Quyết định 88/2002/QĐ-UB Quy định tạm thời về mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với Tòa án nhân dân các cấp trong tỉnh trong công tác điều tra, giám định, định giá tài sản liên quan các vụ án do ngành Tòa án thụ lý, giải quyết
Số hiệu: 88/2002/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Cần Thơ Người ký: Nguyễn Phong Quang
Ngày ban hành: 30/09/2002 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87 /2002/QĐ-UB

Cần Thơ, ngày 30 tháng 9 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH "QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG TỈNH TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA, GIÁM ĐỊNH, ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN LIÊN QUAN CÁC VỤ ÁN DO NGÀNH TÒA ÁN THỤ LÝ, GIẢI QUYẾT"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 21/06/1994;

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 06/10/1992 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 28/12/1993, ngày 28/10/1995;

Sau khi có ý kiến thống nhất của Tòa án nhân dân tỉnh Cần Thơ tại Công văn số 140/TA ngày 23/8/2001 và ý kiến thống nhất của TAND huyện, thị, thành tại cuộc họp ngày 25/03/2002;

Xét Tờ trình số 225/TTr. STP ngày 16/4/2002 của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cần Thơ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay, ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định tạm thời về mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với Tòa án nhân dân các cấp trong tỉnh trong công tác điều tra, giám định, định giá tài sản liên quan các vụ án do ngành Tòa án thụ lý, giải quyết".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Giao Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì phối hợp cùng Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh triển khai, hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh, các Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

  

Nơi nhận:
- BTP, TANDTC
- TT. TU, TT. HĐND, TT.UBND tỉnh
- TAND tỉnh Đã ký
- Sở Ban, ngành tỉnh
- Các cơ quan Đảng, đoàn thể tỉnh
- Chủ tịch UBND huyện, TPCT,TXVT
- Lưu VP(LT - NCTH)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Phong Quang

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG TỈNH TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA, GIÁM ĐỊNH, ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN LIÊN QUAN CÁC VỤ ÁN DO NGÀNH TÒA ÁN THỤ LÝ, GIẢI QUYẾT
(Ban hành theo Quyết định số /2002/QĐ-UB ngày tháng năm 2002 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tòa án nhân dân tỉnh Cần Thơ, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện trong tỉnh Cần Thơ (sau đây gọi tắt là Tòa án) là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Cần Thơ.

Điều 2. Để tiến hành xét xử các vụ án, Tòa án có quyền tiến hành các hoạt động phối hợp với cơ quan hành chính Nhà nước trong tỉnh để điều tra, trưng cầu giám định, định giá tài sản, thực hiện các thủ tục theo luật định trước, trong và sau khi xét xử.

Điều 3. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Thủ trưởng cơ quan ban, ngành tỉnh, UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện, UBND xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Cần Thơ (sau đây gọi tắt là các cấp, các ngành) có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về phối hợp, cung cấp tài liệu để phục vụ cho công tác xét xử của Tòa án.

Điều 4. Giới hạn của công tác phối hợp

1. Khi Tòa án có yêu cầu cung cấp tài liệu thuộc về bí mật Nhà nước thì thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Những việc Toà án có nhu cầu quan hệ phối hợp đã được hướng dẫn bằng văn bản qui phạm pháp luật do cơ quan Trung ương ban hành thì thực hiện theo các văn bản đó.

Chương II

PHẠM VI PHỐI HỢP GIỮA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH VỚI TÒA ÁN

Điều 5. Phạm vi phối hợp bao gồm:

Công tác điều tra, trưng cầu giám định, định giá tài sản, thực hiện các thủ tục trước, trong và sau khi xét xử.

Điều 6. Nội dung của công tác điều tra:

1. Điều tra để làm rõ các tài liệu, chứng cứ do đương sự, cơ quan Nhà nước cung cấp, lời khai trong quá trình lập hồ sơ vụ án.

2. Đo đạc diện tích đất.

3. Sao lục các tài liệu lưu trữ của cơ quan Nhà nước.

4. Ghi lời khai các nhân chứng, cá nhân liên quan tùy theo yêu cầu của vụ án.

5. Yêu cầu cơ quan Nhà nước trả lời bằng văn bản về những vấn đề liên quan đến vụ án cần được làm rõ.

Điều 7. Nội dung công tác giám định:

1. Thực hiện các nội dung giám định theo quyết định trưng cầu của Tòa án.

2. Kết luận giám định bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận đó.

3. Giải thích bản kết luận giám định theo yêu cầu của Tòa án.

4. Giám định bổ sung hoặc giám định lại theo đúng trình tự quy định của pháp luật khi Tòa án yêu cầu.

5. Không được để lộ tài liệu và kết quả giám định.

6. Tuân thủ các quy định khác của pháp luật tố tụng.

7. Thực hiện theo Nghị định số 117/HĐBT ngày 21/7/1988 của Hội đồng Bộ Trưởng (nay là Chính phủ) về Giám định Tư pháp; Thông tư số 78-TT/QĐ ngày 26/01/1989 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định 117/HĐBT về Giám định Tư pháp; Điều lệ Giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Công an và các quy định của UBND tỉnh Cần Thơ về Giám định pháp y, Giám định Văn hóa - Thông tin, Giám định Kế toán - Tài chính.

Điều 8. Nội dung của công tác định giá tài sản:

Trưng cầu đối với cơ quan Tài chính-Vật giá và các ngành có liên quan để xác định giá trị còn lại của tài sản tranh chấp.

Điều 9. Nội dung việc thực hiện các thủ tục trước, trong và sau khi xét xử:

1. Yêu cầu chính quyền địa phương: UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND xã), các cơ quan Nhà nước khác tống đạt giấy triệu tập của Tòa án cho người tham gia tố tụng thường trú, tạm trú tại địa phương, cơ quan Nhà nước theo địa bàn, phạm vi quản lý.

 

2. Phối hợp niêm yết các văn bản về tố tụng của Tòa án tại địa phương, cơ quan Nhà nước.

Chương III

QUAN HỆ PHỐI HỢP

Điều 10. Trách nhiệm của Tòa án:

1. Đối với công tác điều tra khi có yêu cầu của Tòa án

a. Có văn bản gởi các cấp, các ngành nói rõ yêu cầu cần điều tra;

b. Trường hợp cần phối hợp để cùng đi điều tra phải gởi văn bản báo trước ít nhất là 07 ngày (tính theo ngày làm việc và căn cứ theo dấu bưu điện);

c. Trường hợp đặc biệt cần điều tra ngay phải có giấy giới thiệu của Chánh án Tòa án nhân dân nơi yêu cầu.

2. Đối với công tác định giá tài sản khi có yêu cầu thì Tòa án phải:

a. Có văn bản gởi các cơ quan có liên quan và cơ quan Tài chính - Vật giá cùng cấp nêu chi tiết loại tài sản cần định giá, địa điểm, thời gian, trong thời hạn ít nhất là 07 ngày trước ngày định giá;

b. Chuẩn bị kinh phí, phương tiện cần thiết để thực hiện việc định giá tài sản và quyết toán chi phí thực hiện;

c. Báo thu tạm ứng lệ phí định giá giao cơ quan tài chính thu, quyết định mức lệ phí định giá tài sản mà các bên tham gia tố tụng phải chịu trong bản án theo bảng chi do cơ quan Tài chính - Vật giá xác định;

d. Quan hệ trước với chính quyền địa phương, cơ quan Nhà nước liên quan theo điểm b khoản 1 Điều này;

đ. Quan hệ với cơ quan công an để bảo vệ Hội đồng định giá khi cần thiết;

e. Thông báo cho các đương sự, cơ quan Nhà nước tham gia tố tụng.

3. Đối với việc thực hiện các công việc trước, trong và sau khi xét xử:

a. Các trường hợp cần tống đạt: gởi giấy triệu tập, kèm theo văn bản yêu cầu đối với từng trường hợp cần tống đạt cho ủy ban nhân dân xã hoặc cơ quan Nhà nước khác;

b. Các trường hợp cần niêm yết phải có giấy giới thiệu nêu rõ yêu cầu phối hợp với UBND cấp xã để thực hiện;

c. Các trường hợp cần sự bảo vệ của cơ quan công an: phải có văn bản yêu cầu nêu rõ đối tượng cần bảo vệ, thời gian, địa điểm. Trường hợp cấp bách thì điện hoặc cử người trực tiếp báo cho Cảnh sát 113 hoặc cơ quan công an gần nhất;

d. Các trường hợp cần đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng: có văn bản nói rõ yêu cầu cần thông tin, gởi kèm bản sao bản án, quyết định. Trường hợp Tòa án có cộng tác viên thì thực hiện theo chế độ thu nhận thông tin của cơ quan báo chí.

Điều 11. Trách nhiệm cụ thể của các ngành, các cấp có quan hệ thường xuyên đối với ngành Tòa án:

1. Đối với ngành Công an:

Có trách nhiệm phối hợp thực hiện theo quy định của pháp luật và của ngành.

2. Đối với ngành Tài chính - Vật giá:

a. Làm Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản;

b. Xây dựng biểu lệ phí, chi phí định giá tài sản, xác minh, đo đạc đất đai để Tòa án làm căn cứ thu tạm ứng lệ phí, chi phí định giá, xác minh;

c. Cùng với các thành viên Hội đồng định giá, các ngành liên quan xác định giá trị của tài sản cần định giá;

d. Cung cấp các khung giá chuẩn về các loại tài sản theo từng thời điểm khi có yêu cầu của Tòa án.

đ. Văn bản cung cấp giá, định giá các loại tài sản được gởi lại Toà án trong thời gian là 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu cung cấp giá, định giá của Toà án.

3. Đối với ngành Địa chính:

a. Cử cán bộ phối hợp đo đạc, xác minh khi có yêu cầu bằng văn bản của Tòa án;

b. Cung cấp các tài liệu địa chính: hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ giải thửa theo đúng qui định của pháp luật;

c. Trả lời các vấn đề cụ thể theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 01/2002/TTLT ngày 03/01/2002 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng cục Địa chính.

4. Đối với ngành Xây dựng:

a. Cử cán bộ kết hợp cùng Tòa án tiến hành các hoạt động điều tra, khi được yêu cầu;

b. Trong phạm vi quản lý Nhà nước về xây dựng, đối với từng vụ án khi được Tòa án yêu cầu giám định cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng phải trả lời bằng văn bản.

5. Đối với UBND cấp xã:

Thực hiện, phối hợp thực hiện, chỉ đạo thực hiện đầy đủ các yêu cầu: tống đạt, điều tra, định giá, niêm yết.

6. Đối với Trưởng ấp, Trưởng khu vực:

a. Tống đạt các giấy triệu tập của Tòa án đến người tham gia tố tụng và hoàn lại biên bản tống đạt cho Tòa án sau khi tống đạt (Tòa án gởi phong bì có dán tem cho Trưởng ấp, Trưởng khu vực khi có yêu cầu nhận lại biên bản tống đạt);

b. Phối hợp với cán bộ Tòa án thực hiện công tác điều tra, xác minh khi có yêu cầu của Tòa án.

7. Đối với các cấp, các ngành khác:

Thực hiện theo Điều 3 Quy định này.

Điều 12. Thời gian thực hiện theo yêu cầu của Tòa án:

1. Các trường hợp phải trả lời bằng văn bản, thời gian không quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt do tính chất phức tạp không quá 30 ngày.

2. Các trường hợp Tòa án có yêu cầu phối hợp vào thời gian cụ thể thì thực hiện theo yêu cầu của Tòa án.

Điều 13. Định giá tài sản:

Đối với các loại tài sản liên quan đến vụ án, nếu Toà án xét thấy cần phải định giá hoặc đương sự có yêu cầu thì Toà án gửi văn bản đến Hội đồng định giá - bán đấu giá tài sản sung quỹ Nhà nước tỉnh, thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và huyện trong thời hạn là 15 ngày.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Khen thưởng và kỷ luật

Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt bản Quy định này sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 15. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện bản Quy định này./.





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.