ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ****** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 76/2002/QĐ-UB |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 07 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÁC KHU CHẾ XUẤT VÀ KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường được công bố theo Lệnh số 29-L/CTN ngày 10/01/1994 của Chủ tịch Nước ;
Căn cứ Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường và các văn bản có liên quan ;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính được công bố theo Lệnh số 41-L/CTN ngày 19/7/1995 của Chủ tịch Nước ;
Căn cứ Nghị định số 26/CP ngày 26 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường ;
Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ về ban hành Quy chế Khu Công nghiệp, Khu chế xuất và Khu công nghệ cao ;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Thủ tướng về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường tại tờ trình số 1098/SKHCNMT-MT ngày 14 tháng 6 năm 2002 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành quyết định này kèm theo Quy chế quản lý Nhà nước về môi trường đối với các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2.- Giao Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường và Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện để triển khai thực hiện quyết định này.
Điều 3.- Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp và Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và Doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý khu chế xuất-khu công nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện quyết định này./.
Nơi nhận : - Như điều 4 - Thường trực Thành Ủy - Thường trực Hội đồng nhân dân TP - Thường trực Ủy ban nhân dân TP - VPHĐ-UB : Các PVP, Các Tổ NCTH - Lưu (CNN/H) |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC Nguyễn Thiện Nhân |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ****** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
|
TP.Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 07 năm 2002 |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÁC KHU CHẾ XUẤT-KHU CÔNG NGHIỆP TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 76 /2002/QĐ-UB ngày 02 tháng 7 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố).
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Quy định việc quản lý thống nhất về bảo vệ môi trường đối với các khu chế xuất, khu công nghiệp nhằm bảo vệ môi trường xung quanh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững các Khu công nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2.- Khái niệm “Khu Công nghiệp” được áp dụng trong quy chế này bao hàm cả khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao, thống nhất gọi chung là khu công nghiệp và viết tắt là KCN.
Điều 3.- Trong Quy chế này, các thuật ngữ có liên quan được hiểu thống nhất như sau :
1- Khu công nghiệp : là khu tập trung các doanh nghiệp chuyên sản xuất các hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ sản xuất công nghiệp, có ranh giới, địa giới xác định, không có dân cư sinh sống : do Chính phủ quyết định thành lập. Trong khu công nghiệp có thể có doanh nghiệp chế xuất ;
2- Khu chế xuất (KCX) : là khu tập trung các doanh nghiệp chế xuất chuyên sản xuất các hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống ; do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập ;
3- Khu Công nghệ cao : là khu tập trung các doanh nghiệp công nghệ kỹ thuật cao và các đơn vị hoạt động phục vụ cho phát triển công nghệ cao gồm nghiên cứu, triển khai khoa học, công nghệ, đào tạo các dịch vụ liên quan, có ranh giới địa giới xác định ; do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Trong khu công nghệ cao có thể có doanh nghiệp chế xuất.
4- Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX và KCN) là cơ quan quản lý trực tiếp các Khu công nghiệp trong phạm vi địa giới hành chính của thành phố ;
5- Chủ đầu tư Khu Công nghiệp : Công ty hoặc Công ty Liên doanh xây dựng, kinh doanh và quản lý cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.
6- Cơ sở thành viên của khu công nghiệp : là nhà máy, xí nghiệp, Công ty, các đơn vị dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp.
7- Bảo vệ môi trường khu công nghiệp : là hoạt động nhằm giữ cho môi trường bên trong và xung quanh khu công nghiệp được trong sạch, cải thiện môi trường, ngăn chặn, khắc phục hậu quả xấu do các hoạt động bên trong khu công nghiệp gây ra cho môi trường.
8- Cơ sở hạ tầng khu công nghiệp : bao gồm hệ thống đường xá, sân bãi, hàng rào, cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc, cây xanh, phòng cháy chữa cháy, các công trình công cộng, thoát nước và xử lý nước thải tập trung, bãi lưu chất thải rắn và khu xử lý chất thải rắn (nếu có), hệ thống phòng ngừa và ứng cứu sự cố ;
9- Giám sát môi trường : là hoạt động quan trắc, lấy mẫu và đo đạc các thông số, các chỉ tiêu môi trường nhằm xác định trạng thái môi trường ở từng thời điểm khác nhau và so sánh chúng với các tiêu chuẩn môi trường Việt Nam ;
10- Các thuật ngữ khác (môi trường, thành phần môi trường, chất thải, chất gây ô nhiễm, ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường, tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học...) được hiểu tương tự như ở Điều 1 và Điều 2 của Luật bảo vệ môi trường. Thuật ngữ “chất thải nguy hại” được hiểu theo Quy chế quản lý chất thải nguy hại đã ban hành.
Điều 4.- Quy chế này được áp dụng cho tất cả các tổ chức Nhà nước, pháp nhân, cá nhân người Việt Nam hoặc nước ngoài khi thực hiện triển khai các hoạt động liên quan đến khu công nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe cộng đồng xung quanh do khu công nghiệp gây ra.
Điều 5.- Tổ chức quản lý và hoạt động môi trường khu công nghiệp bao gồm từ lúc xem xét cấp giấy phép đầu tư đến xây dựng cơ bản và trong suốt quá trình hoạt động của Khu công nghiệp ; đồng thời phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Điều 6.- Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp dựa vào quy chế và những văn bản quy phạm pháp luật khác về môi trường để soạn thảo và trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành những quy định cụ thể về bảo vệ môi trường cho các khu công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm đảm bảo an toàn môi trường bên trong khu công nghiệp và vùng xung quanh.
Điều 7.- Các cơ sở thành viên trong khu công nghiệp có trách nhiệm phòng chống và bảo vệ môi trường, đảm bảo các hoạt động của cơ sở không vượt quá tiêu chuẩn quy định hiện hành về môi trường, có quyền tố cáo, khiếu nại các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong khu công nghiệp.
Chương 2:
GIAI ĐOẠN XÉT DUYỆT DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KHU CÔNG NGHIỆP
Điều 8.- Khi xem xét cấp phép đầu tư xây dựng khu công nghiệp, bên cạnh việc xem xét vị trí khu công nghiệp dựa trên quy hoạch tổng thể được duyệt của Trung ương hoặc thành phố, các cơ quan chức năng cần phải xem xét về mối tương quan giữa khu công nghiệp với các khu vực nhạy cảm về môi trường, các điều kiện khả thi về bảo vệ môi trường và ứng cứu sự cố.
Điều 9.- Chủ đầu tư khu công nghiệp có nhiệm vụ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án khu công nghiệp của mình theo đúng quy định hiện hành và trình báo cáo lên Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) để xét duyệt.
Điều 10.- Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường là cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án khu công nghiệp theo quy định hiện hành, cấp quyết định phê chuẩn báo cáo ĐTM cho dự án khu công nghiệp nếu xét thấy đủ điều kiện đảm bảo môi trường trong thời gian không quá 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ báo cáo ĐTM theo quy định hiện hành.
Chương 3:
GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG KHU CÔNG NGHIỆP
Điều 11.- Chủ đầu tư khu công nghiệp chỉ được phép tiến hành thi công xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng khu công nghiệp khi đã quyết định phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường.
Điều 12.- Chủ đầu tư khu công nghiệp có nhiệm vụ thực hiện đúng các biện pháp bảo vệ môi trường trong suốt giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp như đã cam kết trong báo cáo, đánh giá tác động của môi trường được phê chuẩn.
Điều 13.- Việc thi công xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu sau :
1- Phân khu các cụm công nghiệp theo đúng phương án giảm thiểu tác động môi trường như đã cam kết trong báo cáo ĐTM.
2- Thiết lập hệ thống cây xanh phòng hộ môi trường theo đúng quy hoạch chi tiết đã được Bộ Xây dựng hoặc Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt ;
3- Thiết lập mạng lưới thoát nước mưa tách riêng với mạng lưới thoát nước bẩn bao gồm : nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải từ các bộ phận dịch vụ sửa chữa cơ khí, gara, nước rò rỉ từ các bãi lưu trữ chất thải rắn, nước thải từ các thiết bị hấp thụ và hoặc rửa khí theo phương pháp ướt ;
4- Xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung với thiết kế kỹ thuật được cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo xử lý toàn bộ lượng nước thải của khu công nghiệp ở giai đoạn hoạt động ổn định, đạt các tiêu chuẩn cho phép trước khi xả thải vào nguồn tiếp nhận tương ứng ;
5- Trong quy hoạch mặt bằng khu công nghiệp phải có diện tích dự trữ để mở rộng và/hoặc xây dựng các công trình xử lý bổ sung trong hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp khi tiêu chuẩn thải được điều chỉnh khắt khe hơn do nhu cầu bảo vệ an toàn chất lượng môi trường nước của các nguồn tiếp nhận ;
6- Xây dựng trạm trung chuyển và/hoặc lưu trữ tạm thời chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại với thiết kế kỹ thuật được cấp thẩm quyền phê duyệt ;
7- Thiết lập hệ thống ứng cứu sự cố môi trường cho khu công nghiệp (cả về phương tiện lẫn nhân sự) theo các phương án mà chủ đầu tư đã cam kết trong báo cáo ĐTM hoặc báo cáo riêng đã được các cơ quan chức năng phê duyệt để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra ;
8- Trong trường hợp có nhu cầu khai thác nước dưới đất (nước ngầm) và/hoặc nước mặt tại chỗ để cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt trong khu công nghiệp, chủ đầu tư khu công nghiệp phải lập phương án khai thác và xử lý (nếu cần thiết), trình phương án lên cấp có thẩm quyền để xem xét và cấp phép. Chỉ khi được sự chấp thuận của cơ quan chức năng, chủ đầu tư mới được phép thi công xây dựng các hạng mục công trình khai thác và xử lý nước dưới đất và/hoặc nước mặt, phải tuân thủ đúng phương án đã được duyệt và có nghĩa vụ đóng góp lệ phí khai thác tài nguyên theo luật định.
Điều 14.- Trong quá trình thi công xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, chủ đầu tư và các đơn vị thi công phải chịu sự thanh tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất về mặt môi trường của các cấp thẩm quyền, nếu vi phạm các quy định hiện hành thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương 4:
XEM XÉT ĐỂ CHO PHÉP TỪNG DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀO KHU CÔNG NGHIỆP
Điều 15.- Các dự án xin đầu tư vào khu công nghiệp phải đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường cho Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp và cam kết đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường trong suốt thời gian hoạt động của dự án.
Điều 16.- Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp có trách nhiệm xem xét lựa chọn loại dự án đầu tư vào khu công nghiệp thuộc quyền quản lý của mình phù hợp với ngành nghề đã đăng ký và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường phê duyệt.
Điều 17.- Đối với những dự án đầu tư vào khu công nghiệp mà không nằm trong danh mục ngành nghề đăng ký đã được duyệt, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp muốn tiếp nhận phải làm tờ trình xin phép cơ quan thẩm quyền và chỉ chính thức tiếp nhận khi được sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền.
Chương 5:
GIAI ĐOẠN HOẠT ĐỘNG CỦA KHU CÔNG NGHIỆP
Điều 18.- Chủ đầu tư khu công nghiệp tiến hành đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp theo luận chứng và phương án được duyệt và có thể tiếp nhận các dự án xin đầu tư vào khu công nghiệp của mình ngay trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.
Điều 19.- Các công trình cơ sở hạ tầng khu công nghiệp chỉ được đưa vào hoạt động khi có đủ các điều kiện sau đây :
1- Đã hoàn chỉnh việc quy hoạch phân khu từng cụm công nghiệp ;
2- Đã thực hiện ít nhất 25% chỉ tiêu diện tích đất cây xanh theo quy hoạch của khu công nghiệp ;
3- Đã có hệ thống cấp nước đảm bảo cho nhu cầu sử dụng theo từng giai đoạn phát triển ;
4- Đã xây dựng mạng lưới thoát nước mưa và thoát nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt (gọi chung là nước thải) riêng biệt ;
5- Tiến hành xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải vào nguồn tiếp nhận tương ứng khi có 50% diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp - dịch vụ đã cho thuê ;
6- Đã có địa điểm và các phương tiện cần thiết sẵn sàng cho việc trung chuyển và/hoặc lưu trữ tạm thời chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại với điều kiện đảm bảo hợp vệ sinh và an toàn cho môi trường ;
7- Đã có các phương tiện và nhân sự sẵn sàng cho việc ứng cứu các sự cố môi trường.
Điều 20.- Trong quá trình phát triển khu công nghiệp, theo tốc độ đầu tư của các dự án vào khu công nghiệp, chủ đầu tư các khu công nghiệp phải tiếp tục hoàn thiện các hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng về môi trường và phải hoàn tất toàn bộ hệ thống này khi khu công nghiệp có 75% diện tích đất quy hoạch cho sản xuất công nghiệp được khai thác và sử dụng.
Điều 21.- Mỗi dự án đầu tư vào khu công nghiệp chỉ được phép chính thức đi vào hoạt động khi đã xây dựng hoàn tất các hạng mục công trình xử lý và /hoặc lưu trữ chất thải theo bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đã được cấp phiếu xác nhận theo quy định ở Điều 15. Đồng thời ở các hạng mục công trình này phải được vận hành thử đạt yêu cầu quy định của khu công nghiệp.
Điều 22.- Tất cả các thành viên trong khu công nghiệp có hoạt động phát sinh các chất gây ô nhiễm không khí, ồn, rung phải thực hiện các biện pháp kiểm soát và xử lý cục bộ ngay tại nguồn đạt tiêu chuẩn theo các quy định hiện hành.
Điều 23.- Các cơ sở thành viên trong khu công nghiệp có hoạt động gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép tại khu sản xuất phải có biện pháp chống ồn đạt tiêu chuẩn quy định (trong khi chờ ban hành tiêu chuẩn chính thức của Việt Nam, tạm thời lấy theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế hoặc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).
Điều 24.- Các cơ sở thành viên trong khu công nghiệp có nước thải phải thực hiện việc xử lý cục bộ nước thải đảm bảo tiêu chuẩn cho phép xả vào mạng lưới thoát nước thải của khu công nghiệp theo yêu cầu của khu công nghiệp.
Chủ đầu tư khu công nghiệp quy định cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng nước thải được phép xả vào mạng lưới thoát nước thải chung và trạm xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp.
Toàn bộ nước thải trong mạng lưới thoát nước của khu công nghiệp phải được dẫn vào trạm xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp để được xử lý đạt tiêu chuẩn quy định trước khi thải vào nguồn tiếp nhận ở bên ngoài hàng rào khu công nghiệp.
Điều 25.- Không được xử lý nước thải trong khu công nghiệp bằng biện pháp để thấm vào đất hoặc pha loãng nước thải để đạt mức tiêu chuẩn cho phép. Nếu vi phạm sẽ phải chịu xử lý theo pháp luật.
Điều 26.- Chủ đầu tư khu công nghiệp chịu trách nhiệm (hoặc hợp tác với các đơn vị chức năng) thực hiện : thu gom, vận chuyển và xử lý an toàn về mặt môi trường đối với toàn bộ chất thải rắn thải ra từ các cơ sở thành viên trong khu công nghiệp. Việc phân loại, lưu trữ tạm thời chất thải rắn tại từng cơ sở thành viên sẽ do chính cơ sở thực hiện theo các quyết định cụ thể của từng khu công nghiệp. Toàn bộ quá trình trên phải được thực hiện bên trong hàng rào của khu công nghiệp và không làm ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài.
Điều 27.- Việc xử lý chất thải rắn chung cho khu công nghiệp có thể tiến hành ngay bên trong hàng rào khu công nghiệp (nếu khu công nghiệp có đủ điều kiện và được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng) hoặc ở bên ngoài của khu công nghiệp thông qua hợp đồng trách nhiệm giữa chủ đầu tư khu công nghiệp với các cơ quan chuyên trách xử lý chất thải rắn.
Điều 28.- Các loại chất thải nguy hại phải được thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý đúng kỹ thuật theo quy định hiện hành.
Điều 29.- Các cơ sở thành viên trong khu công nghiệp có thể ký hợp đồng với chủ đầu tư khu công nghiệp hoặc hợp đồng trực tiếp với cơ quan dịch vụ bên ngoài để thu gom và xử lý chất thải của cơ sở mình (chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn do hai bên thỏa thuận theo hợp đồng).
Điều 30.- Các cơ sở thành viên trong khu công nghiệp có sản phẩm, tàng trữ và vận chuyển các chất phóng xạ, các nguồn phát xạ I-ôn hóa, các chất độc hại, các chất dễ cháy nổ phải tuân theo các quy định hiện hành của Việt Nam.
Điều 31.- Việc xuất nhập khẩu các nguyên vật liệu, hóa chất độc hại, chuẩn vi sinh phải tuân theo các quy định hiện hành.
Điều 32.- Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp cần dự báo các sự cố môi trường khu công nghiệp, lập kế hoạch phòng chống sự cố và xây dựng biện pháp khắc phục sự cố trình lãnh đạo thành phố và Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường.
Điều 33.- Khi sự cố môi trường xảy ra tại khu công nghiệp, chủ đầu tư khu công nghiệp phối hợp cùng với Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp khẩn trương các biện pháp ứng cứu, khắc phục và báo cáo ngay cho lãnh đạo thành phố nhằm điều động nhân lực, phương tiện để giải quyết hậu quả tại chỗ và thông báo khẩn cấp lên cơ quan có thẩm quyền.
Điều 34.- Chủ đầu tư khu công nghiệp có trách nhiệm quan trắc chất lượng môi trường bên trong hàng rào khu công nghiệp và xung quanh theo đúng chương trình quan trắc môi trường mà chủ đầu tư khu công nghiệp đã cam kết trong báo cáo ĐTM về vị trí các điểm quan trắc, tần suất quan trắc và các chỉ tiêu cần quan trắc.
Điều 35.- Chủ đầu tư khu công nghiệp định kỳ 3 tháng nộp báo cáo kết quả quan trắc môi trường lên Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp và Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường thành phố.
Chương 6:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHIỆP TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Điều 36.- Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường thay mặt Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố ; phối hợp với các Sở Ban ngành và địa phương hỗ trợ khu công nghiệp ứng cứu và khắc phục các sự cố môi trường khu công nghiệp ; trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ quản lý và bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp, cụ thể :
1- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp được ban hành trong quy chế này và các quy định khác của Nhà nước về bảo vệ môi trường khu công nghiệp ;
2- Thẩm định về mặt môi trường đối với các dự án xin đầu tư vào khu công nghiệp theo quy định phân cấp và các hướng dẫn của Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường ; thẩm định các dự án đầu tư khu xử lý nước thải tập trung, khu tồn trữ và xử lý các chất thải rắn, chất thải nguy hại, v.v...
Cấp và thu hồi các văn bản có liên quan đến yêu cầu thẩm định đạt tiêu chuẩn môi trường cho các công trình xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn của các cơ sở thành viên hoạt động trong khu công nghiệp.
4- Hướng dẫn, hỗ trợ Ban Quản lý giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường theo phạm vi và quyền hạn được giao.
5- Hướng dẫn Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo, thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các hoạt động bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp.
6- Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách môi trường thuộc Ban Quản lý khu công nghiệp quản lý.
Điều 37.- Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố về các mặt quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, đồng thời chịu sự chỉ đạo trực tiếp về nghiệp vụ của Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường về các nội dung công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, cụ thể như sau :
1- Kiểm tra, việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường phù hợp với quy hoạch và luận chứng kinh tế kỹ thuật đã được duyệt cho từng khu công nghiệp ;
2- Hướng dẫn, tiếp nhận, xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường cho các dự án đầu tư phù hợp với danh mục ngành nghề đã đăng ký của từng khu công nghiệp. Đối với những dự án cần lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì chuyển đến Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường và/hoặc Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường để thẩm định theo quy định phân cấp.
3- Thực hiện việc giám sát môi trường khu công nghiệp trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng và trong quá trình hoạt động của khu công nghiệp. Tổ chức nghiệm thu các công trình xử lý chất thải của cơ sở hoạt động trong các khu công nghiệp báo cáo Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường công nhận.
4- Phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường theo điều 52 của quy chế này.
5- Phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường và các cơ quan Trung ương, địa phương có liên quan thực hiện việc kiểm tra, thanh tra môi trường trong phạm vi quản lý theo yêu cầu.
6- Tiếp nhận và giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về ô nhiễm môi trường do các hoạt động trong khu công nghiệp gây ra. Phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường giải quyết những trường hợp cần thiết.
7- Xây dựng quy chế và kiểm soát việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong khu công nghiệp. Phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp theo Quy chế quản lý và xử lý chất thải tại địa phương.
8- Giám sát việc quản lý chất thải nguy hại theo quyết định số 155/1999/QĐ-TTg ngày 16/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ và các Công ước Quốc tế mà Việt Nam tham gia.
9- Tham gia các chương trình, dự án về quản lý và bảo vệ môi trường và các lớp huấn luyện nghiệp vụ do thành phố và Trung ương tổ chức ;
10- Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách và kế hoạch bảo vệ môi trường của Nhà nước cũng như các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức môi trường đến cán bộ, công nhân, Doanh nghiệp trong khu vực thuộc thẩm quyền quản lý.
11- Chấp hành chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo hướng dẫn của Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường. Đề xuất và biểu dương khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường tương ứng theo chế độ hiện hành.
Điều 38.- Các Sở, Ban, Ngành chức năng của thành phố có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường khu công nghiệp trong phạm vi chức năng, quyền hạn được Ủy ban nhân dân thành phố giao.
Điều 39.- Các tổ chức, cá nhân ở bên ngoài hàng rào khu công nghiệp có quyền và nghĩa vụ, theo dõi, phát hiện và báo cáo lên các cấp thẩm quyền xem xét giải quyết các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường bên trong khu công nghiệp.
Chương 7:
CHẾ ĐỘ THANH TRA, KIỂM TRA VÀ BÁO CÁO MÔI TRƯỜNG
Điều 40.- Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường và/hoặc của Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện thanh tra về bảo vệ môi trường theo Pháp lệnh Thanh tra Nhà nước, Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 và Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ.
Điều 41.- Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra môi trường của Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường và/hoặc của Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường để thực hiện thanh tra môi trường tại các khu công nghiệp.
Điều 42.- Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở thành viên trong khu công nghiệp phải chịu chế độ thanh tra môi trường thường xuyên, định kỳ và đột xuất của các cấp thẩm quyền.
Điều 43.- Trên tinh thần hợp tác xây dựng, các cơ sở thành viên trong khu công nghiệp và chủ đầu tư khu công nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thanh tra, kiểm tra môi trường làm việc nhằm đạt lợi ích bảo vệ môi trường và phát triển ổn định.
Điều 44.- Các kết quả thanh tra môi trường được gửi đến các đối tượng bị thanh tra để làm cơ sở khắc phục các vi phạm nếu có. Đồng thời cũng được gửi đến các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương để có cơ sở theo dõi, nắm được tình hình môi trường khu vực và phối hợp thực hiện các giải pháp khắc phục.
Điều 45.- Các cơ sở thành viên trong khu công nghiệp có hoạt động vi phạm quy chế bảo vệ môi trường, phải nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ các yêu cầu của thanh tra với thời gian sớm nhất có thể và thanh toán toàn bộ kinh phí cho hoạt động thanh tra.
Điều 46.- Các cơ sở thành viên trong khu công nghiệp trong quá trình hoạt động có thay đổi về quy mô hay công nghệ phải thông qua Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp, đồng thời thông báo đến chủ đầu tư khu công nghiệp nơi mình trực thuộc để xem xét và kiểm tra bổ sung về môi trường.
Điều 47.- Các cơ sở thành viên trong khu công nghiệp có trách nhiệm đóng góp kinh phí cho công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường và quản lý chất thải trong phạm vi khu công nghiệp. Mức đóng góp tùy theo quy mô và tính chất chất thải của từng cơ sở thành viên, do chủ đầu tư khu công nghiệp xác định và được các cơ quan chức năng thông qua.
Điều 48.- Các cơ sở thành viên trong khu công nghiệp có trách nhiệm báo cáo định kỳ về hiện trạng môi trường tại cơ sở mình cho Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp và Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, đồng thời chịu trách nhiệm pháp lý về các số liệu báo cáo đó. Thời hạn báo cáo là 06 tháng một lần.
Điều 49.- Chủ đầu tư khu công nghiệp phải thực hiện báo cáo môi trường cho khu công nghiệp của mình mỗi năm một lần và trình lên Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp và Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường.
Điều 50.- Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp định kỳ 6 tháng một lần báo cáo lên Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường thành phố về tình hình các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, bao gồm : số dự án, loại ngành nghề sản xuất, quy mô công suất, đặc trưng các dạng chất thải, các phương án xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Chương 8:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP VI PHẠM QUY CHẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHU CÔNG NGHIỆP
Điều 51.- Các cơ sở thành viên trong khu công nghiệp vi phạm quy chế bảo vệ môi trường bị xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường theo Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ và các quy phạm hiện hành của Nhà nước Việt Nam. Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp được áp dụng các khung phạt theo thẩm quyền xử phạt tương đương với Ủy ban nhân dân cấp quận-huyện được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 26/CP của Chính phủ (chương VIII, điều 20, mục 5).
Điều 52.- Thời hạn ấn định cho các đơn vị thành viên trong khu công nghiệp vi phạm quy chế bảo vệ môi trường thực hiện các yêu cầu trong biên bản xử phạt tối đa là 03 tháng. Trong lần kiểm tra thứ hai, nếu cơ sở thành viên vẫn không thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong biên bản xử phạt lần trước sẽ bị lập biên bản đề nghị các cấp có thẩm quyền ra quyết định tạm ngừng các hoạt động vi phạm quy chế bảo vệ môi trường cho đến khi nào thực hiện đầy đủ và đúng theo yêu cầu của đoàn thanh tra với sự xác nhận của Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp.
Điều 53.- Các cơ sở thành viên trong khu công nghiệp cố tình gây cản trở cho công tác thanh tra, kiểm tra môi trường trong hàng rào khu công nghiệp, thanh tra môi trường được quyền lập biên bản, tạm đình chỉ hoạt động của thành viên đó, báo cáo với Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp để có quyết định xử lý.
Điều 54.- Trường hợp chủ đầu tư khu công nghiệp vi phạm quy chế bảo vệ môi trường sẽ bị Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định xử phạt. Thời hạn ấn định cho chủ đầu tư khu công nghiệp thực hiện các yêu cầu trong biên bản xử phạt tối đa là 06 tháng. Trong lần kiểm tra thứ hai, nếu chủ đầu tư khu công nghiệp vẫn không thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong biên bản xử phạt lần trước sẽ bị lập biên bản trình lên Chính phủ và Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường ra quyết định xử lý.
Điều 55.- Tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động trong khu công nghiệp có thành tích tốt trong công tác bảo vệ môi trường sẽ được đề nghị khen thưởng ở các cấp tương ứng theo chế độ khen thưởng hiện hành.
Chương 9:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 56.- Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Tất cả các quy định, hướng dẫn trước đây của thành phố Hồ Chí Minh trái với quy chế này đều bị bãi bỏ.
Điều 57.- Tất cả các cơ sở thành viên trong khu công nghiệp, chủ đầu tư khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ở các cấp trong thành phố có trách nhiệm thực hiện quy chế này./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH