đồng/người; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 102.701 tỷ đồng tăng 11,7%; xuất khẩu đạt 840 triệu USD tăng 2,44%, xuất nhập khẩu qua biên giới đạt 1,56 tỷ USD tăng 30%; thu hút 82 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 25.052 tỷ đồng, trong đó có 02 dự án đầu tư nước ngoài; năm 2018, có 644 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 5.193 tỷ đồng, hiện tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là 5.318 doanh nghiệp. Năm 2018, đã đón 8,5 triệu lượt khách du lịch tăng 16,44%, trong đó khách quốc tế đạt trên 100.000 lượt, tăng 33,3%, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 4.800 tỷ đồng tăng 29,73%.
Các lĩnh vực xã hội được quan tâm chỉ đạo: năm 2018, đã giải quyết việc làm mới cho 30.000 lao động; tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; lao động qua đào tạo đạt 60%; tỷ lệ hộ nghèo 4,55%; tỷ lệ dân cư tham gia bảo hiểm y tế 81,5%; Tỉnh đã thực hiện tốt chính sách đối với người có công và đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo...; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh; an ninh chính trị được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
2. Về tình hình thực hiện “Năm Dân vận chính quyền” 2018.
- Công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng và triển khai thực hiện của các cấp chính quyền:
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng “Đề án nâng cao hiệu quả của công tác dân vận trong tình hình mới”, “Kế hoạch thực hiện Năm dân vận chính quyền 2018 trong các cơ quan nhà nước” và Quy chế về “Xin lỗi cá nhân, tổ chức vì sai sót, quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh An Giang” gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến từng cơ quan, đơn vị, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với cải cách thủ tục hành chính, xây dựng tác phong dân vận và phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo hiệu quả”. Qua đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính đã được chấn chỉnh và đạt hiệu quả, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu đã nhận thức sâu sắc hơn nội dung cần phải thực hiện công tác dân vận của chính quyền; nhận thức của chính quyền các cấp về công tác dân vận được nâng lên rõ rệt.
- Kết quả thực hiện cải cách hành chính:
Tỉnh đã triển khai thực hiện tốt chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ; quyết tâm xây dựng một nền hành chính kiến tạo, phát triển, với phương châm: “Trách nhiệm - một cửa - thân thiện - hiệu lực - hiệu quả - đúng pháp luật - phù hợp lòng dân”, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo cho sự thành công của cải cách hành chính. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 16 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính với 507 thủ tục hành chính (trong đó, có 506 thủ tục hành chính cấp tỉnh và 01 thủ tục cấp xã) và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Tỉnh. Triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, gắn với thực hiện dịch vụ thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu chính.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 tăng 06 bậc so năm 2016, đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 7/13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 tăng 16 bậc, đứng 18/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm đạt điểm “trung bình cao”. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2017 đạt 87.57%, đứng hạng 11/63 (nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố cao hơn mức bình quân của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước là 80.9%).
- Các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện ở địa phương... Năm 2018, toàn Tỉnh đã xây dựng được 2.883 mô hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”, Tỉnh đã thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo: có 46/119 xã (38,6%) và thành phố Châu Đốc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài kinh phí phân bổ của nhà nước, các địa phương đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tích cực đóng góp cả về vật chất và công sức để chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Đã vận động quần chúng nhân dân tham gia đóng góp 1.870 tỉ đồng để xây dựng các công trình cầu đường, cất nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đại đoàn kết, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, khuyến học, khuyến tài và mua xe chuyển bệnh miễn phí...
- Về thực hiện tinh giản biên chế, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ: Tỉnh đã tinh giản được 135 công chức và 4.192 viên chức so với năm 2015, đạt 10,72%. Các cơ quan đã tiến hành xây dựng Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy đến năm 2020, cấp tỉnh giảm còn 18 sở, ngành, với 119 phòng và 07 chi cục, cấp huyện đang tiến hành sắp xếp.
- Công tác tiếp công dân, đối thoại, giải quyết kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo: Toàn tỉnh tiếp 6.232 lượt người và 04 đoàn đông người với 21 lượt. Tiếp nhận 1.795 đơn khiếu nại tố cáo, tăng 6,23% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả đã giải quyết 221/273 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 80,95%. Vẫn còn tình trạng người dân khiếu kiện ra Trung ương.
- Công tác phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền vững mạnh được triển khai có hiệu quả.
Đạt được kết quả nêu trên là do là tỉnh đã làm tốt việc quán triệt, triển khai thực hiện “Năm dân vận chính quyền” kịp thời, nội dung phù hợp, bám sát tình hình thực tiễn ở địa phương; tạo được sự đồng thuận cao trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, đảng viên. Nhận thức của cán bộ công chức và cán bộ đảng viên về công tác dân vận chính quyền có chuyển biến rõ rệt. Ý thức phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của cán bộ công chức được nâng lên, bước đầu đã khắc phục được tình trạng chậm việc, sót việc, quên việc trong cán bộ, công chức. Dân chủ được phát huy rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, nhất là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Việc triển khai thực hiện “Năm dân vận chính quyền” có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền và sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận và các đoàn thể. Hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tăng so với năm trước nhưng vẫn còn thấp; thu nhập bình quân đầu người bằng 67,5% cả nước (cả nước 55 triệu đồng); du lịch tăng trưởng tốt, lượng khách du lịch đông nhưng doanh thu còn thấp, công tác quản lý các hoạt động phục vụ du lịch từng lúc, từng nơi đạt hiệu quả chưa cao; hạ tầng và sản phẩm du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh về điểm và khu du lịch so với các địa phương trong vùng; chưa có doanh nghiệp đủ tầm để đầu tư đồng bộ các khu điểm du lịch để tăng thu ngân sách và giải quyết lao động trong tỉnh; quy mô công nghiệp chế biến còn nhỏ chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, chưa có sản phẩm mang tính đột phá. Thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc triển khai, ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ vào sản xuất. Giá trị tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh phụ thuộc chủ yếu từ sự tăng trưởng nhu cầu của các nước nhập khẩu ở mặt hàng gạo. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn đang ở bước sơ khai, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, với các mô hình quy mô nhỏ và vừa, chưa tạo ra sự khác biệt trong sản xuất nông nghiệp của An Giang so với các tỉnh khác. Cải cách hành chính chưa tạo được sự chuyển biến đồng bộ, mạnh mẽ từ cấp tỉnh đến cơ sở, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp diễn.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI:
1. Về kinh tế - xã hội:
Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh và các Chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế ổn định, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng; phấn đấu đến 2020 thu ngân sách của Tỉnh đạt trên 10.000 tỷ đồng; An Giang có thế mạnh về nông nghiệp, du lịch nên cần tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch, dịch vụ theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chủ động ứng phó và thích nghi hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, thu hút mạnh các nhà đầu tư chiến lược; tập trung đầu tư, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân nhất là vùng biên giới; thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
2. Về công tác Dân vận chính quyền:
- Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp phải thường xuyên quán triệt sâu sắc chủ trương; đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận. Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về dân vận thành các văn bản pháp luật; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác dân vận gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thực hiện. Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; xây dựng nòng cốt trong dân tộc, tôn giáo, vận động nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, an ninh trật tự; nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới.
- Thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức. Tập trung rà soát, giải quyết kịp thời, dứt điểm những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
- Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm việc sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, lấy kết quả phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đơn giản hóa, công khai hóa, minh bạch hóa mọi thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch... liên quan đến người dân. Thực hiện xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện; làm tốt cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
- Các cấp chính quyền, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; tuyên truyền, nhân rộng, lan tỏa mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, xây nhà đại đoàn kết...; tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
- Xây dựng, kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp theo chủ trương của Trung ương. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng để tập hợp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về cơ chế, chính sách tiếp cận đất đai (cơ chế để có quỹ đất sạch, cơ chế để thỏa thuận với người dân, cơ chế tập trung đất đai tốt) phát triển trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và An Giang: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách thu hút nguồn lực phát triển hệ thống giao thông, hỗ trợ cho sự phát triển của các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có An Giang.
3. Về hỗ trợ cụm tuyến dân cư tỉnh An Giang: Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 11662/VPCP-CN ngày 29 tháng 11 năm 2018.
4. Về đề nghị xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về các an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, chính sách người có công:
a) Về chính sách người có công: Giao Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách người có công, báo cáo cấp có thẩm quyền.
b) Về chính sách liên quan đến an sinh xã hội, bảo trợ xã hội cho các đối tượng, nhất là đối tượng lang thang, cơ nhỡ, tâm thần: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xử lý kiến nghị và hỗ trợ tỉnh An Giang triển khai các dự án liên quan đến những người lang thang cơ nhỡ, các đối tượng bảo trợ xã hội.
c) Về cơ chế, chính sách riêng cho vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan và địa phương liên quan nghiên cứu, xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Về việc tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ của các lực lượng chức năng để có bộ máy ổn định, khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: Giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, hướng dẫn tỉnh An Giang.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |