Quyết định 74/2004/QĐ-UB về Quy chế đảm bảo an toàn các công trình lân cận, vệ sinh môi trường trong thi công các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Số hiệu: | 74/2004/QĐ-UB | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đắk Lắk | Người ký: | Đinh Văn Khiết |
Ngày ban hành: | 07/12/2004 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Môi trường, Xây dựng nhà ở, đô thị, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 74/2004/QĐ-UB |
Buôn Ma Thuột, ngày 07 tháng 12 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH DĂKLĂK
V/V BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẢM BẢO AN TOÀN CÁC CÔNG TRÌNH LÂN CẬN, VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRONG THI CÔNG CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH DĂKLĂK
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND được Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Luật Xây dựng được Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Luật Dân sự được Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 28/10/1995;
- Theo đề nghị của Sở Xây Dựng tại công văn số 573/SXD-GĐ ngày 25/11/2004.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế an toàn công trình lân cận, vệ sinh môi trường trong thi công các công trình xây dựng trên địa bàn Tỉnh.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công nghiệp, Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Khoa học Công nghệ, Tài nguyên & Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Buôn Ma Thuột; Chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH DĂKLĂK |
QUY CHẾ
AN TOÀN CÔNG TRÌNH LÂN CẬN, VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRONG THI CÔNG CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 74/2004/QĐ-UB ngày 7 tháng 12 năm 2004 của UBND Tỉnh DăkLăk)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Quy chế này quy định trách nhiệm việc đảm bảo an toàn các công trình lân cận, vệ sinh môi trường của Chủ đầu tư, nhà thầu khảo sát, tổ chức, cá nhân thực hiện thiết kế, nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công xây dựng, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng các công trình mới trong các đô thị, các phố cổ, các phố có nhiều nhà ở của dân đã quá niên hạn sử dụng hoặc công trình đã xuống cấp chất lượng do không thực hiện quy định bảo trì công trình và các khu vực đất có nguy cơ sạt lở đất.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. An toàn các công trình lân cận: là quá trình khảo sát, thiết kế giám sát thi công xây dựng các công trình mà không làm ảnh hưởng đến độ ổn định (lún, nứt, chuyển vị công trình, sạt lở, trượt đất...) hoặc có nguy cơ làm mất an toàn cho các công trình khác.
2. Thi công xây dựng công trình: Bao gồm xây dựng, lắp đặt thiết bị đối với các công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi, san lấp mặt bằng, đắp đất, đào đất, phá dỡ công trình, bảo hành, bảo trì công trình.
3. Các từ ngữ khác được hiểu đúng theo quy định của Luật Xây dựng được Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Trách nhiệm của Chủ đầu tư xây dựng công trình
1. Chủ đầu tư các công trình xây dựng các công trình mới trong các đô thị, các phố cổ, các phố có nhiều nhà ở của dân đã quá niên hạn sử dụng hoặc công trình đã xuống cấp chất lượng do không thực hiện quy định bảo trì công trình và các khu vực đất có nguy cơ sạt lở đất phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về an toàn các công trình lân cận, đảm bảo điều kiện về vệ sinh môi trường trong khu vực xây dựng, không làm ảnh hưởng vệ sinh môi trường của các khu vực khác.
2. Chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu khảo sát, tổ chức, cá nhân thực hiện thiết kế, nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công xây lắp phải lập phương án đảm bảo an toàn các công trình lân cận, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình theo các quy định tại điều 4, 5, 6, 7 của Quy chế này và theo các quy định của pháp luật, đồng thời giám sát các cá nhân và đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.
3. Đình chỉ thi công các phần việc của các nhà thầu khảo sát, thiết kế, Xây lắp khi các nhà thầu không thực hiện theo đúng các phương án bảo vệ môi trường và an toàn các công trình lân cận theo đúng phương án được duyệt.
4. Phối hợp với các nhà thầu giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện khảo sát, xây lắp có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và an toàn các công trình lân cận để đảm bảo cho môi trường và an toàn các công trình lân cận.
Điều 4. Trách nhiệm của Nhà thầu khảo sát xây dựng công trình
1. Trước khi tiến hành thi công xây dựng công trình, nhà thầu phải lập phương án Bảo vệ môi trường khu vực xây dựng, không làm ảnh hưởng đến môi trường các khu vực khác và đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận, trình chủ đầu tư phê duyệt.
2. Trong quá trình thi công xây dựng công trình, Nhà thầu phải thực nghiêm các phương án bảo vệ môi trường và an toàn cho các công trình lân cận theo phương án đã được duyệt.
Điều 5. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thực hiện thiết kế xây dựng công trình.
Các tổ chức, cá nhân thực hiện thiết kế xây dựng công trình phải lập phương án bảo vệ môi trường và an toàn các công trình lân cận trong hồ sơ thiết kế và được Chủ đầu tư phê duyệt.
Điều 6. Trách nhiệm của Nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình.
1. Phối hợp với Chủ đầu tư xem xét, thẩm tra phương án bảo vệ môi trường và an toàn các công trình lân cận do các nhà thầu trình để tham mưu cho Chủ đầu tư phê duyệt trước khi thi công xây dựng công trình.
2. Giúp Chủ đầu tư giám sát việc thực hiện của nhà thầu thi công xây dựng công trình theo đúng phương án bảo vệ môi trường và an toàn các công trình lân cận đã được duyệt và các quy định của pháp luật.
3. Phối hợp với Chủ đầu tư giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện khảo sát, xây lắp có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và an toàn các công trình lân cận.
Điều 7. Trách nhiệm của Nhà thầu xây dựng công trình
1. Trước khi xây dựng công trình, nhà thầu xây dựng phải lập phương án Bảo vệ môi trường và an toàn cho các công trình lân cận trình Chủ đầu tư xem xét phê duyệt.
2. Trong quá trình triển khai xây dựng công trình Nhà thầu phải thực hiện nghiêm túc phương án Bảo vệ môi trường khu vực thi công và giải pháp an toàn cho các công trình lân cận đã được chủ đầu tư phê duyệt.
Trong đó cần lưu ý một số vấn đề sau:
a. Điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường đối với các công trình trong đô thị:
- Công trình phải có giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền (trừ những trường hợp công trình được miễn cấp giấy phép xây dựng mà pháp luật đã quy định).
- Phải có hàng rào bảo vệ bao quanh khu vực xây dựng.
- Phải có lưới chắn bao quanh khu vực xây dựng để bụi đất trong quá trình thi công không gây ô nhiễm môi trường các khu vực lân cận ngoài khu vực xây dựng.
- Phải có lan can an toàn đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật khi thi công xây dựng các công trình trên cao.
- Phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ cho công nhân và nhân viên làm việc trong khu vực công trường.
- Vật tư, vật liệu phải được để đúng nơi quy định; không tập kết vật tư, vật liệu lấn chiếm trên vỉa hè, lề đường, lòng đường, gây mất cảnh quan đô thị, môi trường xung quanh và an toàn giao thông.
- Không xả nước thải, nước bẩn ra đường phố gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
- Đảm bảo các yêu cầu khác theo các tiêu chuẩn hiện hành và quy định của pháp luật.
b. Điều kiện khi thi công phần móng công trình hoặc đào đất có nguy cơ sạt lở không đảm bảo an toàn các công trình lân cận:
- Phải có giải pháp ổn định mái đất đào và đắp, chống sạt lở, ảnh hưởng đến tính ổn định các công trình lân cận.
- Phải có giải pháp chông ô nhiễm bụi trong quá trình thi công làm ảnh hưởng môi trường khu vực xây dựng.
3. Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, máy móc, thiết bị, tài sản công trình đang xây dựng, công trình ngầm và các công trình liền kề. Đối với những máy móc, thiết bị phục vụ thi công phải được kiểm định an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
4. Trong quá trình thi công xây dựng công trình nếu có xảy ra những vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng đến môi trường và an toàn các công trình lân cận. Nhà thầu phải bổ sung phương án bảo vệ môi trường và an toàn các công trình lân cận trình Chủ đầu tư phê duyệt bổ sung trước khi thi công tiếp tục.
Điều 8. Ngoài các quy định ở trên, Chủ đầu tư, nhà thầu khảo sát, tổ chức, cá nhân thực hiện thiết kế, nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công xây dựng, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng còn phải thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 29/1999/QĐ-BXD ngày 22/10/1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chế bảo vệ môi trường ngành xây dựng.
Chương III
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 9. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân khi tham gia xây dựng công trình vi phạm quy chế này, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Điều khoản thi hành.
1. Chủ đầu tư, nhà thầu khảo sát, tổ chức, cá nhân thực hiện thiết kế, nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công xây dựng và các tổ chức cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện quy chế này.
2. Sở Xây dựng, Sở giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Tài nguyên & Môi trường, Ủy ban Nhân dân các Huyện và thành Phố Buôn Ma Thuột, Các đơn vị có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng thực hiện quy chế này.
3. Trong quá trình thực hiện quy chế này, nếu có gì vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng để báo cáo Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh DăkLăk xem xét sửa đổi, bổ sung./.
Quyết định 29/1999/QĐ-BXD về Quy chế bảo vệ môi trường ngành Xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Ban hành: 22/10/1999 | Cập nhật: 21/12/2009