Quyết định 78/2001/QĐ-TTg Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động đối với cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội
Số hiệu: 78/2001/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 16/05/2001 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/06/2001 Số công báo: Số 22
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI CÔNG VỤ TẠI NHÀ RIÊNG VÀ ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ LÃNH ĐẠO TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 26 tháng 02 năm 1998;

Căn cứ kế hoạch của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động đối với cán bộ lãnh đạo trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng tiêu chuẩn, định mức trang bị và sử dụng điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động phục vụ nhu cầu công tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

QUY ĐỊNH

VỀ TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI CÔNG VỤ TẠI NHÀ RIÊNG VÀ ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ LÃNH ĐẠO TRONG CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 78/2001/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ)

Điều 1. Điện thoại cố định trang bị tại nhà riêng và điện thoại di động là tài sản của Nhà nước trang bị cho cán bộ lãnh đạo trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để sử dụng cho các hoạt động công vụ.

Điều 2.

1. Cán bộ cấp cao được quy định tại Quy định số 68-QĐ/TW ngày 21 tháng 10 năm 1999 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, việc trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng thực hiện theo Quy định số 68-QĐ/TW ngày 21 tháng 10 năm 1999 và Hướng dẫn số 10 HD/TCTW ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về việc thực hiện một số chế độ chính sách đối với cán bộ cấp cao.

2. Cán bộ được trang bị 01 máy điện thoại cố định tại nhà riêng (trừ các máy điện thoại do cơ quan chức năng trang bị theo yêu cầu đặc biệt), bao gồm:

a) Trưởng Ban của Đảng ở Trung ương, ủy viên ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước;

b) Bộ trưởng và các chức danh tương đương kể cả các chức danh tương đương thuộc các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương: Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

c) Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

d) Phó Trưởng Ban của Đảng ở Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

đ) Thứ trưởng và các chức danh tương đương, cán bộ giữ chức vụ có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 1,1 trở lên của các cơ quan hành chính sự nghiệp và các chức danh tương đương thuộc tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội; chuyên gia cao cấp;

e) Phó Bí thư và Uỷ viên Thường vụ thành uỷ, tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

g) Các giáo sư được Nhà nước Việt Nam công nhận một trong các tiêu chuẩn sau:

- Được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh;

- Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Đối với các giáo sư đã nghỉ hưu, nhưng còn làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, nếu có một trong các tiêu chuẩn nêu trên cũng thuộc đối tượng áp dụng tại Quy định này.

h) Cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,8 đến dưới 1,1 thuộc Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương;

i) Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

k) Giám đốc Sở, Ban, ngành và lãnh đạo cấp tương đương ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Văn phòng cơ quan đảng ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

l) Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Điều 3.

a) Các đối tượng nêu tại điểm a đến điểm g của khoản 2 Điều 2 Quy định này, ngoài việc trang bị một máy điện thoại cố định tại nhà riêng còn được trang bị 01 máy điện thoại di động.

b) Việc trang bị điện thoại di động và quy định mức thanh toán chi phí mua máy, lắp đặt và cước phí hàng tháng đối với cán bộ cấp cao thuộc diện tại Quy định số 68-QĐ/TW ngày 21 tháng 10 năm 1999 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thực hiện theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương Đảng.

Điều 4. Ngoài các cán bộ được trang bị điện thoại cố định, điện thoại di động theo quy định tại các Điều 2, 3 của Quy định này. Căn cứ vào tính chất và yêu cầu công tác thực sự cần thiết mà Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước và các chức danh tương đương thuộc tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội (đối với các cơ quan thuộc Trung ương); Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể quyết định trang bị điện thoại cho cán bộ trực tiếp đảm nhận các nhiệm vụ đặc biệt, nhưng phải hết sức hạn chế để bảo đảm yêu cầu cần thiết cho công việc và theo nguyên tắc sau đây:

Cơ quan, đơn vị phải có Quy chế về trang bị, sử dụng và thanh toán cước phí điện thoại cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ ngoài tiêu chuẩn đã quy định, Quy chế này được xây dựng trên cơ sở các quy định tại Quyết định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính, công bố công khai trong phạm vi cơ quan, đơn vị. Riêng đối với các cơ quan ở Trung ương, Quy chế này phải được thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.

Điều 5. Các cán bộ được trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động được thanh toán các khoản chi phí ban đầu như sau:

1. Đối với điện thoại cố định:

a) Chi phí mua máy điện thoại cố định quy định không quá 300.000 đồng/máy;

b) Chi phí lắp đặt máy: thanh toán theo hợp đồng lắp đặt ký với cơ quan bưu điện.

2. Đối với điện thoại di động:

a) Chi phí mua máy điện thoại di động quy định không quá 3.000.000 đồng/máy;

b) Chi phí lắp đặt máy: thanh toán theo hợp đồng lắp đặt ký với cơ quan bưu điện.

Điều 6. Mức thanh toán cước phí sử dụng điện thoại (kể cả tiền thuê bao) hàng tháng quy định như sau:

1. Các cán bộ được nêu tại các điểm a, b và c của khoản 2 Điều 2: mức thanh toán theo thực tế sử dụng, nhưng không quá 300.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại cố định và không quá 500.000đồng/tháng đối với điện thoại di động.

2. Các cán bộ nêu tại các điểm d, đ, e và g của khoản 2 Điều 2: mức thanh toán theo thực tế sử dụng, nhưng không quá 200.000đồng/máy/tháng đối với điện thoại cố định và không quá 400.000đồng/tháng đối với điện thoại di động.

3. Các cán bộ còn lại: mức thanh toán không quá 100.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại cố định và không quá 250.000 đồng/tháng đối với điện thoại di động.

Mức thanh toán quy định trên được tính theo hàng tháng, không được bù trừ giữa các tháng trong năm. Trường hợp đặc biệt các cán bộ phải trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, phòng chống và khắc phục thiên tai thì trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được thanh toán theo thực tế sau khi được Thủ trưởng cơ quan phê duyệt.

Điều 7. Các cán bộ được trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động, khi chuyển sang đảm nhận công tác mới không thuộc diện được trang bị điện thoại hoặc khi có quyết định nghỉ hưu, nghỉ công tác nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì phải làm thủ tục chuyển hợp đồng sử dụng điện thoại về gia đình để tự thanh toán cước phí với cơ quan bưu điện.

Riêng đối với các đối tượng nêu tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 2 của Điều 2, được tiếp tục thanh toán cước phí sử dụng điện thoại cố định trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày có quyết định nghỉ hưu, nghỉ công tác.

Điều 8. Kinh phí để phục vụ cho việc lắp đặt ban đầu và thanh toán cước phí điện thoại cố định nhà riêng và điện thoại di động cho các đối tượng được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của cơ quan, đơn vị.

Điều 9. Thủ trưởng cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm thực hiện trang bị và thanh toán cước phí điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động theo đúng Quyết định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Người nào ra quyết định trang bị điện thoại hoặc thanh toán cước phí không đúng với Quyết định này phải tự chịu trách nhiệm về vật chất; trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.