Quyết định 823/QĐ-UBND năm 2007 về phê duyệt quy hoạch phát triển xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020
Số hiệu: | 823/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bạc Liêu | Người ký: | Phạm Hoàng Bê |
Ngày ban hành: | 04/12/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 823/QĐ-UBND |
Bạc Liêu, ngày 04 tháng 12 năm 2007 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐND ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh về điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Qua xem xét hồ sơ kèm theo các văn bản số 354/TTr-STMDL ngày 29 tháng 5 năm 2007; số 574/STMDL-KTKT ngày 14 tháng 11 năm 2007 của Sở Thương mại và Du lịch, đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại các văn bản số 15/BC-SKH ngày 15 tháng 11 năm 2007; số 653/SKHĐT-TH ngày 15 tháng 11 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Những quan điểm cơ bản để xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của tỉnh từ nay đến 2010 và tầm nhìn đến 2020:
a) Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển; cần quán triệt coi xuất khẩu là hướng ưu tiên hàng đầu trong hoạt động kinh tế đối ngoại. Đẩy mạnh xuất khẩu sẽ có tác động lớn đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, tăng phúc lợi xã hội và cải thiện mức sống cho nhân dân;
b) Phát triển thị trường xuất khẩu của tỉnh theo hướng hội nhập với thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Gắn thị trường trong nước với thị trường nước ngoài. Thực hiện triệt để chủ trương đa phương hóa quan hệ thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, củng cố thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, thị trường trọng điểm. Chú trọng thâm nhập và phát triển thị trường ở các nước phát triển;
c) Phát triển xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ xuất phát từ nhu cầu của thị trường và phát huy tối đa các lợi thế của tỉnh về tài nguyên, lao động,… đồng thời phát triển xuất khẩu phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với nhập khẩu nguyên liệu, công nghệ và trang thiết bị kỹ thuật. Nhập khẩu nhằm gia tăng giá trị và hiệu quả xuất khẩu, bảo đảm cân bằng động giữa đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước;
d) Quan điểm về mặt hàng: Trước hết coi trọng các mặt hàng, sản phẩm truyền thống đồng thời tích cực mở rộng các ngành hàng, sản phẩm mới theo nhu cầu của thị trường và hướng đến xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng lớn, chế biến sâu và có hàm lượng công nghệ cao. Từng bước tạo những mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng không giới hạn vào mặt hàng cố định mà linh hoạt đáp ứng nhu cầu của thị trường và biến động giá cả. Trước hết cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế so sánh và là thế mạnh của tỉnh.
Tập trung xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực có uy tín, chất lượng cao để từng bước chiếm lĩnh thị phần trên thị trường quốc tế.
Chú trọng phát triển xuất khẩu dịch vụ nhất là xuất khẩu lao động, du lịch quốc tế và các loại dịch vụ chất lượng cao thu ngoại tệ tại chỗ.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 đạt 330 triệu USD, đến năm 2020 là 1.100 triệu USD. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 là 23,6%/năm, giai đoạn 2011 - 2020 là 12,7%;
Từng bước đưa xuất nhập khẩu thực sự trở thành ngành kinh tế chủ lực trong hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh;
Tích cực mở rộng thị trường và đa dạng hóa phương thức kinh doanh; từng bước hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới;
Tập trung đầu tư và đổi mới công nghệ để sản xuất mặt hàng xuất khẩu mới như: Hàng dệt may, giày dép, lắp ráp linh kiện điện tử - tin học, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm du lịch, dịch vụ…;
Nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo tích lũy tái sản xuất mở rộng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu;
Tăng cường nhập khẩu các loại máy móc hiện đại, dây chuyền công nghệ mới để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm;
Phấn đấu đưa một số sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ yếu của tỉnh trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường thế giới.
Kim ngạch và cơ cấu xuất khẩu tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020:
DIỄN GIẢI |
ĐƠN VỊ TÍNH |
PHƯƠNG ÁN II |
||
2006 |
2010 |
2020 |
||
Kim ngạch xuất khẩu |
1.000 USD |
142.096 |
330.000 |
1.100.000 |
Trong đó: - Hàng thủy sản |
1.000 USD |
133.430 |
297.000 |
1.015.000 |
Tỷ trọng |
% |
94 |
90 |
92 |
- Hàng nông sản |
1.000 USD |
10.000 |
18.000 |
40.000 |
Tỷ trọng |
% |
6 |
5,4 |
3,6 |
- Các ngành dịch vụ |
1.000 USD |
|
8.000 |
25.000 |
Tỷ trọng |
% |
|
2,4 |
2,2 |
- Hàng khác |
1.000 USD |
|
7.000 |
20.000 |
Tỷ trọng |
% |
|
2,1 |
2 |
Theo phương án II, năm 2006 kim ngạch xuất khẩu của Bạc Liêu đạt 142 triệu USD, năm 2010 đạt 330 triệu USD và khả năng đến năm 2020 là 1.100 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 là 16,3%/năm.
a) Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020:
MẶT HÀNG |
ĐƠN VỊ TÍNH |
PHƯƠNG ÁN II |
||
2006 |
2010 |
2020 |
||
1. Thủy sản |
1.000 USD |
16.450 |
40.000 |
100.000 |
2. Gạo |
1.000 USD |
36.000 |
50.000 |
120.000 |
3. Hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp |
1.000 USD |
|
2.500 |
5.000 |
4. Muối |
1.000 USD |
|
3.500 |
5.000 |
5. Thủ công mỹ nghệ |
1.000 USD |
|
1.200 |
2.000 |
6. Các mặt hàng khác |
1.000 USD |
|
6.000 |
10.000 |
b) Chỉ tiêu xuất khẩu dịch vụ đến năm 2020:
CHỈ TIÊU |
ĐƠN VỊ TÍNH |
PHƯƠNG ÁN II |
||
2006 |
2010 |
2020 |
||
1. Doanh thu du lịch |
1.000 USD |
800 |
2.000 |
3.500 |
Lượng khách quốc tế |
Người |
7.000 |
10.000 |
20.000 |
2. Doanh thu bưu chính - viễn thông |
1.000 USD |
7.000 |
17.000 |
25.000 |
3. Ngân hàng |
1.000 USD |
20.000 |
28.000 |
40.000 |
4. Lượng khách đi xuất khẩu lao động. |
Người |
|
1.000 |
2.000 |
4. Định hướng phát triển xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ:
4.1. Định hướng về thị trường:
Mở rộng và đa dạng hóa thị trường, giữ vững thị trường truyền thống; khôi phục và mở rộng thị trường EU, chú trọng thị trường Trung Quốc, tăng tỷ trọng thị trường các nước Âu, Mỹ và các thị trường có thu nhập cao khác, tạo thế cân bằng với thị trường truyền thống, coi trọng xuất khẩu tại chỗ của các hoạt động dịch vụ thị trường trong nước;
Tăng cường các hoạt động đối ngoại tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác thị trường xuất khẩu. Cần có biện pháp phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động đối ngoại với việc mở rộng thị trường;
Thực hiện linh hoạt chính sách khuyến khích mở rộng thị trường phù hợp với những thay đổi của thị trường và luật pháp của nước nhập khẩu;
Đổi mới công tác thông tin, tiếp thị theo hướng khuyến khích, đa dạng hóa hoạt động thông tin ở cả các cấp Nhà nước và khu vực doanh nghiệp, theo cơ cấu đồng bộ, thống nhất với định hướng chiến lược chung và chính sách rõ ràng, minh bạch;
Từng bước giảm dần tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua thị trường trung gian, nhằm mở rộng thị trường, tăng hiệu quả kinh tế.
4.2. Định hướng về mặt hàng:
Thực hiện đa dạng hóa và nâng cấp chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến và nâng cấp mặt hàng truyền thống, tích cực đầu tư để tạo ra các sản phẩm mới có giá trị và chất lượng cao; chuyển hẳn từ xuất khẩu sản phẩm thô, bán nguyên liệu sang chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chế biến có hàm lượng công nghệ cao, các sản phẩm tiêu dùng ngay và sản phẩm bán lẻ ở siêu thị…;
Nâng cao giá trị mặt hàng xuất khẩu, trước hết đối với các mặt hàng chủ lực như tôm đông lạnh, cá, nhuyễn thể, gạo… tạo cho những mặt hàng này có năng lực cạnh tranh với hàng cùng loại trên thị trường thế giới;
Phát triển mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản giá trị gia tăng, các sản phẩm ăn liền đóng gói nhỏ và chú ý phát triển các mặt hàng thủy sản ướp tẩm gia vị, phơi, sấy;
Đầu tư giống, kỹ thuật nuôi trồng, công nghệ sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, diêm nghiệp…;
Tổ chức liên kết và học tập kinh nghiệm của các cơ sở chăn nuôi, chế biến sản phẩm xuất khẩu từ cá sấu ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực để phát triển và tiêu thụ sản phẩm cá sấu của địa phương… tiến tới chủ động chế biến để xuất khẩu.
4.3. Định hướng nâng cấp điều kiện sản xuất:
Đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu, xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp chế biến có công nghệ hiện đại gắn với đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung. Xây dựng quy trình nuôi trồng thủy sản tiên tiến có năng suất, chất lượng cao, kiểm soát được dịch bệnh, nuôi tôm sinh thái tạo ra nguồn nguyên liệu sạch phục vụ cho chế biến xuất khẩu;
Khảo sát và đầu tư chiều sâu nhằm nâng cấp và hiện đại hóa các cơ sở chế biến nông sản, thủy sản hiện có;
Cần có chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát triển sản xuất ngành hàng mới, mặt hàng mới xuất khẩu.
4.4. Định hướng phát triển xuất khẩu các hoạt động dịch vụ:
Phát triển đồng bộ và đa dạng các loại hình dịch vụ, chú trọng xuất khẩu lao động, du lịch lữ hành, bưu chính viễn thông, kiều hối, ngân hàng... nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu của thị trường và phát triển các ngành kinh tế của tỉnh;
Đầu tư nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ nhằm thu hút khách hàng và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu;
Phát triển dịch vụ gắn liền với công tác quản lý Nhà nước nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, giữ vững an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
4.5. Định hướng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu:
a) Sản xuất các mặt hàng nông sản, thủy sản:
- Nông sản xuất khẩu:
Dự kiến trong giai đoạn 2006 - 2010 hàng năm xuất khẩu bình quân 50.000 tấn gạo; đến năm 2020 hàng năm xuất khẩu gạo đạt khoảng 120.000 tấn. Tiếp tục tìm kiếm thị trường mở rộng xuất khẩu các mặt hàng nông sản khác như rau, củ, quả, nấm rơm,…
Một số mặt hàng có tiềm năng như: Thịt gia súc, gia cầm; các động vật hoang dã qua thuần hóa như cá sấu, trăn, rắn… sẽ được đầu tư thành hàng hóa xuất khẩu. Dự kiến đến năm 2010 chăn nuôi và tiêu thụ khoảng 100.000 con cá sấu hàng hóa.
- Thủy sản:
Sản phẩm tôm: Sản phẩm tôm xuất khẩu dự kiến đến năm 2010 từ 40.000 - 45.000 tấn, phấn đấu đến năm 2020 đạt từ 90.000 - 100.000 tấn, bao gồm các dạng đông block, đông rời IQF.
Sản phẩm cá: Dự kiến các sản phẩm cá chế biến xuất khẩu: Cá nguyên con, phi lê đông lạnh; các mặt hàng thủy sản giá trị gia tăng, chả cá, bột cá xuất khẩu…;
Nhóm sản phẩm nhuyễn thể: Phấn đấu tăng sản lượng nhuyễn thể xuất khẩu đạt 5.000 tấn vào năm 2010, đạt 10.000 tấn vào năm 2020, góp phần làm đa dạng mặt hàng xuất khẩu gồm: Mực ống nguyên con, phi lê, cắt khúc; bạch tuộc nguyên con, cắt khúc; sò huyết xuất sống và các chế phẩm cao cấp; nghêu đông lạnh.
b) Sản phẩm công nghiệp xuất khẩu:
Sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ yếu vẫn là sản phẩm thủy sản chế biến. Dự kiến từ năm 2010 đến năm 2020 tỉnh sẽ có một số sản phẩm công nghiệp khác được xuất khẩu như: Sản phẩm may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ, cơ khí…
c) Sản phẩm dịch vụ xuất khẩu:
Từ nay đến năm 2010 và khả năng đến 2020 sản phẩm xuất khẩu dịch vụ chủ yếu là: Phục vụ khách du lịch quốc tế (vận chuyển khách, bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ, vui chơi giải trí, khách sạn, ăn uống), dịch vụ bưu chính viễn thông quốc tế (điện đàm, điện báo, điện tín, chuyển phát nhanh bưu kiện, bưu phẩm...), ngân hàng (thanh toán, thu đổi ngoại tệ, thẻ tín dụng...), xuất khẩu lao động, tư vấn (đầu tư, pháp lý, công nghệ, giáo dục đào tạo...) và các sản phẩm dịch vụ vô hình khác.
5. Những giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu Quy hoạch:
5.1. Nhóm giải pháp tổ chức lại sản xuất:
a) Giải pháp về phát triển sản phẩm thủy hải sản:
Tỉnh có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế thành lập doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh giống thủy sản để tổ chức đầu tư sản xuất giống với quy trình công nghệ tiên tiến, lựa chọn được giống tốt, kiểm soát được dịch bệnh và nhập khẩu các loại giống thủy sản cung cấp cho nhu cầu của nhân dân;
Quy hoạch và ổn định diện tích nuôi tôm đến năm 2010 là 134.000ha. Trong đó quy hoạch phù hợp diện tích nuôi công nghiệp và bán công nghiệp. Khuyến khích nhân dân đầu tư vốn, kỹ thuật để phát triển nuôi trồng theo nhiều hình thức thích hợp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ngoài việc phát triển nuôi tôm sú, thẻ trong môi trường nước mặn cần khuyến khích nhân dân nuôi tôm càng xanh, tôm đất trên vùng sinh thái ngọt;
Quy hoạch phát triển nuôi cá nước lợ, cá nước ngọt phù hợp với điều kiện tự nhiên và môi trường từng tiểu vùng sinh thái, chú trọng phát triển mô hình nuôi cá trong ruộng lúa, ao, đìa… ngành thủy sản tổ chức cung cấp giống, khuyến khích nhân dân đầu tư mô hình nuôi cá phi đơn tính phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Tổ chức nuôi thủy đặc sản xuất khẩu:
- Nuôi nghêu ven biển: Chủ yếu nuôi nghêu ở bãi biển Bạc Liêu, Hòa Bình, Đông Hải dự kiến đạt 5.000 - 6.000ha vào năm 2010;
- Nuôi cua xuất khẩu: Bao gồm nuôi chuyên canh, dự kiến đạt 660ha vào năm 2010, năng suất bình quân 1000kg/ha và nuôi kết hợp trong các vuông nuôi tôm, dự kiến năm 2010 sản lượng cua nuôi là 800 - 1.000 tấn/năm.
Khẩn trương tổ chức khảo sát và đánh giá thực trạng ngành nghề khai thác biển tại Bạc Liêu, trên cơ sở đó có phương án đầu tư và xây dựng kế hoạch khai thác và lựa chọn ngư trường cho phù hợp.
Khuyến khích các phương tiện khai thác biển chuyển sang các khai thác xa bờ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tổ chức thành đội hình khai thác xa bờ cho những phương tiện khai thác có công suất từ 90CV trở lên thành các đội tàu từ 20 - 30 chiếc gồm tàu khai thác đánh bắt, tàu cung ứng hậu cần nghề cá.
Tiếp tục đầu tư để hoàn chỉnh đội tàu đánh bắt xa bờ với trang thiết bị hiện đại như: Máy định vị, máy tầm ngư, kho lạnh bảo quản và tổ chức sơ chế ngay trên biển để kéo dài thời gian khai thác của mỗi chuyến đi nhằm tăng sản lượng khai thác và chất lượng hải sản thu hoạch được.
Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hậu cần, dịch vụ nghề cá như: Cảng cá, kho lạnh trung chuyển, tàu dịch vụ hậu cần trên biển...
b) Giải pháp tổ chức sản xuất hàng nông sản:
Nông phẩm có thể chế biến để trở thành hàng xuất khẩu ở Bạc Liêu gồm có gạo xuất khẩu, thịt gia súc gia cầm và một số loại cây công nghiệp;
Sản xuất lúa gạo: Ưu tiên đầu tư hạ tầng như hệ thống thủy lợi (tưới, tiêu… riêng), hệ thống đường giao thông cho vùng quy hoạch trồng lúa xuất khẩu, có năng suất ổn định; thực hiện giảm sử dụng phân hóa học, giảm thuốc trừ sâu để có lúa sạch, chất lượng cao; tích cực nghiên cứu, lựa chọn giống lúa có năng suất và chất lượng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để nhân rộng trên toàn tỉnh; áp dụng kỹ thuật tiên tiến, đầu tư công nghệ sau thu hoạch để hạn chế tỷ lệ hao hụt và bảo quản sản phẩm đạt chất lượng tốt;
Nâng cao chất lượng thịt cho đàn gia súc gia cầm: Tập trung đầu tư cho trại giống đủ khả năng cung cấp giống cho nhu cầu của nhân dân trong tỉnh. Ngoài việc phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, khẩu phần và định lượng thức ăn cho từng loại gia súc gia cầm cần quy hoạch các trang trại chăn nuôi tập trung và thực hiện việc liên kết vùng với các tỉnh lân cận để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho việc xây dựng nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm.
5.2. Nhóm giải pháp đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu:
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm cần phải tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành thấp hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường. Giải pháp đặt ra là phải đầu tư đổi mới công nghệ trong tất cả các khâu từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, vận chuyển, bảo quản sản phẩm đến nơi tiêu thụ;
Trước hết cần tập trung đầu tư vốn, công nghệ để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất của tỉnh giai đoạn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi như: Chọn giống, phương pháp canh tác, nuôi trồng, chăm sóc, khẩu phần thức ăn, kỹ thuật bón phân; ứng dụng thành tựu của công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản như: Lai tạo giống, thuốc trừ sâu sinh học, phân vi sinh, thức ăn vi sinh... chú trọng phát triển công nghệ sản xuất giống chất lượng tốt đối với các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, công nghệ khai thác xa bờ, công nghệ bảo quản sau thu hoạch;
Tích cực đầu tư đổi mới công nghệ nâng công suất chế biến của các nhà máy chế biến thủy sản hiện có và xây dựng thêm một số nhà máy mới nhằm đảm bảo tiêu thụ hết nguyên liệu được sản xuất ra. Tạo bước chuyển biến mới trong đầu tư đổi mới công nghệ bằng cách thay thế dần các tủ đông block và lắp đặt thêm các dây chuyền IQF, tủ đông gió, băng chuyền hấp, hệ thống kho lạnh, nhà máy sản xuất nước đá vảy, nhà máy xử lý nước... phấn đấu đến năm 2010 công suất các dây chuyền IQF chiếm 60% sản phẩm thủy sản xuất khẩu và đến năm 2020 là 80%. Ngoài ra cần đầu tư các loại công nghệ tiên tiến IQF dạng xoắn, đông siêu tốc, đông thăng hoa...;
Nhà nước dành một khoản tín dụng ưu đãi để khuyến khích tất cả các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trong tỉnh xây dựng chương trình và hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn HACCP và ISO 9000 để hàng hóa có thể thâm nhập vào các thị trường trên thế giới đặc biệt là thị trường EU và Mỹ. Phấn đấu đến 2010 tất cả các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế về môi trường (ISO 14000);
Trong đầu tư cần chú ý lựa chọn công nghệ mới, công nghệ sạch để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường;
Trong ưu tiên đầu tư cần đối xử bình đẳng và có chính sách công khai, minh bạch, không phân biệt giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, giữa doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng và ổn định để các nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài gia tăng sản xuất hàng xuất khẩu.
5.3. Nhóm giải pháp để phát triển mặt hàng mới:
- Đối với mặt hàng cá sấu: Tổ chức nghiên cứu đánh giá thực trạng gây nuôi cá sấu trên địa bàn tỉnh và tình hình tiêu thụ trong thời gian vừa qua, trên cơ sở đó xây dựng đề án tổ chức sản xuất và đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tìm đầu ra ổn định cho mặt hàng cá sấu. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Úc, Ý,… kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ cá sấu để xuất khẩu;
- Đối với hàng nông sản khác: Cần có kế hoạch đầu tư công nghệ và nghiên cứu phát triển các mặt hàng nông sản xuất khẩu như: Rau, củ quả đóng hộp,… thị trường tiêu thụ: Hồng Kông, Đài Loan, Nhật, Trung Quốc, Mỹ, Malaysia, Ôxtrâylia, EU, Nga…;
- Hàng thủ công mỹ nghệ: Tổ chức nghiên cứu thị trường, nối lại mối quan hệ bạn hàng với các đối tác Nga, Đông Âu để thiết lập mối quan hệ làm ăn mới. Trước mắt liên hệ với các Công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ để cung ứng hàng xuất khẩu. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở, làng nghề, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Nhà nước dành một khoản tín dụng ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ. Các tổ chức tín dụng như ngân hàng phục vụ người nghèo, quỹ xoá đói giảm nghèo, ngân hàng phát triển nông nghiệp nên tạo điều kiện hỗ trợ cho việc phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ nhằm giải quyết việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới.
Phát triển ngành nghề mới như: Thêu ren, đan lát, chế biến đồ gỗ mỹ nghệ…
Thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ: Nhật, Đài Loan, các nước ASEAN, châu Âu, Mỹ...
Sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu:
Đối với ngành dệt may, giày dép: Là ngành cần vốn đầu tư không nhiều, khả năng thu hồi vốn nhanh, công nghệ không quá phức tạp và phù hợp với sức khỏe, năng lực vận hành của người Việt Nam, thời gian đào tạo công nhân ngắn, khả năng giải quyết việc làm lớn, thu nhập tương đối ổn định;
Một số giải pháp cơ bản để phát triển ngành công nghiệp dệt may, giày dép là: Quan hệ với các doanh nghiệp trong nước đang sản xuất hàng dệt may, giày dép có quy mô lớn, có hợp đồng li - xăng với nước ngoài để ký hợp đồng gia công sản phẩm cho họ; có chính sách ưu đãi đặc biệt với đối tác nước ngoài để thu hút đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hàng dệt may, giày dép xuất khẩu hoặc ký hợp đồng gia công sản phẩm; mặc dù chưa đầu tư sản xuất nhưng để chuẩn bị lao động, các cơ sở dạy nghề cần tổ chức các khóa đào tạo nghề may công nghiệp cho các đối tượng lao động trong tỉnh; cử cán bộ đi đào tạo, học nghề tại các trung tâm có uy tín để làm nòng cốt cho các đơn vị dạy nghề trong tỉnh.
5.4. Nhóm giải pháp phát triển dịch vụ xuất khẩu:
a) Một số giải pháp phát triển du lịch:
Xác định vai trò của hoạt động du lịch trong nền kinh tế của tỉnh. Là ngành kinh tế quan trọng có lợi thế về môi trường sinh thái; đầu tư phát triển du lịch là đầu tư cho hạ tầng cơ sở kể cả việc đầu tư tôn tạo, phát triển các di tích lịch sử, văn hóa, các điểm vui chơi giải trí;
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tăng hiệu quả kinh tế cho hoạt động du lịch. Bạc Liêu cần xây dựng các loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: Du lịch sinh thái, tham quan di tích văn hóa lịch sử, thể thao trên biển, du lịch nghỉ dưỡng…;
Thực hiện chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển du lịch đối với các thành phần kinh tế và các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình; phấn đấu đến năm 2010 xây dựng hoàn thành các khu, tuyến du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Nhà Mát, khu dịch vụ du lịch sân chim, vườn nhãn Bạc Liêu, tuyến du lịch sinh thái ven biển từ Nhà Mát đến cửa biển Gành Hào, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa và phát triển các lễ hội tuyền thống phục vụ khách du lịch;
Nâng cấp và quy hoạch lại các công trình văn hóa lịch sử, đạt tiêu chuẩn của một điểm du lịch văn hóa, lịch sử; hướng các lễ hội phục vụ hoạt động du lịch; khôi phục và phát triển các điểm trình diễn đờn ca tài tử gắn với các điểm du lịch;
Xây dựng một số làng nghề thủ công mỹ nghệ với những sản phẩm truyền thống độc đáo để phục vụ khách du lịch và tăng nguồn hàng xuất khẩu;
Xây dựng và phát triển hệ thống an ninh và an toàn du lịch: Đảm bảo an toàn cho du khách nhất là khách nước ngoài trong thời gian tham quan, lưu trú tại địa phương;
Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ phục vụ cho khách du lịch như: Hệ thống đường giao thông, các phương tiện chuyên dùng; tổ chức các tuyến giao thông liên hoàn giữa các điểm du lịch;
Tại các điểm du lịch cần tổ chức tốt các loại hình dịch vụ như trạm bưu chính viễn thông, các quầy hàng lưu niệm, nhà hàng ẩm thực với những món ăn đặc sản địa phương;
Xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống các loại hình cơ sở lưu trú để phục vụ du khách bao gồm cải tạo, nâng cấp các cơ sở đã có và xây dựng các cơ sở lưu trú mới;
Xúc tiến việc hợp tác với các công ty du lịch lữ hành để đưa đón khách du lịch trong nước và quốc tế, tiến tới có từ 2 - 3 doanh nghiệp có đủ điều kiện trực tiếp liên hệ với các hãng lữ hành nước ngoài để đảm nhận trọn gói một cung đoạn nhất định trong những tour du lịch quốc tế;
Tổ chức tốt việc quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, kịp thời rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển Du lịch, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch Bạc Liêu trong mối quan hệ hữu cơ với các ngành kinh tế, các địa phương trong khu vực và cả nước. Ngành du lịch phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức quản lý đồng bộ các hoạt động du lịch nhằm đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả kinh doanh góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
b) Giải pháp phát triển xuất khẩu lao động:
Tích cực tìm kiếm đối tác, trực tiếp quan hệ với Cục quản lý lao động của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các doanh nghiệp, công ty xuất khẩu lao động trong nước, tiến tới giao dịch, ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Có kế hoạch đào tạo và chuẩn bị nguồn lao động xuất khẩu, trong đó chú trọng đến đào tạo lao động kỹ thuật, lao động có tay nghề cao;
Quan tâm đến việc trang bị ngoại ngữ và kiến thức pháp luật của nước sở tại cho người lao động. Mặt khác phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý xuất khẩu lao động với đối tác nước ngoài để nâng cao hiệu quả xuất khẩu và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Xúc tiến việc ký kết xuất khẩu lao động sang các nước đang có nhu cầu lớn về nhập khẩu lao động như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malayxia, các nước Arập; chú trọng đến việc đào tạo cung cấp lao động cho các khu công nghiệp, các dự án đầu tư nước ngoài tại địa phương.
c) Giải pháp phát triển xuất khẩu dịch vụ giao thông vận tải và bưu chính viễn thông:
- Về giao thông vận tải: Tích cực đầu tư phương tiện đường bộ và đường thủy chuyên dùng phục vụ cho hoạt động du lịch. Các văn phòng đại diện, chi nhánh nên có đội xe phục vụ kinh doanh tại chỗ và phục vụ khách lữ hành. Tại thị xã Bạc Liêu cần nghiên cứu hình thành các tuyến xe buýt kết nối các khu dân cư tập trung, các điểm du lịch và các trung tâm vui chơi giải trí để phục vụ nhân dân trong thị xã và khách du lịch;
- Về Bưu chính viễn thông: Tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu phát triển đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10 - 12,5%/năm. Duy trì tốt vai trò là nhà cung cấp chủ đạo các dịch vụ bưu chính viễn thông trên thị trường;
Xây dựng mạng bưu cục, đại lý bưu chính, điểm bưu điện - văn hóa xã phường (đặc biệt lưu ý đầu tư mạng lưới bưu chính, viễn thông tại các điểm du lịch); phát triển các dịch vụ bưu chính hiện đại, đa dạng, đạt tiêu chuẩn ngang bằng với các nước trong khu vực; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ cho nhân dân với giá cả hợp lý; tích cực đầu tư, trang bị máy móc cơ khí hóa, tự động hóa khai thác bưu chính; phát triển dịch vụ mới như tài chính bưu chính, thanh toán qua bưu chính...; xây dựng và phát triển mạng lưới viễn thông hiện đại, đồng bộ và rộng khắp; cung cấp các loại hình dịch vụ chất lượng cao, đa dạng một cách nhanh chóng, thuận tiện cho người sử dụng.
5.5. Nhóm giải pháp về xúc tiến thương mại phát triển thị trường:
a) Nhiệm vụ của các doanh nghiệp:
Chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường; phát huy tối đa mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các văn phòng đại diện thương mại, đầu tư và tư vấn của nước ngoài tại Việt Nam và thân nhân người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài để thành lập liên doanh, hợp tác đầu tư, tìm kiếm cơ hội giới thiệu và tiếp thị hàng Việt Nam ra nước ngoài;
Tăng cường tiếp xúc với thị trường nước ngoài thông qua nhiều hình thức như đặt văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước ngoài; tổ chức đi nghiên cứu thị trường, tham gia triển lãm, hội chợ quốc tế, mở trang Web giới thiệu về doanh nghiệp, quảng cáo sản phẩm...;
Các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cho mặt hàng xuất khẩu nhằm quảng cáo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp;
Mỗi doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án kinh doanh, chiến lược mặt hàng và nghệ thuật tiếp thị, khai thác thị trường phù hợp với khả năng và điều kiện của đơn vị, phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Nhà nước; chủ động đối mặt với thách thức, chấp nhận cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài; chú trọng cập nhật những thay đổi trong phương thức kinh doanh, phương thức tiếp cận thị trường và khách hàng trên thế giới để vận dụng trong điều kiện cho phép, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử, các doanh nghiệp tự bảo hiểm tại các sở giao dịch kỳ hạn…; thiết lập mối quan hệ với các khu công nghiệp, khu chế xuất để cung cấp nguyên liệu, nhu yếu phẩm, vật tư kỹ thuật cho họ đây chính là hình thức xuất khẩu tại chỗ góp phần tiêu thụ sản phẩm và tăng hiệu quả kinh doanh.
b) Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước:
Khẩn trương đầu tư về con người, trang thiết bị kỹ thuật và kinh phí cho Trung tâm xúc tiến thương mại - du lịch nhằm tăng cường các hoạt động để hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại - đầu tư, mở rộng thị trường và cung cấp thông tin kinh tế cho các cấp lãnh đạo góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của tỉnh;
Tạo điều kiện tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường theo các chuyên đề cụ thể để thâm nhập thị trường và đàm phán ký kết hợp đồng thương mại. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và trang Web chính thức của tỉnh để giới thiệu về tiềm năng kinh tế, du lịch, các dự án đầu tư, quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa, đặc sản và các dịch vụ của Bạc Liêu. Đặc biệt cần thắt chặt mối quan hệ với Cục Xúc tiến thương mại, các Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài, các Văn phòng đại diện thương mại, đầu tư của thương nhân nước ngoài, các Đại sứ quán, Lãnh sự quán của nước ngoài tại Việt Nam để thành lập các liên doanh; khai thác mối quan hệ thân nhân với Việt kiều để giới thiệu và tiếp thị hàng hóa của Bạc Liêu ra nước ngoài;
Định kỳ tổ chức hội thảo giữa các doanh nghiệp với các chuyên gia kinh tế về tìm kiếm các thông tin thị trường thông qua các mạng thông tin, giúp doanh nghiệp nắm bắt các thông tin về thị trường khu vực và thế giới để tìm kiếm đối tác một cách nhanh nhất.
5.6. Nhóm giải pháp về tổ chức hệ thống các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu:
Trước hết đối với các doanh nghiệp Nhà nước cùng sản xuất một ngành hàng hoặc một mặt hàng xuất khẩu nên tổ chức lại theo hướng đầu mối như tổng công ty hoặc tập đoàn để tích tụ vốn, tập trung năng lực sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng sản xuất kinh doanh. Có thể tổ chức doanh nghiệp theo mô hình tổng công ty hoặc mô hình công ty mẹ công ty con; hoạt động theo phương thức vừa tổng hợp vừa chuyên ngành, vừa sản xuất vừa kinh doanh, kinh doanh cả trên thị trường nội địa và quốc tế. Công ty mẹ hoạt động tổng hợp các công ty con là những công ty chuyên ngành...;
Tạo điều kiện thuận lợi cho hiệp hội chế biến thủy sản xuất khẩu tỉnh Bạc Liêu hoạt động có hiệu quả nhằm phát triển xuất khẩu và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế;
Nên tổ chức doanh nghiệp theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế, ngoài các bộ phận quan trọng như kế hoạch, tài chính... cần thành lập các bộ phận chức năng mới như: Tiếp thị, nghiên cứu thị trường, pháp lý, bảo hiểm...
5.7. Tăng cường việc liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương trong việc sản xuất chế biến hàng xuất khẩu:
Do nông phẩm sản xuất của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gần như tương đồng nhưng sản lượng lại phân tán, tổng sản lượng trong vùng tuy lớn nhưng đối với từng địa phương lại không đủ để xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu. Đây là vấn đề bức xúc, đòi hỏi các địa phương, các doanh nghiệp trong vùng phải tổ chức liên kết, liên doanh trong lĩnh vực quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, vị trí xây dựng nhà máy nhằm phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và tăng kim ngạch xuất khẩu của vùng và mỗi địa phương.
5.8. Nhóm giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng lao động:
Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, coi công tác đào tạo cán bộ, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho người lao động là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp và đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh...;
Trước hết củng cố và mở rộng các cơ sở dạy nghề cả về quy mô lẫn chiều sâu nghiệp vụ; cả về cơ sở vật chất và đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, nhằm cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trong tỉnh; sau nữa là tạo nguồn để xuất khẩu lao động ra thị trường thế giới;
Thực hiện tích cực và triệt để các chính sách và chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa của tỉnh. Trước hết cần tuyển chọn đội ngũ trí thức giỏi, được đào tạo chính quy tại các trường đại học chuyên ngành có uy tín và các trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật lớn của đất nước để làm hạt nhân cho công tác nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất kinh doanh. Tuyển chọn những học sinh xuất sắc các bộ môn khoa học tự nhiên tại các trường phổ thông trung học để tài trợ và định hướng cho họ thi tuyển vào các trường chuyên ngành theo nhu cầu đào tạo của tỉnh. Có chính sách cụ thể và thông báo công khai để thu hút đội ngũ trí thức giỏi, công nhân kỹ thuật bậc cao đến làm việc tại các trung tâm nghiên cứu và cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh. Hàng năm, tỉnh nên bố trí nguồn kinh phí để đưa cán bộ khoa học kỹ thuật đi tu nghiệp ở nước ngoài;
Cần thực hiện triệt để tiêu chuẩn hóa công tác cán bộ, thi tuyển và thường xuyên bồi dưỡng, kiểm tra trình độ tay nghề chuyên môn nghiệp vụ của người lao động. Bố trí cán bộ và lực lượng lao động theo đúng chuyên môn nghiệp vụ và năng lực sở trường của họ để nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh...
5.9. Giải pháp về huy động vốn và thu hút đầu tư:
Xây dựng các quy chế nhằm tạo điều kiện để thị trường vốn dài hạn, trung hạn, ngắn hạn hoạt động tốt, di chuyển dễ dàng từ nơi sử dụng hiệu quả thấp đến nơi sử dụng có hiệu quả cao hơn với sự tham gia của các thành phần kinh tế;
Sắp xếp lại và khai thác có hiệu quả cao nhất đối với cơ sở vật chất kỹ thuật của các doanh nghiệp hiện có, kể cả bán tài sản không cần dùng để bổ sung vốn;
Thực hành tốt Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Đầu tư nước ngoài để thu hút mọi nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh;
Xác định các lĩnh vực, ngành mà tỉnh có lợi thế phát triển để đầu tư lớn. Cần đầu tư có trọng điểm, tập trung vốn đầu tư vào một số doanh nghiệp có quy mô lớn, làm ăn hiệu quả và có ảnh hưởng đến thị trường trong tỉnh, khu vực, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu;
Tăng cường công tác quản lý, đặt doanh nghiệp trước yêu cầu sản xuất kinh doanh phải có lãi, tăng tích luỹ từ mỗi hộ kinh doanh, tăng nguồn vốn tự có để tái đầu tư, mở rộng kinh doanh;
Kết hợp vốn Nhà nước và vốn của dân, tranh thủ vốn đầu tư của Trung ương và một số trung tâm thương mại lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… thông qua các loại hình hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các tổ chức kinh tế ngoài tỉnh với địa phương. Áp dụng hình thức sở hữu đa dạng để thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác;
Thường xuyên hoàn thiện quy chế quản lý tài chính trong nội bộ doanh nghiệp cho phù hợp với môi trường chính sách, luật pháp và điều kiện của doanh nghiệp.
Điều 2: Giao Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch:
1. Chủ trì tổ chức công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt đến các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh biết để phối hợp triển khai thực hiện;
2. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch hàng năm triển khai thực hiện các dự án, quan tâm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư;
3. Định kỳ kiểm tra giám sát thực hiện quy hoạch và báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh; tổng hợp, rà soát các nội dung chưa phù hợp trong quá trình thực hiện để điều chỉnh kịp thời.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ban hành: 07/09/2006 | Cập nhật: 16/09/2006