Quyết định 867/QĐ-UBND năm 2019 về Quy chế hoạt động của báo cáo viên pháp luật tỉnh Bắc Giang
Số hiệu: | 867/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bắc Giang | Người ký: | Lại Thanh Sơn |
Ngày ban hành: | 31/05/2019 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 867/QĐ-UBND |
Bắc Giang, ngày 31 tháng 5 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT TỈNH BẮC GIANG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20/6/2012;
Căn cứ Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật;
Căn cứ Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ Tư pháp quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật;
Xét đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ trình số 23/TTr-STP ngày 21/5/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của báo cáo viên pháp luật tỉnh Bắc Giang.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 926/QĐ-UBND ngày 26/6/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của báo cáo viên pháp luật tỉnh Bắc Giang.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp; các cơ quan, đơn vị có liên quan và các Báo cáo viên pháp luật tỉnh căn cứ Quyết định thi hành./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 867/QĐ-UBND ngày 31/5/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này điều chỉnh hoạt động; việc quản lý, sử dụng, công nhận, miễn nhiệm và một số biện pháp bảo đảm đối với báo cáo viên pháp luật tỉnh Bắc Giang
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với báo cáo viên pháp luật tỉnh Bắc Giang, cơ quan quản lý, sử dụng báo cáo viên pháp luật và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Điều 3. Yêu cầu đối với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của báo cáo viên pháp luật
Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của báo cáo viên pháp luật phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
1. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phải chính xác, đầy đủ, rõ ràng.
2. Phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo sinh động, dễ hiểu và có sức thuyết phục.
3. Việc sử dụng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phải căn cứ vào nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng và phù hợp với truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc.
4. Không được lợi dụng việc phổ biến, giáo dục pháp luật để xuyên tạc quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Không được lợi dụng việc phổ biến, giáo dục pháp luật để gây cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Phạm vi hoạt động của báo cáo viên pháp luật
Báo cáo viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi cơ quan, đơn vị theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý báo cáo viên pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh theo sự phân công của Sở Tư pháp hoặc yêu cầu của cơ quan, đơn vị thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật.
Điều 5. Thủ tục yêu cầu cung cấp báo cáo viên pháp luật
1. Trình tự, thủ tục đề nghị công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật tỉnh thực hiện theo Quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ Tư pháp quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.
2. Khi có nhu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật, các cơ quan, đơn vị yêu cầu báo cáo viên pháp luật của cơ quan, đơn vị mình thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Trường hợp cơ quan, đơn vị không có báo cáo viên pháp luật hoặc báo cáo viên pháp luật không thực hiện được nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật vì lý do khách quan có thể đề nghị Sở Tư pháp phân công, giới thiệu báo cáo viên pháp luật hoặc mời báo cáo viên pháp luật của cơ quan, đơn vị khác.
3. Văn bản đề nghị Sở Tư pháp, các cơ quan trực tiếp quản lý báo cáo viên pháp luật phân công, giới thiệu báo cáo viên pháp luật phải ghi rõ đối tượng, nội dung, thời gian, địa điểm phổ biến, giáo dục pháp luật.
4. Sở Tư pháp, cơ quan trực tiếp quản lý báo cáo viên pháp luật có trách nhiệm lựa chọn báo cáo viên pháp luật phù hợp, đồng thời thông báo bằng văn bản đến đơn vị có nhu cầu báo cáo viên pháp luật biết việc phân công, giới thiệu báo cáo viên pháp luật.
Điều 6. Cơ quan quản lý, sử dụng báo cáo viên pháp luật
1. Cơ quan, đơn vị đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật trực tiếp quản lý, sử dụng báo cáo viên pháp luật thuộc cơ quan, đơn vị mình.
2. Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh thực hiện việc quản lý, sử dụng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của tỉnh.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan quản lý, sử dụng báo cáo viên pháp luật
1. Đối với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng báo cáo viên pháp luật
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn, kế hoạch, chương trình hoạt động của báo cáo viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý;
b) Hàng năm tiến hành kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng hoặc đề xuất khen thưởng và xử lý vi phạm về hoạt động của báo cáo viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý;
c) Sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm cho báo cáo viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật;
d) Rà soát, thẩm định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc rà soát, thẩm định đối với danh sách người dự kiến đề xuất cơ quan có thẩm quyền công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật bảo đảm có đủ tiêu chuẩn và hoạt động hiệu quả;
đ) Giới thiệu báo cáo viên pháp luật tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị về lĩnh vực hoạt động chuyên môn chuyên sâu mà báo cáo viên pháp luật được phân công kiêm nhiệm tham gia thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật;
e) Không phân công và giới thiệu báo cáo viên pháp luật thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật khi thuộc trường hợp bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến hành vi quy định tại điểm đ, điểm g Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ Tư pháp quy định về Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.
g) Báo cáo Sở Tư pháp tình hình thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật của báo cáo viên pháp luật thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý.
2. Đối với Sở Tư pháp:
a) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật;
b) Cập nhật và công bố danh sách báo cáo viên pháp luật, quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật, quyết định miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
d) Cung cấp thông tin, tài liệu; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho báo cáo viên pháp luật;
đ) Phân công, giới thiệu báo cáo viên pháp luật cho cơ quan, đơn vị có nhu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật;
e) Theo dõi, kiểm tra, báo cáo hoạt động của báo cáo viên pháp luật; khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng báo cáo viên pháp luật có thành tích xuất sắc trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Điều 8. Quyền và nghĩa vụ của Báo cáo viên pháp luật
1. Báo cáo viên pháp luật có các quyền sau đây:
a) Được cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, thông tin, tài liệu pháp luật phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;
b) Được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;
c) Được hưởng thù lao và chế độ theo quy định của pháp luật.
2. Báo cáo viên pháp luật có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý và theo sự phân công của Sở Tư pháp.
b) Thường xuyên cập nhật kiến thức, văn bản pháp luật, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật.
c) Không được tiết lộ bí mật nhà nước và thực hiện các hành vi bị cấm khác;
d) Báo cáo tình hình thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý và với Sở Tư pháp.
đ) Báo cáo viên pháp luật phải am hiểu chuyên sâu ít nhất 01 lĩnh vực và đăng ký nội dung pháp luật chuyên sâu với Sở Tư pháp và cơ quan quản lý trực tiếp báo cáo viên pháp luật để lựa chọn, giới thiệu tham gia báo cáo viên cho phù hợp với lĩnh vực được giao.
e) Tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Điều 9. Kinh phí phục vụ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của báo cáo viên pháp luật
Báo cáo viên pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật được hưởng thù lao, kinh phí hỗ trợ theo các quy định của Trung ương và địa phương, mức chi cụ thể căn cứ vào các quy định về chế độ đối với giảng viên, báo cáo viên theo quy định của pháp luật hiện hành,
Cơ quan, tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật có trách nhiệm lập dự toán kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật và chi trả thù lao, các chế độ khác cho báo cáo viên pháp luật theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Khen thưởng, xử lý vi phạm
1. Báo cáo viên pháp luật có thành tích xuất sắc trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thì được đề nghị khen thưởng theo quy định của pháp luật
2. Báo cáo viên pháp luật vi phạm pháp luật và Quy chế này thì tùy theo mức độ có thể bị tạm đình chỉ hoạt động báo cáo viên pháp luật hoặc miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, báo cáo viên có hành vi vi phạm còn bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Điều khoản thi hành
Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương và các báo cáo viên pháp luật triển khai thực hiện Quy chế này. Chủ tịch UBND huyện, thành phố trên cơ sở quy chế này ban hành Quy chế hoạt động của báo cáo viên pháp luật huyện và hướng dẫn các xã, phường, thị trấn ban hành Quy chế hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ảnh về Sở Tư pháp để tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.