Quyết định 788/QĐ-UB-QLĐT năm 1995 duyệt quy hoạch chung huyện Bình Chánh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 788/QĐ-UB-QLĐT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Võ Viết Thanh
Ngày ban hành: 10/02/1995 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số : 788/QĐ-UB-QLĐT

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 02 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG HUYỆN BÌNH CHÁNH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30/6/1989 ;
- Căn cứ quy hoạch Tổng mặt bằng TP. Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 20/TTg ngày 16/01/1993 ;
- Xét đề nghị của UBND Huyện Bình Chánh về việc hoàn chỉnh đồ án quy hoạch chung sau Thông báo số 49/TB-UB ngày 21/05/1993 của UBND thành phố ;
- Theo đề nghị của Kiến trúc sư trưởng thành phố tại Tờ trình số : 6504/KTST ngày 26/10/1994 ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay duyệt đồ án quy hoạch chung Huyện Bình Chánh do Viện Nghiên cứu Quy hoạch xây dựng và Kiến trúc đô thị lập với các nội dung chủ yếu sau đây :

1- Tính chất, chức năng :

- Bình Chánh là một trong các hướng phát triển nội thành TP. Hồ Chí Minh về phía Tây, phục vụ cho việc giãn dân và các cơ sở sản xuất công nghiệp và TTCN từ nội thành ra.

- Cơ cấu kinh tế xã hội của Huyện Bình Chánh được xác định là : Nông nghiệp- Công nghiệp, TTCN và thương nghiệp dịch vụ. Đến năm 2010, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của huyện trên cơ sở đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Công nghiệp- TTCN nhằm vào các ngành : chế biến lương thực- thực phẩm, cơ khí nông nghiệp và công nghiệp hàng tiêu dùng. Thương nghiệp dịch vụ hướng vào phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân, phục vụ địa bàn đầu cầu nối với các tỉnh miền Tây.

2- Qui mô phát triển :

- Diện tích : Tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện là 30.531 ha. Trong đó, đất nông nghiệp là 22.501,5 ha chiếm 73,7%, đất thổ cư 3.411 ha chiếm 11,17%.

Theo qui hoạch chung, diện tích cần thiết cho việc phát triển các khu đô thị mới khoảng 2.100 ha, trong đó khu vực đô thị dọc tuyến Bắc Nhà Bè- Nam Bình Chánh chiếm khoảng 1.200 ha, thuộc các khu vực khác khoảng 900 ha.

- Dân số toàn huyện hiện nay là 227.970 người (1992). Dự báo đến năm 2010 khoảng 535.000 người, trong đó dân số do tăng tự nhiên là 290.000 người, dân số do tăng cơ học là 2450.000 người.

Đây là lượng dân cư mà Huyện Bình Chánh có thể dung nạp từ các quận nội thành chuyển ra.

3- Chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật :

 

Đơn vị

Hiện trạng

Quy hoạch

Dân số

người

227.970

535.000

Mật độ dân số

người/ha

8

18

Tầng cao trung bình

tầng

1,1

1,8

Mật độ xây dựng

%

19,4 - 70

30 - 40

Đất dân dụng

m2/người

218

75 - 80

Đất ở

m2/người

150

45 - 55

Đất CTCC

1,7

6 - 8

Đất cây xanh

1,9

6 - 8

Đất giao thông

m2/người

4,4

10 - 12

Chỉ tiêu cấp điện

KWh/ng.năm

80

500 - 600

Chỉ tiêu cấp nước

Lít/người/ngđ

-

120

 

 

 

 

4- Bố cục qui hoạch Tổng mặt bằng :

4.1- Công nghiệp :

Các xí nghiệp công nghiệp TTCN phải được xây dựng qui cụm theo cơ cấu ngành phù hợp và cần sử dụng công nghệ tiên tiến. Đối với các xí nghiệp hiện hữu gây ô nhiễm, nếu không có khả năng xử lý, cần chuyển đến địa điểm khác thích hợp hơn, vì huyện là địa bàn đầu nguồn sông rạch. Tổng diện tích các khu công nghiệp tập trung khoảng 1.350 ha.

Các khu cụm công nghiệp cần được xây dựng đồng bộ để bảo đảm điều kiện hạ tầng kỹ thuật tốt, tiết kiệm đất đai và thời gian xây dựng. Bố trí các khu như sau :

. Khu công nghiệp Bình Điền (dọc sông Chợ Đệm thuộc xã Tân Túc) có chức năng chế biến lương thực- thực phẩm qui mô 150 ha.

. Khu công nghiệp Cầu Xáng (thuộc xã Phạm Văn Hai) có chức năng chế biến lương thực- thực phẩm, đồ hộp, nước trái cây và công nghiệp nhẹ. Qui mô 150 ha.

. Khu công nghiệp Vĩnh Lộc- Bình Hưng Hòa (dọc theo 2 tuyến Hương lộ 13 và Hương lộ 80- thuộc 2 xã Vĩnh Lộc A và Bình Hưng Hòa) chức năng sản xuất cơ khí và có một phần ô nhiễm. Qui mô 150 ha.

. Khu công nghiệp Bình Hưng Hòa- Bình Trị Đông (phía Đông Quốc lộ 1- thuộc 2 xã Bình Hưng Hòa và Bình Trị Đông) chức năng chủ yếu là công nghiệp nhẹ. Qui mô 200 ha.

. Khu công nghiệp dự kiến mở rộng Tân Tạo (dọc theo phía Đông Hương lộ 4 và tuyến phía Nam Tỉnh lộ 10 thuộc xã Tân Tạo). Qui mô 400 ha.

Ngoài ra, còn có các cơ sở công nghiệp, kho tàng hiện hữu dọc theo đường Hùng Vương nối dài. Qui mô khoảng 100 ha.

4.2- Dân cư :

Xây dựng chỉnh trang kết hợp xây dựng mới các khu nhà ở theo hướng chuẩn bị thật tốt điều kiện kỹ thuật hạ tầng. Các khu ở mới mật độ xây dựng khoảng 30% là phù hợp, các khu ở cải tạo mật độ xây dựng cố gắng dưới 40%. Các hướng phát triển dân cư quan trọng được xác định :

. Dọc tuyến Bắc Nhà Bè- Nam Bình Chánh gồm 3 cụm dân cư C, D, E thuộc 3 xã Bình Hưng, Phong Phú, An Phú Tây. Diện tích chung thuộc phạm vi Huyện Bình Chánh là 1.215 ha. Qui mô dân số 164.000 người. Dự kiến xây dựng tại các cụm dân cư này các công trình thương mại, dịch vụ và nhà ở. Đây là khu đô thị xây dựng mới, cần tạo được bộ mặt kiến trúc đô thị hiện đại.

. Trục đô thị hóa An Lạc- Bình Điền dọc Quốc lộ 1 đến xã Bình Chánh, gồm các khu dân cư thuộc thị trấn An Lạc, xã Tân Kiên, huyện lỵ Bình Điền (xã Tân Túc), xã Tân Quí Tây và xã Bình Chánh. Diện tích chung khoảng 1.400 ha. Qui mô dân số 180.000 người. Các cụm dân cư theo trục đô thị hóa này đa phần ở dạng cải tạo, có xen cài các khu dân cư xây dựng mới.

. Trục Tỉnh lộ 10 từ ranh Quận 6 đến Cầu Xáng, phạm vi thuộc 1 phần các xã Bình Trị Đông, Tân Tạo, Phạm Văn Hai và Lê Minh Xuân. Diện tích chung khoảng 1.800 ha. Qui mô dân số 140.000 người. Các cụm dân cư này phần lớn ở dạng cải tạo, phát triển nhà vườn ra vùng ngoài. Khu đô thị vệ tinh Cầu Xáng có qui mô diện tích 1.200 ha. Qui mô dân số dự kiến 50.000 người, cần xây dựng riêng đề án qui hoạch chung khu đô thị vệ tinh này cho phù hợp.

Ngoài ra, còn có các điểm dân cư tập trung tại trung tâm tiểu vùng 1 (Vĩnh Lộc), trung tâm tiểu vùng 4 (Phong Phú) và các điểm dân cư trung tâm xã. Tính chất ở chủ yếu là nhà vườn.

4.3- Trung tâm đô thị :

Huyện lỵ Bình Chánh được xác định tại khu vực phía Tây Nam cầu Bình Điền, thuộc xã Tân Túc. Qui mô diện tích bao gồm cả khu vực đô thị hóa tại đây là 300 ha, dân số khoảng 30.000 người. Huyện lỵ Bình Chánh có vị trí trung tâm của vùng huyện, có bán kính phục vụ tốt đối với các trung tâm xã, thị trấn thuộc huyện. Từ thị trấn huyện lỵ mới này liên hệ với các địa phương trong huyện và thành phố khá thuận lợi.

Toàn huyện gồm 4 tiểu vùng sản xuất : Tiểu vùng 1, gồm 4 xã cánh Bắc là Vĩnh Lộc A, B, Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông, trung tâm tiểu vùng 1 tại ngã năm Vĩnh Lộc. Tiểu vùng 2 gồm 3 xã Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, Bình Lợi. Trung tâm đặt tại Cầu Xáng. Tiểu vùng 3 gồm 10 xã, thị trấn trung tâm huyện. Trung tâm tại Tân Túc (kết hợp huyện lỵ). Tiểu vùng 4 gồm 3 xã Bình Hưng, Phong Phú, Đa Phước. Trung tâm tại ngã ba Phong Đước, xã Phong Phú.

5- Quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật :

5.1- Giao thông :

Mạng lưới giao thông trên địa bàn Huyện Bình Chánh liên quan mật thiết đến hướng tổ chức mạng lưới giao thông khu vực và thành phố, đảm bảo yêu cầu đi lại, sinh hoạt và làm việc của nhân dân.

. Mở rộng và nâng cấp trục Quốc lộ 1 theo dự án đầu tư của Nhà nước.

. Xây dựng xa lộ Bắc Nhà Bè- Nam Bình Chánh, đoạn qua Huyện Bình Chánh dài 11,2 km.

. Xây dựng mới tuyến đường bộ phía Nam và song song, tỉnh lộ 10, từ Quốc lộ 1 đến xã Lê Minh Xuân. Mở rộng và xây mới một số đoạn trên tuyến từ ngã tư Gò Mây đi Tân Nhật.

. Nâng cấp và mở rộng các tuyến giao thông khác theo qui hoạch. Tạm sử dụng bãi xe tải huyện hiện nay. Khi có điều kiện sẽ xây dựng bãi xe tải mới ở vị trí hợp lý hơn. Xây dựng hệ thống cảng, cầu, đường bộ theo qui hoạch.

. Nghiên cứu qui hoạch các nút giao thông, cải tạo các giao lộ, đặc biệt các điểm có tình trạng bị ách tắc giao thông. Có biện pháp quản lý ngay phạm vi đất xung quanh các nút giao thông dự kiến.

. Tôn trọng các qui định về lộ giới xây dựng, có kế hoạch giải quyết từng bước và kiên quyết xử lý các công trình không phù hợp qui hoạch, lấn lộ giới.

5.2- Cây xanh và môi trường :

Xây dựng một môi trường sống trong lành cho dân cư là vấn đề hết sức quan trọng. Các yếu tố cảnh quan, cây xanh, vệ sinh môi trường cần được đảm bảo. Tăng tỉ lệ cây xanh và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ các xí nghiệp công nghiệp và nước thải sinh hoạt.

Xây dựng công viên du lịch, giải trí tại khu vực tam giác Quốc lộ 1, Hùng Vương nối dài, Hương lộ 5- qui mô 30 ha. Hoàn thiện khu văn hóa du lịch Bát Bửu (Phật cô đơn) tại xã Lê Minh Xuân kết hợp khu đô thị mới Cầu Xáng. Nghiên cứu xây dựng khu công viên- Hồ văn hóa du lịch tại vùng Bưng Vĩnh Lộc, Phạm Văn Hai. Cần có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường vùng đầu kinh Tham Lương, khu vực lò thiêu Bình Hưng Hòa...

5.3- Cấp nước :

Về lâu dài, nguồn nước máy cung cấp cho Huyện Bình Chánh sẽ được bổ sung từ nguồn là Nhà máy nước mặt Tân Hiệp (900.000 m3/ngày) và Nhà máy nước ngầm Hóc Môn (80.000 m3/ngày). Nguồn nước ngầm đã được xác định trữ lượng là 100.000 m3/ngày, chất lượng nước siêu nhạt, sử dụng được cho sinh hoạt.

Các khu đô thị hóa sẽ được xây dựng mạng lưới cấp nước theo mạch vòng khép kín đảm bảo cấp nước liên tục. Tại các khu dân cư đơn lẻ hướng giải quyết là cấp nước cục bộ bằng trạm bơm, giếng khoan và khu xử lý cục bộ.

5.4. Cấp điện :

Nguồn điện chủ yếu được cung cấp từ trạm Phú Lâm. Đây là trạm 500 KV Bắc Nam, kết hợp với trạm 220/15 KV Phú Lâm, qui mô công suất 900 MVA. Dự báo tổng phụ tải toàn huyện đến năm 2010 là 64,87 MW. Mạng truyền tải gồm có : - Đường dây 500 KV Bắc Nam- Đường dây 220 KV gồm các đoạn rẽ nhánh từ trạm Phú Lâm như Phú Lâm- Hóc Môn, - Phú Lâm- Cai Lậy, Phú Lâm- Nhà Bè. Đường dây 110 KV Phú Lâm- Bà Quẹo, Phú Lâm- Phú Định, Phú Lâm- Bình Chánh và Phú Lâm- Chợ Lớn và các tuyến phân phối 15 KV.

5.5- San nền - Thoát nước :

Đối với tiểu vùng 1 có cao độ lớn hơn + 2 m, sẽ dùng phương pháp san lấp cân bằng đất đai tại chỗ. Đối với các vùng còn lại, đất san lấp nền sẽ được chở từ nơi khác tới, hoặc nạo vét kênh rạch, đào hồ lấy đất. Nước mặt trong từng cụm dân cư bắt buộc phải thoát vào những tuyến cống ngầm và tập trung vào miệng xả nhất định. Nước bẩn được thoát bằng hệ thống riêng và đưa về trạm xử lý, nước thải phải được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại (đối với khu dân cư) hoặc khu xử lý cục bộ (đối với khu công nghiệp).

5.6- Thủy lợi :

Qui hoạch thủy lợi phải được hoàn thiện phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng vụ. Xây dựng các công trình ngăn mặn, cấp nước ngọt và giữ nước ngọt, xả phèn cải tạo đất, kết hợp thủy lợi với giao thông. Công trình thủy lợi Hóc Môn- Bắc Bình Chánh dự kiến khi hoàn thành sẽ ngọt hóa một khu vực 23.000 ha đất phèn, trong đó có khu vực Phạm Văn Hai, Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân, Tân Nhựt, Tân Tạo của Bình Chánh.

Điều 2.- Các chương trình ưu tiên xây dựng đợt đầu :

1- Các công trình phát triển đợt đầu :

1.1- Các khu dân cư cải tạo và xây mới :

Khu nhà ở bán trả góp (An dưỡng địa cũ) : 2,4 ha, Khu nhà ở TT. An Lạc (Lý Chiêu Hoàng nối dài): 20 ha, Khu nhà ở An Lạc- Bình Trị Đông (khu giày da) : 20 ha, Khu nhà ở An Lạc- Tân Kiên : 15 ha, Khu nhà ở Bình Trị Đông- Tỉnh lộ 10 : 10 ha, Khu nhà ở công nghiệp ấp 4 Tân Tạo- Tỉnh lộ 10 : 25 ha, Khu nhà ở phía Tây Ngã 3 An Lạc : 10 ha, Khu cư xá Phú Lâm C mở rộng : 5 ha, Cư xá An Lạc : 15 ha, Khu nhà vườn 100 ha Láng Le, Khu nhà ở Bình Hưng : 20 ha.

1.2- Các công trình công cộng :

- Trung tâm thương mại tổng hợp Tân Túc (chợ đầu mối), chợ Da Sà mới và khu phố chợ, chợ Cầu Xáng và khu phố chợ, Trung tâm Văn hóa TDTT (tên cũ : Trung tâm sinh hoạt Thanh thiếu niên) tại huyện lỵ Bình Điền, trụ sở UBND huyện và các ban ngành cần thiết, cải tạo nhà hàng Bình Chánh thành khu du lịch văn hóa.

- Xây dựng nghĩa trang thành phố mới, bãi xử lý rác và vườn ươm cây qui mô khoảng 100 ha, dự kiến tại khu vực xã Đa Phước. Cần có biện pháp giới hạn diện tích khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa, không cho mở rộng thêm để chuẩn bị di dời dứt điểm vào năm 2000.

1.3- Các cơ sở công nghiệp- TTCN :

- Xây dựng khu công nghiệp hàng tiêu dùng dọc xa lộ vành đai (thuộc xã Tân Tạo và Bình Trị Đông). Xây dựng cụm công nghiệp lương thực, thực phẩm tại khu vực dọc sông Chợ Đệm. Xây dựng khu công nghiệp Vĩnh Lộc- Bình Hưng Hòa giáp ranh khu công nghiệp Tân Bình.

Từ năm 1995- 1997 giải quyết không để kho tàng và chế biến lương thực trong địa bàn thị trấn An Lạc. Từ năm 1998- 2000 giải quyết không để dịch vụ cơ khí sửa chữa đóng mới thùng xe ô tô các loại trên địa bàn thị trấn An Lạc.

1.4- Khu vực công viên- cây xanh :

- Xây dựng khu công viên du lịch- giải trí và nhà vườn tại khu vực tam giác : Quốc lộ 1, Hùng Vương nối dài và Hương lộ 5, qui mô 30 ha. Nghiên cứu qui hoạch xây dựng và xây dựng khu công viên hồ văn hóa tại vùng Bưng Vĩnh Lộc- Phạm Văn Hai. Khu văn hóa du lịch Hương lộ 5- An Dương Vương (giáp Quận 8). Mở rộng diện tích rừng phòng hộ trong các nông trường Lê Minh Xuân, Láng Le, Phạm Văn Hai. Xây dựng cơ bản rừng nhiệt đới, cây ăn trái tạo thành cảnh quan xung quanh khu du lịch nghỉ mát vùng Bưng Vĩnh Lộc.

1.5- Các công trình hạ tầng kỹ thuật :

- Khôi phục và nâng cấp các tuyến Tỉnh lộ 10, Liên tỉnh lộ 50. Xây dựng mới tuyến phía Nam Tỉnh lộ 10, đường Tân Nhựt cặp kinh Ngang đi ngã 3 Lý Văn Mạnh, đường Gò Mây- Tân Nhựt (phần nối tiếp của Hương lộ 80 từ Tỉnh lộ 10 đi kinh Ngang) đường đê bao xã cánh Nam, tuyến Cầu Xáng đi Bình Lợi. Nâng cấp và mở rộng các tuyến giao thông khác như : Hương lộ 8, Hương lộ 9, Hương lộ 4 để giảm lưu lượng xe tại khu vực huyện lỵ Bình Điền. Hoàn thiện bãi xe tải huyện, cầu Tân Túc tại chợ Đệm cũ. Giải quyết thoát nước từ cầu An Lập đến cầu Bình Điền. Giải quyết chiếu sáng từ ngã tư An Lạc đến chợ Bình Chánh.

2- Các dự án gọi đầu tư nước ngoài :

Ba cụm C, D, E dọc tuyến Bắc Nhà Bè- Nam Bình Chánh, đô thị vệ tinh Cầu Xáng, sân golf 18 lỗ tại Lê Minh Xuân, Trung tâm thương nghiệp Tân Túc, các khu nhà ở có qui mô lớn.

Các khu công nghiệp tập trung gồm có : - Khu công nghiệp Tân Tạo, Bình Trị Đông dọc Quốc lộ 1 - Khu công nghiệp Vĩnh Lộc- Bình Hưng Hòa - Khu công nghiệp Bình Hưng Hòa- Bình Trị Đông.

Xa lộ Bắc Nhà Bè- Nam Bình Chánh (tập đoàn Phú Mỹ Hưng liên doanh với Đài Loan), tuyến vành đai trong thành phố.

Điều 3.- Căn cứ nội dung quy hoạch chung Huyện Bình Chánh được phê duyệt, giao cho Kiến trúc sư trưởng thành phố chịu trách nhiệm phê duyệt hệ thống bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng kèm theo quyết định này. Giao cho Chủ tịch UBND Huyện Bình Chánh chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng thành phố lập Điều lệ quản lý quy hoạch chung Huyện Bình Chánh và triển khai việc lập quy hoạch chi tiết, lập dự án xây dựng các cụm công trình trọng điểm trình duyệt theo qui định, làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng và gọi vốn đầu tư.

Điều 4.- Các Ông Chánh Văn phòng UBND thành phố, Kiến trúc sư trưởng TP, Giám đốc các Sở, Ngành thành phố, Chủ tịch UBND Huyện Bình Chánh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Viết Thanh

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.