Quyết định 804/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013-2020”
Số hiệu: 804/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương Người ký: Nguyễn Mạnh Hiển
Ngày ban hành: 22/04/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 804/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 22 tháng 4 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CHO CÁC DOANH NGHIỆP TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2013-2020”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia “ Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;

Căn cứ Thông tư số 20/2010/TT-BKHCN ngày 29/12/2010 của Bộ Khoa học và công nghệ quy định về tổ chức, quản lý và điều hành Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 10/TTr-SKHCN ngày 25 tháng 3 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013-2020”, gồm những nội dung sau:

1. Mục tiêu chung

1.1. Xây dựng phong trào năng suất, chất lượng thông qua việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tiên tiến tại các doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhằm góp phần tạo chuyển biến về năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

1.2. Nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, xây dựng đội ngũ chuyên gia về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Xây dựng 100 số chuyên mục/diễn đàn năng suất, chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và 70 số trên các báo ngành.

2.2. Tổ chức 15 cuộc hội thảo, đào tạo nhận thức về các hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ quản lý chất lượng, mô hình doanh nghiệp hoàn hảo cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.

2.3. Đào tạo được 20 cán bộ chuyên môn về các hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến trở thành chuyên gia năng suất chất lượng nòng cốt có khả năng tư vấn, đánh giá đối với doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Trong số đó lựa chọn 10 người để đào tạo chuyên sâu để trở thành chuyên gia tư vấn, đánh giá về các hệ thống quản lý chất lượng.

2.4. Lựa chọn 05 doanh nghiệp xây dựng mô hình điểm áp dụng tích hợp thành công nhiều công cụ, hệ thống quản lý chất lượng. Hỗ trợ 60 tổ chức, doanh nghiệp tham gia Đề án xây dựng áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn tiên tiến: ISO 9001, ISO 22000, GMP, HACCP, ...

2.5. Hỗ trợ 100 doanh nghiệp chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và thực hiện công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy.

2.6. Hỗ trợ kinh phí xây dựng và áp dụng được 300 tiêu chuẩn cơ sở cho các doanh nghiệp.

2.7. Hỗ trợ 60 doanh nghiệp thực hiện đăng ký mã số, mã vạch.

2.8. Có 25 lượt doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

2.9. Xây dựng 01 tổ tư vấn, 01 tổ chức chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng được cấp chứng nhận.

2.10. 80% sản phẩm thuộc các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh phù hợp theo tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) hoặc tiêu chuẩn quốc tế;

2.11. Nâng cao năng lực cạnh tranh của 100% doanh nghiệp trong và sau khi tham gia Đề án thể hiện qua chất lượng, thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp, uy tín của doanh nghiệp, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giữ vững và mở rộng thị trường trong và ngoài nước…

2.12. Mức độ đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh đạt từ 25-30% vào năm 2020.

3. Đối tượng, phạm vi áp dụng:

- Áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước tham gia thực hiện Đề án.

- Các lĩnh vực thuộc phạm vi do Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Khoa học và công nghệ chủ trì được quy định tại Quyết định số 712/QĐ-TTg , ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Nội dung Đề án

4.1. Khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất sản phẩm chủ lực, thực trạng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quản lý chất lượng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và định hướng phát triển sản phẩm chủ lực giai đoạn 2013-2020.

4.2. Xây dựng mô hình doanh nghiệp điểm về năng suất, chất lượng.

4.3. Hỗ trợ xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp; áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số, mã vạch, tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

4.4. Đánh giá chất lượng của sản phẩm, hàng hóa; đo lường năng suất chất lượng địa phương.

4.5. Xây dựng tổ chức tư vấn, tổ chức đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng.

4.6. Hình thành, thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng tại các doanh nghiệp của địa phương

5. Thời gian thực hiện: Từ năm 2013 đến năm 2020.

6. Kinh phí thực hiện: Tổng kinh phí thực hiện 34.306,21 triệu đồng (Ba mươi tư tỷ, ba trăm linh sáu triệu, hai trăm mưới nghìn đồng).

7. Nguồn kinh phí:

- Nguồn kinh phí sự nghiệp Khoa học và Công nghệ của tỉnh: 12.981,21 triệu đồng (Tùy thuộc vào điều kiện kinh phí bố trí cho sự nghiệp khoa học và công nghệ; hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét, cân đối và đưa vào kế hoạch khoa học và công nghệ mức kinh phí phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án)

- Nguồn kinh phí hỗ trợ trong khuôn khổ Dự án 2 “ Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì: 470 triệu đồng

- Nguồn kinh phí trực tiếp từ doanh nghiệp: 20.855 triệu đồng

(Chi tiết có Đề án kèm theo)

Điều 2. Giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện Đề án.

Điều 3. Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Đề án, Giám đốc các sở: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hiển