Quyết định 96/2001/QĐ-UB phê duyệt Rà soát bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010
Số hiệu: | 96/2001/QĐ-UB | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lâm Đồng | Người ký: | Phan Thiên |
Ngày ban hành: | 18/10/2001 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 96/2001/QĐ-UB |
Đà Lạt, ngày 18 tháng 10 năm 2001 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ( sửa đổi) ngày 21/06/1994;
- Căn cứ Chỉ thị số 32/TTg ngày 23/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thời kỳ đến 2010;
- Căn cứ văn bản số 2742/BNN.KH ngày 14/9/2001 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tham gia ý kiến báo cáo rà soát quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn tỉnh Lâm Đồng;
- Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng tại tờ trình số 1011 /TT-NN&PTNT ngày 19 /9 /2001, kèm theo báo cáo rà soát bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp-nông thôn tỉnh Lâm Đồng;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt báo cáo “Rà soát bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp“ nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu như sau:
1.1. Mục tiêu và phương hướng phát triển:
(1). Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, đưa nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến. Tập trung thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, không ngừng nâng cao thu nhập cho nông hộ. Chuyển đổi cơ cấu đất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa phát triển cây trồng-vật nuôi, nhằm đảm bảo cho nông nghiệp-nông thôn phát triển với trình độ cao và bền vững.
- Đạt tốc độ tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trung bình hàng năm trong thời kỳ 2001-2005: 10-11%, thời kỳ 2006-2010: 8-10%. Trong đó, tốc độ tăng tương ứng của trồng trọt thời kỳ 2001-2005: 9-10%, thời kỳ 2006-2010: 8-9%, chăn nuôi thời kỳ 2001-2005:11-12%, thời kỳ 2006-2010: 9-10%.
- Giảm đáng kể tỉ trọng giá trị sản phẩm trồng trọt bằng cách tăng tỉ trọng giá trị sản phẩm chăn nuôi và dịch vụ trong nông nghiệp-nông thôn.
- Đẩy mạnh công tác trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, ổn định khối lượng gỗ rừng tự nhiên khai thác hàng năm với mức từ 40.000 - 50.000 m3 gỗ các loại, xây dựng vùng nguyên liệu giấy, đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy bột giấy có công suất 50.000 -150.000 tấn/năm và nguyên liệu cho phát triển ngành nghề nông thôn.
(2). Tập trung phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến các loại nông sản chiến lược của tỉnh như cà phê, chè, dâu-tằm, rau-hoa, sữa, lâm sản nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến, hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
(3). Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trong từng vùng, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, ngành nghề, gắn với việc tổ chức tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.
(4). Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực nông thôn. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống thủy lợi và cung cấp nước sạch, giao thông nông thôn, điện, chú trọng phát triển mạng lưới cơ sở vật chất kỹ thuật cho giáo dục, y tế, thương nghiệp, văn hóa-thể thao, tăng cường đầu tư cho địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc.
(5). Đến năm 2005 hoàn thành cơ bản chương trình định canh định cư và xóa đói, đến năm 2010 hoàn thành cơ bản chương trình giảm nghèo.
1.2. Bố trí sử dụng đất đến năm 2010:
Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh: 976.478 ha (100,00%).
- Đất nông nghiệp: 256.221 ha (26,20%).
- Đất lâm nghiệp: 649.894 ha (66,50%).
- Đất chuyên dùng: 43.554 ha (4,50%).
- Đất ở: 8.194 ha (0,84%).
- Đất chưa sử dụng và sông suối: 18.615 ha (1,90%).
1.3. Các chỉ tiêu phát triển sản xuất nông- lâm-ngư nghiệp và công nghiệp chế biến đến năm 2010:
1.3.1. Trồng trọt: Đạt chỉ tiêu về diện tích và sản lượng các loại cây trồng chính như sau:
- Cà phê: Diện tích 120.856 ha, trong đó chuyển từ 20-30% diện tích cà phê vối sang cà phê chè; sản lượng 219.860 tấn.
- Chè: Diện tích 28.000 ha, sản lượng 225.840 tấn.
- Rau: Diện tích 21.000 ha, sản lượng 517.850 tấn.
- Hoa: Diện tích 630 ha, sản lượng 157,5 triệu cành.
- Lúa: Diện tích 38.596 ha, sản lượng 144.800 tấn.
- Ngô: Diện tích 15.256 ha, sản lượng 72.000 tấn.
- Dâu: Diện tích 9.150 ha, sản lượng 97.200 tấn.
- Mía: Diện tích 6.070 ha, sản lượng 408.600tấn.
- Điều: Diện tích 8.300 ha, sản lượng 5.890 tấn.
- Tiêu: Diện tích 1.750 ha, sản lượng 3.436 tấn.
- Cây ăn qủa: Diện tích 10.250 ha, sản lượng 89.680 tấn.
1.3.2. Chăn nuôi:
- Đàn trâu: 17.510 con
- Đàn bò: 100.000 con, trong đó bò sữa 6.000 con, khi có điều kiện có thể phát triển lên 15.000 con.
- Đàn heo: 320.000 con
- Đàn gia cầm: 2.700.000 con
- Sản lượng chăn nuôi: thịt hơi các loại 53.230 tấn, trứng các loại 100 triệu qủa, kén tằm 10.020 tấn, sữa tươi 12.420 tấn.
1.3.3. Lâm nghiệp:
- Về ổn định lâm phần:
Tổng diện tích rừng toàn tỉnh đến năm 2010: 649.894 ha, trong đó:
+ Rừng tự nhiên: 538.913ha, bao gồm: rừng sản xuất 205.947ha, rừng phòng hộ 223.727ha, rừng đặc dụng 109.239ha.
+ Rừng trồng: 110.979ha, bao gồm: rừng sản xuất 71.152ha, rừng phòng hộ 28.135ha, rừng đặc dụng 11.692ha.
- Về trồng mới và khoanh nuôi:
+ Diện tích khoanh nuôi và phục hồi: 20.000ha
+ Diện tích rừng trồng tập trung: 70.000ha, bao gồm: trồng trên đất trống chưa sử dụng 30.000ha (rừng đặc dụng 4.000ha, rừng phòng hộ 12.000ha, rừng sản xuất 14.000ha), trồng trên đất rừng tự nhiên nghèo kiệt 40.000ha.
+ Diện tích trồng rừng trên đất nông nghiệp chuyển qua: 12.750ha.
+ Trồng cây rừng phân tán: 6 triệu cây.
- Về khai thác: Tổng sản lượng khai thác trong cả thời kỳ trên đất rừng tự nhiên: Gỗ tròn lớn 400.000m3, gỗ tròn nhỏ 300.000 m3, củi tận thu 300.000 Ster, lồ ô-tre-nứa 10 triệu cây, lâm sản phụ 10.000tấn.
1.3.4. Nuôi trồng thủy sản: Diện tích 3.510 ha, sản lượng 4.920 tấn.
1.3.5. Công nghiệp chế biến:
- Chế biến chè: Tập trung đầu tư cho hiện đại hóa công nghệ, thiết bị và đa dạng hóa sản phẩm biến, gắn phát triển nhà máy với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, đến năm 2010 đảm bảo chế biến công nghiệp hầu hết sản lượng chè sản xuất trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu chất lượng của từng thị trường tiêu thụ.
Dự kiến từ nay đến năm 2010 sẽ đầu tư cho đổi mới thiết bị bình quân hàng năm 12-15% và xây dựng mới các cơ sở chế biến với tổng công suất khoảng 350 - 400 tấn/ngày, khuyến khích đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại với công suất 4-6 tấn/ngày.
- Chế biến cà phê: Đảm bảo sơ chế toàn bộ sản lượng cà phê nhân trên địa bàn tỉnh, trong đó trang bị các cơ sở đánh bóng phục vụ xuất khẩu với công suất khoảng 100.000 - 150.000 tấn/năm, khuyến khích đặt tại 2 địa bàn sản xuất có quy mô lớn và tập trung là Lâm Hà, Di Linh; xây dựng 1 cơ sở tinh chế cà phê, thị trường tiêu thụ chính là xuất khẩu và một phần ở trong nước. Tiếp tục nghiên cứu để phát triển các cơ sở chế biến ướt để trước mắt có thể chế biến được 20-30% sản lượng cà phê toàn tỉnh.
- Chế biến điều: Nâng công suất của nhà máy hiện có từ 3.000 tấn/ năm lên 5.000 - 6.000 tấn/năm, trước mắt sản phẩm chính là nhân hạt điều xuất khẩu, về lâu dài có thể kết hợp chế biến nước hộp từ qủa điều và các loại trái cây khác trong vùng.
- Chế biến kén tằm: Trong vòng 10 năm tới chưa cần phải đầu tư thêm dây chuyền công nghệ mà chủ yếu là cải tiến quản lý và phát triển mạnh vùng nguyên liệu.
- Chế biến rau-nấm: Đảm bảo bảo quản lạnh theo yêu cầu cho toàn bộ sản phẩm hàng hóa ngoài tỉnh và xuất khẩu, khuyến khích xây dựng thêm các cơ sở đóng hộp nấm và rau-qủa. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài xây dựng thêm các cơ sở chế biến để có thể chế biến phục vụ xuất khẩu với tổng công suất khoảng 200.000 – 300.000 tấn nguyên liệu/năm. Xây dựng nhà máy chế biến nước sốt cà chua công suất 3.000-5.000 tấn/năm.
- Chế biến hoa: Cùng với việc xây dựng thêm các cơ sở bảo quản lạnh, sẽ tăng cường cho công nghệ đóng gói phù hợp với yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu và từng phương tiện vận tải.
- Chế biến thức ăn gia súc: Trước mắt xây dựng 1 nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở Đức Trọng, công suất ban đầu khoảng 20.000 – 30.000 tấn/năm về lâu dài có thể nâng công suất lên 40.000 –50.000 tấn/năm.
- Chế biến sữa: Xây dựng 1 cơ sở chế biến sữa để chế biến hết sản lượng sữa tươi trên địa bàn, công suất dự kiến khoảng 12.000 -13.000 tấn/năm.
- Chế biến mía đường: Trước mắt xây dựng nhà máy chế biến mía đường với công suất từ 800-1.000 tấn mía cây/ngày, lâu dài sẽ mở rộng phạm vi chế biến ra các sản phẩm sau đường.
- Chế biến lâm sản: Trước mắt sẽ tập trung cho phát huy hết công suất các cơ sở chế biến hiện có và từng bước hiện đại hóa các dây chuyền chế biến, chú trọng phát triển các làng nghề làm mộc dân dụng, hàng lưu niệm, nguyên liệu tăm-nhang, đan lát…, cố gắng thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến bột giấy với công suất ban đầu khoảng 50.000 tấn/năm, về lâu dài sẽ nâng lên từ 130.000 -150.000 tấn/năm; làm tiền đề cho phát triển các cơ sở sản xuất giấy cho nhu cầu nội tỉnh và sản xuất bao bì cho các cơ sở chế biến trong vùng.
1.3.6. Ngành nghề nông thôn:
Trước mắt sẽ tiếp tục phát huy các ngành nghề truyền thống như thêu, đan, mộc dân dụng, sơ chế nông sản, sản xuất hàng lưu niệm, gốm-sứ; về lâu dài sẽ phát triển mạnh các hợp tác xã ngành nghề và mở rộng lĩnh vực hoạt động sang chế biến và xây dựng nông thôn, mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài tỉnh và xuất khẩu.
1.4. Định canh, định cư và phát triển các vùng kinh tế mới:
- Về định canh định cư: Phấn đấu đến năm 2005 thực hiện hoàn thành các mục tiêu đầu tư cho kinh tế hộ đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho kinh tế hộ dân tộc phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Bình quân mỗi hộ dân tộc có từ 1-2 ha vườn cây được thâm canh với năng suất và chất lượng cao, 1-2 con trâu bò và được nhận khoán quản lý bảo vệ rừng từ 20-30ha rừng thông qua các chương trình, dự án và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của Tỉnh. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển nhanh kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc.
+ Chỉ tiêu cụ thể về định canh định cư trong 5 năm tới là đầu tư trồng mới 2.670ha vườn hộ, chăn nuôi 1.863 con trâu bò, giao khoán về quản lý bảo vệ 100.000 ha rừng với tổng vốn đầu tư 48 tỷ đồng.
+ Riêng về mục tiêu nhiệm vụ thực hiện các dự án quy hoạch 393/TTg đến năm 2010: ổn định sản xuất và đời sống cho hộ dân tộc tại 40 xã, phường có quy hoạch chi tiết 393/TTg với 54 cụm dân cư vùng đồng bào dân tộc được bố trí cụm dân cư mới hoặc điều chỉnh dân cư, với 7.023ha đất nông nghiệp đã có và chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ lâm nghiệp sang nông nghiệp là 14.835ha (đất ở: 794 ha, đất nông nghiệp và chuyên dùng 14.041ha), lồng ghép các dự án này với các chương trình định canh định cư.
- Về phát triển vùng kinh tế mới: Tiến hành di dãn dân nội vùng và sắp xếp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn toàn Tỉnh nhằm khai thác tiềm năng về đất đai, lao động của từng vùng để phát triển kinh tế, nhất là phát triển vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ ngành nghề, phủ xanh đất trống đồi núi trọc và khôi phục rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, rừng đầu nguồn. Quy mô phát triển các cụm dân cư kinh tế mới như sau: phân bổ lại lao động và dân cư với 13.394 hộ, 78.405 khẩu, khai hoang mở rộng diện tích đất ở và đất sản xuất là 13.946ha (bình quân cho một hộ là 1 ha trở lên). Quy mô mỗi cụm dân cư kinh tế mới từ 100-300 hộ.
1.5. Thủy lợi:
1.5.1. Mục tiêu:
- Phấn đấu đến năm 2005 đảm bảo tưới cho 60.000ha đất nông nghiệp, trong đó: lúa đông xuân 9.500ha, lúa hè thu sớm 4.500ha, vùng rau tập trung 6.000ha, cây công nghiệp dài ngày 35.000ha, cây trồng khác 5.000ha.
Đến năm 2010 đảm bảo tưới cho 100% rau-hoa, 80% diện tích lúa và 50% diện tích cây công nghiệp dài ngày.
1.5.2. Dự kiến phát triển các công trình thủy lợi:
- Vùng I (Đà Lạt, Lạc Dương):
+ Khu vực Đà Lạt: Nâng cấp, tu sửa các công trình thủy lợi đã có như: Vạn Kiếp, Chiến Thắng, Mê Linh, Than Thở, Thái Phiên, hồ 26/3, Đa Thiện I-II-III, Đất Làng, Đa Qúy, Tà Nung. Tiến hành xây dựng mới một số công trình, bao gồm: hồ Thành Lộc (Xuân Thọ), hồ Trường Sơn (Xuân Trường), các đập dâng nhỏ.
+ Khu vực Lạc Dương: Tu sửa các công trình Đa Tiêng Tang, Đanggiêri, Đắc Mê để tưới cho 200ha lúa 2 vụ; nâng cấp, tu sửa các công trình thủy lợi nhỏ khác. Nghiên cứu khả thi để xây dựng đập dâng trên suối Liên Trang thuộc xã Đạ Tồn để tưới cho khoảng 400 ha.
- Vùng II ( Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà):
+ Về lâu dài: Dự kiến tu sửa, nâng cấp và xây dựng 67 công trình, bao gồm 41 hồ chứa từ vừa đến nhỏ, 25 đập dâng, 1 trạm bơm, để tăng thêm diện tích tưới khoảng 14.778ha, trong đó: tưới cho đất 2 vụ lúa 6.231ha, cho đất trồng rau màu 2.847ha, cho cây công nghiệp lâu năm 5.700ha (không kể tưới bằng nước ngầm ở quy mô nông hộ).
+ Các công trình sẽ được xây dựng trong thời kỳ 2001-2010: Tổng số : 26 công trình, diện tích tưới: 6.275ha.
- Vùng III ( Bảo Lộc, Di Linh, Bảo Lâm):
+ Về lâu dài: Dự kiến xây dựng 187 công trình, trong đó tu bổ 25 công trình đã có và xây dựng mới 162 công trình, tưới cho 54.418 ha.
+ Các công trình sẽ được xây dựng trong thời kỳ 2001-2010: Tổng số : 34 công trình. Diện tích tưới: 13.415 ha.
- Vùng IV (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên):
+ Về xây dựng các công trình tưới: Dự kiến tu sửa, nâng cấp và xây dựng 56 công trình, bao gồm 30 hồ chứa từ vừa đến nhỏ, 14 đập dâng, 9 trạm bơm, 3 hệ thống kênh. Diện tích tưới 14.463ha. Trong đó: Các công trình sẽ được xây dựng trong thời kỳ 2001-2010: 28 công trình. Diện tích tưới: 8.677ha.
+ Về xây dựng công trình tiêu: Xây dựng các kênh tưới tiêu kết hợp để đưa nước ra các trục tiêu chính là các suối lớn đổ về sông Đồng Nai, bao gồm các khu vực: Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai. Riêng khu vực Cát Tiên, việc tiêu nước còn được kết hợp chặt chẽ với xây dựng các công trình thoát lũ.
- Xây dựng công trình chống lũ: Cần phải có quy hoạch riêng về chống lũ để giải quyết tốt các mối quan hệ về tiêu nước mùa lũ với giữ nước cho mùa khô, đảm bảo an toàn cho các khu dân cư và cơ sở hạ tầng, phù hợp với khả năng đầu tư, mang lại hiệu quả cao và bền vững. Trước mắt sẽ triển khai các công trình chống lũ mang tính cấp bách như: chống lũ cho các khu dân cư thường xuyên bị ngập ở 2 huyện Đơn Dương và Cát Tiên, xây dựng các cống ngăn lũ trên tuyến đường 721 như: cống tại suối Hai Cô, cống tại suối Chuồng Bò, cống tại suối Darsi. Tôn cao các tuyến đê kết hợp làm đường trục đến các xã Phù Mỹ, Gia Viễn (thuộc Cát Tiên).
1.5.3. Các công trình trọng điểm trong thời kỳ 2001-2005:
Tập trung cho xây dựng 26 công trình trọng điểm trong thời kỳ 2001-2005, trong đó có 20 công trình xây dựng mới, 6 công trình nâng cấp, tu bổ và các công trình kiên cố hóa.
1.6. Cung cấp nước sạch nông thôn:
- Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình nước sạch nông thôn, thi công xây dựng giếng đào ở các nông hộ, giếng khoan ở các cụm dân cư tập trung và cụm hộ, bể chứa nước và các công trình cấp nước tập trung ở các vùng bằng nguồn vốn của UNICEF, ngân sách Trung ương, địa phương, các nguồn tài trợ và nhân dân đóng góp để đến năm 2005 có 60% và năm 2010 có 100% dân cư nông thôn có nước sạch.
- Nâng công suất cấp nước toàn Tỉnh lên 44.000 m3/ngày-đêm vào năm 2005 và 65.000-70.000 m3/ngày-đêm năm 2010. Thời kỳ từ 2000-2010 sẽ xây dựng thêm 335 giếng khoan máy; 3.213 giếng đào kiên cố; 1.680 bể chứa nước, vốn đầu tư khoảng 47.648 triệu đồng.
Địa điểm xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung:
TP Đà Lạt: Xuân Trường, xã Xuân Thọ; TX Bảo Lộc: Lộc Châu; H. Lạc Dương: Đạ Chay, Đạ Sa, Đầm Ròn; H. Đơn Dương: Tu Tra, Ka Đô, Lạc Xuân; H. Đức Trọng: Tà Năng, Đà Loan, Tân Thành; H. Lâm Hà: Đạ K’ Nàng, Liêng Sê Rôn, Rô Men; H. Bảo Lâm: Lộc Lâm, Lộc Bảo, Lộc Thành, Lộc Nam; H. Di Linh: Gia Bắc, Tam Bố, Hòa Bắc, Hòa Trung; H. Đạ Huoai: Mađagui, Đamri, Đoàn Kết, thị trấn Mađagui; H. Đạ Tẻh: Quốc Oai, Mỹ Đức, An Nhơn, Hà Đông; H. Cát Tiên: Phước Cát, Đức Phổ, Tiên Hoàng, Gia Viễn.
1.7 Xây dựng kết cấu hạ tầng có liên quan:
1.7.1. Đường nông thôn: Hiện nay, toàn tỉnh đã có 2.469 km đường giao thông nông thôn, xe 4 bánh có thể về đến hầu hết các trung tâm xã. Như vậy, về cơ bản sẽ giữ nguyên các tuyến hiện có để nâng cấp phần nền, mặt, hệ thống cầu cống để đạt tiêu chuẩn từ cấp IV đến cấp V, chỉ xây thêm một số tuyến đường vào các khu dân cư mới theo yêu cầu mở rộng diện tích theo các dự án định canh, định cư, xây dựng các điểm dân cư mới.
100% số xã có điện với tỉ lệ hộ có điều kiện sử dụng điện từ 80% trở lên. 1.7.2. Điện nông thôn: Phát triển mạng lưới điện để đến năm 2010 đảm bảo cho
1.7.3. Trường học nông thôn: Đảm bảo đủ và kiên cố hóa hầu hết trường lớp để đáp ứng các yêu cầu đặt ra cho phát triển giáo dục như sau:
- Sĩ số lớp học: cấp III: 45 em, cấp II :40 em, cấp I: 35 em, mẫu giáo 30 em.
- Từ sau năm 2005 học sinh sẽ học tập theo chế độ thời gian như sau: cấp III: 9 buổi/tuần, cấp II: 9 buổi/tuần, cấp I: 12 buổi/tuần, mẫu giáo học bán trú.
- Mức độ phổ cập và tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học vào năm 2010 như sau: Các xã ven quốc lộ, ở thị trấn, thị tứ: Hệ mẫu giáo: 70%, cấp I: 100%, cấp II: 100%, cấp III: 70%. Các xã vùng sâu: Hệ mẫu giáo: 70%, cấp I: 100%, cấp II: 100%, cấp III: 50%.
- Đảm bảo diện tích đất xây dựng trường học theo tiêu chuẩn quy phạm “Quy chuẩn xây dựng Việt Nam” : diện tích đất cho 1 học sinh hệ mẫu giáo 25 m2, cấp I: 20 m2, cấp II: 15 m2, cấp III: 15 m2.
1.7.4. Y tế nông thôn: Phấn đấu đến năm 2010 bệnh viện tuyến huyện có đủ 6 khoa, phòng khám khu vực (trung tâm các tiểu vùng thuộc huyện) có tối thiểu 10 giường, các trạm y tế xã có tối thiểu 5 giường bệnh, đưa số giường bệnh bình quân trên 1 vạn dân từ 22 giường năm 2000 lên 24 giường năm 2005 và 26 giường năm 2010. Ngoài ra, khi có nhu cầu chia xã thì đảm bảo các xã mới chia đều có trạm xá mới, các thôn bản ở xa đều có phòng khám và trạm phát thuốc.
1.7.5. Mạng lưới chợ nông thôn: Xây dựng mạng lưới thị trường từ tỉnh xuống đến các xã, để đảm bảo mỗi huyện đều có chợ lớn gắn với các cửa hàng tại các thị trấn huyện lỵ, các chợ khu vực tại các trung tâm cụm xã, các chợ ở tất cả các xã, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ và thương mại mà trọng tâm là tiêu thụ nông sản và mua bán hàng tiêu dùng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng.
1.8. Các giải pháp thực hiện:
- Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.
- Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp - nông thôn..
- Tăng cường công tác tiếp thị và tạo thị trường tiêu thụ lâu dài và ổn định.
- Tăng cường công tác giáo dục và đào tạo.
- Tiến hành tốt công tác tổ chức thực hiện, bao gồm: Xúc tiến thực hiện các chương trình trọng điểm và các dự án ưu tiên đầu tư. Triển khai quy hoạch phát triển theo ngành và lãnh thổ.
Điều 2: Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:
- Tổ chức phổ biến công khai quy hoạch cho các địa phương, tổ chức, nhân dân trong tỉnh để biết và thực hiện.
- Trên cơ sở Quy hoạch nông nghiệp-nông thôn đã được duyệt, lập kế hoạch phát triển nông nghiệp-nông thôn hàng năm.
- Trên cơ sở quy hoạch định hướng, tiến hành lập quy hoạch phát triển nông nghiệp-nông thôn đến năm 2010 ở cấp huyện và cấp xã.
- Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Sở Kế hoạch, Sở Địa chính và các sở ban ngành có liên quan và UBND các huyện trong tỉnh lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 3: Các ông: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính Vật giá, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Địa chính, Công nghiệp, Xây dựng, Y tế, Giáo dục và đào tạo, Ban Dân tộc và miền núi, Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt và Thủ trường các ngành, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký. /-
|
TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG |