Quyết định 82/2006/QĐ-UBND ban hành Quy định về trình tự, thủ tục hủy phế liệu, phế phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
Số hiệu: | 82/2006/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đồng Nai | Người ký: | Ao Văn Thinh |
Ngày ban hành: | 23/11/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Môi trường, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 82/2006/QĐ-UBND |
Biên Hòa, ngày 23 tháng 11 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC HỦY PHẾ LIỆU, PHẾ PHẨM CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa Quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 28/2005/QĐ-BTM ngày 07/01/2005 của Bộ Thương mại về việc ủy quyền phê duyệt thanh lý nguyên liệu, máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển, vật tư, nguyên liệu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
Xét đề nghị của Ban Quản lý khu công nghiệp Đồng Nai tại Văn bản số 1440/KCNĐN-DN ngày 09/11/2006,
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trình tự, thủ tục hủy phế liệu, phế phẩm, áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động gia công hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Quyết định này thay thế Văn bản số 230/CV-UBT ngày 12/01/2005 của UBND tỉnh Đồng Nai về quy trình xử lý hủy phế liệu, phế phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 3. Giao trách nhiệm cho Ban Quản lý KCN tỉnh Đồng Nai, phối hợp với Sở Thương mại và Du lịch, Cục Hải quan, Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường, tổ chức triển khai rộng rãi Quy định này đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Điều 4. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Trưởng Cục Hải quan, Cục Trưởng Cục thuế, Thủ trưởng các Sở, ngành và các đơn vị, cá nhân có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI |
QUY ĐỊNH
VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC HỦY PHẾ LIỆU, PHẾ PHẨM CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 82/2006/QĐ-UBND ngày 23/11/2006 của UBND tỉnh Đồng Nai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng
1. Quy định trình tự, thủ tục hủy phế liệu, phế phẩm áp dụng đối với các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) có đăng ký định mức vật tư, nguyên liệu sản xuất hàng gia công theo hợp đồng gia công với nước ngoài xuất khẩu tại cơ quan hải quan.
2. Việc hủy phế liệu, phế phẩm là những sản phẩm xuất khẩu, sản xuất từ nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu dưới hình thức nhập khẩu để gia công hàng xuất khẩu, trong quá trình gia công không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải tiêu hủy; hoặc sản phẩm gia công không còn phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, được bên thuê gia công đồng ý bằng văn bản cho tiêu hủy tại Việt Nam.
Điều 2. Phạm vi áp dụng
1. Quy định này áp dụng đối với các doanh nghiệp có đăng ký định mức vật tư, nguyên liệu sản xuất hàng gia công theo hợp đồng gia công với nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
2. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu tái xuất phế liệu, phế phẩm, hoặc nhượng bán trong thị trường nội địa, thì không áp dụng theo quy định này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Phế liệu: Là nguyên vật liệu bị loại ra trong quá trình gia công sản xuất; nguyên vật liệu, phụ liệu thừa trong quá trình sản xuất, gia công hàng xuất khẩu; máy móc thiết bị hư hỏng không đủ khả năng phục hồi, sử dụng.
Phế phẩm: Là thành phẩm, bán thành phẩm bị hư hỏng trong quá trình sản xuất, hoặc kém chất lượng, hoặc sản phẩm gia công không còn phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Giám đốc doanh nghiệp: Đối với doanh nghiệp là người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp trước pháp luật; đối với hợp tác xã là Chủ nhiệm hợp tác xã; đối với Hộ kinh doanh cá thể là cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Cơ quan đăng ký hủy phế liệu: Là cơ quan được Bộ Thương mại và UBND tỉnh Đồng Nai ủy quyền quản lý về thanh lý phế liệu của doanh nghiệp. Hiện nay, thẩm quyền quản lý đăng ký hủy phế liệu đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, thẩm quyền quản lý đăng ký hủy phế liệu áp dụng đối với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp là Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Đồng Nai.
Thanh khoản hợp đồng gia công: Là việc doanh nghiệp lập các mẫu báo cáo thanh quyết toán các khoản thuế nhập khẩu phải nộp theo quy định sau khi kết thúc hợp đồng gia công, dựa trên lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu; lượng sản phẩm xuất khẩu theo định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt đã được thỏa thuận tại hợp đồng gia công, để được khấu trừ khoản nợ thuế nhập khẩu đã được tạm miễn nộp khi nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công sản phẩm xuất khẩu; đồng thời xử lý số nguyên liệu, phụ liệu, vật tư thừa, phế phẩm, phế liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu phục vụ hợp đồng gia công theo thỏa thuận của hợp đồng gia công và phù hợp với luật pháp Việt Nam.
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC HỦY PHẾ LIỆU, PHẾ PHẨM
Điều 4. Đăng ký phương án hủy phế liệu, phế phẩm
1. Doanh nghiệp lập phương án hủy phế liệu, phế phẩm định kỳ 6 tháng/lần, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai.
Trong kỳ 6 tháng, trường hợp doanh nghiệp thay đổi phương án hủy hoặc bổ sung chủng loại, số lượng phế liệu, phế phẩm cần tiêu hủy, thì phải thông báo bằng văn bản, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai.
2. Phương án hủy bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Loại phế liệu, phế phẩm cần tiêu hủy;
- Địa điểm tiêu hủy;
- Phương pháp tiêu hủy: Gồm các nội dung phương pháp lý học (đập, cắt, đốt); phương pháp hóa lý kết hợp (ngâm tẩm hóa chất gây rỉ sét, biến dạng, tái chế…) và biện pháp quản lý chất thải sau khi hủy phế liệu, phế phẩm (thu gom, phân loại, lưu giữ và chuyển giao cho đơn vị khác để tái chế, xử lý);
3. Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên Môi trường xem xét, có văn bản chấp thuận phương án tiêu hủy phế liệu, phế phẩm của doanh nghiệp.
Điều 5. Đăng ký hồ sơ hủy phế liệu, phế phẩm
1. Doanh nghiệp có nhu cầu hủy phế liệu, phế phẩm, lập hồ sơ hủy theo định kỳ hàng quý và nộp về cơ quan đăng ký hủy phế liệu và Cục Hải quan Đồng Nai, cụ thể như sau:
a. Các doanh nghiệp nằm trong các KCN: Hồ sơ nộp về Ban Quản lý các KCN Đồng Nai và Cục Hải quan Đồng Nai.
b. Các doanh nghiệp nằm ngoài các KCN: Hồ sơ nộp về Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Đồng Nai và Cục Hải quan Đồng Nai.
2. Hồ sơ hủy phế liệu, phế phẩm gồm:
a. Văn bản đăng ký hủy phế liệu, phế phẩm.
b. Danh mục, số lượng, trọng lượng phế liệu, phế phẩm.
c. Hợp đồng gia công và bản sao tờ khai nhập khẩu nguyên vật liệu có liên quan đến sản phẩm tiêu hủy.
d. Định mức nguyên liệu, vật liệu để sản xuất sản phẩm, phế phẩm (nếu phế liệu hủy thì không nộp bản định mức).
e. Phương án hủy phế liệu, phế phẩm của Hội đồng Quản trị, Chủ đầu tư và các bên hợp doanh phê chuẩn.
f. Quyết định thành lập Hội đồng hủy phế liệu, phế phẩm.
g. Giấy phép nhập khẩu của Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Bộ Thương mại ủy quyền (nếu hàng hóa nhập khẩu phải có giấy phép).
h. Văn bản thỏa thuận của bên thuê gia công.
i. Văn bản cho phép tiêu hủy của Sở Tài nguyên Môi trường về phương pháp hủy phế liệu, phế phẩm.
3. Trường hợp không lập kế hoạch tiêu hủy vào đầu quý, nhưng trong kỳ có nhu cầu hủy phế liệu, phế phẩm; thì doanh nghiệp phải có văn bản đăng ký hủy số phế liệu phế phẩm đột xuất, kèm theo hồ sơ hủy phế liệu, phế phẩm; gửi đến các cơ quan đăng ký hủy phế liệu; thời gian gửi văn bản trước 10 ngày làm việc so với thời điểm thực hiện việc hủy phế liệu, phế phẩm.
Điều 6. Thành lập Hội đồng hủy phế liệu, phế phẩm
Hội đồng hủy phế liệu, phế phẩm do Giám đốc doanh nghiệp thành lập. Thành phần gồm:
- Chủ tịch Hội đồng: Một thành viên là Lãnh đạo của Doanh nghiệp;
- Phó Chủ tịch Hội đồng: Kế toán trưởng hoặc Giám đốc Tài chính của doanh nghiệp;
- Các ủy viên Hội đồng: Thuộc các bộ phận xuất nhập khẩu, sản xuất sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm…. của doanh nghiệp;
Quyết định thành lập phải ghi rõ họ tên, chức vụ của các thành viên, chức năng và nhiệm vụ của hội đồng.
Điều 7. Thẩm quyền kiểm tra đăng ký hủy phế liệu, phế phẩm
1. Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận kế hoạch hủy phế liệu, phế phẩm của doanh nghiệp, hoặc trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận văn bản đăng ký hủy đột xuất. Cơ quan đăng ký hủy phế liệu, Cục Hải quan có trách nhiệm rà soát, kiểm tra nội dung đăng ký hủy phế liệu, phế phẩm. Trường hợp phát hiện sai sót, cơ quan chức năng có văn bản yêu cầu doanh nghiệp giải trình, hoặc sửa chữa sai sót. Trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật thì lập biên bản xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
2. Trường hợp hủy phế liệu, phế phẩm thuộc danh mục chất thải nguy hại thì doanh nghiệp phải đăng ký kế hoạch hủy với Sở Tài nguyên Môi trường. Thời hạn xử lý hồ sơ của Sở Tài nguyên Môi trường theo quy định tại khoản 1 điều này.
Điều 8. Giám sát hủy phế liệu, phế phẩm
1. Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan đăng ký hủy phế liệu, Cục Hải quan, Sở Tài nguyên Môi trường để tham gia giám sát quá trình hủy phế liệu, phế phẩm của doanh nghiệp.
2. Thông báo phải được gửi đến các cơ quan chức năng trước 05 ngày làm việc so với thời điểm hủy và gửi kèm theo quyết định thành lập Hội đồng hủy. Đối với các trường hợp hủy đột xuất quy định tại khoản 4 Điều 5 của quy chế, lịch hủy phế liệu, phế phẩm của doanh nghiệp được thông báo tại văn bản đăng ký hủy của doanh nghiệp.
3. Các cơ quan chức năng không được yêu cầu doanh nghiệp giải trình, hoặc có ý kiến không chấp nhận thủ tục hủy phế liệu, phế phẩm của doanh nghiệp, trong trường hợp không cử đại diện tham gia giám sát quá trình hủy.
Điều 9. Thời gian, địa điểm tổ chức hủy phế liệu, phế phẩm
Hội đồng hủy phế liệu phế phẩm của doanh nghiệp thực hiện việc tiêu hủy phế liệu, phế phẩm trong ngày làm việc, thời gian hủy vào giờ hành chính. Không hủy phế liệu, phế phẩm vào ban đêm, hoặc ngày lễ, ngày thứ bảy hoặc chủ nhật.
Địa điểm tiêu hủy phải bảo đảm các điều kiện, phương tiện phù hợp cho việc thực hiện tiêu hủy phế liệu, phế phẩm và phải theo phương án đăng ký.
Điều 10. Kiểm kê phế liệu, phế phẩm tiêu hủy
Phế liệu, phế phẩm tiêu hủy phải được kiểm kê, phân loại tại địa điểm tiêu hủy. Danh sách các phế liệu, phế phẩm tiêu hủy phải ghi rõ số lượng, trọng lượng, đơn vị tính, định mức tiêu hao nguyên vật liệu đối với từng loại phế liệu, phế phẩm tiêu hủy.
Doanh nghiệp phải phân loại, sắp xếp phế liệu, phế phẩm tại địa điểm tiêu hủy trước khi mời các cơ quan chức năng đến giám sát hủy.
Điều 11. Thực hiện tiêu hủy
Hội đồng hủy phế liệu, phế phẩm tổ chức thực hiện việc tiêu hủy. Quá trình hủy bảo đảm làm biến dạng các phế liệu, phế phẩm, mất đi tính năng sử dụng ban đầu; bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường và gây ra các sự cố môi trường, bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy.
Kết thúc quá trình hủy, Chủ tịch Hội đồng hủy phế liệu phế phẩm của doanh nghiệp lập biên bản hủy, đóng dấu, ký tên; và yêu cầu các thành viên cùng ký tên vào biên bản.
Trường hợp có ý kiến khác với Hội đồng hủy của doanh nghiệp, cơ quan giám sát có quyền ghi ý kiến vào biên bản hủy của doanh nghiệp.
Chi phí thực hiện tiêu hủy do doanh nghiệp chi trả.
Điều 12. Báo cáo kết quả tiêu hủy
Trong vòng 05 ngày kể từ thời điểm kết thúc việc thực hiện tiêu hủy, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo kết quả tiêu hủy đến các cơ quan chức năng.
Báo cáo phải kèm theo danh sách phế liệu, phế phẩm tiêu hủy và biên bản thực hiện tiêu hủy phế liệu, phế phẩm.
Báo cáo kết quả tiêu hủy là cơ sở để giảm trừ thực tế nguyên vật liệu tiêu hao, làm tài liệu dùng để thanh khoản nguyên vật liệu miễn thuế nhập khẩu với Cục Hải quan.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Quy định về trình tự, thủ tục hủy phế liệu, phế phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Các ông (bà): Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Quản lý các KCN, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch, Cục Trưởng Cục Hải quan, Cục Trưởng Cục thuế, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa căn cứ quyết định thi hành.
Nghị định 12/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài Ban hành: 23/01/2006 | Cập nhật: 20/05/2006
Quyết định 69/2004/QĐ-BTC về thủ tục hải quan đối với hàng hoá gia công với thương nhân nước ngoài Ban hành: 24/08/2004 | Cập nhật: 01/10/2012