Quyết định 906/QĐ-TTg về việc đầu tư dự án Phát triển giáo viên tiểu học
Số hiệu: 906/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phạm Gia Khiêm
Ngày ban hành: 24/07/2001 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 906/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

ĐẦU TƯ (GIAI ĐOẠN I) DỰ ÁN "PHÁT TRIỂN GIÁO VIÊN TIỂU HỌC"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại công văn số 4336/GV ngày 25 tháng 5 năm 2001 và của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 3769 BKH/VPTĐ ngày 07 tháng 6 năm 2001,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Đầu tư (giai đoạn I) dự án “Phát triển giáo viên tiểu học” với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu của dự án:

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiểu học trên cơ sở chuẩn giáo viên tiểu học mới được xây dựng đảm bảo đủ số lượng và sử dụng có hiệu quả hơn đội ngũ giáo viên này, tăng cường năng lực cho các trường sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học nhằm phục vụ thực hiện chương trình cải cách giáo dục tiểu học và chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2010.

2. Cơ quan quản lý dự án: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Các thành phần của dự án:

a) Thiết kế, thí điểm và hoàn thiện chuẩn chuyên môn mới của giáo viên tiểu học, áp dụng chuẩn chuyên môn mới cho giáo viên tiểu học của 10 tỉnh.

b) Xây dựng các bộ chương trình đào tạo mới và bồi dưỡng 25.000 giáo viên tiểu học đáp ứng yêu cầu chương trình tiểu học năm 2000 và chuẩn chuyên môn mới.

c) Tăng cường năng lực cho các trường sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học.

d) Xây dựng cơ chế giám sát và đảm bảo chất lượng giáo viên tiểu học và chỉ đạo thực hiện thí điểm tại 10 tỉnh.

đ) Nghiên cứu, kiến nghị bổ sung một số giải pháp về chế độ lao động, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên tiểu học và trách nhiệm, quyền hạn của Hiệu trưởng trường tiểu học.

4. Phạm vi thực hiện dự án:

Dự án thực hiện ở 93 quận, huyện trong 10 tỉnh, thành phố được lựa chọn và có 1.000 trường tiểu học tham gia dự án. Các tỉnh được lựa chọn là: Sơn La, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Bình, Phú Yên, Kon Tum, Bình Phước, Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hải Phòng.

5. Tổng vốn đầu tư: 35,702 triệu USD, trong đó:

- Đào tạo: 10,175 triệu USD

- Trang thiết bị: 7,382 triệu USD

- Tài liệu học tập: 2,013 triệu USD

- Dịch vụ tư vấn: 7,438 triệu USD

- Phí hoạt động: 0,776 triệu USD

- Thuế: 2,281 triệu USD

- Dự phòng: 5,637 triệu USD

6. Nguồn vốn đầu tư:

- Vốn vay WB: 20,024 triệu USD,

- Viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Anh: 6,704 triệu Bảng Anh (tương đương 9,692 triệu USD),

- Vốn đối ứng của Việt Nam: 86 tỷ đồng (tương đương 5,986 triệu USD).

7. Phương thức tổ chức thực hiện dự án:

- Thành lập Hội đồng chỉ đạo thực hiện dự án cấp Trung ương do một lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Chủ tịch, có thành viên là đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

- Việc mua sắm các dịch vụ tư vấn, trang thiết bị của dự án: thực hiện đấu thầu theo quy định hiện hành.

8. Thời gian thực hiện dự án: 03 năm, từ năm 2001 - 2004.

Điều 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý và đảm bảo hiệu quả toàn diện của dự án; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện dự án theo quy định hiện hành; phối hợp với các địa phương thụ hưởng dự án xác định chủ đầu tư cho các dự án thành phần.

Điều 3. Việc đầu tư các giai đoạn tiếp theo của dự án theo hình thức Chương trình vay vốn có điều chỉnh (APL) sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định dựa trên kết quả và kinh nghiệm thực hiện giai đoạn I, yêu cầu thực tiễn của việc thực hiện đại trà các nội dung ở các địa phương khác.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ; Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Bình, Phú Yên, Kon Tum, Bình Phước, Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình triển khai thực hiện dự án./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Gia Khiêm