Quyết định 73/2007/QĐ-UBND quy định mức thu học phí; quản lý, sử dụng nguồn thu học phí và chế độ miễn, giảm học phí đối với các lớp Trung cấp nghề tại các cơ sở đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Số hiệu: | 73/2007/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Thuận | Người ký: | Huỳnh Tấn Thành |
Ngày ban hành: | 06/11/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 73/2007/QĐ-UBND |
Phan Thiết, ngày 06 tháng 11 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC THU HỌC PHÍ; QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN THU HỌC PHÍ VÀ CHẾ ĐỘ MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ ĐỐI VỚI CÁC LỚP TRUNG CẤP NGHỀ TẠI CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO NGHỀ CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên;
Căn cứ Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 54/1998/TTLT-BGD&ĐT-BTC ngày 31/8/1998 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thu, chi và quản lý học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 38/2001/TTLT-BGD&ĐT-BTC ngày 22/8/2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung Thông tư số 54/1998/TTLT-BGD&ĐT-BTC ngày 31/8/1998;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình liên tịch số 974/LS/TC-LĐTB&XH ngày 14/9/2007 về việc mức thu học phí, chế độ miễn giảm, quản lý nguồn thu học phí các lớp Trung cấp nghề tại các cơ sở đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về mức thu học phí; quản lý, sử dụng nguồn thu học phí và chế độ miễn, giảm học phí đối với các lớp Trung cấp nghề tại các cơ sở đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Quy định về mức thu học phí; quản lý, sử dụng nguồn thu học phí và chế độ miễn, giảm học phí đối với các lớp Trung cấp nghề tại các cơ sở đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ban hành kèm theo Quyết định này được áp dụng kể từ năm học 2007 - 2008.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thủ trưởng các cơ quan liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
MỨC THU HỌC PHÍ; QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN THU HỌC PHÍ VÀ CHẾ ĐỘ MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ ĐỐI VỚI CÁC LỚP TRUNG CẤP NGHỀ TẠI CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO NGHỀ CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 73/2007/QĐ-UBND ngày 06/11/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)
Được sự thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận tại Công văn số 618/HĐND-TH ngày 23/10/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Quy định về mức thu học phí; quản lý, sử dụng nguồn thu học phí và chế độ miễn, giảm học phí đối với các lớp Trung cấp nghề tại các cơ sở đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nguyên tắc chung
Học phí các lớp Trung cấp nghề tại các cơ sở đào tạo nghề công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là khoản đóng góp của gia đình hoặc bản thân học sinh để cùng Nhà nước đảm bảo các hoạt động đào tạo.
Điều 2. Đối tượng thu
Học sinh đang theo học các lớp Trung cấp nghề tại các cơ sở đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Chương II
MỨC THU VÀ QUẢN LÝ NGUỒN THU HỌC PHÍ
Điều 3. Mức thu học phí
Mức thu học phí các lớp Trung cấp nghề tại các cơ sở đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận: 120.000 đồng/ học sinh /tháng.
Điều 4. Tổ chức thu, quản lý và sử dụng nguồn thu học phí
1. Tiền học phí được thu theo từng năm học và chia làm 02 lần, vào đầu học kỳ I và đầu học kỳ II.
2. Các cơ sở đào tạo nghề công lập có trách nhiệm tổ chức thu học phí theo đúng quy định hiện hành.
3. Chứng từ thu: sử dụng biên lai thu học phí do cơ quan thuế thống nhất phát hành và quản lý.
4. Quản lý và sử dụng nguồn thu học phí: thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Chương III
CHẾ ĐỘ MIỄN, GIẢM
Điều 5. Đối tượng miễn, giảm
1. Miễn 100% học phí đối với:
a) Học sinh là thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, người có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, sản xuất, chiến đấu;
b) Học sinh là con của liệt sĩ, con của thương binh, con của bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của Bà mẹ Việt nam Anh hùng, con của Anh hùng lao động, con của người có công giúp đỡ cách mạng, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 hoặc con của người hoạt động cách mạng từ 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945;
c) Học sinh là con (con đẻ, con nuôi hợp pháp) của hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ;
d) Học sinh là người dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ;
e) Học sinh có cha mẹ thường trú tại huyện Phú Quý và các xã miền núi, vùng cao, và các thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh (về danh mục các xã miền núi, vùng cao, các thôn đặc biệt khó khăn thực hiện như quy định học sinh hệ công lập ở các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân);
f) Học sinh là người tàn tật không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật, bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn;
g) Học sinh mồ côi không nơi nương tựa (mồ côi cả cha và mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha bị mất tích hoặc không đủ khả năng nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hiện hành như: đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, bị tâm thần phân liệt hoặc bị tàn tật nặng không đủ khả năng nuôi dưỡng con cái);
h) Học sinh có gia đình thuộc diện hộ nghèo theo quy định chung của Nhà nước (có giấy chứng nhận hộ nghèo);
i) Người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó học tập.
2. Xét giảm 50% học phí đối với:
a) Học sinh là con công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động được hưởng trợ cấp thường xuyên;
b) Học sinh là người dân tộc thiểu số ở những địa bàn không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Xét giảm 25% học phí đối với:
Học sinh từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, đã học xong trung học cơ sở mà không theo học trung học phổ thông (nếu không thuộc các đối tượng nêu tại khoản 1, khoản 2 của Điều này).
4. Xét miễn, giảm học phí đột xuất:
Ngoài đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều này, đối với học sinh mà gia đình do các nguyên nhân như: tai nạn, thiên tai, hạn hán... dẫn đến có người là lao động chính bị chết, mất tích; bị mất phương tiện sản xuất; có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng, lâm vào cảnh bị thiếu đói do thiếu lương thực... sẽ được xét miễn hoặc giảm học phí (tùy theo mức độ thiệt hại) trong thời gian nhất định.
Điều 6. Thủ tục miễn, giảm học phí
1. Thủ tục xét miễn, giảm:
a) Đối với đối tượng được miễn, giảm thường xuyên:
- Gia đình học sinh thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí phải làm đơn xin miễn, giảm học phí, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú, gửi cơ sở đào tạo nghề đang theo học;
- Thủ trưởng cơ sở đào tạo nghề công lập căn cứ các quy định chế độ miễn, giảm học phí, ý kiến xác nhận của chính quyền địa phương để quyết định việc miễn, giảm học phí cho học sinh của cơ sở mình theo đúng đối tượng, chế độ quy định;
- Đối với học sinh là đối tượng chính sách và con của đối tượng chính sách thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo thì được cấp sổ để sử dụng trong suốt quá trình học tập (thủ tục cấp sổ thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 16/2006/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BTC của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ).
b) Đối với đối tượng được xét miễn, giảm đột xuất:
- Gia đình học sinh thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí phải làm đơn xin miễn, giảm học phí, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú, gửi cơ sở đào tạo nghề đang theo học;
- Thủ trưởng các cơ sở đào tạo nghề trực thuộc các huyện, thị xã, thành phố: tổng hợp danh sách của cơ sở mình, báo cáo Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch trình UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét, quyết định miễn hoặc giảm học phí cho từng học sinh trong từng năm học;
- Ban Giám hiệu Trường Trung cấp nghề: tổng hợp danh sách của trường mình, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét, quyết định miễn hoặc giảm học phí cho từng học sinh trong từng năm học.
2. Báo cáo định kỳ:
- Đối với các cơ sở đào tạo nghề thuộc Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội: cuối mỗi học kỳ, tổng hợp danh sách học sinh được miễn, giảm học phí gửi về Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, UBND huyện, thị xã, thành phố để theo dõi;
- Đối với Trường Trung cấp nghề: cuối mỗi học kỳ, tổng hợp danh sách học sinh được miễn, giảm học phí gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính để theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng với Sở Tài chính hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện những nội dung của Quy định này.
Điều 8. Quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh, các ngành, các địa phương báo cáo kịp thời về UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để xem xét, giải quyết./.
Nghị định 120/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thanh niên. Ban hành: 23/07/2007 | Cập nhật: 30/07/2007
Nghị định 75/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Giáo dục Ban hành: 02/08/2006 | Cập nhật: 12/08/2006
Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập Ban hành: 25/04/2006 | Cập nhật: 20/05/2006
Quyết định 70/1998/QĐ-TTg về việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân Ban hành: 31/03/1998 | Cập nhật: 07/12/2012