Quyết định 93/2004/QĐ-UB về Quy chế (mẫu) tổ chức và hoạt động của Trung tâm Y tế quận-huyện trực thuộc ủy ban nhân dân quận-huyện do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 93/2004/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Thành Tài
Ngày ban hành: 12/04/2004 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 93/2004/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 04 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ (MẪU) TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM Y TẾ QUẬN-HUYỆN TRỰC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN-HUYỆN.

 ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Nghị định số 12/2001/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2001 của Chính phủ về tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân quận-huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 02/1998/TTLT-BYT-BTCCBCP ngày 27 tháng 6 năm 1998 của Bộ Y tế, Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 01/1998/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ quy định về hệ thống tổ chức y tế địa phương ;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 20/2001/TTLT-BTCCBCP-BYT ngày 27 tháng 4 năm 2001 của Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chuyển nhiệm vụ quản lý Nhà nước về y tế trên địa bàn từ Trung tâm Y tế quận-huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh về Ủy ban nhân dân cùng cấp ;
Căn cứ Quyết định số 91/2002/QĐ-UB ngày 12 tháng 8 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về sắp xếp tổ chức bộ máy các phòng chuyên môn và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân quận-huyện ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội Vụ tại Tờ trình số 82/TTr-SNV ngày 25 tháng 3 năm 2004 ;

 QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế (mẫu) tổ chức và hoạt động của Trung tâm Y tế quận-huyện, trực thuộc Ủy ban nhân dân quận-huyện.

Điều 2. Căn cứ Quy chế (mẫu) này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện chỉ đạo Trung tâm Y tế quận-huyện xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động cụ thể của Trung tâm, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận-huyện phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội Vụ, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các sở-ngành thành phố liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và Giám đốc Trung tâm Y tế quận-huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.-

 

 Nơi nhận:
- Như điều 4
- TT/TU, TT.HĐND/TP, TT/UB
- Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy
- Ban VHXH-HĐND thành phố
- Sở Tài chính
- Sở Kế hoạch và Đầu tư
- VPHĐ-UB : CVP, PVP/VX
- Tổ VX

- Lưu (VX-Nh)

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Tài

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 93/2004/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 04 năm 2004 

 

QUY CHẾ (MẪU)

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM Y TẾ TRỰC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN (HUYỆN)
 (Ban hành kèm theo Quyết định số: /2004/QĐ-UB ngày /4/2004 của Ủy ban nhân dân quận (huyện)………

 

 

Chương 1:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 1. Chức năng :

Trung tâm Y tế quận (huyện) là đơn vị sự nghiệp chuyên môn kỹ thuật về y tế, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản ở Kho bạc Nhà nước để hoạt động theo quy định của Nhà nước.

Trung tâm Y tế quận (huyện) chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp, toàn diện của Ủy ban nhân dân quận (huyện), đồng thời chịu sự hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn theo ngành của Sở Y tế.

Trung tâm Y tế quận (huyện) có chức năng khám chữa bệnh, thực hiện các chương trình quốc gia về y tế, hướng dẫn các hoạt động thuộc lĩnh vực được giao theo đúng chính sách, luật pháp, các quy định của Nhà nước.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn :

Trung tâm Y tế quận (huyện) có nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau :

2.1. Xây dựng kế hoạch, chương trình và các giải pháp thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn quận (huyện) và tổ chức triển khai thực hiện theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Sở Y tế và Ủy ban nhân dân quận (huyện) ;

2.2. Khám chữa bệnh, cấp cứu, thực hiện các chương trình quốc gia về y tế, phục hồi chức năng, dự phòng, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc, tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh, phòng chống sốt rét, bướu cổ, quản lý thai sản, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ-trẻ em và nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về kế hoạch hóa gia đình ; cung ứng thuốc, đặc biệt là thuốc thiết yếu cho cộng đồng; hướng dẫn các hoạt động về nghiệp vụ chuyên môn của các đơn vị y tế của các Công ty, xí nghiệp, cơ quan, Trường học…đóng trên địa bàn nhằm làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo quy định của ngành Y tế;

2.3. Quản lý tốt tổ chức bộ máy, cán bộ, kinh phí, dược, vật tư trang thiết bị y tế tuyến quận (huyện) và tuyến y tế phường-xã, thị trấn ;

2.4. Thực hiện sự chỉ đạo và quyết định của Ủy ban nhân dân quận (huyện) về kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc chấp hành luật pháp trong hoạt động y tế Nhà nước và các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn theo các quy định của Nhà nước và phân cấp của thành phố;

2.5. Xây dựng, củng cố mạng lưới y tế từ quận-huyện đến phường-xã, thị trấn, trường học, công ty, xí nghiệp,… và hướng dẫn, kiểm tra các mặt hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đối với các Trạm Y tế phường-xã, thị trấn ;

2.6. Giúp Ủy ban nhân dân quận xây dựng và có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế quận-huyện, đảm bảo cơ cấu hợp lý; thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ y tế trong quận (huyện) và tổng kết việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác khám chữa bệnh, dự phòng và y tế cơ sở để phổ biến, áp dụng;

2.7. Chủ trì phối hợp với các ngành, đoàn thể trong quận (huyện) thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ và tham gia vào các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

2.8. Thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn khác do Ủy ban nhân dân quận (huyện) giao và hướng dẫn của Sở Y tế.

Chương 2:

CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Điều 3. Cơ cấu tổ chức bộ máy :

3.1. Trung tâm Y tế quận (huyện) do Giám đốc phụ trách, giúp việc Giám đốc có từ hai đến ba Phó Giám đốc.

Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận (huyện), Giám đốc, Phó Giám đốc bệnh viện trực thuộc Trung tâm (nếu có) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) bổ nhiệm. Riêng Giám đốc Trung tâm y tế quận (huyện) cần có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Giám đốc Sở Y tế.

Giám đốc Trung tâm y tế quận (huyện) là người chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) về toàn bộ công tác của Trung tâm.

Phó Giám đốc là người giúp việc Giám đốc, được Giám đốc phân công phụ trách một số công việc cụ thể, liên đới chịu trách nhiệm trước cấp trên về những phần việc được phân công phụ trách và được ủy quyền thực hiện một số công việc cụ thể khi Giám đốc đi vắng.

3.2. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế quận (huyện) bao gồm:

3.2.1. Các đơn vị chuyên môn kỹ thuật:

a) Đội y tế dự phòng : Thực hiện công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, phòng chống sốt rét, bướu cổ và các bệnh xã hội…;

b) Đội bảo vệ sức khoẻ bà mẹ-trẻ em-kế hoạch hóa gia đình;

c) Đội y tế lưu động: Tổ chức đối với huyện để hỗ trợ cho y tế cơ sở khi chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động;

d) Bệnh viện trực thuộc Trung tâm, các khoa lâm sàng và cận lâm sàng; tuỳ theo nhu cầu, tình hình thực tế, số giường được phân bổ cho từng quận (huyện) mà tổ chức các khoa như : Phòng khám đa khoa trung tâm, ngoại – sản, nội – y học cổ truyền dân tộc, nhi – hồi sức cấp cứu, lây, cận lâm sàng (xét nghiệm, siêu âm, X quang, dược – vật tư y tế…) ; Ban Giám đốc Trung tâm y tế phân công một người trong Ban Giám đốc để phụ trách công tác điều trị của Trung tâm.

Những quận (huyện) có cơ sở điều trị của Trung ương và thành phố đóng trên địa bàn, thuận lợi về giao thông đi lại thì chỉ tổ chức Phòng khám đa khoa trung tâm (ở các quận-huyện có thể thành lập nhà hộ sinh khu vực) để làm nhiệm vụ sơ cứu bệnh nhân trước khi chuyển lên tuyến trên, đỡ đẻ, khám chữa bệnh thông thường;

đ) Phòng khám bệnh đa khoa khu vực (thiết lập ở nơi có nhu cầu cần thiết theo quy hoạch của ngành);

e) Trạm Y tế phường (xã-thị trấn) thực hiện theo Quyết định số 58/TTg ngày 03 tháng 02 năm 1994 và Quyết định số 131/TTg ngày 04 tháng 3 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 08/TT-LB ngày 20 tháng 4 năm 1995 của Liên Bộ Y tế-Tài chính-Lao động Thương binh & Xã hội-Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ).

3.2.2. Các Phòng chức năng giúp việc Giám đốc Trung tâm bao gồm:

a- Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ;

b- Phòng Tài vụ;

c- Phòng Tổ chức hành chính quản trị.

Điều 4. Biên chế :

Căn cứ khối lượng công việc và tình hình cán bộ cụ thể ở từng địa phương để xác định chức danh cán bộ, công chức và số lượng biên chế cho phù hợp. Biên chế của Trung tâm do Ủy ban nhân dân quận (huyện) quyết định trong chỉ tiêu biên chế sự nghiệp y tế của quận (huyện) được Ủy ban nhân dân thành phố giao hàng năm.

Điều 5. Kinh phí hoạt động :

Kinh phí hoạt động, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng và trang thiết bị y tế thực hiện theo quy định của Nhà nước.

Chương 3:

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 6: Chế độ làm việc:

6.1. Chế độ hội họp :

Thực hiện định kỳ hàng tuần họp giao ban giữa Ban Giám đốc Trung tâm với Trưởng các đơn vị chuyên môn kỹ thuật và Trưởng các phòng chức năng thuộc Trung tâm để kiểm điểm công tác trong tuần qua và triển khai công tác tuần tới.

Hàng tháng họp toàn thể cán bộ-công chức Trung tâm để kiểm điểm tình hình thực hiện công tác trong tháng qua và đề ra công tác cho tháng tiếp theo, đồng thời phổ biến các chủ trương, chính sách, chế độ mới của Nhà nước và nhiệm vụ mới phát sinh ở địa phương.

Hàng quý, 6 tháng và cuối năm, Trung tâm báo cáo sơ, tổng kết công tác theo quy định.

Trung tâm có thể tổ chức họp đột xuất để triển khai các công việc cần thiết và cấp bách theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân quận (huyện), hoặc của lãnh đạo Sở Y tế.

6.2. Chế độ làm việc :

Thực hiện theo quy định chung của Nhà nước và của ngành y tế.

Cán bộ, công chức của Trung tâm đều có chức danh, nhiệm vụ cụ thể, phải mặc trang phục và đeo thẻ công chức theo quy định.

Công chức phải có thái độ, phong cách làm việc lịch sự, hòa nhã, tận tụy, khiêm tốn, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cán bộ phụ trách và lãnh đạo Trung tâm, của đồng nghiệp, cũng như của bệnh nhân theo 12 điều y đức của Bộ Y tế.

Điều 7. Quan hệ công tác :

Trung tâm Y tế quận (huyện) có các mối quan hệ công tác như sau :

7.1. Đối với Ủy ban nhân dân quận (huyện):

Trung tâm Y tế quận (huyện) chịu sự lãnh đạo và quản lý trực tiếp, toàn diện của Ủy ban nhân dân quận (huyện). Giám đốc trực tiếp nhận chỉ thị của Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân quận (huyện) và phải thường xuyên báo cáo với Ủy ban nhân dân quận (huyện) về việc thực hiện những mặt công tác đã được phân công.

Trường hợp Hội đồng nhân dân quận (huyện) có yêu cầu, nếu được sự ủy nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện), thì Giám đốc báo cáo hoặc giải trình những vấn đề có liên quan trong các kỳ họp của Hội đồng nhân dân quận (huyện).

7.2. Đối với Sở Y tế thành phố :

Giám đốc Trung tâm quận (huyện) chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn của Giám đốc Sở Y tế, đồng thời thực hiện và báo cáo công tác chuyên môn theo yêu cầu của Giám đốc Sở Y tế.

7.3. Đối với các cơ quan khác trực thuộc Ủy ban nhân dân quận (huyện):

- Thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp và hợp tác bình đẳng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được quy định.

- Khi phối hợp giải quyết công việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách, nếu chưa nhất trí với ý kiến của các cơ quan khác, Giám đốc Trung tâm chủ động tập hợp các ý kiến và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) quyết định.

7.4. Đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức xã hội quận (huyện):

- Thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân quận (huyện) về phối hợp với các ngành, Đoàn thể có liên quan để đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về công tác vệ sinh phòng bệnh để tự chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

- Khi các tổ chức trên có yêu cầu, kiến nghị những vấn đề thuộc chức năng của Trung tâm, Giám đốc có trách nhiệm giải quyết hoặc trình Ủy ban nhân dân quận (huyện) giải quyết các yêu cầu đó theo quy định.

7.5. Đối với Ủy ban nhân dân phường (xã, thị trấn) :

Trung tâm Y tế quận (huyện) phối hợp Ủy ban nhân dân phường (xã, thị trấn) để chỉ đạo và hướng dẫn Trạm Y tế phường (xã, thị trấn) trong việc xây dựng kế hoạch phát triển y tế để trình cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch đó sau khi đã được phê duyệt ; trong việc thanh, kiểm tra ngành ở phường (xã, thị trấn) khi có quyết định Ủy ban nhân dân quận (huyện). Cung cấp cho Ủy ban nhân dân phường (xã, thị trấn) các tài liệu, thông tin cần thiết phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế tại địa phương.

7.6. Đối với Trạm Y tế phường (xã, thị trấn):

Trung tâm Y tế quận (huyện) quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn Trạm Y tế phường (xã, Thị trấn) về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh phí và nhân lực y tế.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Giám đốc Trung tâm Y tế quận (huyện) có trách nhiệm thực hiện quy chế này. Trong quá trình thực hiện cần rút kinh nghiệm, đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) việc bổ sung hoặc sửa đổi quy chế, sau khi có sự trao đổi thống nhất với Phòng Tổ chức Chính quyền quận (huyện).

 

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN (HUYỆN)…………