Quyết định 994/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Đề án Xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết năm 2018-2019
Số hiệu: | 994/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hà Nam | Người ký: | Trương Minh Hiến |
Ngày ban hành: | 21/06/2018 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 994/QĐ-UBND |
Hà Nam, ngày 21 tháng 6 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG MÔ HÌNH ĐIỂM NUÔI CÁ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ “SÔNG TRONG AO” SẢN XUẤT THEO CHUỖI LIÊN KẾT NĂM 2018-2019
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 06 năm 2015;
Căn cứ Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;
Theo Quyết định số 1204/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Kế hoạch số 1281/KH-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016- 2025, định hướng đến năm 2035;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 89/TTr-SNN ngày 17 tháng 5 năm 2018, đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 772/TTr-SKHĐT ngày 13 tháng 6 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ cao “Sông trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết năm 2018-2019, với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên đề án: Xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết năm 2018-2019”.
2. Đơn vị lập Đề án: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Mục tiêu:
a) Mục tiêu chung:
Góp phần phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh theo hướng ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và hiệu quả, sức cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; nâng cao đời sống của nhân dân.
b) Mục tiêu cụ thể:
Đến năm 2019, toàn tỉnh xây dựng 8 mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ cao “Sông trong ao” tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với tổng diện tích khoảng 19,55 ha, sản lượng cá thương phẩm từ 45 tấn/mô hình/năm trở lên; tổng sản lượng cá thương phẩm của các mô hình đạt khoảng 360 tấn/năm trở lên với giá trị sản xuất khoảng 27.888 triệu đồng/năm.
4. Xây dựng mô hình:
a) Tiêu chí lựa chọn địa điểm, cá nhân, tổ chức tham gia Đề án:
- Tiêu chí lựa chọn địa điểm: Lựa chọn các vùng quy hoạch NTTS của tỉnh, có số lượng các hộ tham gia nuôi trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản lớn để có thể nhân rộng trong các năm sau.
- Tiêu chí lựa chọn cá nhân, tổ chức tham gia đề án: Là cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã tự nguyện tham gia xây dựng mô hình, có diện tích ao nuôi từ 01 ha trở lên; có khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào NTTS theo hình thức thâm canh; cam kết có đủ điều kiện về vốn, nguồn nhân lực ... đảm bảo để đầu tư thực hiện mô hình.
b) Quy mô, phương thức sản xuất của mô hình:
Xây dựng các mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao “Sông trong ao”, liên kết sản xuất từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với quy mô như sau:
- Diện tích ao nuôi tối thiểu từ 01 ha trở lên, có độ sâu mực nước từ 2 - 3 m. Mô hình chia làm 02 phần: Phần thứ nhất xây dựng 02 bể có thể tích khoảng 250m3/bể (kích thước 25 x 5 x 2 m) để nuôi cá theo công nghệ “Sông trong ao” nhằm tạo ra môi trường nước trong sạch và dòng chảy liên tục trong ao bằng hệ thống máng (bể) nuôi với thiết bị thổi khí nén, thiết bị đảo nước tạo oxy... để nuôi cá (Đối với diện tích ao lớn hơn 01 ha, các Hợp tác xã (HTX), hộ gia đình, cá nhân có thể xây dựng thêm các bể nuôi cá). Phần diện tích ao còn lại dùng để chứa nước và xử lý nước trước khi cấp tuần hoàn cho các bể nuôi. Sử dụng chế phẩm sinh học EM, chất cải tạo môi trường và một số loại cá ăn lọc làm sạch nước.
- Đối tượng nuôi chủ yếu: cá trắm cỏ, cá chép lai, cá rô phi Đường Nghiệp hoặc cá Diêu Hồng. Mật độ nuôi: cá trắm cỏ 10.000 con/bể; cá chép lai 12.000 con/bể; cá rô phi Đường Nghiệp, cá Diêu Hồng: 18.000-20.000 con/bể. Năng suất dự kiến khoảng 15-20 tấn cá thương phẩm/bể, tương đương khoảng 30-45 tấn/vụ nuôi.
5. Kế hoạch xây dựng mô hình sản xuất:
a) Năm 2018: Triển khai thực hiện 02 mô hình điểm tại huyện Lý Nhân và huyện Bình Lục với diện tích khoảng 7,25 ha (Huyện Bình Lục 4 ha; Lý Nhân 3,25 ha), từ đó rút kinh nghiệm triển khai 06 mô hình trong năm 2019.
c) Năm 2019: Triển khai thực hiện 06 mô hình, tổng diện tích khoảng 12,3 ha, cụ thể:
- Huyện Duy Tiên xây dựng 02 mô hình với diện tích khoảng 2,1 ha.
- Huyện Lý Nhân xây dựng 01 mô hình với diện tích khoảng 3,3 ha.
- Huyện Kim Bảng xây dựng 02 mô hình với diện tích khoảng 5,4 ha.
- Thành phố Phủ Lý xây dựng 01 mô hình với diện tích khoảng 1,5 ha.
6. Giải pháp thực hiện:
a) Giải pháp về kỹ thuật:
- Về chuyển giao công nghệ, kỹ thuật: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì liên hệ và thuê cán bộ kỹ thuật của HTX Thủy sản của các tỉnh đã có nhiều kinh nghiệm phát triển mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” như HTX thủy sản Xuyên Việt ở tỉnh Hải Dương... để tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật xây dựng, vận hành bể, ao nuôi cá “Sông trong ao” cho các hộ tham gia mô hình.
- Về giống: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu các đơn vị cung cấp giống có uy tín, tin cậy và có kinh nghiệm, đảm bảo năng suất, chất lượng và an toàn dịch bệnh như: Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Công ty cổ phần Giống cây trồng Hải Dương ...
- Về thức ăn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu các công ty sản xuất thức ăn công nghiệp hỗn hợp hoàn chỉnh có uy tín trong và ngoài tỉnh như Cargill, Dabaco, Kinh Bắc..., đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng theo yêu cầu từng giai đoạn phát triển của cá và nằm trong Danh mục được phép lưu hành do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành để các hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có căn cứ lựa chọn được nhà cung cấp thức ăn có chất lượng, giá thành thấp.
- Về hóa chất, chế phẩm xử lý nước trong bể, ao nuôi: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử cán bộ hướng dẫn, tư vấn cho các hộ dân sử dụng các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nước ao nuôi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nằm trong Danh mục hàng hóa được phép lưu hành do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
- Về chăm sóc, quản lý: Các chuyên gia kỹ thuật của các HTX chăn nuôi thủy sản của tỉnh Hải Dương sẽ hướng dẫn, tư vấn cho các hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân quy trình chăm sóc, quản lý ao nuôi từ khâu lựa chọn giống đến tiêu thụ.
- Về phòng chống dịch bệnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương thường xuyên quản lý, giám sát dịch bệnh; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng, trị bệnh.
c) Giải pháp về thị trường tiêu thụ:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu các doanh nghiệp, tổ chức có uy tín ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các cá nhân, hộ gia đình, HTX tham gia đề án; Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các chủ mô hình tổ chức sản xuất, ký hợp đồng cung ứng, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các tổ chức, cá nhân như: HTX Thủy sản Xuyên Việt- xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương; HTX Thủy sản Hòa Phong- xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên...; tổ chức cho các chủ cơ sở tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.
d) Giải pháp về tuyên truyền, vận động: Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông đến các huyện, xã, thôn xóm để tuyên truyền vận động cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia vào mô hình của đề án.
e) Giải pháp về cơ chế, chính sách:
- Hỗ trợ một lần 50% kinh phí mua cá giống và 30% kinh phí mua vật tư (chế phẩm xử lý môi trường, thuốc phòng chữa bệnh), tối đa không quá 210,25 triệu đồng/mô hình.
+ Điều kiện: Mỗi mô hình xây dựng tối thiểu từ 02 bể nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” trở lên.
+ Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu tư.
- Hỗ trợ tập huấn chuyển giao kỹ thuật: Hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật “Sông trong ao” cho các hộ tham gia đề án. Hướng dẫn các hộ gia đình của hợp tác xã quy trình sản xuất từ lựa chọn giống đến chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn và có hiệu quả cao.
7. Hiệu quả của Đề án
a) Hiệu quả về kinh tế
- Hình thành mô hình sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm thủy sản lớn an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với thương hiệu của tỉnh. Lợi nhuận của mô hình nuôi cá công nghệ “Sông trong ao” với 2 bể nuôi trên diện tích 01 ha đạt khoảng 220 triệu đồng ở vụ nuôi thứ nhất và sau khi đi vào hoạt động ổn định từ vụ thứ hai trở đi đạt khoảng 620 triệu đồng gấp khoảng 8-9 lần sản xuất theo truyền thống.
- Mỗi năm các mô hình sản xuất tạo ra khối lượng khoảng 360 tấn cá đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), giá trị sản xuất đạt khoảng gần 28 tỷ đồng trong vùng thực hiện Đề án, dễ tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài tỉnh đáp ứng yêu cầu của công ty, doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
b) Hiệu quả về mặt xã hội, môi trường
- Nâng cao thu nhập cho người nông dân tại các hộ, cá nhân tham gia mô hình; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường.
- Đề án được thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững.
8. Kinh phí thực hiện Đề án
a) Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề án: 17.051,9 triệu đồng (Mười bảy tỷ không trăm năm mươi mốt triệu chín trăm nghìn đồng), trong đó:
- Vốn hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã: 15.162,0 triệu đồng.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ: 1.889,9 triệu đồng, bao gồm:
+ Kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân là: 210,25 triệu đồng/mô hình x 8 mô hình= 1.682,0 triệu đồng.
+ Kinh phí đào tạo tập huấn kỹ thuật, chi khác: 207,9 triệu đồng.
(Nguồn kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm và nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp năm 2017 chuyển sang năm 2018).
b) Phân kỳ đầu tư:
- Năm 2018: 4.263,45 triệu đồng, trong đó:
+ Vốn của dân: 3.790,5 triệu đồng.
+ Vốn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ: 472,95 triệu đồng.
- Năm 2019: 12.788,45 triệu đồng, trong đó:
+ Vốn của dân: 11.371,5 triệu đồng.
+ Vốn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ: 1.416,95 triệu đồng.
9. Thời gian thực hiện Đề án: Năm 2018-2019.
10. Tổ chức thực hiện:
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hợp tác xã tham gia thực hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp cùng các Sở Tài chính và các Sở ngành liên quan tổ chức nghiệm thu các hỗ trợ cho các đối tượng tham gia Đề án.
- Định kỳ tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện và đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án.
c) Sở Tài chính:
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án; Hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh, quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.
d) Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người nuôi thủy sản áp dụng công nghệ nuôi cá “Sông trong ao” vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả; hướng dẫn các HTX xây dựng thương hiệu, mã vạch, truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ sản phẩm.
e) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân các xã triển khai xây dựng mô hình phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện các nội dung dự án đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ đề ra.
f) Các hộ nông dân, hợp tác xã tham gia đề án:
- Sử dụng đúng mục đích các khoản hỗ trợ đầu tư từ nhà nước đảm bảo hiệu quả cao nhất.
- Thực hiện quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ nuôi cá “Sông trong ao” theo hướng dẫn, đào tạo, tập huấn của chuyên gia, cán bộ kỹ thuật.
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ cùng Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát và bám sát tình hình thực tế giải quyết khó khăn, vướng mắc kịp thời. Sau khi thực hiện 02 mô hình điểm tại huyện Lý Nhân và huyện Bình Lục, tổ chức đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm làm cơ sở báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai 06 mô hình còn lại.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Kế hoạch 1281/KH-UBND năm 2017 triển khai Quyết định 10/2017/QĐ-TTg về Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Kon Tum Ban hành: 17/05/2017 | Cập nhật: 02/11/2018
Thông tư 43/2017/TT-BTC về quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 Ban hành: 12/05/2017 | Cập nhật: 12/05/2017
Kế hoạch 1281/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU về đẩy mạnh Công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2025 định hướng đến 2035 Ban hành: 16/06/2016 | Cập nhật: 28/06/2016