Quyết định 73/2003/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp vận động hiến máu nhân đạo tỉnh Ninh Thuận
Số hiệu: 73/2003/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: ***
Ngày ban hành: 01/07/2003 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tổ chức chính trị - xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/2003/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU NHÂN ĐẠO TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Căn Cứ quyết định số 8173/QĐ ngày 13/6/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Về việc thành lập Ban Chỉ đạo vận động hiến máu nhân đạo tỉnh Ninh Thuận;

Xét đề nghị của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Thuận tại Tờ trình số 10/TT CTĐ ngày 18/6/2003,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp vận động hiến máu nhân đạo tỉnh Ninh Thuận (Quy chế gồm V chương 10 điều).

Điều 2: Quyết định có hiệu lực từ ngày ký .

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu nhân đạo của tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

UBND TỈNH NINH THUẬN





 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU NHÂN ĐẠO TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 73/2003/QĐ-UB ngày 01-7-2003 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1:

Hiến máu nhân đạo (HMNĐ) có ý nghĩa quan trọng không những đối với chữa bệnh, cung cấp cho bệnh nhân một nguồn máu an toàn, có chất lượng cao mà còn mang tính nhân văn sâu sắc thể hiện tình thương yêu và trách nhiệm giữa người và người. Công tác vận động hiến máu nhân đạo, truyền máu an toàn là một phần quan trọng của chương trình máu Quốc gia nhằm phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Điều 2:

Mục đích cuộc vận động HMNĐ là huy động lực lượng nhân dân toàn xã hội tham gia hiến máu nhằm gia tăng số lượng máu hiến đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh cho nhân dân đồng thời đảm bảo chất lượng máu truyền cho người bệnh, hạ thấp nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường truyền máu, nhất là nguy cơ lây nhiễm HIV.

Điều 3:

UBND các cấp thành lập Ban Chỉ đạo vận động HMNĐ gồm: 01 đ/c lãnh đạo UBND làm Trưởng ban, lãnh đạo Hội CTĐ là Phó Trưởng ban Thường trực lãnh đạo y tế, Hội Liên hiệp Thanh niên là Phó Trưởng ban và các thành viên khác là đại diện của Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, đại diện cơ sở khám chữa bệnh...

Các sở, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh thành lập ban vận động HMNĐ của đơn vị mình thành phần gồm: Lãnh đạo cơ quan, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh...

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BAN CHỈ ĐẠO VẬN ĐỘNG HMNĐ CÁC CẤP - BAN VẬN ĐỘNG HMNĐ CÁC NGÀNH

Điều 4: Chức năng, nhiệm vụ:

4.1/ Chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo vận động HMNĐ các cấp.

Xây dựng kế hoạch chỉ đạo cuộc vận động HMNĐ của địa phương và tổ chức triển khai thực hiện.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, lực lượng cán bộ công chức, viên chức các ngành trên địa bàn đăng ký HMNĐ và tổ chức tạo điều kiện để họ hiến máu theo giấy báo của Bệnh viện tỉnh.

Thực hiện chế độ báo cáo hàng quý, tổ chức sơ kết, tổng kết công tác chỉ đạo vận động HMNĐ của địa phương về Thường trực Ban Chỉ đạo vận động HMNĐ tỉnh theo mốc thời gian quy định (vào ngày 15 tháng 3, 6, 9, và tháng 12).

Hàng năm xét duyệt đề nghị Ban Chỉ đạo vận động HMNĐ các cấp khen thưởng cho những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác vận động và HMNĐ.

4.2/ Chức năng, nhiệm vụ Ban vận động HMNĐ các ngành.

Thường xuyên tuyên truyền vận động cán bộ công chức, viên chức trong ngành tích cực tham gia HMNĐ. Thành lập các nhóm HMNĐ, đội HMNĐ khẩn cấp, phân công người phụ trách theo dõi, tổ chức và tạo điều kiện để những người đã đăng ký được hiến máu theo kế hoạch, hoặc khi có yêu cầu hiến máu khẩn cấp của Bệnh viện.

Báo cáo kết quả việc thực hiện công tác vận động HMNĐ của ngành về Ban Chỉ đạo vận động HMNĐ tỉnh theo mốc thời gian quy định (vào ngày 15 tháng 3, 6, 9 và tháng 12).

Hàng năm lập danh sách xét đề nghị Ban Chỉ đạo vận động HMNĐ tỉnh khen thưởng cho những cá nhân và tập thể có thành tích trong phong trào vận động và HMNĐ của ngành.

4.3/ Ban Chỉ đạo vận động HMNĐ các cấp có trách nhiệm chủ trì, Hội CTĐ các cấp là cơ quan thường trực có nhiệm vụ:

Tổ chức các đợt vận động hiến máu tình nguyện, tổng hợp danh sách những người HMNĐ từ Ban vận động HMNĐ các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể gởi về Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Bệnh viện tỉnh để có kế hoạch tổ chức xét nghiệm, sàng lọc máu, lấy máu.

Tham mưu cho Ban Chỉ đạo vận động HMNĐ tỉnh tổ chức mittinh cổ động HMNĐ vào ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện" 7/4 hàng năm.

4.4/ Sở Y tế, Bệnh viện tỉnh căn cứ danh sách đăng ký HMNĐ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các huyện thị có kế hoạch tổ chức kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm, sàng lọc máu, lập sổ quản lý theo dõi và thực hiện kỹ thuật lấy máu cho các đối tượng hiến máu tình nguyện. Tổ chức quản lý cũng như tham mưu chế độ bồi dưỡng cho người hiến máu theo quy định.

Cung cấp tài liệu thông tin, giáo dục truyền thông về hiến máu nhân đạo cho các đơn vị, các ngành liên quan để tuyên truyền vận động, xây dựng phóng sự truyền thanh, truyền hình, panô, băng rôn, phát tờ bướm để phổ biến sâu rộng trong nhân dân.

Bệnh viện cấp thẻ HMNĐ cho các đối tượng đã hiến máu.

Tổ chức đội đến lấy máu lưu động ở những cơ sở, đơn vị xa.

Tổng hợp báo cáo kết quả khám sức khỏe xét nghiệm, sàng lọc máu, số lượng máu đã lấy về Thường trực Ban Chỉ đạo vận động HMNĐ tỉnh.

4.5/ Sở Văn hóa Thông tin, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận có trách nhiệm thực hiện tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân trong tỉnh về các nội dung, ý nghĩa của việc hiến máu cứu người, hiến máu tình nguyện, giữ gìn sức khỏe tốt để cho máu an toàn.

Xây dựng các phóng sự về an toàn truyền máu, phong trào HMNĐ ở cơ sở.

4.6/ Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm lồâng ghép nội dung truyền thông hiến máu nhân đạo vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh, sinh viên, thông qua các em để chuyển tải nội dung truyền thông hiến máu nhân đạo đến cộng đồng – Tổ chức vận động sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm, giáo viên, CNV các trường học tham gia HMNĐ.

4.7/ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh tổ chức các buổi tọa đàm vận động thành lập các nhóm tình nguyện HMNĐ đội hiến máu khẩn cấp sẵn sàng hiến máu khi có yêu cầu đồng thời tạo điều kiện để cán bộ chiến sĩ tham gia hiến máu thuận lợi .

4.8/ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:

Phối hợp cùng Sở Y tế – Hội CTĐ tổ chức lễ ra quân HMNĐ.

Có kế hoạch vận động Đoàn viên – Thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện, thành lập và duy trì thường xuyên các nhóm hiến máu, các đội hiến máu khẩn cấp sẵn sàng hiến máu khi có yêu cầu .

4.9/ Liên đoàn Lao động tỉnh có kế hoạch vận động đoàn viên công đoàn, là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân trong tỉnh tham gia hiến máu nhân đạo và có kế hoạch duy trì hoạt động này.

4.10/ Sở Tài chính Vật giá có nhiệm vụ cân đối đảm bảo kinh phí cho các hoạt động vận động HMNĐ.

Chương III

ĐIỀU KIỆN VÀ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI HIẾN MÁU NHÂN ĐẠO

Điều 5: Đối tượng tham gia HMNĐ.

Tất cả mọi người không phân biệt công dân Việt Nam hay người nước ngoài, tự nguyện HMNĐ và đủ điều kiện để hiến máu.

Điều 6: Điều kiện để được HMNĐ

Người HMNĐ là người tự nguyện cho máu.

Người HMNĐ phải khỏe mạnh, không mắc các bệnh lây truyền qua đường máu (viêm gan siêu vi A,B,C, HIV, sốt rét, giang mai...).

Người hiến máu không quá 4 lần/năm đối với nam, không quá 3 lần/năm đối với nữ giữa 2 lần cho máu nên cách nhau ít nhất 3 tháng.

Ngoài ra còn đảm bảo các yêu cầu sau:

Tuổi từ 18 đến 60.

Cân nặng từ 45 kg trở lên.

Phụ nữ không đang hành kinh, không đang mang thai hoặc cho con bú.

Được Bác sĩ khám tổng quát và đồng ý cho hiến máu.

Điều 7: Quyền lợi người HMNĐ

Người hiến máu nhân đạo có quyền lợi tinh thần cao cả là góp phần cứu sống con người, không đòi hỏi quyền lợi nào khác.

Tuy nhiên, để động viên khuyến khích người HMNĐ vẫn được hưởng một số chế độ chăm sóc đãi ngộ như sau:

Được tiếp đón ân cần chu đáo.

Được kiểm tra sức khỏe và các xét nghiệm hiến máu hoàn toàn miễn phí. Các thông tin bao gồm các kết quả xét nghiệm tại phòng thí nghiệm sẽ được giữ kín.

Được cấp 01 thẻ hiến máu có ghi ngày, lượng máu đã hiến, người lấy máu.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 8: Khen thưởng

Cấp huyện, thị, các ngành tặng giấy khen cho:

Nhân dân, cán bộ công chức, viên chức tham gia HMNĐ từ 3 lần trở lên.

Người vận động được từ 30 người HMNĐ trở lên

Cấp tỉnh khen

UBND tỉnh tặng bằng khen cho:

Người tham gia HMNĐ từ 5 lần trở lên

Người vận động được từ 50 người HMNĐ trở lên .

Điều 9: Kỷ luật

Những tổ chức cá nhân vi phạm qui định của qui chế này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10: Quy chế này thay thế những quy định trước đây và có hiệu lực kể từ ngày ký .

Trong quá trình thực hiện, nếu có những phát sinh bất hợp lý, thì Ban Chỉ đạo vận động HMNĐ tỉnh dự thảo sửa đổi bổ sung và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.