Quyết định 86/2006/QĐ-UBND về Kế hoạch xã hội hóa hoạt động văn hóa tỉnh Bình Định giai đoạn 2006 - 2010
Số hiệu: 86/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Vũ Hoàng Hà
Ngày ban hành: 23/08/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 86/2006/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 23 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;

Căn cứ Nghị quyết số 09/2006/NQ-HĐND ngày 26/7/2006 của HĐND tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 6 về Kế hoạch xã hội hóa hoạt động văn hóa tỉnh Bình Định giai đoạn 2006 - 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin và Chánh Văn phòng UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch xã hội hóa hoạt động văn hóa tỉnh Bình Định giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Văn hóa - Thông tin, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vũ Hoàng Hà

 

KẾ HOẠCH

XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Kèm theo Quyết định số 86/2006/QĐ-UBND ngày 23/8/2006 của UBND tỉnh)

Căn cứ những kết quả đạt được sau hơn 05 năm thực hiện Nghị quyết 90/NQ-CP ngày 21/8/1997, Nghị định số 73/1999/NQ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;

Căn cứ Quyết định số 61/2005/QĐ-BVHTT ngày 04/11/2005 của Bộ Văn hóa - Thông tin về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xã hội hóa hoạt động văn hóa tỉnh Bình Định giai đoạn 2006 - 2010 bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

Phần I

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA TRONG THỜI GIAN QUA

I. NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU ĐẠT ĐƯỢC TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA

Thực hiện Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997, Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 và Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ, những năm qua công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được các tổ chức, cá nhân hưởng ứng tham gia đầu tư vào các hoạt động văn hóa, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.

- Trên lĩnh vực di sản văn hóa, một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tham gia tài trợ, đóng góp kinh phí xây dựng, tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh như: nâng cấp Điện thờ Tây Sơn, tạc, dát vàng 9 tượng Tây Sơn tam kiệt và văn thần võ tướng; xây dựng tượng Hoàng đế Quang Trung, nhà tiếp khách, nhà làm việc Bảo tàng Quang Trung với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng. Trùng tu Tháp Cánh Tiên (huyện An Nhơn) với kinh phí tài trợ của nước ngoài 100.000 Euro. Đầu tư tôn tạo các thắng cảnh Ghềnh Ráng, Hầm Hô, Hồ Núi Một... đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan, du lịch. Một số di tích lịch sử - văn hóa khác cũng được nhân dân, các tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp tiền của, công sức để trùng tu, xây dựng. Hoạt động nhà bảo tàng, phòng truyền thống từ huyện, xã, cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang thường xuyên có sự đóng góp tư liệu, hiện vật của các đoàn thể, tổ chức xã hội và cá nhân. Ở thành phố Quy Nhơn đã hình thành 01 Nhà trưng bày của tư nhân về gốm cổ Gò Sành, phục vụ đông đảo khách tham quan, nghiên cứu. Một số dự án văn hóa phi vật thể được nhân dân phối hợp cùng cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, các địa phương trong tỉnh tổ chức trên 20 lễ hội truyền thống, chủ yếu do nhân dân, các tổ chức xã hội phối hợp thực hiện, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

- Thư viện cơ sở, phòng đọc sách báo, tủ sách ở các đơn vị, các ngành, các làng, khu phố văn hóa phần lớn do cán bộ và nhân dân đóng góp xây dựng để phục vụ nhu cầu đọc nhằm nâng cao kiến thức của các tầng lớp nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 71 thư viện và phòng đọc sách cơ sở, 118 điểm bưu điện - văn hóa xã, nổi bật là thư viện tư nhân ở xã Nhơn Phúc (huyện An Nhơn) có nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực. Trên 100 đại lý, cửa hàng sách báo tư nhân đang hoạt động, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao dân trí, nắm bắt thông tin, tiếp thu khoa học kỹ thuật, kịp thời tác động có hiệu quả đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Nghệ thuật tuồng, ca kịch bài chòi bước đầu đã có những nguồn tài trợ trong và ngoài nước giúp Nhà hát tuồng Đào Tấn, Đoàn Ca kịch - Bài chòi xây dựng các vở mới, lưu diễn trong và ngoài nước để phổ biến nghệ thuật truyền thống của Bình Định. Hiện nay, toàn tỉnh có 14 đoàn nghệ thuật sân khấu truyền thống không chuyên (tuồng, ca kịch bài chòi) do tập thể hoặc cá nhân tổ chức hoạt động biểu diễn. Hàng trăm đội cồng chiêng do dân làng các dân tộc thiểu số tổ chức hoạt động phục vụ nhân dân trong các kỳ lễ, tết, hội... Lực lượng văn nghệ không chuyên được xây dựng đều khắp ở các địa phương và nhiều ngành, đoàn thể, đây là lực lượng xã hội hóa khá đông đảo và phong phú, góp phần tham gia các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn, do ngành văn hóa - thông tin tỉnh thực hiện; ngoài ra hàng năm có trên 50 cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan do các ngành, địa phương tổ chức, với nhiều nội dung, hình thức nghệ thuật đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với sắc thái riêng của từng ngành, địa phương trong tỉnh.

- Về phổ biến phim, ngoài các rạp chiếu bóng, đội chiếu bóng lưu động do Trung tâm Phát hành phim - Chiếu bóng tỉnh quản lý, phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, còn có 30 đại lý cho thuê băng, đĩa hình và hàng chục cửa hàng mua bán băng đĩa nhạc phục vụ nhân dân. Mặt khác, các dịch vụ karaoke, in, photocopy, in sang ảnh màu, trò chơi điện tử, internet, dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình DTH, quay phim, chụp ảnh và nhiều điểm ca nhạc nơi công cộng... cũng được hình thành. Phần lớn đều do tập thể và tư nhân đứng ra tổ chức, đầu tư kinh phí thực hiện dưới sự quản lý của Nhà nước.

- Ngoài ra, hàng năm nhiều họa sỹ, nhà nhiếp ảnh, nhà sưu tầm đồ cổ đã sáng tác và tự lo kinh phí tổ chức triển lãm trong và ngoài tỉnh về tranh, ảnh nghệ thuật thu hút hàng nghìn lượt người đến xem; đồng thời một số tác giả tham gia thi, giới thiệu, truyền bá một số tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu nói về con người, quê hương Bình Định ở một số nước trên thế giới.

- Sở Văn hóa - Thông tin đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh xây dựng điểm sáng văn hóa biên phòng, điểm bưu điện - văn hóa xã, xây dựng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đưa nghệ thuật sân khấu truyền thống vào học đường, xây dựng làng sức khỏe, gia đình sức khỏe và phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay toàn tỉnh có 87,07% hộ đạt gia đình văn hóa; 37,62% làng, khu phố đạt danh hiệu làng, khu phố văn hóa; 42,12% cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang đạt danh hiệu đơn vị văn hóa được các cấp công nhận. Chính quyền và nhân dân các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số đã phối hợp đầu tư xây dựng 84 nhà rông văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư. Hình thành nhiều câu lạc bộ với các loại hình hoạt động đa dạng, phát triển rộng khắp ở các địa phương, cơ quan, trường học, làng, khu phố như: Câu lạc bộ thơ, cờ vua, cờ tướng, sinh vật cảnh, tuồng, dân ca, tiền hôn nhân, không sinh con thứ ba, không hút thuốc lá, khoa học kỹ thuật... được nhiều người hưởng ứng tham gia, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

- Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh ngoài công tác đào tạo theo chỉ tiêu Nhà nước giao, đã liên kết, liên doanh với các ngành, các trường, đào tạo học sinh, sinh viên về âm nhạc, mỹ thuật, văn hóa quần chúng, văn hóa du lịch, kinh phí do học viên đóng góp. Ngoài ra toàn tỉnh còn có 20 điểm bồi dưỡng năng khiếu cho lực lượng nghệ thuật không chuyên về âm nhạc, mỹ thuật, điêu khắc... với hàng trăm thí sinh tham gia.

Các đơn vị kinh tế bước đầu có sự quan tâm đến vai trò văn hóa trong lao động và sự phát triển của doanh nghiệp, văn hóa trong giao thông, văn hóa trong du lịch, văn hóa trong sự phát triển kinh tế miền núi, miền biển, văn hóa trong giao tiếp, văn hóa trong ẩm thực... đã góp phần phục vụ đời sống tinh thần cho cán bộ, công chức và người lao động.

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Ưu điểm:

- Những năm qua tỉnh ta thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần đưa sự nghiệp văn hóa - thông tin tỉnh nhà có những bước phát triển mới. Ngành văn hóa - thông tin đã phối hợp với các ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp huy động được nhiều lực lượng xã hội tham gia, tạo ra các sản phẩm văn hóa, với những hình thức hoạt động văn hóa cộng đồng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sự hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

- Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa trong những năm qua, được sự chỉ đạo của các cấp, các ngành nên về cơ bản phát triển đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo tiền đề cho công tác xã hội hóa phát triển tốt hơn trong những năm tiếp theo.

2. Những hạn chế tồn tại cần khắc phục:

Trong quá trình thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa còn bộc lộ những khuyết điểm và tồn tại chủ yếu như sau:

- Việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng, trùng tu các di tích lịch sử - văn hóa; nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể triển khai chậm, kết quả còn nhiều mặt hạn chế.

- Mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân còn thấp và không đồng đều giữa các vùng, miền, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Một số hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa như: karaoke, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc, vũ trường... có xu hướng thương mại hóa làm nảy sinh tiêu cực, phức tạp ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

- Việc sắp xếp, đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Sở Văn hóa - Thông tin triển khai, thực hiện theo hướng xã hội hóa còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

3. Nguyên nhân chính của những tồn tại trên đây là:

- Tư tưởng ỷ lại trông chờ Nhà nước vẫn còn tồn tại trong các ngành, các cấp chính quyền cơ sở và bộ phận không nhỏ trong nhân dân, nên công tác chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức, mặt khác do tác động mặt trái của cơ chế thị trường làm nảy sinh những vấn đề phức tạp, nên việc tổ chức thực hiện bị động, lúng túng, dẫn đến kết quả thực hiện xã hội hóa chưa cao.

- Chưa làm tốt công tác tuyên truyền và phát động rộng rãi để các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng về chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa.

- Mức đầu tư ngân sách Nhà nước để tạo điều kiện kích thích, thu hút đầu tư của nhân dân và các tổ chức xã hội cho hoạt động văn hóa theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” còn ít.

- Do thiếu kế hoạch và bước đi cụ thể ở từng vùng, từng lĩnh vực nên việc thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa còn mang tính đơn lẻ, chưa trở thành phong trào rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, phương tiện hoạt động thiếu, năng lực điều hành còn hạn chế.

- Hoạt động văn hóa mang tính đặc thù, nhưng sự hướng dẫn của các cơ quan trung ương thiếu cụ thể nên chưa tạo ra hành lang pháp lý cho công tác phát triển xã hội hóa các hoạt động văn hóa.

Phần II

QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC XÃ HỘI HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA

1. Xã hội hóa văn hóa, nhằm huy động mọi tiềm năng, trí tuệ và vật chất của toàn xã hội chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa; tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được hưởng thụ văn hóa ở mức độ ngày càng cao trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

2. Tiếp tục tăng nguồn vốn ngân sách các cấp đầu tư cho phát triển văn hóa, ưu tiên đầu tư cho chương trình phát triển văn hóa trọng điểm, vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn.

3. Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập dưới hai hình thức dân lập và tư nhân: Cá nhân, gia đình, các tổ chức kinh tế - xã hội, đoàn thể được đầu tư tham gia hầu hết vào các hoạt động văn hóa - thông tin, trừ việc thành lập nhà xuất bản, cơ quan báo chí và đội thông tin lưu động. Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi khi đầu tư vào các hoạt động văn hóa - thông tin then chốt góp phần định hướng chính trị - tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ và giá trị xã hội; vào lĩnh vực bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc; thành lập các cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận.

4. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa phải đi đôi với tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa để đảm bảo cho văn hóa - thông tin hoạt động đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

5. Quá trình xã hội hóa văn hóa cần có bước đi thích hợp cho từng loại hình, từng vùng; chú trọng phát triển mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở thành phố, các thị trấn huyện lỵ, các thị tứ và vùng kinh tế phát triển.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Thu hút mọi nguồn lực, thành phần kinh tế trong và ngoài nước, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia sáng tạo, cung cấp, phổ biến và tạo nhiều sản phẩm, tác phẩm công trình văn hóa có chất lượng phong phú, đa dạng, dân tộc và hiện đại nhằm không ngừng nâng cao mức hưởng thụ của nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2010 các cơ sở ngoài công lập tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa đảm bảo từ 50 - 60% nhu cầu dịch vụ văn hóa tùy theo từng loại hình, lĩnh vực và huy động vốn từ xã hội đầu tư cho phát triển văn hóa chiếm 40 - 50%.

III. NHIỆM VỤ, KẾ HOẠCH XÃ HỘI HÓA

Từ quan điểm, định hướng, mục tiêu xã hội hóa trên, UBND tỉnh đề ra kế hoạch xã hội hóa các hoạt động văn hóa giai đoạn 2006 - 2010 như sau:

1. Các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin.

1.1. Nhà hát tuồng Đào Tấn:

Giữ nguyên Nhà hát tuồng Đào Tấn hoạt động dưới hình thức công lập, ngân sách tỉnh đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất hiện có đảm bảo cho các hoạt động tập luyện và biểu diễn nhỏ, có tính phong trào; câu lạc bộ. Củng cố về tổ chức, nâng cao chất lượng nghệ thuật phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Phấn đấu đến năm 2010 tự trang trải 20% về tài chính.

1.2. Đoàn Ca kịch - Bài chòi:

Giữ nguyên Đoàn Ca kịch - Bài chòi hoạt động dưới hình thức công lập, ngân sách tỉnh đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất hiện có đảm bảo cho các hoạt động tập luyện và biểu diễn nhỏ, có tính phong trào; câu lạc bộ. Củng cố về tổ chức, nâng cao chất lượng nghệ thuật phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Phấn đấu đến năm 2010 tự trang trải 20% về tài chính.

1.3. Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật:

Tiếp tục duy trì hình thức công lập để đào tạo cán bộ văn hóa thông tin cơ sở, diễn viên, nhạc công truyền thống và các bộ môn văn hóa có tính đặc thù phục vụ nhiệm vụ chính trị. Phấn đấu đến năm 2010 nâng lên thành Trường Cao đẳng. Mở rộng việc liên kết để đào tạo cán bộ nghiệp vụ chuyên môn văn hóa thông tin cho các tỉnh lân cận và các ngành, đoàn thể trong tỉnh, kinh phí do người học đóng góp. Đến năm 2010 đảm bảo tự trang trải 30% về tài chính.

1.4. Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh:

- Đối với Đội thông tin lưu động là đơn vị có chức năng tuyên truyền, chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân nên tiếp tục được duy trì và phát triển dưới hình thức công lập. Các hoạt động lễ hội phục vụ nhiệm vụ chính trị được sự đồng ý của UBND tỉnh thì ngân sách tỉnh cấp kinh phí.

- Các hoạt động khác của Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh đến năm 2010 chuyển sang cung ứng dịch vụ và tự trang trải 70% về tài chính.

1.5. Trung tâm Phát hành phim - Chiếu bóng:

- Tiếp tục duy trì các đội chiếu bóng lưu động công lập để phục vụ nhân dân ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ tiêu, kế hoạch nhà nước giao.

- Trung tâm Phát hành phim - Chiếu bóng tỉnh được liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác mở rộng mạng lưới chiếu phim, in, nhân sang, cho thuê băng, đĩa hình, đĩa nhạc và các dịch vụ khác. Đến năm 2010 đảm bảo trang trải 70% về tài chính.

1.6. Bảo tàng Quang Trung:

Tiếp tục duy trì và phát triển dưới hình thức công lập, nhằm duy trì, phổ biến, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung. Tiến hành xây dựng, nâng cấp các hạng mục công trình theo quy hoạch được tỉnh phê duyệt, đồng thời tổ chức các dịch vụ phục vụ tốt khách tham quan du lịch, nghiên cứu, học tập... đảm bảo đến năm 2010 tự trang trải 20% về tài chính.

1.7. Bảo tàng tổng hợp tỉnh:

Tiếp tục duy trì và phát triển dưới hình thức công lập, nhằm duy trì, phổ biến, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và địa phương. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, khai quật, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời bổ sung, trưng bày hiện vật phục vụ khách đến nghiên cứu, tham quan.

1.8. Thư viện tỉnh:

Tiếp tục duy trì và phát triển dưới hình thức công lập, nhằm giữ gìn, phổ biến những tri thức của dân tộc và nhân loại, những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Đảm bảo sách, báo và các phương tiện thông tin khác đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả, góp phần nâng cao kiến thức phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phấn đấu đến năm 2010 tự trang trải 20% về tài chính.

2. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa chuyên ngành các thành phần kinh tế được tham gia:

2.1. Hoạt động nghệ thuật sân khấu:

- Khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội kể cả tư nhân thành lập đoàn nghệ thuật, cho phép liên doanh, liên kết xây dựng các rạp hát, sân khấu, điểm biểu diễn, trung tâm nghệ thuật phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân; được tự chủ về tài chính.

- Khuyến khích các cá nhân, đơn vị, tổ chức ngoài công lập đầu tư, tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ quần chúng ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị gồm: Liên hoan, hội diễn; mở lớp tập huấn, lớp năng khiếu, câu lạc bộ sở thích, các loại hình văn nghệ dân gian khác... Các hoạt động này thực hiện trên nguyên tắc tự tổ chức và quản lý.

- Khuyến khích tổ chức hoạt động các sân khấu nhỏ, câu lạc bộ các loại hình nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật truyền thống, các nhóm nghệ thuật gia đình hoạt động bán chuyên nghiệp, hình thành và phát triển các loại hình biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống ở các vùng, miền...

- Khuyến khích các đơn vị nghệ thuật dân lập, tư nhân mở rộng giao lưu biểu diễn nghệ thuật giữa các vùng, miền, khu vực nhằm giới thiệu tinh hoa nghệ thuật ở mỗi vùng, miền, mỗi dân tộc.

- Khuyến khích các diễn viên, nhạc công, nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật được nhận kèm cặp nghề, dạy nghề hoặc mở lớp đào tạo nghề biểu diễn nghệ thuật cho những người có nhu cầu, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống.

- Tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện xã hội hóa (bao gồm tập thể và tư nhân) được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước và các chính sách tài trợ xây dựng chương trình nghệ thuật, phục vụ miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến. Cán bộ, diễn viên ở các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ngoài công lập được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và được khen thưởng.

2.2. Công tác đào tạo:

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đứng ra thành lập hoặc liên kết thành lập các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật ngoài công lập. Các nghệ sĩ, nghệ nhân được phép đào tạo tại chỗ các loại hình nghệ thuật truyền thống và phổ thông.

- Phát triển quỹ đào tạo tài năng về văn hóa nghệ thuật, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, cá nhân để tăng thêm nguồn lực phát triển sự nghiệp đào tạo văn hóa nghệ thuật.

2.3. Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở:

- Khuyến khích các cá nhân, đơn vị, tổ chức ngoài công lập được thành lập một số mô hình thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở như: Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, thôn và nhà rông của các làng đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia tuyên truyền cổ động trực quan, xây dựng các cụm văn hóa - thể thao, công viên văn hóa, điểm vui chơi trẻ em, xây dựng gia đình, làng, khu phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa, lễ hội, đám cưới, tang... trên nguyên tắc tự tổ chức và chịu sự quản lý về mặt nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.

- Khuyến khích các tập thể, tư nhân tài trợ kinh phí lập quỹ khen thưởng (có sự giám sát của tập thể) để động viên các gia đình, làng, khu phố văn hóa tiêu biểu xuất sắc. Vận động các ngành, đoàn thể, cơ quan, làng, khu phố... thành lập các câu lạc bộ gia đình văn hóa ở cơ sở để thu hút các gia đình văn hóa tiêu biểu tham gia, làm cho nội dung gia đình văn hóa thiết thực với đời sống mọi người, mọi gia đình và cộng đồng.

- Nhà nước tài trợ một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất ban đầu cho các hoạt động văn hóa thông tin cơ sở phục vụ tại các địa bàn miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

2.4. Phát hành phim - chiếu bóng:

Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân được phép phát hành phim, đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất và kỹ thuật của rạp chiếu bóng, các điểm chiếu bóng cố định kết hợp kinh doanh chiếu phim với những hoạt động dịch vụ khác, sản xuất, phát hành kinh doanh băng đĩa hình, băng đĩa nhạc dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền và được hưởng chính sách ưu đãi về các loại thuế theo quy định của Nhà nước.

2.5. Di sản văn hóa:

- Khuyến khích xây dựng các nhà bảo tàng hoặc sưu tập tư nhân hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Cho phép thành lập câu lạc bộ bảo tàng và được tổ chức các dịch vụ văn hóa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đã quy định, được sử dụng nguồn thu từ các hoạt động ở di tích vào việc bảo tồn, tôn tạo di tích, góp phần tạo sự hấp dẫn khách tham quan, nghiên cứu. Cho phép các tổ chức, cá nhân mở cửa hàng kinh doanh cổ vật hoạt động theo quy định của Bộ Văn hóa - Thông tin.

- Khuyến khích việc đa dạng hóa các nguồn kinh phí để bảo vệ, tôn tạo và phát huy tác dụng các di tích văn hóa - lịch sử. Các tổ chức xã hội, tập thể và cá nhân tích cực tham gia đóng góp xây dựng quỹ tu bổ di tích được khen thưởng và ghi công (khắc bia, ghi tên vào các công trình).

- Tăng cường công tác chỉ đạo hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tổ chức lễ hội truyền thống và các hoạt động gìn giữ, giới thiệu, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Tăng cường công tác quản lý tốt hoạt động lễ hội, phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp, đồng thời loại bỏ những tiêu cực, hủ tục trong lễ hội.

- Tăng cường sự phối hợp hoạt động của bảo tàng với các tổ chức xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời đẩy mạnh việc tổ chức trưng bày, triển lãm lưu động nhằm đưa các di sản văn hóa tới trực tiếp đông đảo quần chúng trên mọi địa bàn của tỉnh.

2.6. Thư viện:

- Tổ chức tuyên truyền, vận động làm cho nhân dân hiểu và tham gia xây dựng mạng lưới thư viện, tủ sách hoặc phòng đọc sách ở cơ sở. Đa dạng hóa mô hình thư viện, tủ sách sao cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương như: Thư viện, tủ sách xã, trường học; tủ sách nhà rông ở miền núi; phòng đọc sách, báo ở thôn, khu dân cư, các làng, khu phố, công sở văn hóa; phòng đọc sách, báo trong điểm bưu điện - văn hóa xã; tủ sách pháp luật; tủ sách các đồn biên phòng, doanh trại quân đội.

- Khuyến khích các cá nhân tự tổ chức các hình thức phục vụ việc đọc sách, báo như: cho thuê sách, báo và các loại xuất bản phẩm khác. Vận động những gia đình có tủ sách phong phú cho nhân dân trong làng, khu phố mượn đọc.

- Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia mở rộng và phát triển thư viện và tủ sách. Vận động các đoàn thể gắn bó, phối hợp thường xuyên với thư viện để tổ chức các cuộc thi đọc sách, thi kể chuyện theo sách, trưng bày, triển lãm, giới thiệu tác phẩm theo chuyên đề.

- Khuyến khích việc kết nghĩa, bảo trợ thư viện của các đoàn thể. Quyên góp sách báo, lao động gây quỹ cho thư viện, tủ sách; trồng cây cảnh, vườn hoa tại thư viện, khuôn viên phòng đọc sách; đồng thời các đoàn thể tham gia kiểm tra hoạt động thư viện, tủ sách.

2.7. Hoạt động mỹ thuật - triển lãm:

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đặt tượng danh nhân, tượng cảnh thuộc loại tượng nhỏ, tượng tròn, tượng vườn nơi công viên, trường học và các nơi công cộng khác theo quy hoạch của Nhà nước.

- Khuyến khích, mở rộng các hình thức triển lãm tập thể, cá nhân về mỹ thuật, nhiếp ảnh, kể cả tranh tượng ngoài trời. Tổ chức các cuộc thi sáng tác mỹ thuật, nhiếp ảnh với giải thưởng mang tên nhà tài trợ do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện. Tổ chức các dịch vụ giới thiệu và bán sản phẩm mỹ thuật theo quy định của Nhà nước. Được thành lập các bảo tàng mỹ thuật, nhiếp ảnh tư nhân, thành lập các loại hình doanh nghiệp tư nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh.

2.8. Hoạt động in:

Khuyến khích và mở rộng chức năng cho cơ sở in tư nhân, ngoài in bao bì được hoạt động chế bản in, in catolog, tờ rời, tờ gấp, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, hướng dẫn sử dụng thiết bị; in biểu mẫu, giấy tờ giao dịch hành chính của các doanh nghiệp; in giấy kẻ, vở học sinh. Các cơ sở in có đủ điều kiện theo quy định của Luật xuất bản, phù hợp với quy hoạch của Bộ, tỉnh thì được cấp phép in xuất bản phẩm.

IV. CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các giải pháp chủ yếu:

1.1. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương đối với sự nghiệp phát triển văn hóa - thông tin và công tác xã hội hóa văn hóa. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp là nhân tố quyết định đến hiệu quả của xã hội hóa hoạt động văn hóa.

1.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về đường lối cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động văn hóa của Đảng và Nhà nước; trong đó đặc biệt chú trọng đến sự chuyển biến về nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao.

1.3. Thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ ban đầu có thời hạn về cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ người lao động ở tổ chức công lập khi chuyển đổi sang tổ chức ngoài công lập. Đẩy mạnh phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhất là xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồng thời mở rộng kinh doanh dịch vụ văn hóa gắn với du lịch.

1.4. Ngân sách tỉnh đầu tư cho những công trình và lĩnh vực văn hóa trọng điểm, ưu tiên đầu tư cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Ngân sách huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng các thiết chế phục vụ hoạt động văn hóa - thông tin của địa phương. Ngoài ra phải tăng cường huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế - xã hội, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp cho sự phát triển văn hóa. Đầu tư cho những cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật truyền thống, bảo tồn di sản văn hóa và chính sách ưu tiên cho miền núi.

1.5. Đổi mới phương thức đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có đủ khả năng hướng dẫn cho cơ sở, thích ứng hoạt động văn hóa trong điều kiện xã hội hóa hoạt động văn hóa; chính sách đào tạo, kèm cặp tại đoàn nghệ thuật truyền thống.

1.6. Cơ chế chính sách về huy động nguồn lực:

- Huy động và đa dạng hóa các hình thức đóng góp nguồn lực trong và ngoài nước; các đối tượng chính sách, khó khăn khi tham gia hoạt động văn hóa được miễn giảm đóng góp nghĩa vụ thuế theo quy định của Nhà nước. Thực hiện chính sách đãi ngộ, công bằng trong hoạt động sự nghiệp, sản xuất kinh doanh giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập, sự bình đẳng về hưởng thụ văn hóa giữa các dân tộc, các vùng trên địa bàn tỉnh; chính sách đối với văn nghệ sĩ lão thành, tài năng, giàu kinh nghiệm, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa. Tỉnh sẽ thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước về tài chính, thuế... đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên các lĩnh vực hoạt động văn hóa.

- Người có công tham gia hoạt động xã hội hóa, các văn nghệ sĩ lão thành có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa - thông tin đều được Nhà nước khen thưởng.

1.7. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về xã hội hóa hoạt động văn hóa. Rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp và bổ sung những quy định mới. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách về hoạt động văn hóa, kiên quyết xử lý bài trừ các hiện tượng tiêu cực, các tệ nạn xã hội trong hoạt động văn hóa.

2. Tổ chức thực hiện:

- Sở Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm tổ chức quán triệt Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh; chủ động phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng, tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch xã hội hóa hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện kế hoạch xã hội hóa hoạt động văn hóa tại đơn vị.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin, các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ của Nhà nước cho các cơ sở hoạt động văn hóa ngoài công lập, hàng năm tham mưu UBND tỉnh đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất nhằm đảm bảo tốt cho hoạt động văn hóa.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh có cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động văn hóa.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa - Thông tin và UBND các huyện, thành phố lập quy hoạch, ưu tiên việc sử dụng đất tại các địa phương, đảm bảo đủ quỹ đất đáp ứng nhu cầu hoạt động và hưởng thụ văn hóa.

- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Giáo dục - Đào tạo có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tham gia các hoạt động văn hóa.

- UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch xã hội hóa hoạt động văn hóa của UBND tỉnh giai đoạn 2006 - 2010; chỉ đạo quá trình tổ chức triển khai, thực hiện và huy động có hiệu quả các nguồn lực để phục vụ tốt công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa trên địa bàn.

- Giao Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin giúp UBND tỉnh theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch này và thường xuyên báo cáo UBND tỉnh để theo dõi chỉ đạo./.

 





Nghị quyết 09/2006/NQ-HĐND thành lập ban thi đua - khen thưởng Ban hành: 21/07/2006 | Cập nhật: 02/08/2013