Quyết định 959/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 - 2020
Số hiệu: | 959/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Thiện Nhân |
Ngày ban hành: | 24/06/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 08/07/2010 | Số công báo: | Từ số 382 đến số 383 |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ThỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 959/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2010 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN GIAI ĐOẠN 2010 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 - 2020, với những nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu chung
Xây dựng và phát triển các trường trung học phổ thông chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để bồi dưỡng thành những người có lòng yêu đất nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; có ý thức tự lực; có nền tảng kiến thức vững vàng; có phương pháp tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Các trường trung học phổ thông chuyên là hình mẫu của các trường trung học phổ thông về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Củng cố, xây dựng và phát triển các trường trung học phổ thông chuyên hiện tại đồng thời với tăng dần quy mô; bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trường trung học phổ thông chuyên với tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh trung học phổ thông của từng tỉnh, thành phố;
b) Tập trung đầu tư nâng cấp các trường trung học phổ thông chuyên thành các trường đạt chuẩn quốc gia và có chất lượng giáo dục cao. Ưu tiên đầu tư mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2015, có 100% trường trung học phổ thông chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm, có chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế;
c) Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp; nâng tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đồng thời với việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và khả năng nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, đáp ứng nhu cầu vừa tăng quy mô, vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các trường trung học phổ thông chuyên. Đến 2015, có 100% cán bộ quản lý, giáo viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng thông thạo tin học và thiết bị dạy học hiện đại; 20% cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng được ngoại ngữ trong giảng dạy, giao tiếp;
d) Tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục trong các trường trung học phổ thông chuyên theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Đến năm 2015, có ít nhất 50% học sinh được xếp loại học lực giỏi; 70% học sinh giỏi, khá về tin học; 30% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành. Đến năm 2020, có ít nhất 70% học sinh được xếp loại học lực giỏi; 90% học sinh giỏi, khá về tin học; 50% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành;
đ) Tạo sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường trung học phổ thông chuyên với việc đào tạo ở đại học; lựa chọn những học sinh có năng khiếu nổi bật vào học tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học chất lượng cao trong nước và các trường đại học có uy tín ở nước ngoài để tiếp tục đào tạo, phát triển năng khiếu. Đến năm 2015, có khoảng 30% học sinh các lớp chuyên đã tốt nghiệp trung học phổ thông được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học trong nước và tại các trường đại học có uy tín ở nước ngoài và đạt 50% vào năm 2020.
e) Tăng cường khả năng hợp tác giữa các trường trung học phổ thông chuyên với các cơ sở giáo dục có uy tín ở nước ngoài nhằm trao đổi kinh nghiệm về tuyển chọn, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu học sinh; đồng thời thu hút nguồn lực vào phát triển hệ thống các trường trung học phổ thông chuyên. Đến năm 2020, mỗi trường trung học phổ thông chuyên hợp tác được với ít nhất một cơ sở giáo dục có uy tín trong khu vực, quốc tế.
1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường trung học phổ thông chuyên.
a) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển trường trung học phổ thông chuyên đến năm 2015 và 2020, trong đó ưu tiên mở rộng diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15 m2/học sinh; đầu tư xây dựng các trường trung học phổ thông chuyên đảm bảo đạt chuẩn quốc gia; các trường đều có đủ phòng học 2 buổi/ngày, có hội trường, nhà tập đa năng, nhà công vụ, nhà ăn, ký túc xá cho học sinh ở nội trú, sân vận động, bể bơi, hệ thống phòng chức năng, phòng học bộ môn đủ số lượng, đạt tiêu chuẩn với trang thiết bị đồng bộ và hiện đại;
b) Tăng cường đầu tư, mua sắm các thiết bị dạy học đồng bộ và hiện đại phục vụ cho việc bồi dưỡng học sinh năng khiếu, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá của giáo viên và việc học tập, làm quen nghiên cứu khoa học của học sinh; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông và internet; xây dựng hệ thống thông tin điện tử liên kết giữa các trường trung học phổ thông chuyên với các trường đại học và các cơ sở giáo dục có uy tín nước ngoài;
c) Phát triển hệ thống thư viện, thư viện điện tử, đầu tư mua sách, tài liệu tham khảo, cập nhật thông tin về giáo dục trong và ngoài nước; xây dựng thư viện câu hỏi, bài tập, đề kiểm tra, đề thi quốc gia, quốc tế; … đáp ứng yêu cầu tham khảo của giáo viên và học sinh;
d) Tập trung đầu tư trọng điểm 15 trường trung học phổ thông chuyên, đảm bảo có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế;
đ) Tăng cường huy động các nguồn lực từ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại cho các trường trung học phổ thông chuyên.
2. Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong các trường trung học phổ thông chuyên.
a) Bổ sung, hoàn thiện các quy định về cơ cấu, định mức giáo viên, nhân viên; về công tác tuyển dụng, luân chuyển giáo viên trường trung học phổ thông chuyên; ban hành quy định về tiêu chuẩn giáo viên, cán bộ quản lý trường trung học phổ thông chuyên trên cơ sở chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng trường trung học và các quy định khác về giáo viên, cán bộ quản lý trường trung học phổ thông;
b) Tiến hành rà soát, đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên để có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng nhằm đảm bảo đủ số lượng, cân đối về cơ cấu và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực làm việc;
c) Chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên đầu đàn về hoạt động chuyên môn trong hệ thống trường trung học phổ thông chuyên, tạo điều kiện giúp họ trở thành những nhân tố tích cực, là tấm gương trong việc rèn luyện đạo đức, tự học, sáng tạo và xây dựng mạng lưới hoạt động của đội ngũ này trên toàn quốc;
d) Tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tin học và ngoại ngữ cho cán bộ quản lý, giáo viên trường trung học phổ thông chuyên.
- Định hướng nội dung bồi dưỡng giáo viên trung học phổ thông chuyên phù hợp với từng giai đoạn. Tăng cường việc bồi dưỡng cho cán bộ quản lý về kiến thức, kỹ năng quản lý; bồi dưỡng cho giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, nâng cao năng lực phát triển chương trình, tài liệu môn chuyên, năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục;
- Tổ chức các khóa bồi dưỡng tiếng Anh, tin học cho cán bộ quản lý, giáo viên; đưa đi bồi dưỡng tiếng Anh tại nước ngoài các giáo viên giảng dạy tiếng Anh trong các trường trung học phổ thông chuyên;
- Tổ chức các khóa đào tạo ngắn, dài hạn trong, ngoài nước về giảng dạy bằng tiếng Anh cho giáo viên dạy các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học, để từng bước thực hiện dạy học các môn học này bằng tiếng Anh trong các trường trung học phổ thông chuyên;
- Xây dựng các diễn đàn trên internet để giáo viên và học sinh trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và học tập; tổ chức các hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa các trường trung học phổ thông chuyên với các cơ sở giáo dục trong, ngoài nước có đào tạo, bồi dưỡng học sinh năng khiếu.
3. Đổi mới chương trình, tài liệu dạy học và tuyển sinh, thi học sinh giỏi trong các trường trung học phổ thông chuyên.
a) Đổi mới chương trình, tài liệu dạy học
- Chương trình giáo dục trong trường trung học phổ thông chuyên xây dựng theo hướng hiện đại, tiếp cận với trình độ tiên tiến khu vực và thế giới; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục thể chất và bồi dưỡng nhân cách người học; tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện, chuyên sâu một lĩnh vực, giỏi tin học và ngoại ngữ; phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; kỹ năng thực hành, tăng khả năng hoạt động thực tiễn;
- Biên soạn khung tài liệu chuyên sâu giảng dạy các môn chuyên; tài liệu hướng dẫn phát triển chương trình các môn chuyên; tài liệu phục vụ cho việc thực hiện giảng dạy bằng tiếng Anh các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học; tài liệu về tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm bồi dưỡng năng khiếu theo lĩnh vực chuyên như: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, quản lý…;
- Lựa chọn giới thiệu một số chương trình, tài liệu dạy học tiên tiến của nước ngoài để các trường trung học phổ thông chuyên tham khảo, vận dụng.
b) Đổi mới phương thức tuyển sinh, thi học sinh giỏi
- Xây dựng các quy định về tuyển sinh vào trường trung học phổ thông chuyên theo hướng kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Từng bước áp dụng phương pháp phát hiện năng khiếu, xác định chỉ số thông minh, chỉ số sáng tạo trong việc tuyển sinh vào trung học phổ thông chuyên;
- Bổ sung, hoàn thiện quy định về sàng lọc học sinh các trường trung học phổ thông chuyên để hàng năm, từng học kỳ có thể tuyển chọn bổ sung những học sinh có năng khiếu thực sự và chuyển những học sinh không đủ điều kiện học trong các trường trung học phổ thông chuyên ra các trường trung học phổ thông khác;
- Nghiên cứu đổi mới việc tổ chức thi học sinh giỏi, tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển dự thi Olympic quốc tế và khu vực; tăng cường các kỳ thi mang tính chất giao lưu giữa các trường trung học phổ thông chuyên thuộc các vùng trên cả nước.
4. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đối với nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh các trường trung học phổ thông chuyên.
a) Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường định mức đầu tư hàng năm về nhân lực và tài chính cho các trường trung học phổ thông chuyên;
b) Xây dựng chính sách ưu tiên đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy các môn chuyên, giáo viên có học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế và tỷ lệ đỗ đại học cao; chính sách thu hút giáo viên chất lượng cao tham gia giảng dạy trong các trường trung học phổ thông chuyên, đặc biệt là giáo viên nước ngoài tham gia dạy ngoại ngữ;
c) Xây dựng chính sách phù hợp đối với học sinh có năng khiếu nổi bật, đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế như: chế độ học bổng, học vượt lớp, cử đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học có uy tín ở nước ngoài;
d) Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hợp tác quốc tế giữa các trường trung học phổ thông chuyên với các cơ sở giáo dục nước ngoài;
đ) Khuyến khích các địa phương có chính sách ưu đãi, tôn vinh đối với giáo viên, cán bộ quản lý có thành tích xuất sắc trong công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu;
e) Khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu tư phát triển trường trung học phổ thông chuyên theo tinh thần Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
5. Tăng cường công tác quản lý đối với hệ thống các trường trung học phổ thông chuyên.
a) Tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và xã hội về mục tiêu phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên trong giai đoạn mới;
b) Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý các trường trung học phổ thông chuyên ở các cấp quản lý giáo dục; xây dựng hệ thống thông tin quản lý các trường trung học phổ thông chuyên trong cả nước;
c) Tăng cường quyền chủ động về quản lý nhân sự, tài chính, tuyển sinh, quản lý chuyên môn, công tác xã hội hóa giáo dục để phát huy có hiệu quả nhất cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên có chất lượng cao trong các trường trung học phổ thông chuyên;
d) Tăng cường việc đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục trong trường trung học phổ thông chuyên:
- Xây dựng tiêu chí, phương pháp, quy trình đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục trên cơ sở các quy định chung, để đánh giá một cách khoa học, khách quan, công bằng, chính xác chất lượng trường học, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục trong hệ thống các trường trung học phổ thông chuyên;
- Tổ chức việc đánh giá hàng năm, định kỳ chất lượng giáo dục của các trường trung học phổ thông chuyên trên toàn quốc.
đ) Tổ chức theo dõi việc học tập của các cựu học sinh chuyên ở trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và việc sử dụng sau tốt nghiệp. Hình thành câu lạc bộ các cựu học sinh của trường trung học phổ thông chuyên.
6. Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên
a) Đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với các cơ sở giáo dục có uy tín nước ngoài nhằm học tập, trao đổi những kinh nghiệm tốt về công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu của học sinh; chú trọng hợp tác về xây dựng chương trình, tài liệu dạy học, bồi dưỡng giáo viên và đào tạo học sinh năng khiếu;
b) Tăng cường cơ hội để giáo viên, học sinh các trường trung học phổ thông chuyên được tham quan, giao lưu, học tập tại các cơ sở giáo dục có uy tín ở nước ngoài.
Kinh phí thực hiện Đề án là 2.312,758 tỷ đồng,
Trong đó:
- Ngân sách nhà nước:
+ Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo: 1.295,417 tỷ đồng;
+ Vốn vay ODA: 953,65 tỷ đồng.
- Ngân sách địa phương: 63,792 tỷ đồng.
Bao gồm 3 hoạt động:
1. Hoạt động 1: Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học
- Nội dung chủ yếu:
+ Xây dựng 664 phòng học, 365 phòng học bộ môn, 49 nhà tập đa năng, 73 thư viện, 73 phòng họp giáo viên, 63 nhà công vụ, 55 nhà nội trú và nhà ăn, 13 bể bơi theo tiêu chuẩn quy định, diện tích xây dựng 255.950 m2;
+ Mua 73 bộ thiết bị dùng chung và thiết bị dạy học môn chuyên phục vụ cho giảng dạy, bồi dưỡng học sinh năng khiếu.
- Kinh phí dự kiến: 1.660,722 tỷ đồng.
2. Hoạt động 2: Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý
- Nội dung chủ yếu:
+ Đào tạo tại nước ngoài về trình độ thạc sĩ cho 200 giáo viên; về giảng dạy các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học bằng tiếng Anh cho 730 giáo viên;
+ Bồi dưỡng tại nước ngoài về kinh nghiệm quản lý giáo dục cho 73 cán bộ quản lý; về giảng dạy tiếng Anh cho 600 giáo viên dạy môn tiếng Anh;
+ Đào tạo trong nước về trình độ thạc sĩ cho 500 giáo viên; về giảng dạy các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học bằng tiếng Anh cho 1090 giáo viên;
+ Bồi dưỡng trong nước về tiếng Anh, tin học cho 1560 cán bộ quản lý, giáo viên; về phát triển chương trình, tài liệu môn chuyên, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá cho 1460 giáo viên dạy môn chuyên.
- Kinh phí dự kiến: 624,290 tỷ đồng.
3. Hoạt động 3: Phát triển chương trình, tài liệu và đánh giá hiệu quả giáo dục
- Nội dung chủ yếu:
+ Xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu giảng dạy về 05 hoạt động giáo dục bồi dưỡng năng khiếu theo lĩnh vực chuyên; về giảng dạy bằng tiếng Anh các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học ở các lớp 10, 11, 12;
+ Biên soạn tài liệu hướng dẫn phát triển chương trình, giảng dạy môn chuyên; tài liệu hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá; tài liệu dạy học trực tuyến, dạy học theo dự án;
+ Xây dựng bộ công cụ kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh;
+ Thực hiện đánh giá, kiểm định các trường trung học phổ thông chuyên;
+ Tổ chức các hội thảo trong nước, quốc tế về kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh năng khiếu.
- Kinh phí dự kiến: 27,746 tỷ đồng.
1. Lộ trình thực hiện:
a) Giai đoạn I (2010 - 2015) trọng tâm của giai đoạn này là triển khai thực hiện một số việc sau để tạo cơ sở, nền tảng phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên:
- Rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện các mục tiêu Đề án giai đoạn 2010 - 2015; 2016 - 2020;
- Rà soát, đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, xây dựng kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý hàng năm, từng giai đoạn;
- Bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên; về cơ cấu, định mức giáo viên, nhân viên; về công tác tuyển dụng, luân chuyển giáo viên;
- Xây dựng, ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn giáo viên, cán bộ quản lý trường trung học phổ thông chuyên; về chính sách khuyến khích đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy môn chuyên, giáo viên có học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế, giáo viên có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao; về chính sách đối với học sinh có năng khiếu nổi bật, có giải quốc gia, quốc tế; về chính sách tạo điều kiện cho các trường trung học phổ thông chuyên hợp tác, trao đổi với các cơ sở giáo dục có uy tín ở nước ngoài; về chính sách thu hút giáo viên chất lượng cao tham gia giảng dạy trong các trường trung học phổ thông chuyên; về tuyển chọn đi đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong nước, nước ngoài cho sinh viên xuất sắc đã tốt nghiệp các lớp cử nhân tài năng tại các trường đại học sư phạm, giáo viên dạy các trường trung học phổ thông chuyên; về tiêu chí, phương pháp, quy trình đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục các trường trung học phổ thông chuyên;
- Xây dựng chương trình đào tạo giáo viên cho trường trung học phổ thông chuyên tại các trường đại học sư phạm; chương trình, nội dung bồi dưỡng hàng năm cho giáo viên, cán bộ quản lý trường trung học phổ thông chuyên;
- Xây dựng chương trình giáo dục tổng thể trong trường trung học phổ thông chuyên; xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu về tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm bồi dưỡng năng khiếu theo lĩnh vực chuyên; về giảng dạy bằng tiếng Anh các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học;
- Biên soạn tài liệu về hướng dẫn phát triển chương trình các môn chuyên, về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá; về dạy học trực tuyến, dạy học theo dự án;
- Mở các khóa đào tạo trình độ thạc sĩ, bồi dưỡng về quản lý giáo dục, giảng dạy tiếng Anh, giảng dạy các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học bằng tiếng Anh trong nước, nước ngoài và các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, năng lực phát triển chương trình, nội dung dạy học cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý;
- Nghiên cứu, thí điểm áp dụng một số chương trình dạy học tiên tiến của thế giới tại một số trường trung học phổ thông chuyên trọng điểm; thí điểm áp dụng việc giảng dạy môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học bằng tiếng Anh tại một số trường trung học phổ thông chuyên; tiến tới thực hiện giảng dạy các môn toán, tin học bằng tiếng Anh tại các trường trung học phổ thông chuyên vào năm 2015;
- Nghiên cứu đổi mới việc tổ chức thi học sinh giỏi; việc tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển dự thi olympic quốc tế và khu vực; tăng cường tổ chức các kỳ thi mang tính chất giao lưu giữa các trường trung học phổ thông chuyên;
- Xây dựng cơ chế liên kết chặt chẽ giữa trường trung học phổ thông chuyên với các trường đại học có lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao và các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có các học sinh năng khiếu xuất sắc đang học tập. Hình thành cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá kết quả học tập, làm việc, cống hiến của các học sinh chuyên;
- Đầu tư kinh phí mở rộng, nâng cấp, xây mới nhằm đảm bảo các trường trung học phổ thông chuyên đều đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015; ưu tiên kinh phí xây dựng 15 trường trung học phổ thông chuyên trọng điểm được lựa chọn;
- Xây dựng hệ thống phòng chức năng, ký túc xá cho những học sinh ở nội trú, nhà ăn, nhà tập đa năng, hội trường; phòng học bộ môn đủ số lượng, đạt tiêu chuẩn với trang thiết bị đồng bộ và hiện đại;
- Xây dựng hệ thống thư viện điện tử, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và internet trong hệ thống các trường trung học phổ thông chuyên. Xây dựng website các trường trung học phổ thông chuyên toàn quốc;
- Tăng cường huy động các nguồn lực từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại cho các trường trung học phổ thông chuyên;
- Tổ chức các hội thảo trong nước, quốc tế về tuyển chọn, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu của học sinh;
- Tổ chức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục của các trường trung học phổ thông chuyên trên toàn quốc.
b) Giai đoạn 2 (2015 - 2020): trọng tâm của giai đoạn này là thực hiện một số việc sau để phát triển vững chắc hệ thống trường trung học phổ thông chuyên:
- Tiếp tục củng cố, thực hiện các hoạt động đã triển khai tại giai đoạn 1;
- Tiếp tục nâng cấp các trường trung học phổ thông chuyên thành các trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ cao, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 50% trường trung học phổ thông chuyên có chất lượng dạy học tương đương với các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế;
- Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, tin học, dạy tăng cường tiếng Anh, chuẩn bị triển khai dạy và học các môn vật lí, hóa học, sinh học bằng tiếng Anh ở khoảng 30% số trường. Mỗi năm tăng thêm 15 - 20% số trường, hoàn thành vào năm 2020;
- Chọn lựa giới thiệu chương trình, tài liệu có chất lượng của nước ngoài để các trường trung học phổ thông chuyên tham khảo, vận dụng.
2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:
- Là cơ quan thường trực tổ chức thực hiện Đề án;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các địa phương cụ thể hóa nội dung Đề án thành chương trình, kế hoạch thực hiện chi tiết để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, cơ chế đảm bảo các vấn đề liên quan đến tài chính, quan hệ quốc tế;
- Xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai Đề án từng giai đoạn, từng năm;
- Chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở giáo dục đại học có trường trung học phổ thông chuyên thực hiện Đề án;
- Tổ chức tập huấn chuyên môn, hội thảo về xây dựng kế hoạch, cách thức triển khai thực hiện Đề án;
- Kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi cả nước theo từng năm, từng giai đoạn và kết thúc Đề án, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo huy động và bố trí nguồn vốn trong kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện Đề án.
c) Bộ Tài chính có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, cơ quan liên quan phân bổ, hướng dẫn, kiểm tra việc chi kinh phí thực hiện Đề án theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách.
d) Bộ Nội vụ có trách nhiệm:
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ liên quan sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện việc ban hành các chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trường trung học phổ thông chuyên.
đ) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
- Chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo, các cơ quan chức năng ở địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Đề án trên địa bàn; kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án tại địa phương, định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo cấp Bộ;
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành có liên quan để chỉ đạo thống nhất, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu, kế hoạch chung toàn quốc việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn.
e) Các Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học có trường trung học phổ thông chuyên có trách nhiệm:
- Xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai Đề án qua từng giai đoạn, từng năm;
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các hoạt động liên quan đến cơ sở mình, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án;
- Kiểm tra, đánh giá, tổ chức sơ kết định kỳ, tổng kết đánh giá kết quả trong từng giai đoạn và kết thúc Đề án, định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo cấp Bộ.
g) Các trường trung học phổ thông chuyên có trách nhiệm:
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tại trường;
- Thực hiện việc tự đánh giá từng học kỳ, hàng năm và kết thúc mỗi giai đoạn của Đề án;
- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường Ban hành: 30/05/2008 | Cập nhật: 05/06/2008