Quyết định 773/QĐ-TTg năm 1999 phê duyệt Dự án Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề
Số hiệu: 773/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phạm Gia Khiêm
Ngày ban hành: 09/08/1999 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/09/1999 Số công báo: Số 34
Lĩnh vực: Lao động, Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 773/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 08 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN GIÁO DỤC KỸ THUẬT VÀ DẠY NGHỀ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng.
Căn cứ Nghị định 87/CP ngày 5 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
Theo đề nghị của Bộ trưởng các Bộ : Lao động- Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề với nội dung chính như sau :

1. Tên dự án : Dự án Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề.

2. Cơ quan quản lý thực hiện Dự án : Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

3. Mục tiêu của dự án :

- Cải cách hệ thống Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề nhằm đào tạo đội ngũ lao động có trình độ và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

- Nâng cao chất lượng đào tạo của 15 trường trọng điểm gồm các trường đào tạo giáo viên dạy nghề và các trường đào tạo công nhân kỹ thuật và dạy nghề đại diện cho các ngành, các khu vực trong toàn quốc.

- Tăng cường bộ máy quản lý hệ thống dạy nghề thông qua các chính sách mới, hoàn thiện tổ chức và đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ.

4. Nội dung Dự án :

a) Cải cách hệ thống giáo dục và dạy nghề :

 - Thiết lập và đầu tư hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm thu nhập thông tin - số liệu về việc làm, nhu cầu và khả năng đào tạo nghề làm cơ sở cho công tác quản lý, đào tạo, tư vấn nghề nghiệp và dịch vụ việc làm, nâng cao hiệu quả của hệ thống đào tạo nghề. Gắn công tác quản lý với cơ sở đào tạo và đào tạo với sản xuất;

 - Nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục kỹ thuật và dạy nghề gồm: xây dựng và áp dụng chương trình đào tạo chuẩn cho các ngành nghề chính (trong đó có: xây dựng, cơ khí và luyện kim, điện và điện tử, chăm sóc sức khỏe, xử lý và bảo quản nông sản thực phẩm, máy lạnh và điều hòa nhiệt độ, công nghệ thông tin, hóa học và chế biến cao su, thủ công mỹ nghệ); Xây dựng các bộ sách hướng dẫn chương trình dạy, tài liệu giảng dạy, giáo dục phần mềm vi tính;

 - Đào tạo giáo viên để đáp ứng với yêu cầu giảng dạy theo chương trình mới. Đào tạo chuyên gia về lĩnh vực biên soạn giáo trình, thiết kế tài liệu hướng dẫn, biên tập, sản xuất băng video giáo trình dạy nghề và viết phần mềm vi tính;

b) Đầu tư cho 15 trường trọng điểm nhằm cải tiến chương trình giảng dạy, nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và đầu tư trang thiết bị. Việc xác định danh sách 15 trường được thực hiện theo điều 2 của Quyết định này.

5. Tổng vốn đầu tư : 121 triệu USD, tương đương 1.688 tỷ đồng.

6. Nguồn vốn:

- Vốn vay và vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài : tương đương 100 triệu USD vào thời điểm hiện tại, trong đó:

 + Vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) : 54 triệu USD.

 + Vay Cơ quan phát triển Pháp (AFD) : 15 triệu USD.

 + Vay Quỹ Phát triển Bắc Âu (NFD) : 7 triệu USD.

 + Viện trợ không hoàn lại của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA): 24 triệu USD.

- Vốn đối ứng trong nước : 21 triệu USD tương đương 292 tỷ đồng trong đó :

 + Vốn dự phòng : 2,1 triệu USD, tương được 29 tỷ đồng.

 + Vốn chi cho các khoản thuế : 4,8 triệu USD tương đương 67 tỷ đồng;

 + Vốn Nhà nước cấp phát trong thời gian thực hiện dự án : 7,75 triệu USD thương đương 108 tỷ đồng.

 + Vốn đóng góp của các đơn vị tham gia dự án (bằng hiện vật và kinh phí thường xuyên) ; 6,35 triệu USD, tương đương 88 tỷ đồng.

7. Hình thức thực hiện đầu tư : đấu thầu theo quy định hiện hành.

Điều 2. Giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thống nhất danh sách 15 trường đào tạo nghề trọng điểm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi Hiệp định tín dụng cho Dự án có hiệu lực.

Các trường được đầu tư trong phạm vi Dự án, bảo đảm thực hiện ổn định mục tiêu dạy nghề.

Điều 3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Dự án theo chức năng được giao.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Gia Khiêm