Quyết định 86/2007/QĐ-UBND Quy định đánh giá xếp loại giáo viên và chính sách cho giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
Số hiệu: | 86/2007/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Nghệ An | Người ký: | Nguyễn Văn Hành |
Ngày ban hành: | 20/07/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, Cán bộ, công chức, viên chức, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 86/2007/QĐ-UBND |
Vinh, ngày 20 tháng 07 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI GIÁO VIÊN VÀ CHÍNH SÁCH CHO GIÁO VIÊN KHÔNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 14/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 04/5/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học; Quyết định số 06/2006/QĐ-BNV ngày 21/3/2006 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập; Quyết định số 22/2006/QĐ-BGDĐT ngày 12/5/2006 của Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành Quy định về bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn; Căn cứ Quyết định số 11/1998/QĐ-TCCP-CCVC ngày 05/12/1998 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) V/v ban hành Quy chế đánh giá công chức hàng năm;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1009/TTr-SGD&ĐT ngày 10/06/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc đánh giá, xếp loại giáo viên và chính sách cho giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 109/2002/QĐ-UB ngày 04/12/2002 của UBND tỉnh Nghệ An về việc đánh giá, xếp loại giáo viên và chính sách cho giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nội vụ; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò; Thủ trưởng các đơn vị, các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI GIÁO VIÊN VÀ CHÍNH SÁCH CHO GIÁO VIÊN KHÔNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 86/2007/QĐ-UBND ngày 20 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh Nghệ An)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Bản quy định này quy định tiêu chuẩn, quy trình đánh giá, xếp loại đối với giáo viên mầm non, tiểu học, phổ thông công lập; giáo viên các trung tâm giáo dục; giáo viên các đơn vị sự nghiệp không tham gia giảng dạy và quy định về chính sách cho các giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Điều 2.
1. Đánh giá, xếp loại giáo viên nhằm mục đích làm rõ năng lực, trình độ, kết quả công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống làm căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên.
2. Đánh giá, xếp loại giáo viên các ngành học, bậc học, cấp học được thực hiện mỗi năm một lần vào cuối năm học. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục - đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức việc đánh giá xếp loại giáo viên của đơn vị, đảm bảo chính xác, công bằng, dân chủ và công khai theo đúng quy định này.
Chương 2:
TIÊU CHUẨN VÀ CÁCH XẾP LOẠI
Điều 3. Tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống:
a) Loại tốt: Là những giáo viên đạt các yêu cầu sau:
- Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
- Gương mẫu thực hiện đầy đủ nghiã vụ của công dân; của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật và chấp hành tốt các quy định của Điều lệ nhà trường, Quy chế về tổ chức và hoạt động của nhà trường;
- Hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao;
- Giữ gìn phẩm chất đạo đức, tư cách của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học;
- Sống mẫu mực, trong sáng; có uy tín cao trong đồng nghiệp, học sinh và nhân dân; có ảnh hưởng tốt trong nhà trường và ngoài xã hội.
b) Loại khá: Là những giáo viên đạt các yêu cầu sau:
- Chấp hành đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân, của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật và chấp hành đầy đủ các quy định của Điều lệ nhà trường, Quy chế về tổ chức và hoạt động của nhà trường;
- Hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao;
- Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học;
- Có uy tín trong đồng nghiệp, học sinh và nhân đân.
c) Loại trung bình: Là những giáo viên:
- Chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân, của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật, các quy định của Điều lệ nhà trường, Quy chế về tổ chức và hoạt động của nhà trường;
- Hoàn thành các nhiệm vụ được giao;
- Có khuyết điểm trong kỷ luật lao động, nề nếp chuyên môn, lối sống nhưng chưa đến mức độ kỹ luật khiển trách;
- Uy tín trong đồng nghiệp và học sinh chưa cao.
d) Loại kém: Là những giáo viên vi phạm một trong các trường hợp sau:
- Không chấp hành đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
- Có thiếu sót về đạo đức và lối sống;
- Không hoàn thành các nhiệm vụ được giao;
- Bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên;
- Không còn tín nhiệm trong đồng nghiệp, học sinh và nhân dân.
Điều 4. Tiêu chuẩn xếp loại về chuyên môn, nghiệp vụ:
1. Tất cả giáo viên của các cơ sở giáo dục quy định tại Điều 1 của Quy định này đều dược đánh giá xếp loại chuyên môn, nghiệp vụ định kỳ một lần trong năm học ở cấp trường để xếp thành 4 loại: tốt, khá, trung bình, kém. Kết quả đánh giá, xếp loại chuyên môn, nghiệp vụ là tiêu chuẩn quan trọng để phân loại giáo viên hàng năm.
2. Nội dung, tiêu chuẩn cụ thể về chuyên môn, nghiệp vụ loại tốt, khá, trung bình, kém căn cứ theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo (Quy chế đánh giá, xếp loại chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông, giáo viên của trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp; Hướng dẫn đánh giá, xếp loại giờ dạy ở bậc trung học và Quy định về chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên các cấp học, bậc học, ngành học).
3. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để hướng dẫn, chỉ đạo việc đánh giá, xếp loại chuyên môn, nghiệp vụ đối với giáo viên các cấp học, bậc học, ngành học.
Điều 5. Xếp loại giáo viên:
a) Loại Tốt: Là những giáo viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống xếp loại tốt; chuyên môn, nghiệp vụ xếp loại tốt; có đủ sức khoẻ để giảng dạy, công tác.
b) Loại Khá: Là những giáo viên chưa đủ điều kiện xếp loại Tốt, nhưng đạt các yêu cầu sau: có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và chuyên môn, nghiệp vụ xếp từ loại Khá trở lên; có đủ sức khoẻ để giảng dạy, công tác.
c) Loại Trung bình: Là những giáo viên: về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống xếp loại trung bình trở lên; chuyên môn, nghiệp vụ xếp loại trung bình.
d) Loại Không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: Là những giáo viên có một trong các xếp loại sau đây:
- Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống xếp loại kém.
- Chuyên môn, nghiệp vụ xếp loại kém.
- Không đủ sức khoẻ để giảng dạy, công tác.
Điều 6. Quy trình đánh giá, xếp loại:
1. Cá nhân tự đánh giá, xếp loại theo mẫu quy định tại Công văn số 3479/BGD&ĐT-TCCB ngày 04/05/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Tập thể tổ bộ môn (hoặc tổ chuyên môn) nơi giáo viên làm việc tham gia góp ý và ghi ý kiến nhận xét của tổ vào bản tự nhận xét, đánh giá của cá nhân.
3. Thủ trưởng cơ sở giáo dục trực tiếp đánh giá, xếp loại giáo viên sau khi tham khảo ý kiến nhận xét của tổ (nhóm) chuyên môn, của tập thể cán bộ, giáo viên của Hội đồng trường theo 4 loại: Tốt, Khá, Trung bình, Không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Kết quả, đánh giá, xếp loại được công khai trong tập thể cán bộ, giáo viên, của đơn vị và lập hồ sơ báo cáo cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt.
4. Giáo viên có quyền trình bày ý kiến, có quyền bảo lưu ý kiến tự đánh giá nhưng phải chấp hành ý kiến kết luận của lãnh đạo cơ quan quản lý có thẩm quyền quyết định. Trong trường hợp chưa đồng ý với kết luận của hiệu trưởng, giáo viên, có quyền khiếu nại đến Hội đồng trường hoặc cơ quan có thẩm quyền để xem xét.
5. Chủ tịch UBND các huyện (thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận kết quả xếp loại giáo viên của các cơ sở giáo dục - đào tạo trực tiếp quản lý.
6. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục ghi rõ kết quả đánh giá, xếp loại vào bản tự đánh giá, xếp loại của giáo viên hàng năm và được lưu vào hồ sơ lý lịch của giáo viên.
Chương 3:
XỬ LÝ KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI GIÁO VIÊN VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN KHÔNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ.
Điều 7. Chính sách đối với giáo viên Không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ:
1. Giải quyết nghỉ việc hưởng 100% lương cơ bản và phụ cấp khu vực, phụ cấp thâm niên vượt khung hiện hưởng (không được hưởng phụ cấp ưu đãi và các loại phụ cấp khác, không được nâng lương và phụ cấp vượt khung) đối với giáo viên có tuổi đời: nam từ 55 trở lên, nữ từ 50 trở lên.
2. Giải quyết nghỉ việc hưởng 80% lương cơ bản và phụ cấp khu vực, phụ cấp thâm niên vượt khung hiện hưởng (không được hưởng phụ cấp ưu đãi và các loại phụ cấp khác, không được nâng lương và phụ cấp vượt khung) đối với giáo viên nam từ 50 đến dưới 55 tuổi, nữ từ 45 đến dưới 50 tuổi.
3. Giải quyết đi đào tạo lại để chuyển sang làm việc khác và hưởng lương theo công việc mới (nếu phẩm chất, đạo đức lối sống không xếp loại kém và có khả năng đảm nhiệm được công việc mới) đối với giáo viên dưới 50 tuổi đối với nam, dưới 45 tuổi đối với nữ.
4. Giải quyết nghỉ chờ hưởng chế độ hưu trí (không hưởng lương và chế độ phụ cấp) đối với những người có nhu cầu và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí (theo Điều 57 của Luật BHXH).
5. Giải quyết cho thôi việc theo quy định của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/04/2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc.
Điều 8. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị căn cứ vào kết quả đánh giá, xếp loại giáo viên của các cơ sở giáo dục - đào tạo trực thuộc ra quyết định không bố trí giảng dạy đối với các giáo viên Không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và giải quyết chế độ, chính sách cho số giáo viên này theo quy định phân công, phân cấp hiện hành.
Điều 9. Kinh phí để giải quyết nghỉ việc hưởng lương, thôi việc theo quy định trên đây được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh.
Chương 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10.
1. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và Sở Tài chính hướng dẫn các ngành, các cấp liên quan thực hiện quy định này.
2. Giám đốc Sở Tài chính hướng dẫn lập dự toán và tổng hợp nguồn kinh phí, tham mưu UBND tỉnh cấp đủ cho Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành, thị để thực hiện quy định này.
3. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, trình UBND tỉnh quyết định./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 22/2006/QĐ-BGDĐT về bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Ban hành: 12/05/2006 | Cập nhật: 11/07/2006
Quyết định 06/2006/QĐ-BNV ban hành quy chế đánh giá, xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập Ban hành: 21/03/2006 | Cập nhật: 20/05/2006
Nghị định 54/2005/NĐ-CP về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức Ban hành: 19/04/2005 | Cập nhật: 26/05/2012
Quyết định 11/1998/QĐ-TCCP-CCVC về Quy chế đánh giá công chức hàng năm Ban hành: 05/12/1998 | Cập nhật: 27/12/2006