Quyết định 7303/QĐ-UBND năm 2008 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU
Số hiệu: | 7303/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Đà Nẵng | Người ký: | Trần Phước Chính |
Ngày ban hành: | 09/09/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, hợp tác xã, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7303/QĐ-UBND |
Đà Nẵng, ngày 09 tháng 09 năm 2008 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30 tháng 10 năm 2007 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về phương hướng củng cố, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2007-2015;
Xét nội dung Công văn số 892/SNN-KT ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/10/2007 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố thống nhất ý kiến tại cuộc họp giao ban ngày 18 tháng 8 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/10/2007 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về việc củng cố, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2008-2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Hội đồng liên minh các HTX thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02-NQ/TU NGÀY 30/10/2007 CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY ĐÀ NẴNG
Về phương hướng củng cố, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008 - 2015.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 7303/QĐ-UBND ngày 9 tháng 9 năm 2008 của UBND thành phố)
MỤC TIÊU CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG NÔNG NGHIỆP, GIAI ĐOẠN 2008 - 2015
Kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn từ năm 2008 đến 2015 phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu quan trọng sau:
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khu vực kinh tế tập thể trong nông nghiệp đạt 5%/năm;
- Không có hợp tác xã nông nghiệp (sau đây viết tắt là HTX) yếu kém, hoạt động không có hiệu quả;
- Một số HTX phát triển được các dịch vụ mới, phát triển ngành, nghề, làng nghề nông thôn;
- Thành lập mới các loại hình HTX theo hướng chuyên canh sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với thị trường, phát triển mạnh các tổ hợp tác đa dạng trong nông nghiệp, thủy sản…;
- Cơ bản chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt và xây dựng đội ngũ cán bộ dự nguồn ở các HTX;
- Các hợp tác xã yếu kém, không thể duy trì hoạt động tiến hành giải thể dứt điểm trước ngày 31/12/2010, vận động thành lập HTX mới phù hợp với yêu cầu thực tế.
I. Công tác tổ chức học tập, phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết:
- Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 13/8/2002 của BCH Trung ương khóa IX, Luật Hợp tác xã năm 2003, các văn bản hướng dẫn, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 02 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của HTX, những chính sách ưu đãi và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp;
- Đối tượng tuyên truyền là cán bộ các cấp, các ngành, các đoàn thể, xã viên; trong đó chú ý nhất là cán bộ cấp xã, phường, quận, huyện, cán bộ các sở, ngành có liên quan đến việc quản lý, hướng dẫn, tham mưu đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật của nhà nước đối với các HTX;
- Hình thức tổ chức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng như tổ chức học tập quán triệt, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng;
- Hàng năm, thành phố bố trí kinh phí từ các nguồn để hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách liên quan đến HTX.
…
II. Kế hoạch củng cố các HTX hiện có:
1. Đối với các HTX loại khá:
- Về tổ chức bộ máy: Kiện toàn, tổ chức bộ máy tinh gọn, phù hợp với quy mô, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của từng HTX; đồng thời nâng cao chất lượng cán bộ quản lý HTX.
Các HTX khá là những HTX có nhiều hoạt động dịch vụ sản xuất kinh doanh, đội ngũ cán bộ phụ trách chuyên môn nghiệp vụ trong từng lĩnh vực cần được thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao trình độ tổ chức quản lý HTX.
- Tổ chức sản xuất kinh doanh:
+ Đảm bảo các dịch vụ cần thiết phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
+ HTX phải từng bước xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất để nâng cao đời sống của xã viên và phải đáp ứng nhu cầu của thị trường theo hướng sản xuất hàng hóa; trên cơ sở đất đai, lao động, chi phí sản xuất vẫn do hộ xã viên quản lý, nhưng kế hoạch sản xuất và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm do HTX điều hành;
+ Mở rộng sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: rau an toàn, hoa, nấm, phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc tập trung tại các khu chăn nuôi tập trung đã quy hoạch; đồng thời mở thêm các dịch vụ mới như vận tải, dịch vụ thương mại, các dịch vụ phục vụ đời sống hàng ngày;
+ Có thể tách những vùng, những hộ có diện tích sản xuất các loại rau, màu để thành lập các HTX chuyên canh rau an toàn riêng với quy mô 10 - 30 ha cho mỗi HTX.
2. Đối với HTX loại trung bình:
- Về tổ chức bộ máy:
+ Củng cố bộ máy quản lý HTX từ 4 - 5 người (01 chủ nhiệm, 01 phó chủ nhiệm, 01 trưởng ban kiểm soát, 01 kế toán trưởng, 01 kế toán viên). Ngoài ra, đối với các HTX có các dịch vụ hoạt động sản xuất nấm, rau, quả… thì cần có cán bộ chuyên môn tùy theo yêu cầu công việc.
- Tổ chức sản xuất:
+ Cần xác định lại phương hướng sản xuất phù hợp với điều kiện mới: Xây dựng kế hoạch, bố trí địa điểm, điều hành sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,… phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất của xã viên và nhu cầu của thị trường trên cơ sở đất đai, lao động và chi phí sản xuất vẫn do hộ xã viên quản lý.
+ Đảm bảo một số dịch vụ chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện của HTX.
+ Tùy theo tình hình tài chính, nhân lực, điều kiện cụ thể của từng HTX, từng địa phương (nhất là các HTX có mặt bằng) có thể mở thêm các dịch vụ mới như: vận tải, thương mại, các dịch vụ phục vụ đời sống …
3. Đối với các HTX yếu, kém:
Các HTX yếu kém chỉ tồn tại mang tính hình thức, ít có tác dụng đối với sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế hộ xã viên thì tiến hành giải thể, vận động thành lập các HTX mới với quy mô vừa và nhỏ theo hướng chuyên canh của nhóm hộ.
III. Kế hoạch thành lập các HTX mới:
1. Phương châm thành lập HTX mới:
- Thành lập HTX mới theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa;
- Quy mô vừa và nhỏ phù hợp với trình độ quản lý của cán bộ HTX;
- Gắn được kế hoạch sản xuất với kế hoạch tiêu thụ và nhu cầu của thị trường;
- Gắn liền lợi ích của xã viên và lợi ích HTX.
2. Hình thức tổ chức:
- Tổ chức bộ máy:
+ Các sáng lập viên được đào tạo một cách cơ bản, được cung cấp kiến thức về nguyên tắc hoạt động, quản lý HTX;
+ Số lượng, quyền lợi, nghĩa vụ… của xã viên theo Luật Hợp tác xã; xã viên phải có trách nhiệm gắn kết với HTX;
+ Các cán bộ của Ban quản trị từ 4 - 5 người, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ về quản lý và tổ chức sản xuất kinh doanh.
- Tổ chức sản xuất kinh doanh:
+ Các hoạt động sản xuất kinh doanh do HTX đề ra phải phù hợp với nguồn nhân lực, tài lực, nguyện vọng của xã viên và nhu cầu của thị trường;
+ HTX phải có phương án sản xuất kinh doanh ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn;
+ Hàng tháng, hàng quý các cán bộ của Ban quản trị phải tổ chức họp để xem xét đánh giá các hoạt động dịch vụ đã, đang và sắp thực hiện.
- Tổ chức tài chính:
+ Về tài chính phải rõ ràng, minh bạch và công khai trước xã viên; hàng năm tổng kết báo cáo tài chính để xã viên nắm được tình hình hoạt động của HTX;
+ Tùy theo quy mô của từng HTX, có thể có cả kế toán trưởng, kế toán viên và thủ quỹ.
3. Thành lập mới một số HTX:
Từ nay đến năm 2010, các địa phương tùy theo tình hình thực tế vận động thành lập một số HTX trên địa bàn.
Các HTX mới thành lập tổ chức các hoạt động dịch vụ tùy theo mục tiêu và điều kiện cụ thể của từng HTX, theo hướng:
- Dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, giống cây nông lâm nghiệp và trồng rừng;
- Dịch vụ mua bán, sản xuất chế biến nông lâm thủy sản;
- Dịch vụ ăn uống, giải khát phục vụ du lịch sinh thái và khách đường bộ trên tuyến đường Bắc Nam;
- Dịch vụ sửa chữa máy móc nông nghiệp và ô tô cơ giới;
- Tổ chức xây dựng kinh doanh xăng dầu nhiên liệu ô tô, cơ giới;
- Dịch vụ mua bán vật liệu xây dựng;
- Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ hoa, cây cảnh.
4. Tổ chức chỉ đạo điểm một số HTX:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và quận, huyện tổ chức chỉ đạo điểm các loại hình HTX và HTX thành lập mới về tổ chức bộ máy, tổ chức sản xuất kinh doanh để giúp các HTX có phương pháp quản lý và phương hướng sản xuất phù hợp nhất;
- Nội dung chỉ đạo điểm, chọn điểm, thời gian thực hiện…, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các quận, huyện tổ chức thực hiện;
- Việc chỉ đạo điểm đến năm 2010 phải kết thúc và tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm.
IV. Một số chính sách hỗ trợ củng cố và phát triển HTX:
1. Nâng cao năng lực và đào tạo nguồn nhân lực:
a) Chính sách thu hút nguồn nhân lực: Thực hiện theo chính sách thu hút nguồn nhân lực của thành phố.
Để động viên lực lượng trẻ có năng lực và trình độ chuyên môn về làm việc cho các HTX trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, thực hiện các chính sách đãi ngộ như sau:
- Những người tốt nghiệp đại học (chính quy) trở lên tự nguyện đến công tác tại HTX được hưởng nguyên lương, nếu làm việc có hiệu quả sẽ được nâng bậc lương trước thời hạn. Sau thời gian phục vụ tại HTX tối thiểu 05 năm sẽ được ưu tiên bố trí chuyển công tác, nếu có nguyện vọng gắn bó lâu dài với HTX sẽ được ưu tiên ứng cử vào Ban quản trị HTX;
- Khuyến khích các HTX thu hút thợ giỏi, nghệ nhân, công nhân lành nghề về làm việc;
Sau khi được tiếp nhận và bố trí công việc, ngoài việc hưởng lương và phụ cấp theo ngạch, bậc do Nhà nước quy định hoặc theo hợp đồng, còn được thành phố trợ cấp một lần cho từng đối tượng với mức sau:
+ Sinh viên tốt nghiệp đại học (chính quy) hoặc cao hơn: 7.000.000 đồng/người.
+ Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng (chính quy): 5.000.000 đồng/người.
+ Sinh viên tốt nghiệp trung cấp, thợ giỏi, công nhân lành nghề: 3.000.000 đồng/người.
Ngoài ra, các đối tượng trên còn được hưởng trợ cấp có thời hạn (thời hạn hưởng trợ cấp là 24 tháng kể từ ngày nhận nhiệm vụ) với các mức sau:
+ Sinh viên tốt nghiệp đại học (chính quy), nghệ nhân: trợ cấp 400.000 đồng/người/tháng.
+ Sinh viên tốt nghiệp trung cấp, thợ giỏi, lành nghề: trợ cấp 200.000 đồng/người/tháng.
Trường hợp nếu nghỉ công tác khi chưa đủ thời gian quy định (5 năm) thì phải hoàn trả lại cho ngân sách thành phố các khoản kinh phí trợ cấp nêu trên. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về việc chi các khoản trợ cấp đã nêu.
- Khuyến khích các cán bộ trẻ ở các Sở, ban, ngành xuống làm việc tại HTX có thời hạn. Đối với các cán bộ này, ngoài việc hưởng mức lương công chức theo ngạch, được hỗ trợ thêm trợ cấp hàng tháng là 500.000 đồng/người và còn được hưởng thù lao công việc của HTX;
- Lương cơ bản của Ban chủ nhiệm HTX do Đại hội xã viên quyết định; ngoài mức lương cơ bản, nếu mở rộng hoạt động có doanh thu và lãi nhiều thì được hưởng theo tỷ lệ phần trăm kết quả sản xuất kinh doanh, không hạn chế mức thưởng tối đa;
- Khi điều động cán bộ HTX nằm trong Ban quản trị sang cơ quan khác phải có sự đồng ý của đại biểu xã viên, đồng thời phải có ngay cán bộ dự nguồn thay thế hoặc chính cơ quan điều động bổ sung người phù hợp mới được điều động.
b. Chính sách đào tạo nguồn nhân lực:
Việc đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ HTX là việc cần thiết. Do vậy, cần thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho HTX với các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX như sau:
- Đối tượng bồi dưỡng, đào tạo:
+ Các chức danh trong Ban Quản trị, Ban Chủ nhiệm, Ban kiểm soát, Kế toán;
+ Cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật.
- Hỗ trợ đào tạo ngắn ngày, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ, cụ thể:
+ 100% chi phí học tập (tiền tài liệu, tiền thuê hội trường, tiền thuê giáo viên, tiền mua nước uống);
+ Tiền ăn;
+ 100% chi phí lưu trú trong suốt thời gian đào tạo, bồi dưỡng; vé đi; vé về một lượt bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ máy bay) đến cơ sở bồi dưỡng nếu được đào tạo, bồi dưỡng ngoài phạm vi thành phố; trường hợp đào tạo trong phạm vi thành phố, HTX tự lo kinh phí đi lại và chi phí lưu trú.
Số lượng cán bộ HTX, nội dung bồi dưỡng, tập huấn ngắn ngày căn cứ nhu cầu hàng năm của các HTX, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quận, lập kế hoạch và dự trù kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.
- Hỗ trợ đào tạo dài hạn:
+ Cán bộ đang công tác tại HTX, cán bộ dự nguồn chưa qua đào tạo cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp nằm trong diện quy hoạch cần đào tạo nếu cử đi đào tạo dài ngày được ngân sách thành phố hỗ trợ 100% tiền học phí, tiền tàu xe đi về trong mỗi khóa học và hàng tháng được hỗ trợ tối đa 01 tháng lương cơ bản;
+ Có cam kết sau thời gian đào tạo phải làm việc cho HTX ít nhất 05 năm, nếu vi phạm cam kết phải bồi thường gấp 5 lần số kinh phí hỗ trợ đi đào tạo. Giao UBND các quận, huyện thu hồi khoản kinh phí bồi thường nêu trên; trường hợp UBND các quận, huyện không thu hồi được, giao Sở Tài chính khấu trừ vào nguồn kinh phí do ngân sách thành phố phân bổ cho các quận, huyện.
c. Tham quan học tập:
- Đối tượng: Ban quản lý HTX nông nghiệp.
- Nội dung: Tham quan, học tập mô hình kinh tế tập thể sản xuất kinh doanh có hiệu quả trong nước, nước ngoài:
+ Tham quan, học tập mô hình trong nước: ngân sách thành phố hỗ trợ 100% chi phí (bao gồm: tiền ăn, tiền ở, tiền vé xe đi và về). Mỗi chuyến tham quan tối đa không quá 05 ngày trên 1 năm cho 1 người;
+ Tham quan, học tập mô hình các nước trong khu vực: ngân sách thành phố hỗ trợ tối đa 50% kinh phí, số còn lại các HTX, cá nhân tự lo. Mỗi chuyến tham quan tối đa không quá 10 ngày trên 3 năm công tác cho một người.
- Hàng năm, căn cứ nhu cầu, phương án sản xuất kinh doanh của HTX, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, trình UBND thành phố bố trí kinh phí tổ chức, thực hiện.
2. Chính sách đất đai:
a) HTX có nhu cầu sử dụng đất để xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi; các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tại các khu vực ngoài phạm vi HTX được thành phố quy hoạch làm các khu chăn nuôi tập trung; cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nhưng chưa được giao đất thì làm thủ tục giao đất. UBND thành phố xem xét giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thu tiền cho HTX. Diện tích đất được cấp căn cứ vào phương án sản xuất kinh doanh đã được thẩm định và tùy thuộc điều kiện của từng địa phương. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã nêu không được dùng vào việc mua bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp. Khi HTX giải thể hoặc do yêu cầu phát triển kinh tế xã hội thì thành phố sẽ thu hồi;
b) Đối với đất để làm trụ sở và quầy hàng, HTX nào có khả năng tài chính và nhu cầu, UBND thành phố sẽ giao đất có thu tiền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất đã được cấp (diện tích giới hạn theo quy định của Nhà nước). Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã nêu có giá trị như một tài sản cố định hữu hình, HTX có thể mua bán, cầm cố, thế chấp. Giá giao quyền sử dụng đất được tính theo khung giá nhà nước hiện hành;
c) Tùy theo phương án mở rộng sản xuất kinh doanh được UBND quận, huyện thẩm định, thành phố xem xét và giao cho các HTX diện tích đất ở những vị trí thuận lợi cho hoạt động giao dịch, sản xuất kinh doanh. Việc thu hồi và bố trí đất với các HTX phải thực hiện theo quy định của pháp luật;
d) HTX có quyền lựa chọn hình thức giao đất không thu tiền và hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất;
đ) Những khu đất có công trình trước đây hình thành từ vốn của các HTX (cơ sở chăn nuôi, cơ sở dịch vụ, lò gạch, ao cá, …) đã bàn giao cho các tổ chức khác, nhưng chưa sử dụng vào mục đích khác, nếu HTX có nhu cầu sử dụng thì thành phố sẽ xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể. Các HTX đã được bố trí đất, nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng thì lập thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận theo đúng quy định;
e) Khuyến khích vào tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất để hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, hình thành đội ngũ doanh nhân trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp, làm hạt nhân cho kinh tế hộ và các đối tượng kinh tế xã hội khác phát triển. Ngoài diện tích được giao, HTX có quyền được thuê đất của các tổ chức cá nhân khác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
3. Thuế:
Đối với các HTX mở rộng sản xuất kinh doanh dịch vụ mới, phát triển ngành nghề, chế biến nông sản, … được xem xét miễn các loại thuế theo đúng quy định của pháp luật.
4. Tài chính, công nợ:
a) Tiếp tục rà soát để xóa nợ dứt điểm cho các HTX từ năm 1996 trở về trước theo quy định của Chính phủ (Công văn số 1506/TTg-KHTH ngày 10/10/2006 của Chính phủ). Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục thuế thành phố, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan đề xuất xử lý theo các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương;
b) Hoàn trả phần giá trị còn lại thực tế của công trình điện (trung thế), cấp nước được xây dựng từ vốn của HTX và xã viên cho các HTX;
c) Các HTX xử lý nợ nội bộ kết hợp với việc củng cố tư cách xã viên theo luật HTX:
- Tiến hành thực hiện theo Nghị quyết Đại hội xã viên hoặc Đại hội Đại biểu xã viên;
- Các khoản nợ nội bộ HTX nên giải quyết nhanh, làm lành mạnh tài chính của HTX, không để tình trạng nợ đọng kéo dài.
d) Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trên địa bàn thành phố để hỗ trợ vốn tạo điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh cho các HTX, giảm bớt gánh nặng lãi suất khi vay từ ngân hàng.
5. Bảo hiểm xã hội:
- Đối với cán bộ quản lý HTX, những người lao động làm việc thường xuyên trong HTX được HTX trả lương có đủ 2 điều kiện: có hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên, mức lương do HTX trả bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định thì HTX phải đóng BHXH và BHYT bắt buộc theo Luật Bảo hiểm xã hội.
- Đối với lao động làm việc từ trước năm 1996, đến nay vẫn làm việc tại HTX, khi được nghỉ việc (không vì lý do kỷ luật) được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần theo các chức danh:
+ Chủ nhiệm: hỗ trợ 01 tháng lương tối thiểu cho mỗi năm công tác.
+ Phó chủ nhiệm, Kế toán trưởng, Trưởng Ban Kiểm soát: hỗ trợ 0,8 tháng lương tối thiểu cho mỗi năm công tác.
+ Cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của HTX: hỗ trợ 0,7 tháng lương tối thiểu cho mỗi năm công tác.
+ Tổ, đội trưởng: hỗ trợ 0,6 tháng lương tối thiểu cho mỗi năm công tác.
Chức danh và mức lương tối thiểu làm căn cứ để hỗ trợ được xác định vào thời điểm cán bộ nghỉ việc.
6. Khuyến khích vào tạo mọi điều kiện phát triển ngành nghề nông thôn:
a) Khuyến khích các HTX lập dự án xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề… Tùy theo quy mô và tính chất dự án được các cơ quan chức năng thẩm định sẽ được nhà nước hỗ trợ vốn đối ứng, vay ưu đãi,… Các ngành, nghề nông thôn được áp dụng chính sách khuyến khích phát triển bao gồm:
- Sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn:
- Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản;
- Sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ ở nông thôn;
- Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn;
- Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ;
- Tổ chức dịch vụ xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất và đời sống dân cư nông thôn.
- Khuyến khích các HTX tham gia hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm ngành nghề nông thôn và tiến hành bình chọn những sản phẩm đặc sắc. Sản phẩm ngành nghề nông thôn của các HTX tham gia hội chợ được ngân sách xem xét hỗ trợ 1 phần kinh phí thuê mặt bằng.
- Hỗ trợ các HTX nông nghiệp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của làng nghề. Mỗi HTX khi tiến hành xây dựng thương hiệu được thành phố hỗ trợ một phần chi phí.
- Các HTX được tạo điều kiện để giới thiệu sản phẩm của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Khuyến khích các HTX thu hút người lao động là xã viên, hộ nông dân bị mất đất nông nghiệp tại địa phương.
- Khuyến khích các nghệ nhân tổ chức các lớp truyền nghề có thu tiền cho lao động ngành, nghề của HTX: thành phố hỗ trợ 30% chi phí truyền nghề, học viên đóng 20%, HTX đóng 50%.
- Các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường phải xây dựng kế hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, làng nghề… để định hướng cho HTX và các thành phần kinh tế tham gia thực hiện.
b) Các HTX xây dựng dự án, chế biến nông lâm sản, cơ khí nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề,… và thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được Nhà nước hỗ trợ vốn đối ứng hoặc cho vay ưu đãi để thực hiện;
c) Đối với các HTX không có điều kiện đảm bảo tiền vay bằng tài sản để cầm cố, thế chấp thì được vay vốn theo quy định về hoạt động bảo lãnh bằng tài sản bên thứ ba;
d) Thành lập Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông - lâm - thủy sản và ngành nghề nông thôn đặt tại Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn để tổ chức, thực hiện.
7. Ứng dụng khoa học - công nghệ:
- Hàng năm, Sở Khoa học Công nghệ liên kết với các trường, trung tâm để nghiên cứu đổi mới công nghệ, nhất là giống cây con, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm,… để chuyển giao, hướng dẫn cho HTX.
- Khuyến khích, tạo điều kiện cho HTX tổ chức triển khai các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với quy mô và năng lực của HTX.
- Hỗ trợ một phần kinh phí cho các HTX, xã viên tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ về cây, con giống, các biện pháp khoa học kỹ thuật, sinh học…
8. Hỗ trợ HTX mới thành lập:
HTX mới được thành lập được hỗ trợ tối đa 25.000.000 đồng/HTX. Nội dung chi hỗ trợ bao gồm:
- Chi hỗ trợ tài liệu cho học viên, chi thuê giảng viên, báo cáo viên, thuê hội trường, chi phí ăn, ở, đi lại cho giảng viên, nước uống cho học viên… để tổ chức các lớp hướng dẫn tập trung với thời gian tối đa là 05 ngày;
- Chi tư vấn trực tiếp đối với các sáng lập viên, đại diện HTX chuẩn bị thành lập: tư vấn kiến thức về HTX, xây dựng Điều lệ HTX, hoàn thiện các thủ tục để thành lập, đăng ký kinh doanh, xây dựng phương hướng sản xuất kinh doanh của HTX.
V. Kinh phí thực hiện: Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch đến năm 2010 khoảng: 21.500 triệu đồng, trong đó:
a) Vốn ngân sách thành phố khoảng: 7.400 triệu đồng
b) Vốn vay của HTX khoảng: 14.000 triệu đồng
c) Các nguồn vốn khác khoảng: 100 triệu đồng
Vốn ngân sách thành phố chủ yếu chi cho các nội dung:
- Học tập, tuyên truyền;
- Hỗ trợ thành lập HTX mới;
- Hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực;
- Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực (đào tạo, bồi dưỡng);
- Tham quan học tập;
- Hỗ trợ cán bộ HTX lâu năm khi nghỉ việc;
- Hỗ trợ thành lập Trung tâm giới thiệu nông sản phẩm tại Chi cục Hợp tác xã thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Hỗ trợ vốn đối ứng, cho vay ưu đãi để: xây dựng dự án, chế biến nông lâm sản, cơ khí nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp,…
I. Tổ chức thực hiện:
1. UBND quận, huyện:
- Hàng năm tập hợp nhu cầu đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ của các HTX gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Sở tổng hợp, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân bổ kinh phí thực hiện;
- Chỉ đạo các xã, phường tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận trụ sở, mặt bằng sản xuất cho các HTX;
- Hướng dẫn thủ tục thành lập mới, đăng ký kinh doanh cho HTX, quyết định việc hỗ trợ thành lập mới HTX trên cơ sở đơn đề nghị của sáng lập viên và xác nhận của UBND xã, phường nơi HTX chuẩn bị thành lập;
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành xây dựng các chương trình, đề án phát triển ngành, nghề nông thôn, phát triển HTX, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động của HTX.
2. Sở Công Thương:
- Hỗ trợ các HTX có nhu cầu phát triển tiểu thủ công nghiệp, khuyến công…;
- Hỗ trợ các HTX tiêu thụ nông sản, nhất là rau an toàn;
- Tạo điều kiện về địa điểm tiêu thụ sản phẩm ở các chợ cho các HTX có nhu cầu.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp;
- Hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác lập các dự án và tham gia các chương trình khuyến ngư - nông - lâm;
- Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các HTX áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phòng trừ dịch bệnh;
- Phối hợp với Sở Nội vụ trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX;
- Thành lập bộ phận xúc tiến thương mại và thị trường cho kinh tế tập thể nông nghiệp;
- Tổ chức tham quan học tập các mô hình sản xuất và kinh doanh nông nghiệp có hiệu quả trong và ngoài nước cho các cán bộ HTX;
- Theo dõi, báo cáo định kỳ 6 tháng 1 lần cho UBND thành phố: đề xuất tổ chức Hội nghị hàng năm để đánh giá kết quả triển khai thực hiện, rút kinh nghiệm.
4. Sở Tài nguyên - Môi trường:
- Tiếp tục triển khai việc giải quyết mặt bằng, đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho HTX.
- Hướng dẫn các HTX, làng nghề trong công tác bảo vệ môi trường.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:
- Bố trí kế hoạch kinh phí triển khai, thực hiện hàng năm cho các sở, ngành, đơn vị có liên quan;
- Phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuế thành phố và UBND các quận, huyện để xử lý nợ đọng ở các HTX.
6. Sở Khoa học công nghệ:
- Hàng năm nghiên cứu đưa các đề tài khoa học trong công tác giống, quản lý, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… về các HTX để thực hiện nâng cao hiệu quả sản xuất;
- Dành một phần kinh phí sự nghiệp khoa học để hỗ trợ các HTX tiếp cận với các tiến bộ của khoa học trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm;
- Phối hợp với các trường Đại học, Trung tâm nghiên cứu triển khai các đề tài ứng dụng khoa học trong lĩnh vực hoạt động của kinh tế tập thể và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các HTX ứng dụng vào sản xuất.
7. Sở Nội vụ:
- Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng kế hoạch đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và phối hợp với các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phân bổ kinh phí thực hiện;
- Xây dựng kế hoạch tăng cường nhân lực cho các HTX.
8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Xây dựng kế hoạch và dành một phần kinh phí đào tạo nghề cho lực lượng lao động ở nông thôn, nhất là con em của các hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất.
9. Đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng: Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện chủ trương, chính sách của nhà nước và các hướng dẫn của ngân hàng tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
10. Đề nghị Bảo hiểm xã hội thành phố: Triển khai hướng dẫn thực hiện chính sách BHXH đối với các chức danh quản lý HTX, xã viên và người lao động làm việc trong HTX.
11. Các Hội, Đoàn thể:
- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ triển khai vận động phát triển kinh tế tập thể, tuyên truyền, phổ biến văn bản, chính sách của nhà nước, Nghị quyết, Đề án phát triển kinh tế tập thể của thành phố để nâng cao nhận thức của cán bộ, xã viên, nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể.
12. Liên minh HTX thành phố:
Có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện trong việc triển khai thực hiện kế hoạch.
13. Các Sở, ban ngành liên quan:
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ các HTX thực hiện các chính sách có liên quan đến tập thể, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển.
Trên đây là Kế hoạch của UBND thành phố về việc củng cố, phát triển kinh tế tập thể, giai đoạn 2008-2015 theo Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/10/2007 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng; yêu cầu các ngành, các cấp nghiêm túc triển khai thực hiện; mọi vướng mắc báo cáo, đề xuất UBND thành phố thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.