Quyết định 998/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025
Số hiệu: 998/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Hoàng Trung Hải
Ngày ban hành: 10/07/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 998/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ DUNG QUẤT, TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật xây dựng năm 2003 và Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất (gọi tắt là Khu kinh tế) bao gồm: phần diện tích Khu kinh tế hiện nay (10.300 ha), phần diện tích đất mở rộng khoảng 24.280 ha và khoảng 10.752 ha diện tích mặt biển.

Phạm vi nói trên bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các xã Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải, Bình Phước, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Dương, Bình Thanh Đông, Bình Thanh Tây, Bình Tân, Bình Châu, Bình Thới, thị trấn Châu Ổ, huyện đảo Lý Sơn và một phần đất các xã Bình Long, Bình Nguyên, Bình Hiệp, Bình Trung thuộc huyện Bình Sơn; các xã Tịnh Phong, Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ và một phần đất của xã Tịnh Thọ thuộc huyện Sơn Tịnh.

Tổng diện tích nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế là khoảng 45.332 ha có ranh giới xác định như sau:

- Phía Đông giáp biển Đông;

- Phía Tây giáp đường sắt Bắc Nam;

- Phía Nam giáp ranh giới quy hoạch mở rộng thành phố Quảng Ngãi;

- Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam.

Ranh giới cụ thể của Khu kinh tế sau khi điều chỉnh sẽ được xác định trong đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế.

2. Tính chất

- Là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: công nghiệp – thương mại – dịch vụ - du lịch – đô thị và nông lâm ngư nghiệp. Trong đó trọng tâm là công nghiệp lọc dầu, hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo: luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng nước sâu Dung Quất và Mỹ Hàn.

- Là một trong các trung tâm đô thị công nghiệp dịch vụ cảng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

- Là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

- Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.

3. Quy mô dân số và đất đai

- Diện tích đất xây dựng đô thị và công nghiệp trong Khu kinh tế dự kiến khoảng 15.000 ha. Trong đó đất xây dựng đô thị và điểm dân cư nông thôn khoảng 4.500 ha, đất công nghiệp khoảng 8.500 ha, đất phát triển dịch vụ du lịch khoảng 2.000 ha.

- Quy mô dân số:

+ Hiện trạng 2007: dân số toàn vùng khoảng 255.000 người.

+ Dự báo đến 2015: dân số khoảng 330.000 người, trong đó dân cư đô thị chiếm khoảng 120.000 người.

+ Dự báo đến 2025: dân số khoảng 485.000 người, trong đó dân cư đô thị khoảng 320.000 người.

4. Các chỉ tiêu kỹ thuật

- Chỉ tiêu đất dân dụng đến năm 2015 khoảng 80 m2/người, đến năm 2025 khoảng 78m2/người; trong đó:

+ Chỉ tiêu đất ở đến năm 2015 khoảng 56 m2/người và đến năm 2025 khoảng 45 m2/người;

+ Chỉ tiêu đất cây xanh đến năm 2015 khoảng 8 m2/người và đến năm 2025 khoảng 12 m2/người.

+ Chỉ tiêu đất giao thông đến năm 2015 khoảng 12 m2/người và đến năm 2025 khoảng 20 m2/người.

+ Chỉ tiêu đất công trình công cộng và dịch vụ đến năm 2015 khoảng 4 m2/người và đến năm 2025 khoảng 5 m2/người.

- Các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật áp dụng theo yêu cầu của quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành đối với đô thị loại II và các khu công nghiệp tập trung. Khuyến khích tư vấn nghiên cứu, áp dụng các chỉ tiêu kỹ thuật theo chuẩn quốc tế, nhưng phải bảo đảm phù hợp với điều kiện của Khu kinh tế, theo hướng hiện đại, mang tầm quốc tế, nhưng phải được Bộ Xây dựng xem xét, chấp thuận.

5. Phân khu chức năng và tổ chức không gian đô thị

a) Định hướng phát triển không gian và phân khu chức năng:

- Nghiên cứu phát triển không gian đô thị phải bảo đảm mối liên kết với các không gian kinh tế lân cận (Khu kinh tế mở Chu Lai, thành phố Quảng Ngãi), tổ chức không gian đô thị phải đáp ứng yêu cầu, phù hợp điều kiện địa hình tự nhiên, trên cơ sở khai thác tối đa các khu vực thuận lợi cho xây dựng, tránh các ảnh hưởng bất lợi như bão lũ hoặc nước biển dâng;

- Đề xuất các định hướng phát triển chính gắn liền với các khu chức năng và trung tâm chủ yếu bao gồm: các khu đô thị như Vạn Tường, Dốc Sỏi, Châu Ổ – Bình Long … các khu dân cư ngoài đô thị như khu dân cư dọc sông Trà Bồng, khu dân cư Tịnh Phong, Lý Sơn…, các khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu du lịch, các khu vực bố trí đầu mối hạ tầng, khu cây xanh cảnh quan, mặt nước, khu vực nông nghiệp sinh thái – công nghệ cao…Tính toán xác định vị trí và quy mô phát triển cho từng khu chức năng cụ thể;

- Các điểm dân cư nông thôn cần được bố trí gắn liền với các khu vực sản xuất canh tác, phải có các điều kiện hạ tầng xã hội và kỹ thuật phù hợp đảm bảo tránh các ảnh hưởng do lũ quét và thiên tai khác.

b) Tổ chức không gian kiến trúc:

- Xác định vị trí và tổ chức không gian các khu trung tâm đô thị, xác định các vùng kiến trúc cảnh quan có tầm quan trọng như các trung tâm, các cửa ngõ vào Khu kinh tế, các tuyến phố trục không gian chính, các khu vực quảng trường, cây xanh… tạo các điểm nhấn trong đô thị. Đặc biệt cần đề xuất giải pháp kết nối về mặt không gian kiến trúc của thành phố Quảng Ngãi với Khu kinh tế mở Chu Lai, tạo được bản sắc riêng biệt mà vẫn hài hòa thống nhất không gian đô thị trong vùng;

- Tổ chức không gian các điểm dân cư nông thôn, đáp ứng yêu cầu về nâng cao điều kiện sống, giữ vững được nét đặc thù của văn hóa địa phương.

6. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật

- Hệ thống giao thông của Khu kinh tế phải đảm bảo gắn kết với hệ thống hạ tầng liên quan của quốc gia, có sự kết nối với các khu vực trọng điểm kinh tế của vùng, đáp ứng yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

- Đánh giá tổng hợp đất xây dựng trên toàn bộ phần mở rộng, xác định các khu vực có nguy cơ về thiên tai cần hạn chế xây dựng. Lựa chọn xác định cao độ nền xây dựng bám sát địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa việc san gạt, đào đắp. Đề xuất các giải pháp phòng chống thiên tai lũ lụt, sạt lở, tôn tạo cảnh quan môi trường, các giải pháp thoát nước mưa…;

- Xác định nguồn và các giải pháp cấp điện cho toàn bộ Khu kinh tế tương ứng với các dự án phát triển nguồn điện lưới của quốc gia. Thiết kế mạng lưới cấp điện trên cơ sở dự báo nhu cầu sử dụng cho các khu chức năng theo từng giai đoạn;

- Khảo sát đánh giá về tài nguyên nước trên địa bàn, khả năng về trữ lượng và chất lượng nước để có giải pháp cấp nước phù hợp. Đề xuất các giải pháp khai thác có kèm theo các biện pháp bảo vệ nguồn nước;

- Xác định nhu cầu về xử lý nước thải và chất thải rắn, nhu cầu về đất nghĩa trang. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thoát nước thải và vệ sinh môi trường phù hợp với đặc điểm của vùng quy hoạch.

- Đánh giá môi trường chiến lược đối với các quy hoạch, các dự án, kế hoạch phát triển trong Khu kinh tế theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường khi phát triển và bảo đảm giữ gìn môi trường, sinh thái cảnh quan khu vực, phát triển ổn định, bền vững.

7. Chương trình, dự án ưu tiên đầu tư

Xây dựng danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư phù hợp với dự báo nguồn lực; đề xuất các cơ chế, chính sách quản lý thực hiện quy hoạch.

8. Thành phần hồ sơ

Thực hiện theo Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng và các quy định hiện hành về hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng. Để nâng cao tính thuyết phục và hiệu quả đồ án, khuyến khích tổ chức tư vấn nghiên cứu, thể hiện nhiều bản vẽ, sơ đồ, minh họa chi tiết cho từng ý tưởng phát triển các khu chức năng với chất lượng và phương pháp tiếp cận quốc tế.

9. Tổ chức thực hiện

- Cơ quan quản lý dự án quy hoạch: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi;

- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi;

- Cơ quan nghiên cứu, đề xuất quy hoạch: Tổ chức tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài kết hợp nghiên cứu lập đồ án;

- Cơ quan thẩm định và trình duyệt: Bộ Xây dựng;

- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ;

- Thời gian lập đồ án: 12 tháng sau khi Nhiệm vụ được phê duyệt.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí và phối hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành liên quan tổ chức lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện điều chỉnh Quy hoạch sau khi được phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTgCP,
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi;
- BQL Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, ĐP;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG  




Hoàng Trung Hải

 





Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng Ban hành: 24/01/2005 | Cập nhật: 06/12/2012