Quyết định 829/2003/QĐ-UB quy định đầu tư xây dựng và quản lý cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp huyện, thị xã và cụm Tiểu thủ công nghiệp làng nghề xã, thị trấn tỉnh Hà Nam
Số hiệu: 829/2003/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam Người ký: Đinh Văn Cương
Ngày ban hành: 01/08/2003 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 829/2003/QĐ-UB

Hà Nam, ngày 01 tháng 8 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ CỤM CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP HUYỆN, THỊ XÃ VÀ CỤM TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP LÀNG NGHỀ XÃ, THỊ TRẤN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994;

Căn cứ Quyết định số 13/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển ngành, nghề nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 682/BXD-CSXD ngày 14/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về quy hoạch khu công nghiệp và kho tàng đô thị;

Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển CN-TTCN; Kế hoạch số 373/KH-UB ngày 26/5/2003 của UBND tỉnh;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định về việc đầu tư xây dựng và quản lý cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp huyện, thị xã và cụm Tiểu thủ công nghiệp làng nghề xã, thị trấn tỉnh Hà Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với quy định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
CHỦ TỊCH




Đinh Văn Cương

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ CỤM CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP HUYỆN, THỊ XÃ VÀ CỤM TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP LÀNG NGHỀ XÃ, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 329/2003/QĐ-UB ngày 01/8/2003 của UBND tỉnh Hà Nam)

Đầu tư xây dựng cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp huyện, thị xã và cụm Tiểu thủ công nghiệp làng nghề xã, thị trấn (sau đây gọi tắt là cụm TTCN) nhằm tạo mặt bằng cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, mở rộng làng nghề trên địa bàn tỉnh.

I. Những quy định chung:

Điều 1. Bản quy định này quy định về việc đầu tư xây dựng và quản lý cụm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Cụm TTCN là nơi tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, có vị trí, ranh giới và diện tích đất sử dụng được UBND tỉnh phê duyệt.

1. Cụm TTCN huyện, thị xã: Thu hút các cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh và ngoài tỉnh vào đầu tư.

2. Cụm TTCN làng nghề xã, thị trấn: gắn liền với các làng nghề truyền thống của xã, thị trấn: là nơi thu hút các cơ sở sản xuất của làng nghề và các cơ sở sản xuất TTCN khác trong tỉnh vào đầu tư.

Điều 3. Điều kiện lựa chọn đầu tư xây dựng cụm TTCN:

Việc đầu tư xây dựng cụm TTCN phải đảm bảo hiệu quả thiết thực. Những cụm TTCN được xem xét quyết định đầu tư phải có các điều kiện sau:

1. Về khả năng thu hút đầu tư: Trên cơ sở khảo sát, thăm dò, vận động đầu tư, những nơi thực sự có nhu cầu bức xúc về mặt bằng cho sản xuất, đảm bảo các nhà đầu tư thuê hết diện tích cụm TTCN để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp theo quy hoạch, sau khi cụm TTCN hoạt động từ 2 đến 3 năm.

2. Có suất đầu tư thấp: Vị trí lựa chọn xây dựng cụm TTCN có những điều kiện thuận lợi về đường giao thông, cấp điện, thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng và chi phí thấp nhất cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch.

Điều 4. Đối tượng và điều kiện đầu tư vào cụm TTCN:

Hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh (gọi chung là nhà đầu tư), có nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, có dự án hoặc báo cáo đầu tư (dự án đầu tư), đơn xin thuê đất trong cụm TTCN được cấp có thẩm quyền chấp nhận.

II. Đầu tư xây dựng cụm tiểu thủ công nghiệp:

Điều 5. Quy mô của cụm Tiểu thủ công nghiệp

Được xác định căn cứ vào khả năng thu hút các nhà đầu tư trước mắt cũng như lâu dài. Việc lập quy hoạch cụm TTCN cần tính đến khả năng phát triển với quy mô lớn hơn, việc lập dự án đầu tư các giai đoạn căn cứ vào đăng ký sử dụng đất của các nhà đầu tư.

Điều 6. Quy mô của các công trình kết cấu hạ tầng chủ yếu

Quy mô của các công trình kết cấu hạ tầng của cụm TTCN phải đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đảm bảo chi phí đầu tư thấp để tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Các công trình kết cấu hạ tầng cụm TTCN phải đảm bảo một số chỉ tiêu chủ yếu sau:

Chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của cụm TTCN:

- Đất sản xuất: 70-80%

- Đất giao thông: 10-15%.

- Đất các công trình hạ tầng khác và cây xanh: 5-10%

1. Đường giao thông:

Mặt cắt ngang - Đường trục chính: hè + lòng đường + hè: 3+7+3m = 13m.

- Đường nội bộ: hè + lòng đường + hè: 2 + 6 + 2m = 10m

Trường hợp đặc thù có nhu cầu mặt cắt lớn hơn sẽ được quyết định cụ thể khi duyệt quy hoạch chi tiết.

Kết cấu: Nến đắp bằng đã lẫn đất. Móng đã (6x8) dày 18-20 cm. Mặt nhựa bán thâm nhập 5,5 kg/m2.

2. Thoát nước: Cống xây gạch có nắp đậy BTCT đặt trên hè.

3. Cấp điện: 150 – 200 KW/Ha.

4. Xử lý chất thải: Các cơ sở sản xuất phải tự xử lý chất thải (rắn, lỏng, khí) và tiếng ồn của cơ sở mình đạt tiêu chuẩn cho phép. Xây dựng bãi chứa rác thải rắn trung chuyển và nơi chứa nước tập trung của cụm TTCN ở những nơi cần thiết.

Điều 7. Chi phí đầu tư xây dựng cụm TTCN bao gồm:

- Chi phí khảo sát, quy hoạch, lập dự án đầu tư, khảo sát thiết kế các công trình kết cấu hạ tầng cụm TTCN.

- Chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng.

- Chi phí san lấp mặt bằng

- Chi phí xây dựng các hạng mục công trình đầu mối trong hàng rào cụm TTCN: cấp điện, chiếu sáng, đường giao thông, cấp thoát nước, bãi chữa rác trung chuyển, hồ chứa nước.

Điều 8. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cụm TTCN, gồm:

- Ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

- Đóng góp của các nhà đầu tư.

- Vốn của các ngành Điện lực, Bưu điện đầu tư xây dựng và kinh doanh theo quy định của ngành.

a. Ngân sách nhà nước hỗ trợ:

- 100% chi phí khảo sát, quy hoạch, lập dự án đầu tư, khảo sát thiết kế các công trình kết cấu hạ tầng cụm TTCN.

- 50% chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.

- 50% chi phí xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đầu mối trong hàng rào cụm TTCN: đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, bãi chứa rác trung chuyển, hồ chứa nước (nếu có).

b. Ngành điện đầu tư xây dựng trạm biến áp hạ thế, bán điện cho các cơ sở sản xuất trong cụm TTCN có nhu cầu tiêu thụ dưới 40 KW/cơ sở. Nếu cơ sở sản xuất có nhu cầu tiêu thụ lớn hơn thì phải đầu tư xây dựng trạm biến áp hạ thế riêng và đường dây cao thế từ hàng rào cụm TTCN vào đến trạm biến áp.

Điều 9. Các bước tiến hành đầu tư xây dựng TTCN.

Bước 1: Khảo sát nhu cầu đầu tư, lựa chọn vị trí xây dựng, báo cáo xin chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.

Bước 2: Lập quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư, thiết kế, dự toán công trình kết cấu hạ tầng trong hàng rào, lập phương án đền bù thu hồi đất.

Bước 3: Vận động đầu tư: Thông báo công khai, rộng rãi quy hoạch cụm TTCN, các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư để kêu gọi đầu tư, lập danh sách đăng ký xin thuê đất của các nhà đầu tư.

Bước 4. Khởi công xây dựng: chỉ khởi công xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng sau khi đã có ít nhất 50% diện tích đất giành cho sản xuất thuộc dự án đầu tư theo giai đoạn của cụm TTCN được các nhà đầu tư đăng ký.

Điều 10. Chủ đầu tư.

Chủ đầu tư cụm TTCN huyện, thị xã là UBND huyện, thị xã (hoặc Ban quản lý dự án do UBND huyện thành lập). Chủ đầu tư cụm TTCN làng nghề xã, thị trấn là UBND xã, thị trấn.

Chủ đầu tư có trách nhiệm thành lập ban quản lý dự án đầu tư do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND cùng cấp làm trưởng ban và các cơ quan, bộ phận giúp việc của UBND cùng cấp làm uỷ viên. Ban quản lý dự án có nhiệm vụ sau:

a. Làm các thủ tục theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng: Lập và trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư, khảo sát thiết kế, dự toán công trình kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào cụm TTCN.

b. Giúp UBND cùng cấp thu hồi đất và đền bù giải phòng mặt bằng theo đúng trình tự và thủ tục quy định, để bàn giao cho đơn vị thi công.

c. Tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị thi công công trình kết cấu hạ tầng. Giám sát, nghiệm thu khối lượng hoàn thành. Làm các thủ tục thanh quyết toán phần vốn ngân sách hỗ trợ cho các đơn vị được thụ hưởng.

III. Quản lý cụm tiểu thủ công nghiệp

Điều 11. Chủ thể quản lý va trách nhiệm của chủ thể quản lý

1. Chủ thể quản lý cụm TTCN: UBND huyện, thị xã trực tiếp quản lý cụm TTCN của huyện, thị xã; UBND xã, thị trấn trực tiếp quản lý cụm TTCN của xã, thị trấn, trên cơ sở sử dụng Ban quản lý dự án đầu tư, thực hiện nhiệm vụ điều hành cụm TTCN.

2. Trách nhiệm của chủ thể quản lý cụm TTCN:

- Tiếp nhận hồ sơ của các nhà đầu tư vào cụm TTCN

- Làm thủ tục cho các nhà đầu tư thuê đất trong cụm TTCN theo quy định của luật đất đai.

- Thu các khoản đóng góp của nhà đầu tư theo quy định, các khoản phí và lệ phí theo uỷ quyền.

- Thanh toán chi phí đầu tư xây dựng công trình bằng vốn ngân sách hỗ trợ và thu đóng góp từ nhà đầu tư. Trong điều kiện chưa thu được từ các nhà đầu tư, Ban quản lý công trình có thể vay từ các tổ chức tín dụng để thanh toán và có trách nhiệm thu tiền đóng góp từ các nhà đầu tư để trả gốc và lãi vay.

- Duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng đầu mối trong cụm TTCN. Xây dựng mức phí duy tu, bảo dưỡng trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Quản lý, theo dõi, giám sát việc đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất của các nhà đầu tư đảm bảo theo đúng quy hoạch cụm TTCN và dự án đầu tư đã đăng ký và được chấp thuận

- Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trọng cụm TTCN.

Điều 12. Quyền lợi, trách nhiệm của các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào cụm TTCN.

1. Trách nhiệm của nhà đầu tư

- Lập dự án đầu tư sản xuất, đơn xin thuê đất trình cấp có thẩm quyền chấp thuận.

- Thanh toán chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng hạ tầng cụm TTCN cho Ban quản lý cụm TTCN trước khi nhận đất. Tự san lấp phần mặt bằng được giao theo cốt san nền quy hoạch. Nộp tiền thuê đất với ức giá thuê áp dụng chung cho các dự án là 0,02 USD/m2/năm và phí sử dụng hạ tầng cho Ban quản lý cụm TTCN.

- Sử dụng đất được thuê đúng mục đích như trong dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Nghiêm cấm sử dụng đất được thuê làm nơi ăn ở sinh hoạt của gia đình, khu tập thể của công nhân.

- Xây dựng các công trình trong hàng rào đất được thuê theo đúng quy hoạch cụm TTCN và dự án đầu tư đã được chấp thuận. Trong quá trình xây dựng, sản xuất không gây ảnh hưởng đến môi trường và hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất khác trong cụm TTCN.

- Trong thời gian thuê đất, nếu nhà đầu tư thay đổi, bổ sung dự án đầu tư, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

- Chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, quản lý lao động, quản lý tài chính, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự,..

2. Quyền lợi của nhà đầu tư

- Được thuê đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thời gian thuê đất không quá 50 năm. Khi hết thời hạn thuê đất, nếu có nhu cầu thuê tiếp, nhà đầu tư phải làm đơn trình cấp có thẩm quyền quyết định.

- Được hưởng các ưu đãi và chính sách khuyến khích đầu tư theo các quy định hiện hành của UBND tỉnh Hà Nam. Nhà đầu tư sử dụng từ 50 lao động trong tỉnh trở lên được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề (có chứng chỉ nghề) 300.000 đồng/người.

3. Nhà đầu tư sẽ bị thu hồi đất khi vi phạm một trong những điều kiện sau:

- Không thực hiện đúng dự án đầu tư đã được chấp thuận về mục đích sử dụng đất, sử dụng mặt bằng, chấp hành quy hoạch.

- Nhận đất sau 6 tháng không xây dựng cơ sở sản xuất.

IV. Tổ chức thực hiện

Điều 13. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, yêu cầu các tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời về Sở Kế hoạch và đầu tư để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.