Quyết định 84/2008/QĐ-TTg thành lập Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam
Số hiệu: 84/2008/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
Ngày ban hành: 30/06/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 11/07/2008 Số công báo: Từ số 397 đến số 398
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

---------------

Số: 84/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP QUỸ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Quỹ

Thành lập Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam để hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện làm việc cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ở các tỉnh thuộc diện ngân sách trung ương phải hỗ trợ, có khó khăn đột xuất và một số trường hợp đặc biệt khác.

Tên tiếng Việt: Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam.

Tên giao dịch tiếng Anh: Vietnam Legal Aid Fund (VLAF).

Trụ sở của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam đặt tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Địa vị pháp lý của Quỹ

1. Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam (sau đây gọi tắt là Quỹ) là tổ chức tài chính nhà nước; hoạt độn không vì mục đích lợi nhuận; được miễn thuế theo quy định của pháp luật hiện hành. Bộ Tư pháp thực hiện quản lý đối với hoạt động của Quỹ.

2. Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Quỹ được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ

1. Quỹ được huy động sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Quỹ hoạt động thu, chi đúng mục đích, quy định của pháp luật. Quỹ mở hệ thống sổ sách kế toán riêng, thực hiện thu, chi theo đúng quy định của pháp luật về tài chính – kế toán.

3. Nội dung hỗ trợ từ Quỹ không trùng lặp với nội dung chi từ nguồn ngân sách cấp hàng năm, từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn kinh phí dự án hợp tác và các nguồn khác cho công tác trợ giúp pháp lý.

Điều 4. Nguồn tài chính Quỹ

1. Quỹ được hình thành từ các nguồn: đóng góp tự nguyện, tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, ngân sách nhà nước hỗ trợ và các nguồn hợp pháp khác.

2. Hàng năm, Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch hoạt động của Quỹ; lập dự toán kinh phí thuộc ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động của Quỹ và tổng hợp vào dự toán ngân sách của Bộ Tư pháp trình cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Trường hợp, phát sinh nhiệm vụ mới hoặc đột xuất mà nguồn của Quỹ không thể bảo đảm được, nhất thiết phải được ngân sách nhà nước hỗ trợ, thì Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính xem xét, bổ sung kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

4. Số dư kinh phí năm trước của Quỹ được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

Điều 5. Phạm vi hỗ trợ của Quỹ

1. Hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

2. Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ nhu cầu làm việc của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý ở các tỉnh thuộc diện ngân sách trung ương phải hỗ trợ, các địa phương có khó khăn đột xuất.

3. Hỗ trợ cho một số trường hợp đặc biệt, bao gồm: hỗ trợ cho các hoạt động trợ giúp pháp lý theo các nội dung do nhà tài trợ hoặc Dự án có cam kết riêng phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý; hỗ trợ bồi thường trợ giúp pháp lý và các trường hợp đặc biệt khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Điều 6. Khuyến khích xây dựng Quỹ

1. Chính phủ khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, xây dựng, ủng hộ Quỹ bằng tiền mặt, hiện vật hoặc các hình thức hỗ trợ khác phù hợp với tính chất và hoạt động trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.

2. Quỹ có Sổ vàng danh dự và các hình thức khen thưởng phù hợp khác để ghi nhận công lao đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia xây dựng và phát triển Quỹ.

Điều 7. Trách nhiệm quản lý, điều hành Quỹ

1. Bộ Tư pháp ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về mọi hoạt động của Quỹ.

2. Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về tài chính đối với hoạt động của Quỹ này.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam thành lập theo Quyết định này kế thừa mọi quyền lợi và trách nhiệm của Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 257/2002/QĐ-BTP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPVP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH(5b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Sinh Hùng