Quyết định 90/QĐ-TTg năm 2016 về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030
Số hiệu: | 90/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 12/01/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 26/01/2016 | Số công báo: | Từ số 117 đến số 118 |
Lĩnh vực: | Tài nguyên, Môi trường, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 90/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI QUAN TRẮC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn ngày 02 tháng 12 năm 1994;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM
1. Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia được quy hoạch bảo đảm lồng ghép tối đa giữa các lĩnh vực, có tính kế thừa, tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có, trong đó mạng quan trắc khí tượng thủy văn là nòng cốt.
2. Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường phải đảm bảo tính đồng bộ, tiên tiến, hiện đại và toàn diện; đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa công nghệ và thiết bị quan trắc, phân tích, truyền tin và xử lý thông tin theo hướng số hóa, tự động hóa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong nước và tiếp thu công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
3. Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia là một hệ thống mở, liên tục được bổ sung, nâng cấp và hoàn thiện, được kết nối và chia sẻ thông tin từ Trung ương đến địa phương với sự quản lý thống nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Từng bước đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo công tác quản lý và vận hành mạng quan trắc tài nguyên và môi trường tiên tiến, hiện đại, đáp ứng việc cung cấp số liệu, thông tin điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường của đất nước, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý ngành tài nguyên và môi trường.
5. Đầu tư xây dựng mới phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Giai đoạn trước mắt được bảo đảm chủ yếu bằng nguồn ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương); các giai đoạn tiếp theo sẽ từng bước huy động tối đa nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện trên cơ sở xã hội hóa một phần hoạt động quan trắc.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, đạt trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á; đáp ứng nhu cầu thông tin điều tra cơ bản phục vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên đất, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ dự báo, cảnh báo, phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Nâng cấp và hiện đại hóa các trạm quan trắc tài nguyên và môi trường hiện có; xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 1/2 số trạm, điểm quan trắc dự kiến xây mới; trọng tâm là những khu vực, những yếu tố quan trắc có nhu cầu cấp bách phục vụ dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường; bao gồm:
+ 1.035 trạm quan trắc: Hiện có 671 trạm (trong đó nâng cấp 48 trạm) xây mới 364 trạm;
+ 4.951 điểm quan trắc: Hiện có 1.877 điểm (trong đó nâng cấp 449 điểm), xây mới 3.074 điểm;
+ 1.146 công trình quan trắc: Hiện có 735 công trình, xây mới 411 công trình.
- Tăng cường năng lực truyền tin giữa các trạm quan trắc, các trung tâm xử lý và quản lý dữ liệu tài nguyên và môi trường; tạo lập, quản lý và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường; nâng cấp, hiện đại hóa các trung tâm xử lý và quản lý dữ liệu tài nguyên và môi trường, các phòng phân tích thí nghiệm phục vụ hệ thống mạng quan trắc.
b) Giai đoạn 2021 - 2025:
- Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm, điểm và yếu tố quan trắc mới trong quy hoạch, đưa mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia của Việt Nam đạt trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á, bao gồm:
+ 1.312 trạm quan trắc: Hiện có 1.035 trạm (trong đó nâng cấp 52 trạm), 277 trạm xây mới;
+ 5.847 điểm quan trắc: Hiện có 4951 điểm (trong đó nâng cấp 33 điểm), 896 điểm xây mới;
+ 1.557 công trình quan trắc: Hiện có 1146 công trình, xây mới 411 công trình.
- Hoàn thành nâng cấp các phòng thí nghiệm, hiện đại hóa các trung tâm xử lý; cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, bảo đảm thông tin đồng bộ, có hệ thống và độ tin cậy cao.
c) Tầm nhìn đến năm 2030:
Hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường hiện đại, đạt trình độ hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, hội nhập với khu vực và thế giới, bao gồm:
- 1.545 trạm quan trắc: Hiện có 1312 trạm (trong đó nâng cấp 59 trạm), 233 trạm xây mới;
- 6.347 điểm quan trắc: Hiện có 5847 điểm (trong đó nâng cấp 23 điểm), 500 điểm xây mới;
- 1.557 công trình quan trắc.
III. PHẠM VI CỦA QUY HOẠCH
1. Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được giới hạn trong khuôn khổ mạng lưới quan trắc hoạt động tương đối ổn định, lâu dài và có thể kết hợp được giữa các lĩnh vực khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, môi trường, biển và hải đảo, viễn thám, mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh và quan trắc địa động lực. Các trạm quan trắc mang tính đặc thù như quan trắc tài nguyên đất, quan trắc trượt lở đất, đá sẽ được bổ sung theo từng đề án riêng.
2. Quy hoạch này không bao gồm các trạm quan trắc mang tính đặc thù, phục vụ riêng theo nhu cầu của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
IV. CÁC THÀNH PHẦN CƠ BẢN CỦA MẠNG LƯỚI QUAN TRẮC
1. Mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn:
- Mạng lưới quan trắc khí tượng bề mặt được xây dựng trên cơ sở duy trì, nâng cấp hiện đại hóa 194 trạm, 14 trạm bức xạ, 29 trạm khí tượng nông nghiệp. Điều chỉnh, bổ sung các trạm, điểm còn thiếu, đưa tổng số trạm, điểm quan trắc đến năm 2030 là 454 trạm khí tượng bề mặt, 18 trạm bức xạ, 34 trạm giám sát biến đổi khí hậu, 02 trạm khí tượng toàn cầu và 79 trạm khí tượng nông nghiệp;
- Mạng lưới điểm đo mưa độc lập được xây dựng trên cơ sở duy trì, đầu tư tự động hóa 755 điểm hiện có và bổ sung các điểm còn thiếu, đưa tổng số điểm quan trắc đến năm 2030 là 4.304 điểm;
- Mạng lưới quan trắc khí tượng cao không được xây dựng trên cơ sở duy trì, nâng cấp 24 trạm: 7 trạm rađa thời tiết, 6 trạm thám không vô tuyến, 8 trạm pilot, 3 trạm ô zôn - bức xạ cực tím. Điều chỉnh, bổ sung các trạm còn thiếu, đưa tổng số trạm quan trắc đến năm 2030 là 76 trạm: 21 trạm rađa thời tiết, 11 trạm thám không vô tuyến, 8 trạm pilot, 4 trạm ô zôn - bức xạ cực tím, 18 trạm định vị sét và 14 trạm đo gió cắt lớp;
- Mạng lưới quan trắc thủy văn được xây dựng trên cơ sở duy trì, nâng cấp hiện đại hóa 354 trạm hiện có và bổ sung một số trạm còn thiếu, đưa tổng số trạm quan trắc đến năm 2030 là 640 trạm;
- Mạng lưới quan trắc khí tượng hải văn được xây dựng trên cơ sở duy trì, nâng cấp hiện đại hóa 23 trạm hiện có và bổ sung một số trạm còn thiếu, đưa tổng số trạm đến năm 2030 là 77 trạm;
- Mạng lưới quan trắc môi trường không khí và nước đã lồng ghép tại trạm khí tượng thủy văn xây dựng trên cơ sở duy trì, nâng cấp, hiện đại hóa 27 trạm quan trắc môi trường không khí (01 trạm đã lồng ghép tại trạm thủy văn Hà Nội), 56 trạm quan trắc môi trường nước sông, hồ, 06 trạm quan trắc môi trường nước biển và 91 điểm đo mặn. Điều chỉnh, bổ sung một số trạm, điểm còn thiếu, đưa tổng số trạm, điểm quan trắc đến năm 2030 là 32 trạm quan trắc môi trường không khí, 88 trạm quan trắc môi trường nước sông, hồ, 17 trạm quan trắc môi trường nước biển và 163 điểm đo mặn.
Yếu tố quan trắc, tần suất quan trắc tại mỗi trạm, điểm được quy định cụ thể trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật.
Danh sách các trạm, điểm quan trắc khí tượng thủy văn tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này.
2. Mạng lưới quan trắc tài nguyên nước:
- Mạng lưới quan trắc tài nguyên nước mặt đến năm 2030 là 56 trạm, 113 trạm lồng ghép với trạm thủy văn;
- Quy hoạch xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường nước dưới đất đến năm 2030 gồm 71 trạm, 778 điểm và 1.557 công trình quan trắc;
Danh sách các trạm, điểm và công trình quan trắc tài nguyên nước tại Phụ lục II kèm theo Quyết định này.
3. Mạng lưới quan trắc môi trường
- Các trạm quan trắc môi trường lồng ghép với mạng quan trắc khí tượng thủy văn và mạng quan trắc tài nguyên nước:
+ Lồng ghép 32 trạm quan trắc môi trường không khí (trong đó có 10 trạm tự động) với mạng quan trắc khí tượng, 85 trạm quan trắc môi trường nước mặt với mạng quan trắc thủy văn và 17 điểm quan trắc môi trường nước biển với mạng quan trắc hải văn;
+ Lồng ghép 778 điểm quan trắc môi trường nước ngầm với mạng quan trắc tài nguyên môi trường nước dưới đất.
- Các trạm quan trắc môi trường độc lập:
Quy hoạch xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường đến năm 2030 gồm 12 trạm quan trắc môi trường quốc gia, 46 điểm quan trắc môi trường không khí tự động, 99 điểm quan trắc môi trường không khí định kỳ, 45 điểm quan trắc môi trường nước mặt tự động, 409 điểm quan trắc môi trường nước mặt định kỳ, 47 điểm quan trắc môi trường cửa sông ven biển, 54 điểm quan trắc môi trường nước biển ven bờ, 23 điểm quan trắc lắng đọng axít, 248 điểm quan trắc môi trường đất, 44 điểm quan trắc đa dạng sinh học, 10 điểm quan trắc môi trường nước hồ.
Danh sách các trạm, điểm quan trắc môi trường tại Phụ lục III kèm theo Quyết định này.
4. Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường biển:
Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường biển đến năm 2030 gồm 32 trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên và môi trường, 25 trạm radar biển, 35 trạm phao biển. Yếu tố và chế độ quan trắc được quy định chi tiết trong các quy định kỹ thuật.
Danh sách các trạm quan trắc tài nguyên và môi trường biển tại Phụ lục IV kèm theo Quyết định này.
5. Mạng lưới quan trắc định vị vệ tinh và địa động lực:
Mạng lưới quan trắc định vị vệ tinh và địa động lực đến năm 2030 gồm 65 trạm định vị vệ tinh, 73 trạm quan trắc địa động lực.
Danh sách các trạm, điểm quan trắc định vị vệ tinh và địa động lực tại Phụ lục V kèm theo Quyết định này.
6. Mạng lưới quan trắc viễn thám:
Nâng cấp trạm viễn thám hiện có tại Hà Nội, xây dựng mới 01 trạm thu ảnh vệ tinh tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2030 xây dựng được 02 trạm thu ảnh vệ tinh, nâng cấp các trạm thu có thu nhận dữ liệu từ các vệ tinh như SPORT 6/7, các hệ thống vệ tinh viễn thám cung cấp dữ liệu miễn phí như LANDSAT (của Hoa Kỳ), SENTINEL (của EU).
Danh sách các trạm quan trắc viễn thám tại Phụ lục VI Quyết định này.
7. Mạng lưới quan trắc tại các mỏ khoáng sản độc hại:
Mạng lưới quan trắc tại các mỏ khoáng sản độc hại đến năm 2030 gồm 39 trạm quan trắc tại các mỏ khoáng sản phóng xạ, có chứa phóng xạ và 01 trạm quan trắc trung tâm đặt tại Hà Nội (trạm vùng).
Danh sách các trạm, điểm quan trắc tại các mỏ khoáng sản độc hại tại Phụ lục VII kèm theo Quyết định này.
8. Các phòng thí nghiệm:
Các phòng thí nghiệm phục vụ công tác quan trắc tài nguyên và môi trường quy hoạch đến năm 2030 gồm 10 phòng thí nghiệm.
Danh sách các phòng thí nghiệm tại Phụ lục VIII kèm theo Quyết định này.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Các giải pháp chính thực hiện Quy hoạch
a) Hoàn thiện về chính sách pháp luật, kiện toàn tổ chức bộ máy:
- Xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến việc thu thập, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin dữ liệu về tài nguyên và môi trường theo chuẩn thống nhất để áp dụng trong cả nước. Bổ sung, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật, các chỉ tiêu quan trắc một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của các lĩnh vực tài nguyên và môi trường;
- Xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành; đào tạo bổ sung đội ngũ quan trắc viên, kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu của mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường. Kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường;
- Xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa hoạt động quan trắc; rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với đội ngũ làm công tác điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường, đặc biệt đối với các quan trắc viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo;
- Xây dựng quy định tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với quan trắc viên tài nguyên và môi trường.
b) Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ quan trắc:
- Đầu tư xây dựng mạng lưới trạm quan trắc (xây mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp), ưu tiên các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường còn thiếu hoặc đồng bộ, các trạm thuộc mạng lưới dự báo, cảnh báo thiên tai;
- Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và công nghệ hiện đại cho hoạt động quan trắc, truyền tin, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, dữ liệu điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường;
- Đầu tư cơ sở vật chất cho các phòng thí nghiệm, các trung tâm phân tích tài nguyên và môi trường và các trường đào tạo quan trắc viên tài nguyên và môi trường.
Việc đổi mới công nghệ quan trắc, truyền tin, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, dữ liệu là bước đi mang tính đột phá nhưng thực hiện cần có trọng tâm, trọng điểm, gắn liền với đào tạo con người và thay đổi chính sách đãi ngộ đối với lực lượng làm công tác quan trắc.
c) Nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực:
- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ quan trắc, truyền tin, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; nghiên cứu chế tạo các thiết bị quan trắc tự động phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội đất nước;
- Nghiên cứu, đổi mới chương trình đào tạo quan trắc viên tài nguyên và môi trường theo hướng có chọn lọc, bảo đảm quan trắc viên được đào tạo có thể thực hiện được nhiều loại hình quan trắc, một số được đào tạo chuyên sâu thành kỹ thuật viên;
- Đẩy mạnh đào tạo lại để nâng cao nghiệp vụ, tay nghề cho đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên và quan trắc viên hiện có, chú trọng nâng cao năng lực thực hành của quan trắc viên đáp ứng yêu cầu vận hành của từng trạm, điểm quan trắc và toàn bộ mạng lưới.
d) Mở rộng hợp tác quốc tế:
Phát triển các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương nhằm tranh thủ tối đa sự hỗ trợ quốc tế về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin, kinh nghiệm của các quốc gia trong hoạt động quan trắc tài nguyên và môi trường.
đ) Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư:
Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường, trong đó nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đóng vai trò chủ đạo. Huy động tối đa các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các dự án, các doanh nghiệp để nâng cấp và đầu tư mới cho mạng lưới quan trắc.
2. Nguồn lực thực hiện quy hoạch
a) Nguồn nhân lực:
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên kỹ thuật có phẩm chất tốt và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, bảo đảm vận hành mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; ưu tiên công tác đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Dự kiến tổng số cán bộ quản lý và nhân viên vận hành mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường đến năm 2020 là 2.400 người, đến năm 2025 là 2.700 người và đến năm 2030 là 3.000 người.
b) Kinh phí đầu tư phát triển:
Kinh phí đầu tư phát triển cho cả 3 giai đoạn sẽ được khái toán cụ thể thông qua các dự án đầu tư.
c) Kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên:
Việc duy trì hoạt động của mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia, cơ bản đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường theo quy hoạch từ nay đến năm 2030 và từng bước xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật để lập kế hoạch hàng năm.
3. Phân công thực hiện quy hoạch
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện Quy hoạch;
- Tổ chức thực hiện việc xây dựng và vận hành các trạm quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc quyền quản lý của Bộ;
- Xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về quan trắc, truyền tin, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường để áp dụng thống nhất trong cả nước; thống nhất cơ sở dữ liệu quan trắc; quản lý, tích hợp, cung cấp thông tin quan trắc tài nguyên và môi trường;
- Chủ động lồng ghép và phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường với hoạt động quan trắc nhằm nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí đầu tư;
- Cung cấp thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường cho các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị có nhu cầu và công khai hóa các thông tin, dữ liệu phục vụ nâng cao dân trí, giáo dục, truyền thông;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để thanh tra, kiểm tra và định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm việc thực hiện Quy hoạch;
- Định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Quy hoạch này.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Căn cứ vào Quy hoạch này và văn bản đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ cân đối các nguồn kinh phí đầu tư phát triển để xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường theo kế hoạch được duyệt trung hạn và hàng năm.
c) Bộ Tài chính:
Căn cứ vào Quy hoạch này và văn bản đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ cân đối các nguồn kinh phí sự nghiệp để mua sắm trang thiết bị và vận hành hoạt động của mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường theo đúng kế hoạch được duyệt.
d) Các Bộ, ngành có liên quan:
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất và hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật về quan trắc, phương thức trao đổi thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường áp dụng cho các trạm, điểm quan trắc do các Bộ, ngành quản lý;
- Tổ chức thực hiện quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc quy hoạch này do các Bộ, ngành quản lý và gửi thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
đ) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia;
- Trên cơ sở mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia, chỉ đạo xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường của địa phương phù hợp với nội dung Quy hoạch này;
- Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả quan trắc tài nguyên và môi trường của các trạm, điểm quan trắc do địa phương quản lý, vận hành.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Thay thế Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nội dung của Quy hoạch.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Quyết định 16/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường Quốc gia đến năm 2020” Ban hành: 29/01/2007 | Cập nhật: 13/02/2007