Quyết định 76/2007/QĐ-UBND về Quy định thực hiện công tác phòng và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Số hiệu: 76/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Nguyễn Đình Chi
Ngày ban hành: 14/06/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 76/2007/QĐ-UBND

Vinh, ngày 14 tháng 6 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Công an tỉnh tại Tờ trình số 724/CAT-PV11 ngày 14/5/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định thực hiện một số nội dung về công tác phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chi

 

QUY ĐỊNH

THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 76/2007/QĐ-UBND ngày 14/6/2007 của ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng, công tác kiểm tra, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy, tổ chức thực hiện chữa cháy trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động, sinh sống trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Chương II

CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Điều 3. Yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy khi lập quy hoạch, dự án và thiết kế xây dựng công trình

1. Khi xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có giải pháp thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đảm bảo các nội dung sau:

- Địa điểm xây dựng công trình, cụm công trình, bố trí các khu đất, các lô nhà phải đảm bảo chống cháy lan, giảm tối thiểu tác hại của nhiệt, khói bụi, khí độc do đám cháy sinh ra đối với các khu vực dân cư và công trình xung quanh.

- Hệ thống giao thông, khoảng trống phải đủ kích thước và tải trọng bảo đảm cho phương tiện chữa cháy cơ giới triển khai các hoạt động chữa cháy.

- Hệ thống cấp nước đảm bảo việc cấp nước chữa cháy; hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp điện phải đảm bảo phục vụ các hoạt động chữa cháy, thông tin báo cháy.

2. Khi lập dự án và thiết kế xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của công trình phải có các giải pháp thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đảm bảo các nội dung sau:

- Địa điểm xây dựng công trình bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh;

- Bậc chịu lửa hay mức độ chịu lửa của công trình phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình đó; có giải pháp đảm bảo ngăn cháy và chống cháy lan giữa các hạng mục của công trình và giữa công trình này với công trình khác;

- Công nghệ sản xuất, hệ thống điện, chống sét, chống nổ của công trình và bố trí các hệ thống, máy móc, thiết bị vật tư đảm bảo các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy;

- Hệ thống thoát nạn gồm cửa, lối đi, hành lang, cầu thang chung, cửa, lối đi, cầu thang dành riêng cho thoát nạn, thiết bị chiếu sáng và chỉ dẫn lối thoát, thiết bị thông gió và hút khói, thiết bị cứu người, thiết bị báo tín hiệu đảm bảo cho việc thoát nạn nhanh chóng, an toàn khi xẩy ra cháy;

- Hệ thống giao thông, bãi đỗ phục vụ cho phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động bảo đảm kích thước và tải trọng; hệ thống cấp nước chữa cháy bảo đảm yêu cầu phục vụ chữa cháy;

- Hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy và phương tiện chữa cháy khác đảm bảo số lượng, vị trí lắp đặt và các thông số kỹ thuật phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của công trình.

- Trong dự án và thiết kế phải có dự toán kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy.

Điều 4. Thiết kế và thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy

1. Các dự án, công trình hoặc hạng mục công trình quy định tại Phụ lục 3 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ thuộc mọi nguồn vốn đầu tư khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng phải có thiết kế về phòng cháy và chữa cháy do cơ quan có đủ năng lực thiết kế và phải được Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Công an tỉnh thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy trước khi thi công. Việc phân cấp thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy thực hiện theo quy định tại khoản 5 mục IV - Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

2. Các công trình không thuộc danh mục tại Phụ lục 3 - Nghị định số 35/2003/NĐ-CP khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng mà cơ sở yêu cầu thì vẫn tiến hành thẩm duyệt thiết kế theo quy định.

3. Thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy được tiến hành đồng thời với việc thẩm duyệt về xây dựng và thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 3 mục IV- Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

4. Hồ sơ thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư; trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo;

b) Bản sao giấy phép đầu tư và chứng chỉ quy hoạch hay thỏa thuận về địa điểm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

c) Các bản vẽ thiết kế và bản thuyết minh thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 3 của Quy định này.

Hồ sơ thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy gồm 03 bộ, nếu hồ sơ thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt kèm theo và hồ sơ phải có xác nhận của chủ đầu tư.

5. Thời hạn thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy được tính kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và được quy định như sau:

a) Không quá 20 ngày làm việc đối với dự án quy hoạch, dự án xây dựng;

b) Không quá 30 ngày làm việc đối với thiết kế kỹ thuật công trình nhóm A; không quá 20 ngày làm việc đối với công trình thuộc nhóm B, C;

c) Không quá 10 ngày làm việc đối với việc chấp thuận địa điểm xây dựng công trình.

(Phân loại nhóm A, B, C thực hiện theo Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ)

6. Kinh phí cho việc thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy được xác định theo Thông tư số 03/TT-LBNV.XD ngày 31/3/1989 (bằng 0,5% thiết kế phí của công trình đó).

Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan thiết kế về phòng cháy và chữa cháy

1. Thiết kế đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy; chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thiết kế trong thời gian xây dựng và sử dụng công trình.

2. Thực hiện giám sát trong quá trình thi công xây lắp công trình.

3. Tham gia nghiệm thu công trình.

Điều 6. Trách nhiệm của chủ đầu tư

1. Trình hồ sơ thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 3, Điều 4 của Quy định này.

2. Tổ chức thi công xây dựng theo đúng thiết kế đã được thẩm duyệt. Trường hợp có thay đổi về thiết kế và thiết bị phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công thì chủ đầu tư phải giải trình hoặc thiết kế bổ sung và phải được thẩm duyệt lại.

3. Tổ chức kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu công trình.

4. Bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, phòng nổ công trình trong suốt quá trình xây dựng đến khi nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng.

Điều 7. Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng

1. Thi công theo đúng thiết kế đã được thẩm duyệt.

2. Bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, phòng nổ thuộc phạm vi quản lý của mình trong suốt quá trình thi công xây lắp đến khi bàn giao công trình.

3. Lập hồ sơ hoàn công, chuẩn bị các tài liệu để phục vụ công tác nghiệm thu công trình và tham gia nghiệm thu công trình.

Điều 8. Trách nhiệm của Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy- Công an tỉnh Nghệ An

1. Thẩm duyệt các nội dung, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án, thiết kế theo đúng tiêu chuẩn, quy định của pháp luật và phải bảo đảm thời hạn thẩm duyệt quy định tại khoản 4, Điều 16 của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và khoản 4, Điều 4 của Quy định này.

Cấp "Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy" và đóng dấu "Đã thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy" vào từng bản vẽ đã kiểm tra, thẩm duyệt khi thiết kế kỹ thuật đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy.

2. Kiểm định thiết bị, phương tiện phòng cháy và chữa cháy trước khi lắp đặt; kiểm tra việc thi công, lắp đặt thiết bị phòng cháy và chữa cháy theo đúng thiết kế đã được thẩm duyệt; kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công xây dựng và kiểm tra nghiệm thu công trình.

3. Tham gia nghiệm thu và ra văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy.

Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy là một trong những căn cứ để chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán và đưa công trình vào sử dụng.

4. Đối với các cơ sở được quy định tại Phụ lục 2 của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và các phương tiện cơ giới có yêu cầu đặc biệt về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy, thì sau khi nghiệm thu và trước khi đưa vào sử dụng, căn cứ các quy định, tiêu chuẩn khác để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy.

Chương III

CÔNG TÁC KIỂM TRA, HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

Điều 9. Nội dung kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy

1. Kiểm tra việc thực hiện điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng đối tượng quy định tại các Điều 9, 10, 11, 12 và các điều có liên quan của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật.

2. Kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng đối tượng quy định tại các Điều 3, 4, 5 và các điều có liên quan của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật.

3. Kiểm tra việc chấp hành các tiêu chuẩn và quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy và các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Điều 10. Chế độ kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy

Kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy được tiến hành theo chế độ kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất.

Điều 11. Trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy

1. Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ rừng, chủ hộ gia đình có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình theo chế độ kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất.

2. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy theo chế độ kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất trong phạm vi quản lý của mình.

3. Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy - Công an tỉnh Nghệ An có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ hàng quý đối với các cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy (quy định tại Phụ lục 1 của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP);

Kiểm tra định kỳ 6 tháng hoặc một năm đối với các đối tượng còn lại và kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy và khi có yêu cầu bảo vệ đặc biệt.

Điều 12. Thủ tục kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy

1. Kiểm tra định kỳ:

a) Người có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy, khi tiến hành kiểm tra định kỳ phải thông báo trước 3 ngày làm việc cho đối tượng được kiểm tra về thời gian, nội dung và thành phần đoàn kiểm tra. Tùy theo tình hình và yêu cầu mà việc kiểm tra có thể tiến hành theo từng nội dung hoặc kiểm tra toàn diện;

b) Khi nhận được thông báo kiểm tra, đối tượng kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung theo yêu cầu, bố trí người có trách nhiệm và thẩm quyền để làm việc với đoàn kiểm tra;

c) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên khi tổ chức kiểm tra hoặc trực tiếp kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở, địa bàn do cấp dưới quản lý thì phải thông báo cho cấp quản lý cơ sở, địa bàn đó biết, nếu thấy cần thiết thì yêu cầu cấp quản lý cơ sở, địa bàn tham gia đoàn kiểm tra, cung cấp tài liệu và tình hình liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy của cơ sở, địa bàn được kiểm tra. Kết quả kiểm tra được thông báo cho cấp quản lý cơ sở, địa bàn biết.

2. Kiểm tra đột xuất:

a) Người có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy, khi kiểm tra đột xuất phải thông báo rõ lý do cho đối tượng được kiểm tra biết. Riêng người có trách nhiệm kiểm tra theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 19 Nghị định 35/2003/NĐ-CP (khoản 3, Điều 12 của bản Quy định này) phải có giấy giới thiệu của cơ quan;

b) Đối tượng được kiểm tra khi nhận được thông báo phải chấp hành theo yêu cầu, chuẩn bị đầy đủ các nội dung và bố trí người có trách nhiệm và thẩm quyền để làm việc với người có trách nhiệm kiểm tra.

3. Việc kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất an toàn về phòng cháy và chữa cháy đều phải lập biên bản kiểm tra theo mẫu PC3, Phụ lục 1, Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an.

Điều 13. Công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy

1. Đối tượng huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy:

a) Người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy;

b) Cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành;

c) Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất nguy hiểm về cháy, nổ;

d) Người chỉ huy tàu thủy, tàu hỏa, tàu bay, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới có phụ cấp trách nhiệm, người điều khiển phương tiện, người làm việc và phục vụ trên phương tiện giao thông cơ giới có từ 30 chỗ ngồi trở lên và trên phương tiện giao thông cơ giới chuyên dùng để vận chuyển các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ;

e) Người làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phương tiện phòng cháy và chữa cháy;

f) Các đối tượng khác có yêu cầu được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.

2. Trách nhiệm tổ chức huấn luyện:

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cơ sở có trách nhiệm tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho các đối tượng quy định tại khoản 1 mục này. Người đứng đầu cơ sở đào tạo người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên có trách nhiệm huấn luyện kiến thức phòng cháy và chữa cháy vào trong chương trình đào tạo.

Chương IV

CÔNG TÁC TỔ CHỨC CHỮA CHÁY

Điều 14. Thông báo cháy

Mọi cá nhân khi phát hiện cháy phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho mọi người xung quanh biết, cho đội dân phòng, hoặc đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở nơi xẩy ra cháy và đơn vị cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, cùng với chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan công an nơi gần nhất.

Điều 15. Công tác chữa cháy

1. Việc chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

2. Các cá nhân, cơ quan, đơn vị và lực lượng chữa cháy phải tìm mọi biện pháp để cứu người, ngăn chặn cháy lan và dập cháy. Người tham gia chữa cháy phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy.

Điều 16. Phương án chữa cháy

1. Phương án chữa cháy phải nêu được tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy;

2. Đề ra tình huống cháy lớn phức tạp nhất và một số tình huống cháy đặc trưng khác có thể xảy ra, khả năng phát triển của đám cháy theo các mức độ khác nhau;

3. Đề ra kế hoạch huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy, biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và các công việc phục vụ chữa cháy phù hợp với từng giai đoạn của từng tình huống cháy.

Điều 17. Trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy

1. Người đứng đầu cơ sở, đặc khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, trưởng thôn, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố, chủ rừng, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy;

2. Trường hợp phương án chữa cháy cần huy động lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức hoặc nhiều địa phương tham gia thì đề nghị Phòng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Công an tỉnh Nghệ An hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng phương án.

Phương án chữa cháy phải được bổ sung, chỉnh lý kịp thời khi có những thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy. Phương án chữa cháy được xây dựng theo mẫu PC23 Phụ lục 1-Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an.

Điều 18. Thẩm quyền và thời hạn phê duyệt phương án chữa cháy

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phê duyệt phương án chữa cháy thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình;

2. Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Công an tỉnh Nghệ An phê duyệt phương án chữa cháy có sử dụng lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh; trường hợp đặc biệt thì do Giám đốc Công an tỉnh phê duyệt;

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án chữa cháy có sử dụng lực lượng, phương tiện của Quân đội đóng ở địa phương.

4. Đối với phương án chữa cháy thuộc thẩm quyền phê duyệt quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này: thời hạn phê duyệt không quá 10 ngày làm việc; Đối với phương án chữa cháy thuộc thẩm quyền phê duyệt quy định tại khoản 3 của Điều này: thời hạn phê duyệt không quá 15 ngày làm việc.

Điều 19. Quản lý phương án chữa cháy

Phương án chữa cháy được quản lý và sử dụng theo chế độ quản lý, sử dụng tài liệu mật. Người có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy quy định tại khoản 2, Điều 22, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP (Điều 14 của bản Quy định này) chịu trách nhiệm tổ chức lưu giữ phương án và sao gửi cho các đơn vị, lực lượng tham gia phương án biết để thực hiện.

Điều 20. Trách nhiệm thực tập phương án chữa cháy

1. Người có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy quy định tại khoản 2, Điều 22- Nghị định số 35/2003/NĐ-CP (Điều 14 của bản Quy định này) chịu trách nhiệm tổ chức thực tập phương án. Phương án chữa cháy phải được tổ chức thực tập định kỳ ít nhất mỗi năm một lần; mỗi lần thực tập phương án chữa cháy có thể xử lý theo một hoặc nhiều tình huống khác nhau, nhưng phải đảm bảo cho tất cả các tình huống trong phương án đều lần lượt được thực tập. Khi tổ chức thực tập thì người phê duyệt phương án chữa cháy có thẩm quyền được huy động lực lượng, phương tiện tham gia thực tập phương án chữa cháy và quyết định quy mô của cuộc thực tập.

2. Lực lượng, phương tiện có trong phương án khi được huy động thực tập phải tham gia đầy đủ.

3. Phương án chữa cháy được tổ chức thực tập đột xuất khi có yêu cầu bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các sự kiện đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương hoặc quốc gia hoặc theo yêu cầu của Trưởng phòng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Công an tỉnh Nghệ An.

Điều 21. Hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động phòng cháy và chữa cháy

1. Hồ sơ theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Điều 1, mục I - Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an.

2. Hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải được bổ sung thường xuyên và kịp thời.

3. Hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động phòng cháy và chữa cháy do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở chỉ đạo lập và lưu giữ.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 22. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy và chữa cháy được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Xử lý vi phạm

1. Người nào có hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy, cản trở các hoạt động phòng cháy và chữa cháy thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002 và Nghị định số 123/2005/NĐ-CP ngày 05/10/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở nếu thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra việc thực hiện các hoạt động phòng cháy và chữa cháy mà để xảy ra cháy tại đơn vị mình phụ trách thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 24. Điều khoản thi hành

Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm thực hiện nội dung quy định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phản ánh về Công an tỉnh để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.