Quyết định 824/QĐ-TTg năm 2009 về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010
Số hiệu: 824/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 16/06/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 01/07/2009 Số công báo: Từ số 323 đến số 324
Lĩnh vực: Ngoại giao, điều ước quốc tế, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 824/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP ỦY BAN QUỐC GIA CHUẨN BỊ VÀ THỰC HIỆN VAI TRÒ CHỦ TỊCH ASEAN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Điều 31 Hiến chương ASEAN quy định về cơ chế luân phiên và nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN;
Để phục vụ việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN từ tháng 01 năm 2010 đến hết tháng 12 năm 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Ủy ban Quốc gia về chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 (sau đây gọi tắt là Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010).

Điều 2. Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm Chủ tịch và các thành viên dưới đây:

1. Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương – Phó Chủ tịch phụ trách các nội dung liên quan đến kinh tế - thương mại trong khuôn khổ Hội đồng Cộng đồng Kinh tế;

2. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – Phó Chủ tịch phụ trách các nội dung liên quan đến văn hóa – xã hội trong khuôn khổ Hội đồng Cộng đồng văn hóa – xã hội;

3. Ông Đào Việt Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – Tổng Thư ký Thường trực Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010;

4. Ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

5. Ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;

6. Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương;

7. Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp;

8. Ông Phạm Sỹ Danh, Thứ trưởng Bộ Tài chính;

9. Ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

10. Ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

11. Ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

12. Ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

13. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế;

14. Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

15. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

16. Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an;

17. Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;

18. Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;

19. Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Căn cứ thực tế và xét yêu cầu của tính chất công việc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010 xem xét, quyết định việc bổ sung thêm thành viên là lãnh đạo các Bộ, cơ quan, địa phương.

Điều 3. Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010 bao gồm 5 Tiểu ban và Ban Thư ký, cụ thể như sau:

1. Tiểu ban Nội dung do Bộ Ngoại giao chủ trì; cơ quan phối hợp là Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để phụ trách phần nội dung của hai Hội đồng Cộng đồng của ASEAN và một số cơ quan liên quan khác;

2. Tiểu ban Lễ tân do Bộ Ngoại giao chủ trì; cơ quan phối hợp là Văn phòng Chính phủ và một số Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các địa phương liên quan;

3. Tiểu ban An ninh – Y tế do Bộ Công an chủ trì. Cơ quan phối hợp là Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và các Ủy ban nhân dân địa phương nơi diễn ra các hội nghị, hoạt động của ASEAN;

4. Tiểu ban Vật chất – Hậu cần do Văn phòng Chính phủ chủ trì. Cơ quan phối hợp là các Bộ: Ngoại giao, Tài chính và một số Ủy ban nhân dân các địa phương liên quan;

5. Tiểu ban Văn hóa – Tuyên truyền do Bộ Ngoại giao chủ trì; các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông là cơ quan phối hợp;

6. Ban Thư ký về ASEAN 2010 do Tổng Thư ký Thường trực của Ủy ban Quốc gia làm Trưởng  ban, có nhiệm vụ thường trực giúp việc cho Ủy ban Quốc gia, đặt trụ sở tại Bộ Ngoại giao. Nhân sự làm việc tại Ban Thư ký là các cán bộ cấp Vụ và chuyên viên của Bộ Ngoại giao. Căn cứ tình hình cụ thể, Ban Thư ký có thể mời cán bộ của các cơ quan khác làm việc biệt phái trong thời gian nhất định.

Việc thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ và phân công công việc tại các Tiểu ban và Ban Thư ký do Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010 xem xét, quyết định.

Điều 4. Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010 có nhiệm vụ:

1. Tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các Bộ, cơ quan, địa phương về các lĩnh vực công tác có liên quan đến việc chuẩn bị và tổ chức các hội nghị của ASEAN; của ASEAN với các đối tác bên ngoài từ cấp thấp đến cấp cao nhất và các hoạt động khác thuộc khuôn khổ Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN từ tháng 01 đến hết tháng 12 năm 2010;

2. Các hội nghị cấp chuyên viên, cấp quan chức cao cấp và cấp Bộ trưởng thuộc các cộng đồng chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội sẽ do các Bộ, cơ quan liên quan chủ trì tổ chức và báo cáo kết quả lên Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010. Trong trường hợp cần thiết, các Bộ, cơ quan liên quan có thể yêu cầu các Tiểu ban trong Ủy ban Quốc gia hỗ trợ.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010:

1. Chỉ đạo và quyết định những chủ trương liên quan đến toàn bộ quá trình chuẩn bị và tổ chức các hội nghị, hoạt động của ASEAN trong thời gian Việt Nam làm Chủ tịch từ tháng 01 đến hết tháng 12 năm 2010;

2. Phê duyệt các chương trình, kế hoạch công tác liên quan đến việc chuẩn bị và tổ chức thực hiện các sự kiện của ASEAN 2010; phê duyệt dự toán, quyết toán kinh phí tổ chức các hoạt động của năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010;

3. Triệu tập, chủ trì và kết luận các phiên họp của Ủy ban;

4. Trực tiếp phụ trách các nội dung liên quan đến chính trị - an ninh và quan hệ đối ngoại.

Điều 6. Các Phó Chủ tịch Ủy ban thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch Ủy ban phân công, cụ thể như sau:

1. Phó Chủ tịch chủ trì Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là Bộ trưởng Bộ Công Thương có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo tổ chức các hội nghị, chuẩn bị văn kiện, kiến nghị chủ trương của ta về các nội dung kinh tế - thương mại;

2. Phó Chủ tịch chủ trì Hội đồng Cộng đồng văn hóa – xã hội là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo tổ chức các hội nghị, chuẩn bị văn kiện, kiến nghị chủ trương của ta về các nội dung văn hóa – xã hội.

Điều 7. Tổng Thư ký Thường trực Ủy ban có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Giúp Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc hàng ngày; chuẩn bị các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất của Ủy ban trình Thủ tướng Chính phủ;

2. Truyền đạt các ý kiến, các kết luận của Chủ tịch Ủy ban tới các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan;

3. Trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện cụ thể các công việc của Ban Thư ký về ASEAN 2010; của các Tiểu ban: Nội dung, Lễ tân và Văn hóa – Tuyên truyền; đôn đốc các Tiểu ban thực hiện đúng các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm đúng tiến độ và lộ trình đề ra; điều hòa, phối hợp công việc giữa các tổ nhóm công tác.

Điều 8. Các thành viên Ủy ban có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Các thành viên Ủy ban đại diện cho cơ quan, đơn vị mình tham gia các hoạt động của Ủy ban và thực hiện các nhiệm vụ được Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phân công, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban và Thủ trưởng cơ quan mình về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao;

2. Các Ủy viên được phân công làm Trưởng các Tiểu ban của Ủy ban Quốc gia có trách niệm chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban đó; phối hợp với Ban Thư ký, các Tiểu ban và các cơ quan liên quan khác thực hiện các nhiệm vụ được giao; đề xuất ý kiến lên Chủ tịch Ủy ban.

Điều 9. Chức năng, nhiệm vụ của các Tiểu ban và Ban Thư ký:

1. Tiểu ban Nội dung có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan soạn thảo các văn kiện hội nghị; chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp trù bị của ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài; cùng các Tiểu ban khác tiến hành tổ chức hội nghị và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban Quốc gia giao;

2. Tiểu ban Lễ tân chịu trách nhiệm thu xếp chương trình làm việc của các hội nghị, đại biểu (bao gồm cả hoạt động song phương); chuẩn bị nơi ăn, ở đón tiễn, phương tiện đi lại, chiêu đãi, tặng phẩm; tổ chức thực hiện nghi lễ nhà nước và các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phân công;

3. Tiểu ban An ninh – Y tế có nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh thực phẩm, trật tự giao thông… trong suốt thời gian tổ chức các hội nghị, sự kiện của ASEAN;

4. Tiểu ban Vật chất – Hậu cần có trách nhiệm bảo đảm vật chất – hậu cần cho các hoạt động, hội nghị của ASEAN trong năm 2010 (địa điểm họp, thiết bị làm việc, phương tiện đi lại, thông tin liên lạc, nơi ở của đại biểu, chiêu đãi nhà nước nếu có; chuẩn bị tặng phẩm theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban…); chủ trì vận động các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ cho hội nghị, hoạt động của ASEAN;

5. Tiểu ban Văn hóa – Tuyên truyền chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền, quảng bá các hoạt động, hội nghị của ASEAN (nội dung, mức độ, hình thức tuyên truyền); quản lý và vận hành Trung tâm báo chí và phòng họp báo; quản lý, đón tiếp phóng viên nước ngoài; hướng dẫn việc đưa tin của phóng viên trong nước…;

6. Ban Thư ký về ASEAN 2010 có các nhiệm vụ cụ thể như sau:

a) Giúp Ủy ban theo dõi, đôn đốc các Tiểu ban lập kế hoạch, chương trình công tác, thực hiện công tác chuẩn bị và tổ chức các hội nghị, sự kiện của ASEAN tại Việt Nam trong năm 2010; soạn thảo các báo cáo, đề án trình lãnh đạo cấp cao;

b) Phối hợp, điều hòa hoạt động của các Tiểu ban, các Bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình chuẩn bị và tổ chức các sự kiện liên quan đến vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2010;

c) Phối hợp với các Tiểu ban và các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc chuẩn bị tài liệu, văn kiện, chương trình hoạt động… phục vụ các hội nghị cấp cao và các hội nghị cấp Bộ trưởng;

d) Phối hợp với các Bộ, cơ quan tổ chức các hội nghị chuyên ngành và những hoạt động khác thuộc thẩm quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ theo thông lệ của ASEAN.

Điều 10. Chế độ thông tin, báo cáo:

1. Các thành viên của Ủy ban hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Tùy từng nội dung và tính chất công việc, các thành viên được triệu tập theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban;

2. Trong năm 2009, Ủy ban Quốc gia sẽ định kỳ họp 03 tháng 1 lần. Năm 2010, Ủy ban sẽ họp thường xuyên hơn, kể cả đột xuất, để kịp thời chỉ đạo các công việc cần thiết cấp bách, nhất là thời gian gần sát với các hội nghị cấp cao;

3. Trường Tiểu ban có quyền triệu tập họp tiểu ban khi cần thiết.

Điều 11. Đầu mối liên hệ đối ngoại và quan hệ công tác:

1. Ban Thư ký về ASEAN 2010 là đầu mối giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng như trong nước về những vấn đề liên quan đến việc chuẩn bị, tổ chức các hoạt động của ASEAN;

2. Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong quan hệ làm việc với Ban Thư ký ASEAN, với các nước thành viên ASEAN và các đối tác ngoài ASEAN;

3. Ngay khi Quyết định này có hiệu lực, các Bộ, cơ quan là thành viên của Ủy ban Quốc gia phải chỉ định ngay bộ phận đầu mối của cơ quan mình và thông báo cho Ban Thư ký về ASEAN 2010 biết rõ số điện thoại và địa chỉ liên lạc của cơ quan mình;

4. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các thành viên của Ủy ban Quốc gia; Trưởng và Phó Ban Thư ký được sử dụng con dấu của Bộ, cơ quan mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Điều 12. Kinh phí tổ chức các hoạt động của năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010 và kinh phí bảo đảm hoạt động của Ủy ban được cấp từ ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn tài trợ khác.

Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí cho toàn bộ quá trình chuẩn bị cũng như diễn ra các hội nghị của ASEAN trong năm 2010. Đồng thời, chịu trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương cách lập dự toán, chế độ thu chi và quyết toán ngân sách phục vụ các hoạt động của ASEAN.

Điều 13. Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010 sẽ tự giải thể sau khi các hoạt động của năm ASEAN – 2010 kết thúc.

Điều 14. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 15. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐ TW về phòng chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (5b).  

THỦ TƯỚNG    




Nguyễn Tấn Dũng

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.