Quyết định 978/QĐ-UBND năm 2009 về quy chế hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Hưng Yên
Số hiệu: 978/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên Người ký: Nguyễn Bật Khách
Ngày ban hành: 21/05/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 978/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 21 tháng 5 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI KIỂM TRA LIÊN NGÀNH VỀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM TỈNH HƯNG YÊN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; Thông tư số 05/2006/TT-BLĐTBXH ngày 22/6/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm;

Căn cứ Quyết định số 916/QĐ-UBND ngày 08/5/2007 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc thành lập Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Hưng Yên;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 290/TT-LĐTBXH ngày 15/4/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Hưng Yên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các thành viên Đội kiểm tra liên ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Bật Khách

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI KIỂM TRA LIÊN NGÀNH VỀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 978/QĐ-UBND ngày 21/5/2009 của UBND tỉnh Hưng Yên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động, quy trình kiểm tra, thủ tục xử phạt, điều kiện, phương tiện hoạt động, chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật và công tác tổng hợp, báo cáo của Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (sau đây gọi tắt là Đội Kiểm tra liên ngành 178) được thành lập theo Quyết định số 916/QĐ-UBND ngày 08/5/2007 của UBND tỉnh Hưng Yên.

Điều 2. Cơ cấu tổ chức

1. Đội Kiểm tra liên ngành có Đội trưởng, Đội phó và các thành viên là cán bộ của các ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Y tế, mời tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Đội làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Đội trưởng trực tiếp điều hành và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về toàn bộ hoạt động của Đội. Đội phó chịu trách nhiệm trước Đội trưởng về lĩnh vực được phân công phụ trách. Các thành viên chịu trách nhiệm trước Đội trưởng và Đội phó về thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Các thành viên của Đội được UBND tỉnh cấp Thẻ Kiểm tra để sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

4. Việc bổ sung, thay thế Đội trưởng, Đội phó và các thành viên của Đội kiểm tra liên ngành do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 3. Đội Kiểm tra liên ngành thực hiện chức năng kiểm tra, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Điều 4. Đối tượng kiểm tra

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng dẫn tới hoạt động mại dâm (có sử dụng lao động là vũ nữ, tiếp viên, nhân viên phục vụ nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, ăn uống, giải trí, thư giãn, chăm sóc sức khỏe) bao gồm: Các cơ sở kinh doanh cho thuê lưu trú (Nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ, nhà cho thuê...), Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác như: Nhà hàng, Massage, xông hơi, xoa bóp, tắm nóng lạnh, cắt tóc - gội đầu, tẩm quất thư giãn, quán cà phê, giải khát, vũ trường, karaoke...; các cơ sở kinh doanh dịch vụ có thể gián tiếp dẫn tới hoạt động mại dâm như: Kinh doanh băng, đĩa hình, thẻ nhớ, Internet, trò chơi điện tử, các dịch vụ văn hóa và các hình thức vui chơi giải trí khác.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 5. Nhiệm vụ

1. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch kiểm tra phải xác định rõ nội dung kiểm tra, thời gian, tiến độ thực hiện, phân công trách nhiệm cụ thể của từng thành viên.

2. Tổ chức theo dõi, khảo sát nắm chắc tình hình, địa bàn hoạt động để có kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng dẫn tới hoạt động mại dâm.

3. Khi kiểm tra, phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật phải yêu cầu đương sự dừng ngay hành vi vi phạm, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, xác lập đầy đủ hồ sơ vi phạm; đề xuất hình thức xử phạt và chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền xử lý. Đối với trường hợp vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan chức năng để tiến hành truy tố theo quy định của pháp luật.

4. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ để tránh chồng chéo và nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra. Chủ động đề xuất với các ngành chức năng của tỉnh các biện pháp quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh.

5. Chủ trì làm việc với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho các Đội Kiểm tra liên ngành của huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong việc phối hợp thực hiện kế hoạch kiểm tra trên phạm vi toàn tỉnh và ở từng địa bàn.

6. Định kỳ 6 tháng, hàng năm, tổng hợp tình hình, kết quả hoạt động báo cáo UBND tỉnh, và các ngành chức năng liên quan.

Điều 6. Quyền hạn

1. Đội Kiểm tra liên ngành có quyền yêu cầu chủ hoặc người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ chấp hành quyết định kiểm tra và cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, nội dung liên quan đến việc kiểm tra; hợp tác với Đội trong quá trình thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

2. Đội Kiểm tra liên ngành được liên hệ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan để xác minh, thu thập thông tin phục vụ điều tra và yêu cầu phối hợp, hỗ trợ trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

3. Đội Kiểm tra liên ngành có quyền lập biên bản khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính; thực hiện tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; thực hiện khám người, khám phương tiện, đồ vật theo thủ tục hành chính, quyết định khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có) theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

4. Trong khi thi hành nhiệm vụ, Đội Kiểm tra liên ngành được sử dụng phương tiện kỹ thuật để ghi lại tang chứng và chỉ sử dụng kết quả ghi được làm hồ sơ vụ việc, không được đưa tin khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền.

Chương III

NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG, THỦ TỤC XỬ PHẠT

Điều 7. Nguyên tắc hoạt động

1. Đội Kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra theo chương trình, kế hoạch hàng năm được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Chương trình, kế hoạch kiểm tra phải được bảo mật theo quy định hiện hành.

2. Trường hợp có đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân về tình hình hoạt động mại dâm, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đề nghị của các cơ quan chức năng có liên quan hoặc do yêu cầu công việc, cần kiểm tra đột xuất, Đội trưởng Đội Kiểm tra liên ngành quyết định và chỉ đạo tiến hành kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, sau đó báo cáo kết quả kiểm tra với Chủ tịch UBND tỉnh và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về quyết định của mình.

3. Đội Kiểm tra liên ngành chỉ được tiến hành kiểm tra (thường xuyên và đột xuất) khi có từ 03 thành viên trở lên và phải đảm bảo thành phần cần thiết cho việc lập biên bản, xử lý vi phạm. Thành phần tham gia kiểm tra do Đội trưởng hoặc Đội phó phụ trách (theo sự phân công của Đội trưởng) triệu tập và chủ trì thực hiện. Việc kiểm tra phải được tiến hành đúng các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, các thành viên của Đội Kiểm tra liên ngành phải xuất trình Thẻ Kiểm tra khi thi hành nhiệm vụ.

4. Trong quá trình kiểm tra, các thành viên Đội Kiểm tra liên ngành phải chấp hành sự chỉ đạo, phân công của Đội trưởng hoặc Đội phó phụ trách; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không được gây khó khăn, cản trở cho các hoạt động bình thường của cơ sở kinh doanh dịch vụ và chịu trách nhiệm về các quyết định xử lý vi phạm của mình.

5. Chế độ họp: Đội Kiểm tra liên ngành họp hàng tháng đối với các thành viên trực tiếp tham gia các đợt công tác trong tháng; họp toàn Đội định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, kết quả hoạt động và họp Đội đột xuất khi cần thiết.

6. Chế độ báo cáo: Đội Kiểm tra liên ngành thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình, kết quả hoạt động của Đội và báo cáo nhanh về các vụ việc đột xuất, có tính chất phức tạp với UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan để chỉ đạo, phối hợp xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Điều 8. Thủ tục xử phạt

1. Căn cứ biên bản vi phạm hành chính được lập đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, Đội Kiểm tra liên ngành họp, lập biên bản và có hình thức xử lý phù hợp hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm theo quy định tại Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ.

2. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác có liên quan, Đội Kiểm tra liên ngành họp, lập biên bản đề xuất hình thức xử lý và chuyển hồ sơ vụ việc đến các cơ quan chức năng xử phạt theo thẩm quyền quy định tại Điều 38 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các quy định hiện hành.

3. Đối với trường hợp vụ việc có hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý của cơ quan chức năng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì Đội Kiểm tra liên ngành báo cáo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội làm việc với các ngành chức năng đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

Chương IV

KINH PHÍ, PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH

Điều 9. Kinh phí

1. Kinh phí hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành do ngân sách tỉnh đảm bảo, được bố trí trong dự toán kế hoạch hàng năm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành thực hiện theo quy định của chế độ tài chính hiện hành.

2. Nguồn kinh phí thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn mại dâm thực hiện theo quy định hiện hành, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Điều 10. Phương tiện hoạt động

Đội Kiểm tra liên ngành được trang bị các phương tiện, công cụ hỗ trợ khi thi hành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trong việc sử dụng và bảo quản phương tiện được trang bị.

Điều 11. Chế độ, chính sách

1. Đội Kiểm tra liên ngành được hưởng chế độ bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.

2. Thành viên Đội Kiểm tra liên ngành trong khi thi hành nhiệm vụ, nếu bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng thì được hưởng các chính sách, chế độ trợ cấp theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

Chương V

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 12. Khen thưởng

Tập thể, thành viên Đội Kiểm tra liên ngành có thành tích trong công tác được khen thưởng. Trình tự, thủ tục, hồ sơ khen thưởng thực hiện theo quy định của Luật thi đua, khen thưởng và các quy định hiện hành về công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh.

Điều 13. Kỷ luật

Trong khi thi hành nhiệm vụ, thành viên Đội Kiểm tra liên ngành có hành vi vi phạm thì Đội trưởng có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với Chủ tịch UBND tỉnh và Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp thành viên đó biết, thống nhất thực hiện hình thức xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả xử lý với Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Phân công trách nhiệm của các ngành

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan trực tiếp quản lý Đội Kiểm tra liên ngành, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan trong việc điều hành hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành, trình UBND tỉnh thay thế, bổ sung thành viên Đội kiểm tra liên ngành; phối hợp với Sở Tài chính trong dự toán, phân bổ, quyết toán kinh phí, đảm bảo cho hoạt động của Đội; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2. Công an tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Sở Y tế và các ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác chỉ đạo, giám sát và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức của đơn vị tham gia, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đội Kiểm tra liên ngành.

Điều 15. Điều khoản thi hành

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Các thành viên Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm thành lập theo Quyết định số 916/QĐ-UBND ngày 08/5/2007 của UBND tỉnh và các Quyết định của UBND tỉnh về thay thế, bổ sung thành viên của Đội kiểm tra liên ngành có trách nhiệm phối hợp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các ngành liên quan, các cơ sở kinh doanh dịch vụ và các thành viên Đội Kiểm tra liên ngành phản ảnh với Sở lao động - Thương binh và xã hội để tổng hợp, đề nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.