Sắc lệnh số 59 về việc ấn định thể lệ về việc thị thực các giấy tờ
Số hiệu: 59 Loại văn bản: Sắc lệnh
Nơi ban hành: Chủ tịch nước Người ký: Hồ Chí Minh
Ngày ban hành: 15/11/1945 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 24/11/1945 Số công báo: Số 10
Lĩnh vực: An ninh quốc gia, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

SẮC LỆNH

SỐ 59 CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VỀ VIỆC ẤN ĐỊNH THỂ LỆ VỀ VIỆC THỊ THỰC CÁC GIẤY TỜ

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu theo lời đề nghị của Tài chính Bộ trưởng;

Sau khi Hội đồng Chính phủ đồng ý,

RA SẮC LỆNH:

Điều thứ nhất: Trong các làng, quyền thị thực các giấy tờ, trước o hương chức trong làng thi hành, nay thuộc Uỷ ban nhân dân của làng.

Ở các thành phố, quyền thị thực trước do Trưởng phố hay Hộ phố thi hành, nay cũng thuộc về Uỷ ban Nhân dân hàng phố.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân sẽ phụ trách việc thị thực này, và phải đề cử một hay là hai Uỷ viên để thay mình khi vắng mặt, hoặc khi chính mình là người đương sự có giấy cần đem thị thực, hoặc khi người đương sự đối với mình có thân thuộc về trực hệ như cha mẹ, ông bà, vân vân, hay bàng hệ bày vai, chú bác, cô dì, anh em ruột và anh em thúc bá, hay là đối với mình là bố mẹ nuôi hay con nuôi.

Riêng ở các thành phố, chữ thị thực của Uỷ ban các phố phải có thêm Uỷ ban nhân dân thị xã chứng nhận. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã sẽ phụ trách việc chứng nhận này, hoặc cử một uỷ viên phụ trách thay mình.

Điều thứ hai: Các Uỷ ban có quyền thị thực tất cả các giấy mà trong địa phương mình, bất kỳ người đương sự làm giấy má ấy thuộc về quốc tịch nào.

Tuy nhiên, Uỷ ban thị thực phải là Uỷ ban ở trú quán một bên đương sự lập ước, và việc bất động sản phải là Uỷ ban ở nơi sở tại bất động sản. Nếu có nhiều bất động sản ở nhiều nơi khác nhau, thì giấy tờ làm ra về những bất động sản ấy phải do Uỷ ban mỗi nơi thị thực.

Điều thứ ba: Các Uỷ ban thị thực phải chịu trách nhiệm về việc thị thực không đúng về căn cước người đương sự, ngày tháng thị thực và quyền sở hữu trên bất động sản đem bán hay cầm cố. Nếu xảy ra thiệt hại đến tư nhân vì sự thị thực không đúng, công quỹ của làng hay là của thành phố phải bồi thường.

Điều thứ tư: Cho phép các Uỷ ban thị thực được thu một số tiền lệ định như sau này để sung vào công quỹ của làng hoặc của thành phố

A- Thị thực các khế ước chuyển dịch bất động sản :

Từ 1đ00 đến 1.000đ00 : 1%

- 1.000.01 - 2.000.00 : 0,75%

- 2.000.01 - 4.000.00 : 0,50%

- 4.000.01 - 10.000.00 : 0,25%

- 10.000.01 trở lên : 0,10%

Tiền lệ sẽ tính theo giá bất động sản biên trong khế ước. Nếu là khế ước đổi bất động sản lẵn cho nhau, thì sẽ tính tiền lệ theo giá của bất động sản to nhất.

B- Thị thực các khế ước khác :

Nhất luật lấy một tiền tệ là 1 đồng bạc mỗi khế ước dù khế ước làm thành bao nhiêu bản cũng vậy.

Điều thứ năm: Huỷ bỏ tất cả các điều lệ trong các Bộ dân luật, Luật điền thổ, và các điều lệ linh tinh khác, trái với Sắc lệnh này.

Điều thứ sáu: Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp có trách nhiệm thi hành Sắc lệnh này.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.