Sắc lệnh số 57 về việc cấm không được sản xuất, tàng trữ tiêu thụ rượu ta chế tạo bằng ngũ cốc
Số hiệu: 57 Loại văn bản: Sắc lệnh
Nơi ban hành: Chủ tịch nước Người ký: Hồ Chí Minh
Ngày ban hành: 10/11/1945 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 17/11/1945 Số công báo: Số 9
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

SẮC LỆNH

CẤM KHÔNG ĐƯỢC SẢN XUẤT, TÀNG TRỮ, TIÊU THỤ RƯỢU TA CHẾ TẠO BẰNG NGŨ CỐC CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI SỐ 57 NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 1945

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Xét tình thế hiện thời

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả luận,

RA SẮC LỆNH:

Điều thứ nhất: Cho đến khi có lệnh mới, trên toàn cõi Việt Nam, nhất thiết cấm không được sản xuất, tàng trữ, đài tải, tiêu thụ và mua bất cứ nhiều hay ít rượu ta hàng thường và hàng trên, chế tạo bằng ngũ cốc đó theo phương pháp cổ truyền hay khoa học.

Điều thứ hai: Trong hạn bảy ngày, sau khi các Uỷ ban địa phương nhận được số Công báo đăng sắc lệnh này và công bố cho dân biết, ai còn tàng trữ các thứ rượu nói ở điều thứ nhất, phải khai ngay với Sở thuế quan và Thuế gián thu (Thương chính) gần nhất. Rượu này sẽ dùng vào những thùng, hòm có dấu hiệu niêm phong của Sở Thuế quan và Thuế gián thu.

Tác dụng của các thứ rượu này sẽ do nghị định Bộ trưởng Bộ Tài chính ấn định sau.

Điều thứ ba: Những tội phạm vào điều thứ nhất sắc lệnh này sẽ bị trừng phạt như sau:

1- Tội sản xuất các thứ rượu kể trong điều thứ nhất: phạt tiền từ 200 đồng đến 2.000 đồng.

2- Tội bán tàng trữ hay đài tải các thứ rượu kể trong điều thứ nhất: phạt tiền từ 100 đến 1.000 đồng.

3- Tội mua hoặc tiêu thụ các thứ rượu kể trong điều thứ nhất: phạt tiền từ 10 đồng đến 200 đồng.

Nếu tái phạm các số tiền phạt sẽ tăng gấp đôi.

Điều thứ tư: Những người có rượu tàng trữ mà không khai trong hạn định ở điều thứ hai sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 200 đồng.

Điều thứ năm: Rượu sản xuất, tàng trữ, đài tải, tiêu thụ hay mua bán trái với Sắc lệnh này sẽ bị tịch thu cùng các khí cụ dùng để sản xuất, tàng trữ hay đài tải.

Điều thứ sáu: Việc kiểm nã để thi hành giao cho các Uỷ ban nhân dân địa phương, các Nha, Phòng, Sở Cảnh sát và Sở Thuế quan và Thuế gián thu.

Điều thứ bảy: Các Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân cả ba kỳ và Giám đốc và Thuế Gián thu chịu uỷ nhiệm thi hành Sắc lệnh.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.