Quyết định 818/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020
Số hiệu: 818/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
Ngày ban hành: 07/06/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 818/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ GIAI ĐOẠN 2010 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2011 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 105/TTg ngày 12 tháng 02 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996 - 2010;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án: điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020.

2. Quan điểm:

- Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế là tài sản vô giá của quốc gia đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại. Bảo tồn toàn vẹn di sản văn hóa Cố đô Huế là bảo tồn tài sản văn hóa của dân tộc, đồng thời góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tuân thủ công ước quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa nhân loại;

- Di tích Cố đô Huế phải được bảo tồn trong quy hoạch tổng thể thống nhất; có phân cấp, phân loại những di sản cần bảo tồn theo đúng nguyên mẫu nhằm giữ nguyên giá trị lịch sử và giá trị văn hóa kiến trúc, nghệ thuật vốn có; những di sản cần được mô phỏng với các giải pháp tiên tiến, có thể sử dụng chất liệu truyền thống kết hợp hiện đại nhưng phải bảo đảm không làm thay đổi giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật vốn có của chúng. Chú trọng việc bảo quản thường xuyên di tích trước các mối đe dọa như phá hoại, mất mát, xâm lấn, thiên tai, hỏa hoạn, hư hỏng... Ưu tiên các chương trình và biện pháp chống xuống cấp gắn với trùng tu trên cơ sở khoa học; chỉ phục nguyên những di tích có giá trị đặc biệt khi đã có đủ những căn cứ khoa học;

- Quy hoạch bảo tồn các giá trị văn hóa Cố đô Huế không tách khỏi việc bảo tồn những di tích văn hóa khác đã có và hiện còn như tháp Chăm, đền, đình, chùa, miếu… và những di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến có liên quan;

- Bảo vệ và tôn tạo cảnh quan kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên trong quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Huế không tách rời cảnh quan kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên của quần thể di tích Cố đô Huế;

- Các chương trình nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục về lịch sử, văn hóa - nghệ thuật của quần thể di tích Cố đô Huế phải được gắn liền với nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

- Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế phải thực hiện đồng thời, đồng bộ trên cả ba lĩnh vực là di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa cảnh quan đô thị và thiên nhiên;

- Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế phải gắn với tăng trưởng kinh tế, với phát triển du lịch văn hóa, tạo thành thế mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà và phát huy mọi lợi thế, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho hội nhập và phát triển bền vững.

3. Mục tiêu của Đề án:

a) Mục tiêu dài hạn:

- Bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế;

- Phát huy mọi giá trị quý giá của di sản văn hóa Cố đô Huế, bao gồm giá trị di sản văn hóa vật thể, giá trị di sản văn hóa phi vật thể và giá trị di sản văn hóa môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên trong việc giáo dục, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

b) Mục tiêu ngắn hạn:

- Xác định ranh giới, phạm vi và đối tượng nghiên cứu bảo tồn và khai thác;

- Lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo hệ thống các di tích Cố đô Huế trong quy hoạch tổng thể thành phố Huế những năm trước mắt và lâu dài;

- Xác định nội dung đầu tư từng giai đoạn tu bổ kết hợp với tôn tạo và phát huy giá trị di tích cả về mặt văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể và cảnh quan môi trường.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Đề án:

a) Đối tượng nghiên cứu:

- Di sản văn hóa vật thể;

- Di sản văn hóa phi vật thể, các tác phẩm văn hóa nghệ thuật chính thống, dân gian, các truyền thuyết, tập tục…;

- Di sản văn hóa cảnh quan - môi trường.

b) Phạm vi nghiên cứu:

- Khu vực Kinh thành Huế và Hoàng Thành (Đại Nội);

- Các khu lăng, tẩm của các đời vua nhà Nguyễn từ Gia Long đến Khải Định;

- Các công trình kiến trúc, các công trình khác liên quan đến kiến trúc cung đình và các công trình kiến trúc gắn liền với quá trình hình thành và phát triển đô thị của Cố đô Huế;

- Cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái cấu thành những nét độc đáo của Cố đô Huế;

- Lịch sử, truyền thống, văn hóa thông qua các tác phẩm văn hóa nghệ thuật chính thống và dân gian.

5. Những nội dung và giải pháp đầu tư chủ yếu của Đề án từ năm 2010 đến năm 2020:

a) Tiếp tục thực hiện các nội dung công việc còn lại theo Quyết định số 105/TTg ngày 12 tháng 02 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:

- Giai đoạn I: 2010 - 2012:

+ Lập hồ sơ của tất cả những di tích hiện tồn và đã mất, dữ liệu hóa toàn bộ hệ thống tư liệu;

+ Hoàn tất việc cắm mốc khoanh vùng bảo vệ các di tích, tổng kiểm kê số hộ dân hiện đang ở trong khu vực I và thực hiện giải pháp dãn dân, di dân ra khỏi các khu vực trọng điểm;

+ Bảo quản tất cả các di tích bị xuống cấp;

+ Tiếp tục hoàn thành việc tu bổ các công trình đang dở dang;

+ Thực hiện phục hồi các điện trong Tử Cấm Thành theo thứ tự ưu tiên khi có đầy đủ tư liệu và cơ sở khoa học cần thiết, các công trình kiến trúc tại Đại Nội và các lăng vua còn lại, các công trình liên quan đến kiến trúc cung đình và các công trình kiến trúc gắn liền với quá trình hình thành phát triển đô thị của Cố đô Huế;

+ Cải thiện, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Đại Nội, các lăng vua và các điểm di tích khác;

+ Lập hồ sơ phích phiếu của toàn bộ các hiện vật để lưu trữ và quản lý bằng phần mềm vi tính. Triển khai mở rộng trưng bày tại các điểm di tích;

+ Thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục, hợp tác đối ngoại, đào tạo nguồn nhân lực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

- Giai đoạn II: 2013 - 2017:

+ Tiếp tục tu bổ và phục hồi các công trình di tích, các trang trí mỹ thuật và kết cấu kiến trúc;

+ Cải thiện, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên và hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu Đại Nội, các lăng vua và các di tích khác;

+ Tiếp tục triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục, hợp tác đối ngoại, đào tạo nguồn nhân lực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể theo kế hoạch được phê duyệt.

- Giai đoạn III: 2018 - 2020:

+ Hoàn chỉnh việc phục hồi và tôn tạo những phế tích có giá trị tiêu biểu. Cơ bản phục hồi hoàn nguyên các công trình quan trọng trong khu vực Đại Nội theo kiến trúc Hoàng Thành trước đây và phương án quy hoạch bảo tồn được duyệt;

+ Cải thiện và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên của khu vực kinh thành, các lăng tẩm và các điểm di tích khác;

+ Xây dựng hoàn chỉnh và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các điểm di tích.

b) Một số giải pháp chủ yếu thực hiện Đề án:

- Tập trung đầu tư vào các khu di tích tiêu biểu và trọng điểm khi đã có đủ tư liệu khoa học - lịch sử. Hoàn chỉnh dứt điểm các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng, cảnh quan sân vườn và trưng bày nội thất để sau khi đưa vào sử dụng sẽ phát huy được giá trị, tạo ra những chuyển biến mới và hiệu quả;

- Xã hội hóa công cuộc bảo tồn di sản văn hóa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch được duyệt nhằm tạo điều kiện và môi trường cho các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế và cộng đồng cùng tham gia vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục cho người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tự nguyện, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa;

- Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản. Có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có đủ kinh nghiệm và năng lực chuyên môn để tiếp thu các công nghệ tiên tiến ứng dụng hiệu quả vào lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích;

- Tăng cường tạo ra những sản phẩm mới để thu hút khách du lịch và tạo sự gắn kết giữa du lịch và di sản văn hóa;

- Chủ động, tích cực trong công tác phòng ngừa và bảo đảm an toàn cho các di tích trước các nguy cơ của thiên tai, hỏa hoạn và các yếu tố bất lợi khác.

6. Nguồn vốn đầu tư:

- Ngân sách Trung ương (vốn hỗ trợ có mục tiêu về văn hóa của Chính phủ, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa…);

- Ngân sách địa phương (vốn của tỉnh, vốn từ nguồn thu phát huy giá trị di tích từ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và nguồn vốn hợp pháp khác;

- Vốn tài trợ và các nguồn huy động hợp pháp khác trong và ngoài nước.

Việc xác định chính thức tổng mức vốn đầu tư sẽ căn cứ vào các dự án đầu tư cụ thể được thẩm định và phê duyệt.

7. Thời gian thực hiện Đề án: từ năm 2010 - 2020.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiệm vụ:

- Trên cơ sở các nội dung Đề án được duyệt, chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các đơn vị chức năng liên quan của tỉnh triển khai thực hiện các dự án thành phần của Đề án theo quy định pháp luật hiện hành sau khi có thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan để thực hiện đầu tư phù hợp với khả năng huy động vốn hàng năm. Chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án, thiết kế được phê duyệt bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng công trình;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng các giải pháp trình Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực, các nhà đầu tư, các tổ chức xã hội cùng đầu tư thực hiện Đề án hiệu quả. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao tìm kiếm nguồn vốn tài trợ, đầu tư từ phía các tổ chức nước ngoài;

- Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, tái định cư các hộ dân sống trong khu vực di tích trình Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng;

- Quản lý, bảo vệ, phát huy và khai thác khu di tích có hiệu quả.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ: chỉ đạo, thỏa thuận và giám sát về chuyên môn đối với các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích và các dự án có ảnh hưởng đến di tích. Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý, phát huy có hiệu quả di tích Cố đô Huế.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí nguồn vốn Trung ương (vốn hỗ trợ có mục tiêu văn hóa của Chính phủ, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa…) trong kế hoạch hàng năm để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án.

4. Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện tốt các nội dung của Đề án; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện việc lồng ghép các chương trình dự án liên quan đến đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Cố đô Huế; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: VHTT&DL, KH&ĐT, TC, XD, NG, TN&MT;
- HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KTN, ĐP;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.