Quyết định 807/QĐ-UBND năm 2006 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020
Số hiệu: 807/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Vũ Hoàng Hà
Ngày ban hành: 17/11/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 807/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 17 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH CẤP NƯỚC TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Thông tư số 05/1999/TT-BKH ngày 11/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quản lý các dự án quy hoạch và Thông tư số 09/2000/TT-BKH ngày 02/8/2000 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 05/1999/TT-BKH ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cấp nước (thủy lợi) tỉnh Bình Định với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án: Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cấp nước tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

2. Quan điểm quy hoạch:

Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước (thủy lợi) phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, làm cơ sở thực hiện có hiệu quả quy hoạch chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cấp nước nhằm bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình, đồng thời hạn chế các tác hại do nước gây ra, gắn quy hoạch cấp nước với kiểm soát, điều tiết lũ và bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững.

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu và toàn diện, phát huy các lợi thế, thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp của tỉnh, phù hợp với đặc thù từng khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác, giải quyết nước sinh hoạt và nâng cao đời sống nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển cấp nước với quy hoạch giao thông, quy hoạch dân cư và các quy hoạch khác trên địa bàn tỉnh.

Ưu tiên quy hoạch, đầu tư hệ thống cấp nước cho các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và những vùng khó khăn, thiếu nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Coi trọng đầu tư mới các công trình cấp nước gắn với đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có; sử dụng nước tiết kiệm, có hiệu quả. Huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương), các nguồn vốn hợp pháp khác trong nước và ngoài nước, đồng thời huy động sự đóng góp của người dân để đầu tư hệ thống thủy lợi của tỉnh.

Các phương án, giải pháp quy hoạch phát triển thủy lợi của tỉnh cần tiếp tục cập nhật, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với nhu cầu và tình hình mới nảy sinh.

3. Mục tiêu quy hoạch:

3.1. Mục tiêu chung:

Nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch để tạo ra hệ thống thủy lợi hợp lý, phục vụ thiết thực cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn, giải quyết những vấn đề về kinh tế - xã hội, dân sinh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đề xuất các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư thuỷ lợi cho từng vùng, tiểu vùng, từng lưu vực sông và cân bằng nước cho từng lưu vực; xác định năng lực cấp nước và phạm vi phụ trách của từng công trình; đồng thời đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi và kế hoạch thực hiện hàng năm giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020.

Kiến nghị, xử lý các vấn đề tồn tại, tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy hoạch, trong đó có việc bổ sung quy hoạch cấp đủ nước cho công nghiệp, sinh hoạt và các ngành kinh tế khác theo yêu cầu phát triển từng giai đoạn của tỉnh; tính toán duy trì dòng chảy mùa kiệt như khi chưa xây dựng công trình (trả về hiện trạng) để không làm ảnh hưởng đến môi trường ở hạ du.

3.2. Mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2020 diện tích tưới của tỉnh Bình Định đạt 77.100ha canh tác; trong đó công trình sửa chữa, nâng cấp tưới tăng thêm 8.120ha; công trình xây dựng mới tưới thêm 26.350ha; còn lại khoảng 7.000ha sử dụng công trình thủy lợi nhỏ để tận dụng nguồn nước tại chỗ và chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn.

a. Giai đoạn 2006 - 2010:

Bảo đảm cấp nước cho cho các ngành kinh tế và dân sinh; cấp nước tưới đạt 75% diện tích cây trồng hàng năm; cấp nước công nghiệp 140.000 m3/ngày đêm; cấp nước nuôi trồng thủy sản 3.000ha.

b. Giai đoạn 2011 - 2020:

Bảo đảm cấp nước cho cho các ngành kinh tế và dân sinh; cấp nước tưới đạt 92% diện tích cây trồng hàng năm; cấp nước cho sản xuất công nghiệp 320.000 m3/ngày đêm; cấp nước nuôi trồng thủy sản 3.800ha.

4. Nhiệm vụ chủ yếu và các giải pháp chính:

4.1. Nhiệm vụ chủ yếu:

Phối hợp với các huyện, thành phố rà soát và xác định quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi của từng địa phương, trong đó tập trung vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với quy hoạch thủy lợi.

Sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới một số công trình nhằm đáp ứng đủ nhu cầu nước cho nông nghiệp và các ngành kinh tế - dân sinh, trong đó có quản lý thiên tai và phát triển nguồn nước trên cơ sở phù hợp với chiến lược phát triển của các huyện, thành phố.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển thủy lợi, tiến hành giải quyết các vấn đề then chốt như bảo đảm an toàn các công trình trong khai thác và phòng chống lũ lụt, kiểm soát lũ, kiểm soát tưới, tiêu úng và phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm đáp ứng mục tiêu của phát triển kinh tế - xã hội.

Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước.

Kiên cố hóa kênh mương.

4.2. Những giải pháp chính:

a. Vùng lưu vực sông Lại Giang:

Vùng lưu vực sông Lại Giang gồm 4 tiểu vùng là Tiểu vùng sông An Lão, Tiểu vùng lưu vực sông Kim Sơn, Tiểu vùng Bắc sông Lại Giang và Tiểu vùng Nam sông Lại Giang. Phương án quy hoạch cấp n­ước cho các tiểu vùng là sửa chữa, nâng cấp công trình đã có, kiên cố hóa kênh mương và chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm đảm bảo các công trình tưới hết diện tích theo năng lực thiết kế; đồng thời xây dựng mới một số công trình như sau:

- Tiểu vùng sông An Lão: Đảm bảo các công trình cũ tưới hết diện tích theo năng lực thiết kế 2.940ha (kể cả chuyển đổi cây trồng tăng 930ha). Có 11 công trình mới gồm 7 hồ chứa, 3 đập dâng và 1 trạm bơm để tưới cho khoảng 1.450ha canh tác. Trong đó, hồ Đồng Mít là công trình mấu chốt trong lưu vực làm nhiệm vụ cấp nước cho hạ lưu sông Lại Giang và tưới tại chỗ 250ha. Về lâu dài, khi kinh tế phát triển, cần xem xét đầu tư xây dựng hồ Nước Dinh để bổ sung nước cho hạ lưu sông Lại Giang và tưới tại chỗ 200ha. Tổng diện tích được tưới đến 2020 là 4.380ha. Còn 140ha (trừ 250ha đất nương rẫy) nằm cao và phân tán nên chuyển sang trồng cây chịu hạn.

- Tiểu vùng lưu vực sông Kim Sơn: Các công trình cũ tưới hết diện tích theo năng lực thiết kế 2.680ha; đầu t­ư xây dựng mới 16 công trình tưới 1.930ha canh tác. Tổng diện tích được tưới từ nay cho đến năm 2020 là 4.610ha đất canh tác. Diện tích đất canh tác còn lại 230ha (trừ 300 ha đất nương rẫy) nằm rải rác sẽ chuyển sang trồng cây có khả năng chịu hạn.

- Tiểu vùng Bắc sông Lại Giang: Bên cạnh các công trình cũ tưới hết diện tích theo năng lực thiết kế thì hệ thống đập Lại Giang được xác định lại diện tích khu tưới là 4.410ha canh tác (kể cả diện tích tưới của 3 trạm bơm: Hoài Xuân, Hoài Hương và Cầu Voi ở hạ lưu đập), do nguồn sông An Lão có hạn, chỉ tưới được 1.160ha. Diện tích còn lại cần bổ sung từ công trình tạo nguồn thượng lưu (hồ Đồng Mít). Đầu tư mới 3 công trình cấp nước cho 650ha đất canh tác và 50ha nuôi trồng thuỷ sản. Tổng diện tích được tưới năm 2020 là 6.600ha. Còn lại 110ha nằm rải rác, tưới bằng tiểu thủy nông hoặc chuyển sang trồng cây chịu hạn. Lượng nước còn thiếu khoảng 120 triệu m3 phải bổ sung từ công trình tạo nguồn ở thượng lưu (hồ Đồng Mít và hồ Nước Dinh).

- Tiểu vùng Nam sông Lại Giang: Sửa chữa, nâng cấp các công trình đã có tưới hết diện tích thiết kế lên đến 1.550ha. Đầu tư xây dựng mới 4 công trình tưới cho 450ha đất canh tác. Tổng diện tích được tưới năm 2020 là 2.000ha. Chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản gần 100ha.

b. Vùng Đầm Trà Ổ:

Phương án cấp n­ước cho vùng này là giữ nguyên hiện trạng đầm Trà Ổ như hiện nay để cấp nước ngọt; đầu tư nâng cấp, sửa chữa một số các công trình thủy lợi hiện có, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mở rộng diện tích tưới do chuyển đổi là 1.200ha. Đầu tư xây dựng 2 hồ chứa và 1 trạm bơm tưới thêm 400ha. Tổng diện tích tưới năm 2020 là 2.780ha. Còn khoảng 2.000ha canh tác chưa có nguồn nước thì chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu khả năng chuyển nước cho lưu vực Trà Ổ từ phía Nam (lưu vực sông La Tinh).

c. Vùng Nam Bình Định:

Vùng Nam Bình Định có 6 tiểu vùng là Tiểu vùng Bắc sông La Tinh, Tiểu vùng Nam La Tinh - Bắc sông Kôn, Tiểu vùng Nam sông Kôn, Tiểu vùng lưu vực sông Hà Thanh, Tiểu vùng Vĩnh Thạnh và Tiểu vùng Tân An - Đập Đá.

- Tiểu vùng Bắc sông La Tinh: cũng là khu vực đặc biệt khó khăn về nguồn nước. Cần tận dụng nguồn nước sông La Tinh và các suối nhỏ để xây dựng các hồ chứa vừa, nhỏ; chuyển nước sông Kôn sang thông qua hệ thống kênh Văn Phong. Sửa chữa nâng cấp các công trình hiện có, kiên cố hóa kênh mương kết hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đảm bảo tổng diện tích tưới ổn định 3.280ha. Hệ thống kênh Hội Sơn được nâng cấp sẽ tưới tổng cộng trên 1.000ha. Khoảng 2.900ha sử dụng nguồn nước của hồ Định Bình chuyển qua kênh Văn Phong bơm tưới. Một số công trình xây dựng mới khác tưới khoảng 100ha. Diện tích được tưới của tiểu vùng này năm 2020 là  7.917ha.

- Tiểu vùng Nam La Tinh - Bắc sông Kôn: phân làm 3 khu vực tưới nhỏ hơn, đã xây dựng được 60 công trình gồm 33 hồ chứa, 18 đập dâng và 9 trạm bơm đảm bảo tưới cho 6.360ha canh tác. Cùng với việc xây dựng mới các hồ Thuận Phong, Phú Dõng, Hệ thống Văn Phong, kiên cố hóa hệ thống kênh Hội Sơn, kênh Thuận Ninh sẽ bảo đảm tưới 17.100ha. Còn 950ha phải tưới bằng nguồn nước tại chỗ hoặc chuyển sang các cây trồng chịu hạn.

- Tiểu vùng Nam sông Kôn: Phương án cấp nước cho tiểu vùng này là sửa chữa và nâng cấp cho các công trình hồ chứa nước đảm bảo tưới theo thiết kế. Xây dựng kênh Thượng Sơn để dẫn nước sau thủy điện An Khê tưới 3.500ha. Xây dựng mới hồ Núi Tháp tưới cho 400ha. Đến năm 2020 tưới được 8.730ha. Diện tích còn lại 2.260ha (trong đó có 2.000ha thuộc khu tưới Núi Một) được giải quyết bằng biện pháp bơm tát cục bộ hoặc chuyển sang trồng cây chịu hạn.

- Tiểu vùng lưu vực sông Hà Thanh: Nâng cấp các công trình đã xây dựng để đảm bảo tưới hết diện tích thiết kế. Xây dựng một số hồ như hồ Đá Mài, hồ Long Mỹ 1, hồ Suối Chình, hồ Suối Chiếp, hồ Suối Bụt, hồ Canh Thịnh, hồ Canh Vinh, hồ Suối Đuốc, trạm bơm Phước Mỹ, tưới khoảng 2.270ha. Khoảng 1.500ha khu vực phía Nam được tưới bởi nguồn sông Kôn sau khi có hồ Định Bình. Năm 2020 diện tích tưới là 6.550ha canh tác. Còn khoảng 200ha (không kể 440ha đất nương rẫy) nằm rải rác chuyển sang trồng cây chịu hạn. 

- Tiểu vùng Vĩnh Thạnh: Tu sửa, nâng cấp các công trình đã xây dựng. Xây dựng mới kênh N1 Định Bình tưới 1.320ha; làm xi-phông chuyển nước từ kênh N1 tưới cho 380 ha phía tả sông Kôn. Hồ Định Bình cấp nước tưới cho 13.360ha, tạo nguồn cho trạm bơm Phù Mỹ tưới 2.900ha, kênh sông Kôn - Hà Thanh tưới 1.500ha, ngoài ra còn bổ sung nước cho hệ thống Tân An Đập Đá tưới ổn định cho 14.020ha canh tác. Như vậy đến năm 2020, Tiểu vùng Vĩnh Thạnh được 2.430ha. Diện tích còn lại 240ha (đã trừ 340 ha đất nương rẫy) tưới bằng các công trình nhỏ hoặc chuyển trồng các cây chịu hạn.

- Tiểu vùng Tân An - Đập Đá: Nâng cấp để sử dụng lưu lượng cơ bản của sông Kôn và nguồn nước bổ sung của hồ Định Bình, nước xả của thủy điện An Khê. Tiếp tục bê tông hóa kênh mương để tưới ổn định cho 14.020ha.

5. Phân kỳ thực hiện quy hoạch:

Căn cứ nội dung quy hoạch này và khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố và các sở, ban liên quan cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, bảo đảm đầu tư đồng bộ và có hiệu quả, cụ thể cần thực hiện Quy hoạch theo phân kỳ như sau:

5.1. Giai đoạn 2006 - 2010:

a. Xây dựng mới: Hệ thống Văn Phong, các hồ chứa: Cẩn Hậu, Nước Trong Thượng, Thuận Phong, Suối Đuốc, Đá Mài, kênh N1 Thuận Ninh, hệ thống thuỷ lợi lưu vực sông La Tinh..., một số hồ nhỏ ở Vân Canh, Vĩnh Thạnh.

b. Sửa chữa, nâng cấp: Sửa chữa, nâng cấp các công trình đã xây dựng để bảo đảm an toàn trong quản lý, khai thác và phòng chống bão, lụt, như các hồ Hòn Lập, hồ Long Mỹ, hồ Phú Hà, hồ Tường Sơn, hồ Tây Dâu, hồ Mỹ Thuận…

c. Kiên cố hóa kênh mương: Thực hiện chính sách kiên cố hóa kênh mương đã được UBND tỉnh ban hành, từ nay đến năm 2010 tổ chức kiên cố hóa toàn tỉnh đạt 100% kênh cấp 1 và 50% kênh cấp 2, 3.

d. Tu sửa đê kè, chỉnh trị sông: Rà soát quy hoạch, xây dựng dự án tu sửa, nâng cấp đê Sông Kôn; xây dựng Đề án chống sạt lở bờ sông, cửa biển; xác định những vùng xung yếu để hàng năm đầu tư xây dựng, sửa chữa. Nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống đê Đông. Đầu tư hệ thống đê kè tại các vùng sạt lở ven sông Kôn, sông La Tinh.

5.2. Giai đoạn sau 2010:

a. Xây dựng mới các hồ chứa: Đồng Mít, Sông Đinh (An Lão), Núi Tháp, hồ chứa nước Nhà Thờ, hồ Cẩn Hậu (phía dưới), Vườn Mới, Đá Bàn (Hoài Nhơn), hệ thống sông Kim Sơn, Nước Lương (Hoài Ân)... và một số hồ trên các sông, suối ở Vân Canh, Vĩnh Thạnh.

b. Sửa chữa, nâng cấp: Hàng năm cần tranh thủ các nguồn vốn để tiếp tục nâng cấp, sửa chữa các công trình xuống cấp.

c. Kiên cố hóa kênh mương: Cơ bản hoàn thành chương trình kiên cố hóa kênh mương.

d. Tu sửa đê, kè và chỉnh trị sông: Triển khai nâng cấp, xây dựng đê, kè theo các dự án đã lập, bảo đảm đến cuối năm 2020, chủ động trong công tác phòng chống lũ, lụt.

6. Vốn đầu tư:

6.1. Trong giai đoạn 2006 - 2010:

Tổng mức vốn đầu tư ước tính khoảng 2.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương đầu tư xây dựng công trình đầu mối, kênh tạo nguồn, kênh trục cấp I; ngân sách địa phương xây dựng công trình quy mô nhỏ, hoàn chỉnh kênh cấp II; đóng góp từ nhân dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn chỉnh hệ thống kênh mương nội đồng.

Trước mắt, giai đoạn 2006 - 2010, ưu tiên tập trung vốn đầu tư để hoàn thành các dự án đầu tư dở dang và các công trình thật sự cấp bách và phát huy hiệu quả trên địa bàn, sớm đưa vào khai thác, sử dụng theo đúng mục tiêu và tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.         

Nguồn vốn đầu tư: vốn ngân sách nhà nước hàng năm (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA), đóng góp của người dân vùng hưởng lợi và các nguồn vốn hợp pháp khác.

6.2. Giai đoạn sau 2010 và định hướng đến năm 2020:

Tiếp tục hoàn thiện các công trình, các kênh trục phục vụ tưới tiêu còn lại trong giai đoạn trước; triển khai một số công trình theo các danh mục dự án, công trình dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020. Đồng thời tiếp tục sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và xác định rõ cơ cấu nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn tham gia của người dân vùng hưởng lợi, các tổ chức kinh tế, kể cả nguồn vốn ODA để thực hiện quy hoạch phù hợp với từng thời kỳ 5 năm.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban và UBND các huyện, thành phố:

- Công bố, phổ biến nội dung Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung này; hướng dẫn thực hiện tốt mục tiêu, nội dung, định hướng phát triển, giải pháp thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch thủy lợi, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình thủy lợi giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Hướng dẫn, kiểm tra các huyện, thành phố thực hiện quy hoạch thủy lợi chi tiết cho từng vùng, từng địa bàn; sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án, công trình theo các mục tiêu như: thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất lúa tập trung, vùng thoát lũ, kết hợp giao thông thủy, chống hạn, chống xâm nhập mặn…

- Xác định cụ thể cơ cấu các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, địa phương, vốn huy động và các nguồn vốn khác kể cả nguồn vốn ODA và đề xuất giải pháp, chính sách thu hút các nguồn vốn để đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi của tỉnh.

2. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng quán triệt và thực hiện Quy hoạch theo sự chỉ đạo thống nhất của Sở Nông nghiệp và PTNT.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ban, UBND các huyện, thành phố cân đối, bố trí vốn đầu tư hàng năm để thực hiện các nội dung Quy hoạch. Đồng thời chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát đầu tư, bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án được thực hiện đúng mục tiêu và có hiệu quả.    

4. Các sở, ban liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm  phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố thực hiện có hiệu quả nội dung điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thủy lợi tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020, đồng thời xem xét điều chỉnh quy hoạch của ngành, địa phương phù hợp với nội dung Quy hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công nghiệp, Thủy sản, Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vũ Hoàng Hà