Sắc lệnh số 132 về việc đặt ra Hội đồng sách giáo khoa và ấn định thủ tục kiểm duyệt và thẩm định các sách giáo khoa
Số hiệu: 132 Loại văn bản: Sắc lệnh
Nơi ban hành: Chủ tịch nước Người ký: Huỳnh Thúc Kháng
Ngày ban hành: 23/07/1946 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 03/08/1946 Số công báo: Số 31
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

SẮC LỆNH

VỀ ĐẶT RA HỘI ĐỒNG SÁCH GIÁO KHOA VÀ ẤN ĐỊNH THỦ TỤC KIỂM DUYỆT VÀ THẨM ĐỊNH SÁCH GIÁO KHOA CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ SỐ 132 NGÀY 23 THÁNG 7 NĂM 1946

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu theo thể lệ hiện hành về việc xuất bản;

Chiểu theo Sắc lệnh ngày 10 tháng 10 năm 1945 thiết lập Hội đồng Cố vấn Học chính;

Chiểu theo quyết nghị của Hội đồng cố vấn Học chính;

Chiểu theo lời đề nghị của Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng Giáo dục;

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả thuận,

RA SẮC LỆNH:

MỤC THỨ I

HỘI ĐỒNG SÁCH GIÁO KHOA

Điều thứ 1

Nay đặt một Hội đồng sách giáo khoa gồm có:

a/ Một vị đại diện ông bộ trưởng bộ Quốc gia Giáo dục

Chủ tịch

b/ Một vị đại diện ông bộ trưởng bộ Nội vụ

Hội viên

c/ Một số Giáo viên thuộc các bực Đại học, Trung học, tiểu học và các trường tư thục

-

d/ Những nhà chuyên môn (Nghệ sĩ, kỹ sư, v.v)

-

e/ Một đại biểu của hội phụ huynh học sinh

-

g/ Một viên chức của bộ Quốc gia Giáo dục

Thư ký

Các hội viên của Hội đồng sách Giáo khoa đều do ông bộ trưởng Bộ Quốc gia, giáo dục ra nghị định cử, trừ vị đại diện bộ Nội vụ do ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ cử và vị đại biểu của Hội phụ huynh học sinh do hội ấy cử.

Điều thứ 2

Hội đồng ấy có những nhiệm vụ này:

1- Đề nghị lên ông Bộ trưởng nguyên tắc và phương pháp chung về việc soạn các sách giáo khoa.

2- Đề nghị lên ông Bộ trưởng các sách giáo khoa cần phải soạn.

3- Đề cử các vị phụ trách về việc soạn sách.

4- Duyệt y những bản dự thảo các sách giáo khoa do các vị phụ trách nói trên đã soạn.

5- Kiểm duyệt các tác phẩm có mục đích giáo khoa theo thể lệ định ở mục thứ hai đạo Sắc lệnh này.

6- Đề nghị sự thẩm định và cấm dùng trong các trường các xuất bản phẩm có mục đích giáo khoa theo thể lệ định ở mục thứ ba và thứ tư đạo sắc lệnh này.

MỤC THỨ II

VIỆC KIỂM DUYỆT CÁC SÁCH GIÁO KHOA

Điều thứ 3

Trong thời kỳ các thể lệ về việc kiểm duyệt các xuất bản phẩm (sách, báo chí,.v.v.) còn thi hành, Hội đồng sách giáo khoa - trong ấy có một vị đại diện bộ Nội vụ dự vào - sẽ thay cho ty kiểm duyệt giữ nhiệm vụ kiểm duyệt các tác phẩm có mục đích giáo khoa, để dùng trong các bực học.

Điều thứ 4

Hội đồng sách Giáo khoa sẽ quyết nghị duyệt y hay không. Nếu duyệt y thì Bộ trưởng bộ Quốc gia Giáo dục sẽ chiểu quyết nghị của Hội đồng mà ra nghị định cho phép xuất bản.

MỤC THỨ III

VIỆC THẨM ĐỊNH CÁC SÁCH KHOA

Điều thứ 5

Một xuất bản phẩm (sách, báo, tạp chí, địa đồ, bản đồ, v.v) muốn được chuẩn nhận cho dùng trong các trường công phải được bộ Quốc gia Giáo dục thẩm định.

Một tác phẩm đã được Hội đồng sách giáo khoa duyệt y, theo Điều thứ hai, đoạn thứ tư nói trên, được coi như là Bộ Quốc gia Giáo dục đã thẩm định.

Điều thứ 6

Một tác giả, một nhà xuất bản, một giáo viên muốn xin thẩm định một tác phẩm nào, phải làm đơn gửi lên ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giao dục và gửi kèm 5 bản tác phẩm ấy.

Điều thứ 7

Ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục tác phẩm ấy cho Hội đồng sách giáo khoa xét và quyết nghị việc nên thẩm định hay không. Tác giả quyển sách đem ra xét không được dự vào Hội đồng ấy.

Điều thứ 8

Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục chiểu theo điều quyết nghị của Hội đồng, sẽ ra nghị định thẩm định tác phẩm ấy.

Những sách đã được duyệt y và những sách đã được thẩm định phải in rõ ở ngoài bìa số và ngày nghị định thẩm định là sách giao khoa.

Điều thứ 9

Khi một tác phẩm không được thẩm định, tác giả hoặc người xuất bản có thể khiếu nại lên Hội đồng Cố vấn Học chính, Hồ sơ về việc xét tác phẩm ấy (các bản đã gửi đến, tờ báo cáo của vị phụ trách việc xét tác phẩm ấy, biên bản buổi họp của Hội đồng sách Giáo khoa đã xét về việc thẩm định tác phẩm ấy) sẽ chuyển giao cho Hội đồng Cố vấn Học chính xét lại và quyết định.

MỤC THỨ IV

VIỆC CẤM DÙNG MỘT TÁC PHẨM TRONG CÁC TRƯỜNG

Điều thứ 10

Nếu xét ra một tác phẩm có phương hại cho nền giáo dục của thanh niên, tác phẩm ấy có thể bị cấm dùng ???

Điều thứ 11

Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục, khi nhận được sự đề - khởi cấm dùng một quyển sách, giao cho "Hội đồng sách giáo khoa" xét và quyết nghị nên cấm hay không. Tác giả quyển sách đem ra xét không được dự Hội đồng này.

Điều thứ 12

Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục, chiểu theo quyết nghị của Hội đồng sẽ ra nghị định cấm và thông tư cho nhà xuất bản và các hiệu trưởng các trường.

Điều thứ 13

Khi một tác phẩm bị cấm, tác giả hoặc nhà xuất bản có thể khiếu nại lên Hội đồng Cố vấn Học chính theo thủ tục định ở Điều thứ 9.

MỤC THỨ V

VIỆC XÉT CÁC SÁCH TÁI BẢN

Điều thứ 14

Mỗi lần tái bản một tác phẩm đã được thẩm định, tác giả hoặc nhà xuất bản phải gửi đến Bộ Giáo dục hai bản tác phẩm ấy.

Điều thứ 15

Nếu xét ra cần, ông Bộ trưởng bộ Giáo dục có thể đưa tác phẩm tái bản ấy cho "Hội đồng sách Giáo khoa" xét lại. Hội đồng có thể bãi bỏ sự thẩm định trước, nhưng phải làm tờ báo cáo nói rõ lý do sự quyết định ấy. Sau khi nhận được bản thông tri sự quyết định ấy, tác giả hoặc nhà xuất bản có thể khiếu nại lên Hội đồng Cố vấn Học chính theo thủ tục định ở Điều thứ 9.

Điều thứ 16

Khi tái bản một tác phẩm đã bị cấm dùng trong các trường, tác giả hoặc người xuất bản có thể xin bãi bỏ sự cấm ấy. Muốn thế, phải làm đơn gửi lên ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và gửi kèm 5 bản tác phẩm tái bản, ông Bộ trưởng giao tác phẩm ấy cho Hội đồng sách giáo khoa xét và quyết định. Sau khi nhận được tờ thông tri về sự quyết định ấy, tác giả hoặc nhà xuất bản có thể khiếu nại lên Hội đồng cố vấn học chính theo thủ tục định ở Điều thứ 9.

Điều thứ 17

Vào cuối mỗi niên học, ông Bộ trưởng sẽ cho làm một bản liệt kê các tác phẩm đã được thẩm định hoặc bị cấm dùng trong các trường, số đăng vào Việt Nam công báo và thông đạt đi các trường.

Điều thứ 18

Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Quốc gia giáo dục, chiểu Sắc lệnh thi hành.

 

Huỳnh Thúc Kháng

(Đã ký)

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.