Quyết định 7303/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch tuyên truyền chính quyền điện tử qua truyền hình tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2014 - 2018
Số hiệu: 7303/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng Người ký: Văn Hữu Chiến
Ngày ban hành: 21/10/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 7303/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 21 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ QUA TRUYỀN HÌNH TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2014 - 2018

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 10401/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2011 của UBND thành phố về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng mô hình thành phố điện tử tại Đà Nẵng”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 372/TTr-STTTT ngày 01 tháng 10 năm 2013 và theo đề nghị của lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố tại Phiếu trình ngày 11 tháng 10 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tuyên truyền Chính quyền điện tử tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2014-2018.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình; Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT HĐND TP (để b/c);
- VP UBND TP; P.NC-PC, P.KTTH, P.KTN;
- Cổng TTĐT TP;
- Lưu: VT, KTN

CHỦ TỊCH




Văn Hữu Chiến

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ QUA TRUYỀN HÌNH TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2014 - 2018
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 7303/QĐ-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Thành phố Đà Nẵng xác định công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) là mũi nhọn đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, xác định CNTT là phương tiện quan trọng nhất để xây dựng thành công mô hình “Thành phố điện tử” đầu tiên trong cả nước. Để thực hiện chủ trương này, trong suốt hơn 10 năm qua, Đà Nẵng luôn có những chủ trương, chính sách và giải pháp nhằm khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước và cộng đồng. Nhờ đó công tác ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn thành phố ngày càng được xúc tiến mạnh mẽ, mang lại những kết quả thiết thực.

Nhằm tăng cường hơn nữa nhận thức của tổ chức, các nhân về lợi ích của CNTT; sử dụng các dịch vụ, ứng dụng trực tuyến khi giao dịch với các cơ quan nhà nước, qua đó tin tưởng vào những nỗ lực của chính quyền thành phố đối với công cuộc cải cách hành chính và ứng dụng CNTT tại thành phố Đà Nẵng.

UBND thành phố Đà Nẵng xây dựng Kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền Chính quyền điện tử qua truyền hình tại thành phố Đà Nẵng, với những nội dung chính như sau:

A. MỤC TIÊU

I. Mục tiêu tổng quát

Phổ biến cho tổ chức, cá nhân những kiến thức cần thiết về Chính quyền điện tử tại Đà Nẵng nhằm tăng tỉ lệ người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích CNTT trong các giao dịch với chính quyền, hình thành thế hệ công dân điện tử, cơ quan điện tử, làm nền tảng để hướng đến hoàn thiện mô hình chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng.

II. Mục tiêu cụ thể

1. Về tăng cường sử dụng các ứng dụng của Chính quyền điện tử trong người dân

- Giúp người dân hình thành nhận thức ban đầu về mô hình Chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng, hiểu rõ các lợi ích mà Chính quyền điện tử mang lại, nắm bắt được các chức năng, cách thức đăng ký, sử dụng các ứng dụng CNTT và dịch vụ công trực tuyến mà chính quyền cung cấp;

- Bảo đảm đến năm 2018, 80% người dân trên địa bàn thành phố được tuyên truyền, có khả năng nhận thức, tiếp cận và đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tiện ích CNTT của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thành phố.

2. Về tăng cường sử dụng các ứng dụng của Chính quyền điện tử trong tổ chức, đơn vị

- Giúp doanh nghiệp, tổ chức hiểu rõ lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong giao dịch với chính quyền, ứng dụng các dịch vụ Chính quyền điện tử để tăng sức cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động của tổ chức;

- Bảo đảm đến năm 2018, 90% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được tuyên truyền, tiếp cận và đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tiện ích CNTT của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thành phố;

- Duy trì vị trí dẫn đầu về chỉ số giao dịch G2B của Đà Nẵng tại Bảng xếp hạng Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam trong các năm tiếp theo.

3. Tăng tỷ lệ giải quyết dịch vụ công theo phương thức trực tuyến thay cho phương thức trực tiếp (phấn đấu đạt tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến chiếm từ 80% tổng số hồ sơ giải quyết của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thành phố).

4. Thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT tại thành phố Đà Nẵng, phấn đấu đến năm 2018, doanh thu công nghiệp CNTT đạt 5.500 tỷ đồng.

B. ĐỐI TƯỢNG

Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

C. NỘI DUNG

I. Các nội dung tuyên truyền chính

- Khái niệm về Chính quyền điện tử. Kiến trúc tổng thể Chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng;

- Quá trình xây dựng và những thành tựu đạt được của Chính quyền điện tử tại Đà Nẵng;

- Giới thiệu các lợi ích mà Chính quyền điện tử mang lại cho các tổ chức, cá nhân;

- Giới thiệu về các kênh truy cập, các dịch vụ và ứng dụng theo nhóm đối tượng: Nhóm các dịch vụ Chính quyền điện tử hướng tới người dân (G2C); Nhóm các dịch vụ Chính quyền điện tử hướng tới doanh nghiệp (G2B), Chính quyền điện tử hướng tới cơ quan công quyền, tổ chức (G2G);

II. Hình thức tuyên truyền

Các nội dung tuyên truyền nêu trên sẽ được thực hiện liên tục trong 5 năm, từ năm 2014 đến năm 2018, mỗi năm sẽ tổ chức một đợt tuyên truyền kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Nội dung tuyên truyền được truyền tải dưới 3 hình thức:

- Phóng sự Ứng dụng Chính quyền điện tử;

- Chuyên mục Đối thoại bàn tròn;

- Quảng cáo Ứng dụng Chính quyền điện tử.

1. Phóng sự Ứng dụng Chính quyền điện tử

a) Cách thức thực hiện: Thực hiện các phóng sự về ứng dụng Chính quyền điện tử tại các cơ quan nhà nước có cung cấp các ứng dụng Chính quyền điện tử phục vụ cho tổ chức, công dân. Từ năm 2014 đến năm 2018, vào đầu mỗi đợt tuyên truyền sẽ tổ chức phát sóng 01 phóng sự giới thiệu về các dịch vụ Chính quyền điện tử và cuối mỗi đợt tuyên truyền sẽ phát sóng 01 phóng sự tổng kết tình hình sử dụng dịch vụ chính quyền điện tử. Các phóng sự chủ yếu tập trung vào các nội dung sau:

- Giới thiệu các dịch vụ Chính quyền điện tử hướng tới người dân (G2C), bao gồm:

+ Các Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước các cách thức truy cập thông tin về các quy định, chính sách, luật pháp, thông tin về các cơ quan chính quyền, và các hoạt động của cơ quan này;

+ Các dịch vụ công trực tuyến mà chính quyền cung cấp cho người dân: Làm giấy khai sinh/khai tử/hôn nhân, làm mới hoặc gia hạn các loại giấy phép (lái xe, đăng ký quyền sở hữu nhà ở,...), khai thuế, cũng như các dịch vụ trợ giúp người dân trong giáo dục, y tế...

+ Các dịch vụ giúp người dân thể hiện quyền giám sát hoạt động của chính quyền như: các kênh khảo sát mức độ hài lòng của công dân đối với tổ chức, cán bộ viên chức nhà nước, các kênh giao tiếp bằng thư điện tử giữa tổ chức, công dân với cơ quan nhà nước...

- Giới thiệu các dịch vụ Chính quyền điện tử hướng tới doanh nghiệp (G2B), Chính quyền điện tử hướng đến cơ quan công quyền, tổ chức (G2G), bao gồm:

+ Thông tin về chính sách, pháp luật, các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp;

+ Các dịch vụ công trực tuyến cung cấp các doanh nghiệp như: khai thuế, hải quan điện tử, đăng ký kinh doanh, đấu thầu - mua bán trực tuyến,...

- Tổng kết tình hình sử dụng dịch vụ Chính quyền điện tử tính đến thời điểm kết thúc các đợt tuyên truyền hằng năm.

b) Thời gian xây dựng phóng sự: Tháng 3 và tháng 8 hàng năm.

c) Tổng số phóng sự được xây dựng trong 5 năm: 7 phóng sự. Trong đó, năm 2014 và 2015, mỗi năm thực hiện 2 phóng sự, từ năm 2016 trở đi mỗi năm chỉ thực hiện 1 phóng sự.

d) Thời gian phát sóng: Tháng 4 và tháng 9 hằng năm, mỗi tháng phát 1 phóng sự, mỗi phóng sự được phát 02 lần trong tháng.

e) Thời lượng: 15 phút/ 01 phóng sự.

2. Chuyên mục Đối thoại bàn tròn

a) Cách thức thực hiện: Tại mỗi chuyên mục, mời các chuyên gia, doanh nghiệp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan đến lĩnh vực Chính quyền điện tử tham gia nhằm thảo luận về chính sách, chủ trương, giải pháp phát triển Chính quyền điện tử. Chuyên mục cũng là nơi người dân có thể đặt các câu hỏi thắc mắc, gửi về theo địa chỉ hòm thư trực tuyến hoặc hòm thư bưu điện của chuyên mục để được những người được mời tham gia thảo luận giải đáp.

b) Thời gian xây dựng chuyên mục: Tháng 3 hăng năm.

c) Tổng số chuyên mục được xây dựng trong 5 năm: 30 chuyên mục (mỗi năm 6 chuyên mục).

d) Thời gian phát sóng: Từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm, mỗi tháng phát sóng 01 chuyên mục, mỗi chuyên mục phát 02 lần/ tháng.

e) Thời lượng; 30 phút/ 01 chuyên mục.

3. Quảng cáo Ứng dụng Chính quyền điện tử

a) Cách thức thực hiện: Phát các thông điệp quảng cáo ngắn nhằm khuyến khích người dân sử dụng các ứng dụng Chính quyền điện tử. Các thông điệp quảng cáo tập trung truyền tải các thông điệp tuyên truyền, giới thiệu địa chỉ truy cập các ứng dụng, giới thiệu Trung tâm dịch vụ hành chính công thành phố Đà Nẵng.

b) Thời gian xây dựng quảng cáo: Tháng 3 hằng năm.

c) Tổng số đoạn quảng cáo được xây dựng trong 5 năm: 10 đoạn quảng cáo (mỗi năm 02 đoạn quảng cáo).

d) Thời gian phát sóng: Phát sóng xen kẽ các đoạn quảng cáo trong 3 tháng 4, 7, 9 hằng năm, mỗi tháng phát 7 ngày liên tiếp, mỗi ngày 3 lần.

e) Thời lượng: 15 giây/ 01 đoạn quảng cáo.

D. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Từ năm 2014 đến năm 2018 (05 năm).

E. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Dự kiến kinh phí triển khai Kế hoạch trong 05 năm là: 2.361.740.000 đồng. Trong đó, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng tự cân đối 75% kinh phí (tương đương 1.555.430.000 đồng), ngân sách thành phố cấp 25% (tương đương 806.310.000 đồng).

Chi tiết dự toán kinh phí hàng năm tại Phụ lục đính kèm Kế hoạch này.

F. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Sở Thông tin và Truyền thông

- Hằng năm, trên cơ sở Kế hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng xây dựng dự toán kinh phí thực hiện gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND thành phố;

- Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng xây dựng phóng sự, nội dung thông điệp, quảng cáo và kế hoạch thực hiện chuyên mục cho từng tháng và cả năm;

- Làm đầu mối liên lạc với các đơn vị có liên quan trong việc ứng dụng chính quyền điện tử tại địa phương để thu thập thông tin, cung cấp nội dung thực hiện chuyên mục đúng định kỳ, tạo điều kiện cho phóng viên của đài truyền hình thực hiện phóng sự, chuyên mục;

- Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng duyệt và cho ý kiến điều chỉnh nội dung chuyên mục hàng tháng trước khi cho phát sóng;

- Chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí cho đài truyền hình dựa theo các thỏa thuận trong hợp đồng.

II. Sở Tài chính

Hằng năm, trên cơ sở dự toán do Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị, Sở Tài chính thẩm định và tùy theo khả năng cân đối ngân sách, trình UBND thành phố bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch.

III. Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (Đài DRT)

- Triển khai xây dựng nội dung, tổ chức phát sóng chuyên mục đúng theo thời gian quy định tại Kế hoạch này. Nếu do yêu cầu thay đổi, điều chỉnh cơ cấu tổng thể chương trình của Đài mà phải điều chỉnh giờ phát sóng thì phải báo cáo UBND thành phố và thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp điều chỉnh kịp thời;

- Nghiên cứu, lồng ghép phát sóng các phóng sự, quảng cáo về chính quyền điện tử trong Chuyên mục cải cách hành chính được phát sóng định kỳ hàng tuần trên Đài DRT hiện nay để tăng cường hiệu quả tương tác và tuyên truyền đối với công dân, doanh nghiệp;

- Có trách nhiệm cử phóng viên thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu các hoạt động của Sở Thông tin và Truyền thông, có trách nhiệm hoàn thành nội dung công việc mà hai bên đã thống nhất;

- Cung cấp đĩa lưu từng chương trình phát sóng cho Sở Thông tin và Truyền thông.

IV. Các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, phường, xã, Trung tâm Giao dịch Công nghệ thông tin - Truyền thông thành phố:

- Cung cấp các thông tin liên quan đến các dịch vụ Chính quyền điện tử đã triển khai tại đơn vị mình như: Một cửa điện tử, các dịch vụ công trực tuyến... cho Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp và gửi cho Đài DRT phục vụ cho việc xây dựng chuyên đề;

- Tạo điều kiện thuận lợi, bố trí cán bộ hỗ trợ Đài DRT khi nhà đài về đơn vị quay phim và xây dựng các chuyên mục, các phóng sự, các đoạn quảng cáo tuyên truyền Chính quyền điện tử./.


PHỤ LỤC

DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN TUYÊN TRUYỀN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ QUA TRUYỀN HÌNH TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2014 - 2018

Đơn vị tính: VNĐ

STT

Các chức danh tham gia sản xuất

Số lượng

Đơn giá

Giá trị (điểm)

Thành tiền

Đài DRT tự cân đối 75%

Ngân sách T/phố cấp

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)=(5)x6.300(*)

(7) = (6)x75%

(8) = (6)-(7)

(9)

I

Phóng sự ứng dụng Chính quyền điện tử

 

 

 

130.474.095

97.855.572

32.618.524

 

1

Tổ chức Sản xuất & Biên tập (a)

2

670

1.340

8.442.000

6.331.500

2.110.500

 

2

Kịch bản, Đạo diễn, Cơ cấu chương trình (b)

2

2.846

5.692

35.859.600

26.894.700

8.964.900

 

3

Quay phim (c)

2

670

1.340

8.442.000

6.331.500

2.110.500

 

4

Phát thanh viên (d)

d = 10% x (a+b+c)

2

419

837

5.274.360

3.955.770

1.318.590

 

5

Đạo diễn biên tập chương trình (e)

e = 11.8% x (a+b+c+d)

2

543

1.087

6.846.119

5.134.589

1.711.530

 

6

Kỹ thuật Sản xuất & truyền dẫn (f)

f = 49% x (a+b+c+d+e)

2

2.522

5.045

31.783.399

23.837.549

7.945.850

 

7

Khối Quản lý (g)

g = 35% x (a+b+c+d+e+f)

 

 

5.369

33.826.617

25.369.963

8.456.654

 

II

Quảng cáo Chính quyền điện tử

 

 

 

126.000.000

94.500.000

31.500.000

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6) = (4)x(3)

(7) = (6)x75%

(8) = (6)-(7)

(9)

 

Phát sóng (3 lần x 7 ngày x 3 tháng = 63 lần/năm)

63

2.000.000

 

126.000.000

94.500.000

31.500.000

 

III

Chuyên mục đối thoại bàn tròn thời lượng 30 phút

 

 

 

215.874.000

118.730.700

97.143.300

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)=(5)x6.300(*)

(7)=(6)*75%

(8)=(6)-(7)

(9)

1

Chịu trách nhiệm tổng thể

6

200

1.200

7.560.000

4.158.000

3.402.000

 

2

Chịu trách nhiệm nội dung

6

160

960

6.048.000

3.326.400

2.721.600

 

3

Chịu trách nhiệm kỹ thuật

6

160

960

6.048.000

3.326.400

2.721.600

 

4

Tổ chức Sản xuất & Biên tập

6

240

1.440

9.072.000

4.989.600

4.082.400

 

5

Kịch bản

6

480

2.880

18.144.000

9.979.200

8.164.800

 

6

Đạo diễn

6

480

2.880

18.144.000

9.979.200

8.164.800

 

7

Trợ lý đạo diễn (1 người)

6

200

1.200

7.560.000

4.158.000

3.402.000

 

8

Quay phim (3 người)

6

600

3.600

22.680.000

12.474.000

10.206.000

 

9

Kỹ thuật Sản xuất & truyền dẫn

6

1.050

6.300

39.690.000

21.829.500

17.860.500

 

10

Dẫn chương trình

6

240

1.440

9.072.000

4.989.600

4.082.400

 

11

Đạo diễn hình

6

280

1.680

10.584.000

5.821.200

4.762.800

 

12

Sắp xếp, cơ cấu chương trình

6

80

480

3.024.000

1.663.200

1.360.800

 

13

Lái xe, chủ nhiệm

6

120

720

4.536.000

2.494.800

2.041.200

 

14

phóng sự đồng hành

6

240

1.440

9.072.000

4.989.600

4.082.400

 

15

Khối Quản lý

6

800

4.800

30.240.000

16.632.000

13.608.000

 

16

Chi phí hiện trường

6

2.400

14.400

14.400.000

7.920.000

6.480.000

 

 

Cộng 01 năm

 

 

 

472.348.000

311.086.000

161.262.000

 

 

Tổng cộng 05 năm (2014 - 2018)

 

 

 

2.361.740.000

1.555.430.000

806.310.000

 

Ghi chú: (*): Đơn giá 01 điểm = Lương tối thiểu x 1% x (100% - 40%) x 100% = 6.300 đồng.

Trong đó: (100% - 40%): Mức trừ lương cơ bản.