Quyết định 92/2004/QĐ-UB ban hành Quy định về cấp phép thăm dò, khai thác, hành nghề khoan và đăng ký công trình khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành
Số hiệu: 92/2004/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Phan Thiên
Ngày ban hành: 26/05/2004 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 92/2004/QĐ-UB

Đà Lạt, ngày 26 tháng 05 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CẤP PHÉP THĂM DÒ, KHAI THÁC, HÀNH NGHỀ KHOAN VÀ ĐĂNG KÝ CÔNG TRÌNH KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20/5/1998;
Căn cứ Nghị định số 179/1999/NĐ-CP , ngày 30/12/1999 của Chính phủ quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Quyết định số 05/2003/QĐ-BTNMT , ngày 4/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định về cấp phép thăm dò, khai thác và hành nghề khoan nước dưới đất;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về cấp phép thăm dò, khai thác, hành nghề khoan và đăng ký công trình khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 55/2002/QĐ-UB ngày 3/4/2002 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành Quy định tạm thời về thực hiện chế độ cấp phép thăm dò, khai thác, hành nghề khoan nước ngầm và đăng ký công trình khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp
- TTTU, TT.HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các phó CT
- Các thành viên UBND tỉnh;
- Như điều 3.
- Chánh VP, các PVP;
- Các phòng CV
- Lưu: VPUB/NN/CN.

TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH




Phan Thiên

 

QUY ĐỊNH

VỀ CẤP PHÉP THĂM DÒ, KHAI THÁC, HÀNH NGHỀ KHOAN VÀ ĐĂNG KÝ CÔNG TRÌNH KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 92/2004/QĐ-UB ngày 26/5/2004 của UBND Tỉnh Lâm Đồng)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Nước dưới đất là nguồn tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và người nước ngoài tiến hành thăm dò, khai thác nước dưới đất, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều phải chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên nước và nội dung bản quy định này.

Quy định này được áp dụng cho việc cấp phép thăm dò, khai thác và hành nghề khoan nước dưới đất trừ nước khoáng và nước nóng thiên nhiên.

Điều 2. Giải thích một số từ ngữ

1. Nước dưới đất (nước ngầm) là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới mặt đất.

2. Khu vực khai thác là khu vực được bố trí các công trình khai thác nước dưới đất bao gồm cả phạm vi mà mực nước dưới đất bị hạ thấp do bơm hút nước từ công trình khai thác gây ra.

3. Công trình khai thác nước dưới đất là các giếng khoan, giếng đào, hang động hoặc hành lang khai thác nước, điểm lộ nước dưới đất được xây dựng hoặc sử dụng để khai thác nước dưới đất.

4. Công trình khai thác quy mô lớn là công trình có lưu lượng khai thác lớn hơn 5.000m3/ngày đêm.

5. Công trình khai thác quy mô vừa là công trình có lưu lượng khai thác từ 1.000m3/ngày đêm đến 5.000m3/ngày đêm.

6. Công trình khai thác quy mô nhỏ là công trình có lưu lượng khai thác nhỏ hơn 1.000m3/ngày đêm.

7. Công trình khai thác quy mô nhỏ sử dụng trong phạm vi gia đình cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và cho các mục đích khác được quy định cho các giếng khoan có đường kính mở đầu đến 110mm và lưu lượng khai thác nhỏ hơn 100m3/ngày đêm.

Điều 3. Cơ quan tiếp nhận, quản lý hồ sơ giấy phép

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng là cơ quan tiếp nhận, quản lý và lưu trữ hồ sơ, giấy phép thăm dò, khai thác, hành nghề khoan nước dưới đất.

Chương 2.

CẤP PHÉP THĂM DÒ, KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Điều 4. Nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất

1. Ưu tiên việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất có chất lượng tốt cho ăn uống sinh hoạt, nếu còn thừa mới được sử dụng cho mục đích khác;

2. Lượng nước dưới đất được phép khai thác trong một vùng không được vượt quá trữ lượng có thể khai thác của vùng đó;

3. Tại vùng khai thác nước dưới đất đã đạt tới trữ lượng có thể khai thác thì phải quản lý chặt chẽ việc khai thác, không được mở rộng quy mô khai thác nước ở vùng này nếu chưa được bổ sung nhân tạo;

4. Không tập trung khai thác nước dưới đất ở một khu vực để hạn chế việc sụt giảm, hạ thấp mực nước dưới đất và có thể xảy ra tai biến về địa chất môi trường;

5. Việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất phải căn cứ vào Luật Tài nguyên nước và pháp luật khác có liên quan; căn cứ vào kết quả thẩm định, phê duyệt đề án thăm dò, báo cáo thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền.

6. Thời hạn được cấp phép khai thác nước dưới đất tối đa không quá mười lăm (15) năm; thời hạn gia hạn không quá mười (10) năm.

Điều 5. Các trường hợp khai thác nước dưới đất không phải xin phép

Tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất trong các trường hợp sau không phải xin phép, nhưng phải đăng ký công trình khai thác nước dưới đất (theo mẫu số 1) tại UBND cấp huyện sở tại:

1. Khai thác nước dưới đất với quy mô nhỏ sử dụng trong phạm vi gia đình;

2. Khai thác nước dưới đất từ các công trình thay thế giếng khoan, giếng đào hoặc các công trình bị hư hỏng hoặc giảm công suất khai thác có cùng quy mô với mực nước hạ thấp nhỏ hơn giới hạn cho phép, nằm trong khu vực được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác.

Điều 6. Thẩm quyền cấp giấp phép, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép và đình chỉ, thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất.

1. Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép và đình chỉ, thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với các công trình có lưu lượng khai thác từ 1.000m3/ngày đêm trở lên;

2. Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép và đình chỉ, thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với các công trình có lưu lượng khai thác từ 200m3/ngày đêm đến dưới 1.000m3/ngày đêm;

3. Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND Tỉnh ủy quyền cấp giấp phép, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép và đình chỉ, thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với các công trình do các tổ chức, cá nhân trong nước xin cấp phép có lưu lượng khai thác dưới 200m3/ngày đêm;

Điều 7. Thủ tục, trình tự cấp phép thăm dò nước dưới đất

1. Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. Hồ sơ gồm 04 bộ như sau:

a. Đơn xin thăm dò nước dưới đất (mẫu số 2);

b. Đề án thăm dò nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng trên 100m3/ngày đêm (theo mẫu quy định) hoặc thiết kế giếng thăm dò nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng nhỏ hơn 100m3/ngày đêm;

c. Bản sao quyền sử dụng đất tại nơi thăm dò hoặc văn bản của Ủy ban nhân dân địa phương thỏa thuận, cho phép sử dụng đất để thăm dò.

d. Các văn bản pháp luật liên quan khác (nếu có).

2. Trình tự cấp phép thăm dò nước dưới đất được quy định như sau:

a. Trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ xin thăm dò nước dưới đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ hoặc làm lại.

b. Trong thời hạn tối đa mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế hiện trường, cấp giấy phép đối với trường hợp được ủy quyền theo điểm 3 điều 6 quy định này; hoặc trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt đề án và cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh) hoặc có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Trường hợp không đủ điều kiện cấp phép thì trả lại hồ sơ và thông báo lý do cho bên xin phép

3. Sau khi kết thúc công tác thăm dò, tổ chức, cá nhân xin phép phải nộp báo cáo kết quả thăm dò (theo mẫu quy định) về Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò.

Điều 8. Thủ tục, trình tự cấp phép khai thác nước dưới đất

1. Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép khai thác nước dưới đất nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Hồ sơ gồm 4 bộ như sau:

a. Đơn xin khai thác nước dưới đất (mẫu số 3);

b. Đề án khai thác nước dưới đất (theo mẫu quy định);

c. Bản đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất hệ tọa độ UTM tỷ lệ 1/50.000 đến 1/25.000 (mẫu số 4);

d. Kết quả đánh giá chất lượng nước dưới đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc Phòng thí nghiệm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đánh giá;

e. Báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ 100m3/ngày đêm trở lên (theo mẫu quy định) hoặc báo cáo hoàn công giếng đối với công trình có lưu lượng nhỏ hơn 100m3/ngày đêm;

f. Bản sao quyền sử dụng đất tại nơi đặt giếng khai thác. Trường hợp nơi đặt giếng khai thác không thuộc quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân khai thác thì phải có văn bản thỏa thuận cho sử dụng đất giữa tổ chức, cá nhân khai thác với tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng đất và được Ủy ban nhân dân địa phương xác nhận;

2. Cá nhân khai thác nước dưới đất với quy mô sử dụng trong phạm vi gia đình nhưng thuộc đối tượng phải xin phép (các giếng khoan có đường kính mở lỗ trên 110mm) nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường; gồm 4 bộ cụ thể như sau:

a. Đơn xin phép khai thác nước dưới đất (mẫu số 3);

b. Bản sao quyền sử dụng đất tại nơi đặt giếng khai thác. Trường hợp nơi đặt giếng khai thác không thuộc quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân khai thác thì phải có văn bản thỏa thuận cho sử dụng đất giữa tổ chức, cá nhân khai thác với tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng đất và được UBND địa phương xác nhận;

3. Khai thác nước dưới đất thuộc chương trình nước sinh hoạt nông thôn: Cơ quan thực hiện chương trình tại địa phương có trách nhiệm làm thủ tục xin khai thác nước dưới đất theo dự án, kế hoạch theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, được UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền phê duyệt hàng năm. Hồ sơ gồm 04 bộ như sau:

a. Đơn xin phép khai thác nước dưới đất (mẫu số 3);

b. Dự án khai thác nước dưới đất;

c. Sơ đồ bố trí công trình khai thác và vị trí khu vực công trình khai thác nước dưới đất;

d. Bảng tổng hợp thống kê vị trí công trình và tên hộ được đặt công trình khai thác nước dưới đất.

4. Trình tự cấp phép khai thác nước dưới đất được quy định như sau:

a. Trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ xin khai thác nước dưới đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ hoặc làm lại.

b. Trong thời hạn tối đa mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế hiện trường, cấp phép đối với trường hợp được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định:

- Cấp giấy phép khai thác nước dưới đất đối với trường hợp công trình đã được thăm dò kết hợp khai thác;

- Hoặc cho phép thi công công trình khai thác nước dưới đất đối với trường hợp công trình đã được thăm dò nhưng chưa thi công giếng khai thác.

Nếu đơn không được chấp thuận thì Sở Tài nguyên và Môi trường phải trả lời bằng văn bản giải thích rõ lý do cho bên nộp đơn.

c. Sau khi thi công giếng khai thác và bơm khai thác thử, tổ chức, cá nhân khai thác phải nộp tài liệu địa chất, địa chất thủy văn các giếng khai thác; tài liệu bơm hút nước thí nghiệm hoặc bơm khai thác thử, kết quả phân tích thành phần hóa học, vi sinh và chất lượng nước theo quy định về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trong thời hạn tối đa mười (10) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp phép hoặc trình cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác nước chính thức.

Điều 9. Đăng ký công trình khai thác nước dưới đất

Tất cả các tổ chức, cá nhân đang khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh thuộc diện phải xin phép mà chưa có giấy phép, trong thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Quy định này có hiệu lực phải làm thủ tục Đăng ký công trình khai thác nước dưới đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường để xin cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác nước dưới đất.

Điều 10. Thủ tục đăng ký công trình khai thác nước dưới đất

1. Tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất nộp hồ sơ đăng ký tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Hồ sơ gồm 04 bộ như sau:

a. Bản Đăng ký công trình khai thác nước dưới đất (xem mẫu số 1);

b. Bản đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất hệ UTM tỷ lệ 1/50.000 đến 1/25.000 (xem mẫu số 4);

c. Bản sao quyền sử dụng đất tại nơi đặt giếng khai thác. Nếu khu đất đặt công trình khai thác không thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân khai thác thì phải có văn bản thỏa thuận giữa tổ chức, cá nhân khai thác nước và tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng đất có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn sở tại;

d. Thiết đồ địa chất, địa chất thủy văn và cấu trúc các giếng khoan khai thác kể cả các lỗ khoan quan trắc động thái nước dưới đất và lỗ khoan khai thác đã bị bỏ;

e. Tài liệu về lưu lượng, mực nước, chế độ khai thác và thiết bị dùng để khai thác;

f. Kết quả đánh giá chất lượng nước dưới đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc Phòng thí nghiệm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đánh giá;

g. Báo cáo đánh giá trữ lượng nước (nếu có) và tình hình khai thác nước dưới đất.

2. Trong thời hạn tối đa mười lăm (15) ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, kiểm tra thực tế hiện trường, cấp giấy phép đối với trường hợp được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép.

Điều 11. Định kỳ kiểm tra quá trình khai thác

Sở Tài nguyên và Môi trường lưu hồ sơ theo dõi các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác dưới đất và định kỳ kiểm tra quá trình khai thác sử dụng mỗi năm một lần.

Điều 12. Điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác nước dưới đất

Việc điều chỉnh giảm, hạn chế lượng khai thác nước của các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác nước dưới đất được thực hiện trong các trường hợp sau:

1. Do nguyên nhân tự nhiên khiến nguồn nước không đủ thỏa mãn việc cấp nước bình thường;

2. Khai thác nước dưới đất quá mức gây ra sụt lún mặt đất hoặc nhiễm bẩn nguồn nước ngầm;

3. Tổng lượng nước khai thác do yêu cầu chung tăng lên mà không có nguồn nước khác hoặc biện pháp bổ sung.

Điều 13. Đình chỉ khai thác, thu hồi giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác nước dưới đất

Việc đình chỉ khai thác, thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất được thực hiện trong các trường hợp sau:

1. Tổ chức, cá nhân chưa được cấp giấy phép khai thác hoặc chưa đăng ký công trình khai thác nước dưới đất theo quy định mà tự ý khai thác nước dưới đất.

2. Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác nước dưới đất vi phạm các quy định ghi trong giấy phép, các quy định tại Điều 23 Luật Tài nguyên nước và các quy định pháp luật khác có liên quan;

3. Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác nước dưới đất bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản;

4. Giấy phép cấp không đúng thẩm quyền;

5. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép nhưng không sử dụng liên tục trong một năm mà không có lý do chính đáng;

6. Khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét thấy cần thiết thu hồi hoặc đình chỉ hiệu lực của giấy phép và lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;

7. Việc thăm dò, khai thác nước dưới đất gây ra các hậu quả nghiêm trọng như sụt lún đất hoặc ô nhiễm nguồn nước dưới đất.

Điều 14. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được phép thăm dò nước dưới đất

1. Được quyền thăm dò hoặc thăm dò kết hợp khai thác nước dưới đất theo đề án được duyệt; trong trường hợp muốn thay đổi phương án thăm dò hoặc thăm dò kết hợp khai thác so với đề án được duyệt phải được sự đồng ý của UBND tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định trong giấy phép thăm dò hoặc thăm dò kết hợp khai thác, các quy định về bảo vệ nước dưới đất, các quy phạm kỹ thuật và quy định pháp luật khác có liên quan. Sau khi thăm dò, nếu không đưa giếng vào khai thác hoặc giếng thăm dò không đủ tiêu chuẩn khai thác, tổ chức, cá nhân thăm dò phải lấp giếng khoan theo quy định;

3. Có trách nhiệm hợp tác, cung cấp trung thực các thông tin liên quan khi cơ quan quản lý nước kiểm tra tình hình thăm dò hoặc thăm dò kết hợp khai thác;

4. Trình duyệt đề án thăm dò, hoặc thăm dò kết hợp khai thác;

5. Nộp báo cáo cho UBND tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi hoàn thành nhiệm vụ thăm dò hoặc thăm dò kết hợp khai thác;

6. Bồi thường thiệt hại do thăm dò, thăm dò khai thác nước dưới đất gây ra;

7. Nộp lệ phí cấp phép thăm dò, thăm dò kết hợp khai thác nước dưới đất theo quy định của pháp luật;

Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được phép khai thác nước dưới đất

Tổ chức, cá nhân được phép khai thác nước dưới đất có quyền và nghĩa vụ sau:

1. Khai thác nước và thực hiện đúng các quy định ghi trong giấy phép, các quy định về bảo vệ nước dưới dất, các quy phạm kỹ thuật, quy định pháp luật khác có liên quan;

2. Có trách nhiệm hợp tác cung cấp trung thực các thông tin liên quan về tình trạng khai thác nước khi cơ quan quản lý nước kiểm tra tình hình khai thác nước dưới đất.

3. Báo cáo kịp thời với cơ quan cấp phép khi phát hiện các thay đổi lớn về số lượng, chất lượng nước dưới đất và môi trường.

4. Nộp lệ phí cấp phép khai thác nước dưới đất, thuế tài nguyên theo quy định của Pháp luật.

5. Được xem xét bồi thường theo quy định của Pháp luật khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hiệu lực giấy phép vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;

Chương 3.

CẤP PHÉP HÀNH NGHỀ KHOAN NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Điều 16. Quy định chung về hành nghề khoan khai thác nước dưới đất

1. Chỉ có các tổ chức và cá nhân được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND tỉnh cấp giấy phép mới được hành nghề khoan nước dưới đất.

2. Các tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề khoan thăm dò và khai thác nước dưới đất không được khoan thăm dò và khai thác nước dưới đất cho các dự án và công trình thuộc diện phải xin phép mà chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác.

Điều 17. Điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề khoan khai thác nước dưới đất

1. Năng lực nghề nghiệp của cán bộ kỹ thuật:

a. Đối với hành nghề khoan bằng máy thủ công, khoan tay các lỗ khoan nông, đường kính nhỏ hơn 60mm: Người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật phải có trình độ tối thiểu trung cấp các chuyên ngành địa chất, có ít nhất một năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề hoặc là công nhân có tay nghề bậc 3/7 hoặc tương đương và có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề; có khả năng thiết kế, chỉ đạo thi công các giếng khoan thăm dò, khai thác nước.

b. Đối với hành nghề khoan bằng máy thủ công, lỗ khoan có đường kính đến 110mm: Người chỉ đạo kỹ thuật phải là kỹ sư các chuyên ngành địa chất có ít nhất một năm kinh nghiệm hoặc trung cấp địa chất có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề; có khả năng thiết kế và chỉ đạo thi công các giếng khoan thăm dò, khai thác; hiểu biết về kỹ thuật cách ly tầng chứa nước và bảo vệ nước dưới đất; có khả năng lập báo cáo kết quả thăm dò, khai thác nước dưới đất quy mô nhỏ.

c. Đối với hành nghề khoan công trình quy mô vừa và lớn bằng máy khoan công nghiệp: Người chỉ đạo kỹ thuật phải có trình độ tối thiểu là kỹ sư chính chuyên ngành địa chất thủy văn; có khả năng lập Đề án thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khoan khai thác; chỉ đạo thi công và lập báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất; có hiểu biết về điều kiện địa chất thủy văn khu vực; được thủ trưởng đơn vị đề cử bằng văn bản.

2. Máy, thiết bị thi công khoan phải bảo đảm các tính năng kỹ thuật và an toàn lao động theo quy định hiện hành.

Điều 18. Thẩm quyền cấp giấy phép, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép và thu hồi giấy phép hành nghề khoan giếng

1. Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép và thu hồi giấy phép hành nghề khoan giếng đối với trường hợp hành nghề khoan nước dưới đất có phạm vi hoạt động trong tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép và thu hồi giấy phép hành nghề khoan giếng đối với trường hợp hành nghề khoan nước dưới đất có phạm vi hoạt động từ hai tỉnh trở lên.

Điều 19. Thủ tục, trình tự cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất

1. Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất nộp hồ sơ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. Hồ sơ bao gồm:

a. Đơn xin phép hành nghề khoan nước dưới đất (mẫu số 5);

b. Bản sao hợp lệ quyết định thành lập đơn vị hoặc giấy đăng ký kinh doanh. Nếu là cá nhân chưa đăng ký kinh doanh phải có xác nhận của chính quyền địa phương về hộ khẩu thường trú;

c. Bản tường trình năng lực kỹ thuật (theo mẫu quy định).

2. Trình tự cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất:

a. Trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin phép hành nghề khoan nước dưới đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp bổ sung hồ sơ hoặc làm lại.

b. Trong thời hạn tối đa mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra năng lực thực tế của tổ chức, cá nhân xin phép hành nghề, trình cấp có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép. Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép thì Sở Tài nguyên và Môi trường phải trả lời bằng văn bản giải thích rõ lý do cho bên nộp đơn.

Điều 20. Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân được phép hành nghề khoan nước dưới đất

Tổ chức, cá nhân được phép hành nghề khoan nước dưới đất có trách nhiệm và quyền hạn sau:

1. Tuân thủ quy trình kỹ thuật khoan, các quy định ghi trong giấy phép và quy định bảo vệ nước dưới đất;

2. Định kỳ hàng năm báo cáo cơ quan cấp giấp phép về khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất.

3. Không khoan thăm dò, khoan khai thác nước dưới đất cho các tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép thăm dò, khai thác nước dưới đất theo quy định;

4. Nộp lệ phí hành nghề khoan nước dưới đất;

5. Được hành nghề và tham gia đấu thầu các công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất.

Điều 21. Thời hạn, gia hạn giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất

1. Các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất do các cơ quan khác cấp trước đây đã hết hạn, phải trình giấy phép đến cơ quan có thẩm quyền để được cấp lại.

2. Thời hạn giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất không quá năm (5) năm, thời gian gia hạn không quá ba (3) năm;

3. Ba (3) tháng trước khi giấy phép hết thời hạn, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục hành nghề phải nộp hồ sơ xin gia hạn giấy phép tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Hồ sơ gồm có:

a. Thống kê các công trình đã thi công;

b. Báo cáo sự thay đổi về nhân lực, thiết bị chuyên môn của đơn vị.

4. Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế hiện trường, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định gia hạn giấy phép hành nghề.

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Trong thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày quy định này có hiệu lực, mọi tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác và hành nghề khoan khai thác nước dưới đất mà không có giấy phép đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Quy định này./.