Quyết định 79/QĐ-UBND năm 2012 về Quy định quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Số hiệu: | 79/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Hải Phòng | Người ký: | Dương Anh Điền |
Ngày ban hành: | 12/01/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 79/QĐ-UBND |
Hải Phòng, ngày 12 tháng 01 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG HUYỆN, ĐƯỜNG XÃ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ các Thông tư của Bộ Giao thông vận tải số 10/TT-BGTVT ngày 19/4/2010 quy định về quản lý và bảo trì đường bộ; số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 33/TTr-SGTVT ngày 29/6/2011, Văn bản số 01/SGTVT-HTGT ngày 03/01/2012; Báo cáo thẩm định lần 2 số 38/BCTĐ-STP ngày 17/10/2011 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG HUYỆN, ĐƯỜNG XÃ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định nội dung công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã; việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã; trách nhiệm quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã.
Chương II
QUẢN LÝ VÀ BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG HUYỆN, ĐƯỜNG XÃ
Điều 3. Nội dung của công tác quản lý đường huyện, đường xã
1. Quản lý hệ thống hồ sơ và tài liệu có liên quan:
a) Hồ sơ quản lý bao gồm: Hồ sơ hoàn công, hồ sơ đăng ký, hồ sơ kiểm tra, hồ sơ kiểm định công trình.
b) Tài liệu quản lý bao gồm:
- Các biên bản kiểm tra, kiểm định định kỳ, đột xuất;
- Các loại văn bản khác có liên quan đến tình trạng kỹ thuật và khai thác của công trình;
- Các biên bản nghiệm thu, bàn giao sau khi hoàn thành hoặc sau khi đã tiến hành sửa chữa công trình.
c) Phương pháp bảo quản hồ sơ, tài liệu:
- Hồ sơ, tài liệu phải được lưu giữ bảo quản tại các kho (phòng) riêng và có biện pháp chống mối mọt, chống ẩm, thuận lợi cho việc sử dụng lâu dài.
- Hồ sơ các công trình cầu cống xếp đặt theo tuyến đường, đánh ký hiệu đối với từng công trình để dễ tìm và sử dụng khi cần thiết;
d) Phân cấp quản lý hồ sơ, tài liệu:
Hồ sơ, tài liệu đường, các công trình đường huyện do Hạt quản lý đường bộ của huyện quản lý;
Hồ sơ, tài liệu đường, các công trình đường xã; đường, các công trình đường trong phạm vi xã do Uỷ ban nhân dân xã quản lý.
2. Kiểm tra, theo dõi tình trạng kỹ thuật của đường huyện, đường xã và thực hiện các biện pháp kỹ thuật bảo dưỡng sửa chữa:
Các hạng mục kiểm tra theo dõi gồm: mặt đường, hệ thống thoát nước, mái ta luy, nền đường, hệ thống cột tiêu, biển báo, biển chỉ dẫn các công trình phù trợ trên đường.
Kiểm tra, đánh giá hiện trạng kỹ thuật giúp cơ quan quản lý đường huyện, đường xã có những thông tin, số liệu cần thiết về tình trạng công trình. Những số liệu này sẽ được sử dụng để xác định và lập kế hoạch bảo dưỡng.
Công tác kiểm tra phải được thực hiện ngay từ khi vừa xây dựng xong và liên tục trong suốt thời gian tuổi thọ của công trình.
3. Phân loại, đánh giá tình trạng kỹ thuật các công trình cầu cống:
Việc phân loại, đánh giá tình trạng cầu cống nhằm xác định các hạng mục công việc cần phải bảo dưỡng, sửa chữa ở các cấp khác nhau. Công tác phân loại, đánh giá tình trạng cầu cống được tiến hành ngay sau khi thực hiện xong công tác kiểm tra được nêu trên, bao gồm:
Đánh giá tình trạng hư hỏng;
Phân loại, đánh giá tình trạng kỹ thuật, chất lượng các công trình.
4. Đếm xe và kiểm soát tải trọng xe:
Công tác đếm xe thực hiện định kỳ để biết được lưu lượng xe bình quân một ngày hàng năm và đánh giá sự tăng trưởng của lưu lượng, kiểu loại phương tiện cơ giới đường bộ làm cơ sở cho công tác dự báo, lập kế hoạch bảo dưỡng thường xuyên cho những năm tiếp theo.
Đối với những công trình, đặc biệt là cầu được thiết kế với tải trọng và tốc độ hạn chế, để hạn chế tốc độ và kiểm soát tải trọng xe qua cầu, ngoài việc cắm biển hạn chế tốc độ và tải trọng cho phép, áp dụng các biện pháp thích hợp để hạn chế tốc độ xe và tải trọng xe. Xây dựng giải pháp cưỡng chế nhằm hạn chế hoặc cấm các phương tiện vượt quá tải trọng cho phép qua cầu, các giải pháp chủ yếu gồm:
- Bố trí người gác cầu;
- Xây dựng hệ thống cột, xà để khống chế kích thước theo chiều rộng, chiều cao.
- Cắm biển hạn chế tải trọng và tốc độ (nếu có).
5. Đảm bảo an toàn giao thông khi thi công trên đường đang khai thác:
Khi làm công tác bảo dưỡng sửa chữa đường huyện, đường xã phải tuyệt đối đảm bảo an toàn giao thông cho người thi công, cho người sử dụng đường và các phương tiện giao thông trên đường.
Các nguyên tắc khi thi công trên đường đang khai thác:
- Người công nhân làm việc trên đường phải mặc quần áo bảo hộ lao động (có phản quang) theo qui định;
- Bố trí biển báo công trường, biển hạn chế tốc độ (có phản quang) đặt ở phía trước và sau đoạn đường thi công;
- Bố trí người hướng dẫn, điều hành giao thông; người này khi làm nhiệm vụ phải có đầy đủ cờ, còi, đèn tín hiệu, phù hiệu theo quy định;
- Bố trí rào chắn khu vực thi công. Người làm nhiệm vụ bảo dưỡng thường xuyên đường và các dụng cụ, thiết bị để sửa chữa đường chỉ được phép đặt và di chuyển trong phạm vi đã rào chắn;
- Ban đêm phải có đèn đỏ báo hiệu.
6. Thực hiện chế độ báo cáo:
a) Cấp lập báo cáo và trình tự lập báo cáo:
Việc lập báo cáo và trình tự báo cáo theo các quy định hiện hành của pháp luật theo các bước như sau:
- Cấp xã thu thập số liệu về đường xã, đường thôn trong phạm vi xã và báo cáo lên cấp huyện;
- Cấp huyện thu thập số liệu đường huyện được Uỷ ban nhân dân thành phố giao quản lý theo phân cấp, tập hợp số liệu báo cáo do cấp xã gửi lên, rà soát và báo cáo lên Sở Giao thông vận tải.
b) Các biểu mẫu báo cáo:
Giao Sở Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể về biểu mẫu báo cáo hiện trạng kết cấu hạ tầng đường bộ để Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện.
Các biểu mẫu báo cáo đảm bảo đầy đủ thông tin, đơn giản, dễ hiểu và dễ cập nhật. Mỗi loại công việc có một dạng biểu riêng và có biểu thống kê tổng hợp các hạng mục và được thống nhất sử dụng trên toàn thành phố.
c) Thời gian báo cáo:
Công tác báo cáo tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn phải thực hiện một cách thường xuyên theo định kỳ (tháng, quý, năm), cụ thể như sau:
- Hàng tháng, cán bộ quản lý đường tại xã kiểm tra tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn tại địa bàn xã và tập hợp lại theo các hệ thống bảng biểu quy định;
- Hàng quý, Uỷ ban nhân dân cấp xã gửi các báo cáo theo mẫu bảng biểu đã tập hợp lên các đơn vị phụ trách giao thông cấp huyện;
- Hàng quý, các huyện xem xét, kiểm tra và gửi báo cáo theo các biểu mẫu lên Sở Giao thông vận tải.
Điều 4. Nội dung bảo trì đường huyện, đường xã: thực hiện theo Điều 6 của Thông tư số 10/TT-BGTVT ngày 19/4/2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý và bảo trì đường bộ
Điều 5. Áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức trong công tác quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã
1. Áp dụng trong quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã:
a) Đối với đường giao thông huyện, đường xã: thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Giao thông vận tải và đơn giá xây dựng sửa chữa công trình xây dựng do Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành có hiệu lực thi hành.
b) Các hạng mục công trình không có ở các văn bản quy định tại Mục a, Điểm 1 Điều này thì tham khảo áp dụng các tiêu chuẩn, định mức, đơn giá tương ứng của các ngành khác hoặc của địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc xây dựng đơn giá chi tiết trình cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn, định mức, đơn giá được điều chỉnh khi được cơ quan có thẩm quyền ban hành các bộ định mức, đơn giá mới tại thời điểm thực hiện công trình.
2. Áp dụng trong sửa chữa định kỳ đường bộ; sửa chữa đột xuất: Áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức quy định như đối với công trình trong sửa chữa và xây dựng cơ bản.
Điều 6. Trách nhiệm quản lý hệ thống đường huyện, đường xã
1.Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện được quy định tại khoản 4, Điều 27, Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải.
b) Đặt tên đường thuộc hệ thống đường xã.
c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho nhân dân hiểu, biết, chấp hành thực hiện đúng các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Quản lý việc sử dụng đất trong hành lang an toàn quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã theo quy định;
d) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố nếu trên địa bàn quản lý của mình để xảy ra ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời giải toả các điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn.
e) Việc cải tạo, nâng cấp đường đang khai thác, Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải tham vấn ý kiến của Sở Giao thông vận tải về quy hoạch, quy mô, cấp đường, đấu nối; chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện quản lý bảo trì, đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã:
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định tại khoản 5, Điều 27, Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải.
3. Trách nhiệm của đơn vị quản lý đường bộ được quy định tại Điều 26, Thông tư số 39/2011/BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 7. Nguồn vốn quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã
1. Nguồn vốn:
Đối với hệ thống đường giao thông do cấp huyện, cấp xã quản lý: Do ngân sách cấp huyện, cấp xã đảm bảo theo phân cấp, nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ theo chương trình và các nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Quản lý và sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã theo quy định hiện hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Sở Giao thông vận tải hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã việc thực hiện quy định về công tác quản lý bảo trì đường huyện, đường xã; kiểm tra thực hiện quy định quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn thành phố.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định này.
3. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị, cá nhân phản ánh các phát sinh, vướng mắc về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, đề xuất với Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp ./.
Thông tư 39/2011/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Ban hành: 18/05/2011 | Cập nhật: 04/06/2011
Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ Ban hành: 24/02/2010 | Cập nhật: 27/02/2010