Quyết định 736/QĐ-LĐTBXH năm 2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu: | 736/QĐ-LĐTBXH | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội | Người ký: | Đào Ngọc Dung |
Ngày ban hành: | 24/05/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 736/QĐ-LĐTBXH |
Hà Nội, ngày 24 tháng 05 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC QUAN HỆ LAO ĐỘNG VÀ TIỀN LƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cục Quan hệ lao động và Tiền lương là đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Vụ Lao động - Tiền lương và Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động, quan hệ lao động, tiền lương theo quy định của pháp luật.
Cục Quan hệ lao động và Tiền lương có tên giao dịch quốc tế là Department of Industrial Relations and Wage, viết tắt là DIRWA.
Điều 2. Cục Quan hệ lao động và Tiền lương có nhiệm vụ:
1. Nghiên cứu, xây dựng trình Bộ:
a) Các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật về lao động; quan hệ lao động; tiền lương; đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động;
b) Chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm, dự án, đề án về lao động; quan hệ lao động; tiền lương; quản lý hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động;
c) Về lao động:
- Hợp đồng lao động;
- Cho thuê lại lao động;
- Kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất;
- Chính sách lao động trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản, giải thể, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; trong sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước;
- Chế độ, chính sách riêng đối với lao động nữ, lao động là người cao tuổi, lao động là người khuyết tật, lao động chưa thành niên, lao động là người giúp việc gia đình, lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao, lao động nhận công việc về làm tại nhà và một số lao động khác theo quy định của pháp luật.
d) Về quan hệ lao động:
- Đối thoại tại nơi làm việc, quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
- Thương lượng tập thể; thỏa ước lao động tập thể;
- Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tập thể và đình công;
- Tổ chức và hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động, hòa giải viên lao động;
- Chính sách, giải pháp hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công.
đ) Về tiền lương:
- Tiền lương tối thiểu;
- Nguyên tắc xây dựng định mức lao động, thang lương, bảng lương, phụ cấp lương;
- Tiền lương trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động;
- Tiền lương, tiền thưởng và thù lao đối với người lao động, người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước; xác định chi phí lao động trong đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích.
- Tiền lương đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
e) Về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động theo quy định của pháp luật lao động:
- Tiêu chuẩn, điều kiện thành lập.
- Hồ sơ, thủ tục đăng ký, từ chối, thu hồi đăng ký hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động.
- Nguyên tắc tổ chức, hoạt động, tự do liên kết của các tổ chức đại diện người lao động.
- Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức đại diện người lao động.
- Điều lệ mẫu.
- Giải quyết tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động.
g) Quản lý hoạt động dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động, tiền lương.
2. Tham gia phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, quan hệ lao động, tiền lương, đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động.
3. Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực được phân công.
4. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động.
5. Điều tra và công bố định kỳ mức tiền lương bình quân trên thị trường lao động; tổ chức thực hiện công tác thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động và tiền lương.
6. Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực giúp việc Ủy ban Quan hệ lao động; Hội đồng Tiền lương quốc gia.
7. Giúp Bộ thực hiện nhiệm vụ đầu mối quốc gia về lĩnh vực lao động trong quá trình Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế.
8. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý theo sự phân công của Bộ.
9. Thực hiện nghiên cứu khoa học; tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và người làm công tác lao động, tiền lương, quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động và đình công, đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức đại diện người laọ động.
10. Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, xây dựng danh mục vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.
11. Sơ kết, tổng kết, báo cáo định kỳ và đột xuất về lĩnh vực được phân công.
12. Quản lý công chức; viên chức, người lao động, cơ sở vật chất, tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương:
1. Cục Quan hệ lao động và Tiền lương có Cục trưởng và một số Phó Cục trưởng.
2. Các phòng chức năng và đơn vị trực thuộc:
a) Phòng Chính sách lao động;
b) Phòng Quan hệ lao động;
c) Phòng Tiền lương;
d) Văn phòng;
đ) Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động (đơn vị sự nghiệp).
Điều 4. Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương có trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện Quy chế làm việc và quan hệ công tác của Cục; quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng, văn phòng trực thuộc Cục; sắp xếp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho công chức, viên chức trong Cục để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng, trình Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
Điều 5. Cục Quan hệ lao động và Tiền lương có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 7. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Nghị định 14/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Ban hành: 17/02/2017 | Cập nhật: 21/02/2017
Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ Ban hành: 01/09/2016 | Cập nhật: 09/09/2016