Sắc lệnh số 147 về việc tổ chức bậc học cơ bản do Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành
Số hiệu: | 147 | Loại văn bản: | Sắc lệnh |
Nơi ban hành: | Chủ tịch nước | Người ký: | Huỳnh Thúc Kháng |
Ngày ban hành: | 10/08/1946 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 24/08/1946 | Số công báo: | Số 34 |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
SẮC LỆNH
VỀ TỔ CHỨC BẬC HỌC CƠ BẢN CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 147 NGÀY 10 THÁNG 8 NĂM 1946
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu theo Sắc lệnh số 44 ngày 10-10-45 thiết lập Hội đồng Cố vấn Học chính;
Chiểu theo Sắc lệnh số 146 ngày 10-8-46 tổ chức các bậc học trong toàn quốc;
Chiểu theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục;
Sau khi đã trình Ban thường trực Quốc hội và Hội đồng Chính phủ đã thoả hiệp,
RA SẮC LỆNH:
Bậc học cơ bản mục đích ban phát một cái học thức tối thiểu và có một cái giáo dục căn bản cho tất cả các trẻ em trai gái từ bảy tuổi trở lên.
Bậc học cơ bản không phải trả học phí và bắt đầu từ năm 1950 sẽ là bậc học cưỡng bách. Sự cưỡng bách ấy sẽ tuỳ theo tình trạng kinh tế và xã hội trong nước mà thi hành dần làm nhiều thời kỳ theo thủ tục do nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục ấn định sau.
Bậc học cơ bản sẽ dạy trong các trường cơ bản của Chính phủ hay của tư nhân hoặc đoàn thể mở ra. Những trường công do ngân sách xã, tỉnh hay kỳ đài thọ. Mỗi xã hay liên xã ít ra phải có một trường cơ bản đủ các lớp học.
Những trường cơ bản của tư nhân hay đoàn thể mở phải theo thể lệ do Bộ Quốc gia giáo dục ấn định, và phải đặt dưới quyền kiểm soát của Chính phủ.
Hạn học bậc cơ bản là 4 năm. Mỗi năm là một lớp. Các lớp gọi là: lớp nhất, lớp nhì, lớp ba, lớp tư. Học sinh không được học một lớp qua hai năm. Những lớp đặc biệt sẽ thu nhận các học sinh bất thường vì trí tuệ phát triển chậm chạp.
Những môn dạy trong chương trình bậc học cơ bản chia ra làm hai phần: một phần giáo huấn và một phần dưỡng dục. Phần giáo huấn dạy trẻ em những điều thường thức cần thiết để chúng có một cái học vấn tối thiểu và gồm các môn này: tập đọc, tập viết, học tiếng, văn phạm, chính tả, tập làm văn, lịch sử Việt Nam, địa dư và đặc biệt địa dự Việt Nam, tính và đo lường, khoa học thường thức cùng ứng dụng của nó vào vệ sinh, nông phố và công nghệ, những điều sơ lược về môn học dụng cụ (lớp cao đẳng).
Phần dưỡng dục luyện cho trẻ em những tập quán tốt và làm phát triển những năng khiếu về tinh thần cùng thân thể của chúng, mục đích cho chúng được lĩnh thụ một nền giáo dục tổng quát. Phần này có các môn đức dục và công dân giáo dục, vẽ, thủ công, thể dục, hát, trò chơi và hoạt động thiếu nhi có hướng dẫn. ở các trường cơ bản nữ học, dạy thêm nữ công (gia chánh và dương nhi). Tất cả các môn học tập đều dạy bằng Việt ngữ.
Học sinh xin vào các lớp cơ bản phải theo thể lệ hạn tuổi sau đây:
Lớp tư: từ 7 tuổi đến 10 tuổi Tuổi học tính đến ngày 31-12 năm xin vào học.
Lớp ba: từ 8 tuổi đến 11 tuổi
Lớp nhì: từ 9 tuổi đến 12 tuổi
Lớp nhất: từ 10 tuổi đến 13 tuổi
Trong thời kỳ chuyển tiếp, hạn tuổi có thể định rộng hơn do Nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ấn định.
Học hết bốn lớp cơ bản, học sinh sẽ thi tốt nghiệp giáo dục cơ bản sẽ do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn định.
Các lớp cơ bản con trai sẽ do nam giáo viên điều khiển, các lớp cơ bản con gái sẽ do nữ giáo viên trông nom trừ ra những trường hợp đặc biệt có thể dùng nữ giáo viên ở lớp dự bị và sơ đẳng trong một trường con trai.
Các nam nữ giáo viên ở các trường cơ bản phải quá 18 tuổi. Hiệu trưởng một trường cơ bản phải ít ra là 21 tuổi ngoài các điều kiện chuyên môn do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn định.
Điều thứ 12
Ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục chiểu Sắc lệnh thi hành.
|
Huỳnh Thúc Kháng (Đã ký)
|