Quyết định 79/2008/QĐ-BQP thành lập Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng
Số hiệu: 79/2008/QĐ-BQP Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng Người ký: Phùng Quang Thanh
Ngày ban hành: 29/05/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Quốc phòng, Bảo hiểm, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 79/2008/QĐ-BQP

Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP BẢO HIỂM XÃ HỘI BỘ QUỐC PHÒNG

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996, đã sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 30/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân;
Theo đề nghị của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.

1. Thành lập Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng (tương đương cấp cục thuộc Bộ Quốc phòng) trên cơ sở tách Phòng Bảo hiểm xã hội Quân đội từ Cục Chính sách – Tổng cục Chính trị.

Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng,

Giao Tổng cục Chính trị quản lý Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng về hành chính quân sự.

2. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng là tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, có chức năng thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng đang phục vụ trong quân đội và các đối tượng khác do pháp luật quy định (gọi chung là người lao động); bảo hiểm y tế đối với thân nhân quân nhân; quản lý phần quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được sử dụng trong quân đội theo quy định của pháp luật.

Kinh phí hoạt động sự nghiệp của bảo hiểm xã hội trong quân đội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam bảo đảm.

3. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng chịu sự quản lý, chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tổ chức, cán bộ; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

4. Chuyển giao toàn bộ nhiệm vụ công tác tài chính thuộc bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong quân đội từ Cục Tài chính/ Bộ Quốc phòng về Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng.

5. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng”.

Điều 2.

1. Cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng:

Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng được tổ chức một cấp ở cấp Bộ Quốc phòng, gồm:

a) Ban giám đốc;

b) Phòng Kế hoạch, Tổng hợp;

c) Phòng Chế độ chính sách;

d) Phòng Tài chính;

e) Phòng Thu, Sổ, Thẻ;

f) Phòng Bảo hiểm y tế;

g) Phòng Công nghệ thông tin, Hồ sơ;

h) Ban Hành chính.

2. Bộ Tổng Tham mưu quy định tổ chức biên chế cụ thể của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng.

3. Quy chế hoạt động của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng do Bộ Tổng Tham mưu trình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định ban hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quyết định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Thủ trưởng BQP;
- Các Bộ: LĐTB-XH, Y tế, Tài chính,
- Bảo hiểm XHVN,
- Các đầu mối trực thuộc Bộ;
- Giám đốc BHXH BQP;
- Cục Tài chính/BQP;
- Các cục: Tổ chức, Cán bộ, Chính sách/TCCT; c56/BTTM, Quân Y/TCHC,
- Thanh tra Quốc phòng;
- Lưu: VT, NC, PC (Ta 90 b).

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Phùng Quang Thanh

 

QUY ĐỊNH

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI BỘ QUỐC PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 79/2008/QĐ-BQP ngày 29 tháng 05 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng

1. Hàng năm lập kế hoạch thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quyết toán bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và với Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Thực hiện thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hàng tháng đối với từng đơn vị, từng người lao động theo quy định của pháp luật.

2. Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo đúng quy định của pháp luật. Giới thiệu người lao động về nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng tại các tỉnh, thành phố.

3. Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong quân đội; hướng dẫn thủ tục thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, người sử dụng lao động.

4. Cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho từng người lao động; xác nhận bảo lưu thời gian bảo lưu đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động phục viên, xuất ngũ, nghỉ việc mà không hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.

5. Quản lý phần quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được sử dụng trong quân đội theo quy định của pháp luật. Thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội.

6. Giới thiệu người lao động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa khi giám định lại và giám định tổng hợp, giám định bệnh nghề nghiệp.

7. Lưu trữ hồ sơ của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khi người lao động, người sử dụng lao động hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

8. Tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán, hướng dẫn nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội. Bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ làm công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

9. Hàng năm, báo cáo Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và việc quản lý, sử dụng phần quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong quân đội.

10. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; lưu trữ hồ sơ của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

11. Kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trả các chế độ bảo hiểm xã hội, khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế trong quân đội. Giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo về thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong quân đội. Khiếu nại về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Từ chối yêu cầu chi trả BHXH hoặc giải quyết bảo hiểm y tế không đúng quy định.

12. Tham gia cùng các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đề xuất Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

13. Tổ chức quản lý nhân sự, tài chính và tài sản cơ quan theo quy định của pháp luật. Xây dựng cơ quan Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng vững mạnh toàn diện và sẵn sàng nhận các nhiệm vụ khác khi Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị giao.

Điều 2. Mối quan hệ công tác

1. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng quan hệ trực tiếp với các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng:

a) Đối với Đảng ủy, Thủ trưởng là mối quan hệ phối hợp công tác.

b) Đối với cơ quan tài chính là mối quan hệ chỉ đạo về nghiệp vụ quản lý thu, chi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cụ thể;

- Trực tiếp thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng tháng của từng người lao động qua cơ quan tài chính đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan Tài chính – Kế toán từng doanh nghiệp quân đội.

- Phân cấp phần quỹ Bảo hiểm xã hội để chi trả trợ cấp các chế độ bảo hiểm xã hội và kinh phí quản lý bảo hiểm xã hội cho các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp;

- Quyết toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hàng năm với các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc các doanh nghiệp.

- Hàng quý quyết toán với các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp về chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

c) Đối với cơ quan nhân sự, (Cán bộ, Quân lực, Tổ chức lao động) là mối quan hệ chỉ đạo về nghiệp vụ giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cụ thể:

- Trực tiếp tiếp nhận hồ sơ từ các cơ quan nhân sự đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc các doanh nghiệp quân đội, hoàn chỉnh hồ sơ và ra quyết định hưởng các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, phục viên, xuất ngũ, thôi việc, tử tuất cho người lao động;

- Giới thiệu quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng hoặc thân nhân về Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng, hưởng lương hưu hàng tháng, hoặc trợ cấp tuất hàng tháng, hoặc trợ cấp thất nghiệp … bảo đảm đúng quy trình, thời hạn theo luật định.

- Cấp sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm y tế cho người lao động trong đơn vị, xác nhận bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động khi chuyển ra khỏi quân đội mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.

- Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe tại đơn vị.

2. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng phối hợp với các cục: Chính sách, Tài chính, Quân y, Cán bộ, Quân lực và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng để tham gia nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách khác có liên quan.

3. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cục Chính sách, Tài chính, Quân y, Cán bộ, Quân lực và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng để:

a) Xây dựng kế hoạch thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hàng năm trong toàn quân.

b) Phân cấp thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quyết toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn việc thu, chi bảo hiểm xã hội; giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với người lao động trong quân đội theo đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

4. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các đơn vị và các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội để bảo tồn, tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội trong phạm vi và khả năng cho phép.

 

 

 

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Phùng Quang Thanh