Quyết định 73/2000/QĐ-UB quy định giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Số hiệu: 73/2000/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Dương Công Đá
Ngày ban hành: 18/12/2000 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/2000/QĐ-UB

Lạng Sơn, ngày 18 tháng 12 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH GIỮ GÌN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21-6-1994;

Căn cứ Luật tổ chức bảo vệ môi trường ngày 21-12-1993;

Căn cứ Nghị quyết số 08/2000/NQHĐ ngày 27-7-2000 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn tại kỳ họp thứ 3 khoá XIII về giữ gìn vệ sinh môi trường,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành bản Quy định về việc Giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn .

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, Thị xã, UBND các xã, phường, các tổ chức cá nhân hoạt động và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3
- TT Tỉnh uỷ(b/c);
- TT HĐND tỉnh(b/c); Đã ký
- Các tổ CV.
- Lưu VT, KT.

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH




Dương Công Đá

 

QUI ĐỊNH VỀ GIỮ GÌN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TỈNH LẠNG SƠN

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 73/2000/QĐ-UB-KT ngày 18 tháng 12 năm 2000 của UBND tỉnh Lạng Sơn)

Chương I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Qui định này nhằm thực hiện Nghị quyết số 08/2000-NQHĐ ngày 27/07/2000 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn tại kỳ họp thứ 3- Khoá XIII về giữ gìn vệ sinh môi trường (VSMT).

Điều 2: Qui định này nhằm giữ gìn môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp, ngăn chặn và khắc phục các hậu quả làm suy thoái, ô nhiễm môi trường do con người gây ra, đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế-môi trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Điều 3: UBND tỉnh khuyến khích và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đầu tư dưới nhiều hình thức, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào việc bảo vệ môi trường.

Điều 4: Qui định này được áp dụng đối với mọi cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, bệnh viện... của các tổ chức, cá nhân, và nhân dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Chương II

CÁC QUI ĐỊNH CỤ THỂ VỀ GIỮ GÌN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

Điều 5: Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, các xã phường, thị trấn, các ngành, đoàn thể của tỉnh hàng năm đưa nội dung giữ gìn vệ sinh môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, ngành để đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế-xã hội với việc bảo vệ môi trường. Thường xuyên phát động phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường chung, trồng và chăm sóc cây xanh.

Điều 6: Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm trong việc:

6.1- Xác định địa điểm và triển khai xây dựng bãi chứa rác thải của thị trấn, thị tứ. Khi xây dựng và quản lý các bãi rác phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo các quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành: Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Y tế không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

6.2- Xác định địa điểm và triển khai xây dựng nghĩa trang cho các thị trấn, các xã, phường đảm bảo đúng quy định về vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành. Cần xây dựng kế hoạch di dời các nghĩa địa cũ xét thấy đang gây ô nhiễm môi trường đến vị trí mới đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh quy định.

6.3- Tổ chức xây dựng các khu tập trung giết mổ gia súc cho từng khu vực. Phải có hệ thống thu gom các chất thải và xử lý nước thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường qui định. Triển khai việc di chuyển các cơ sở giết mổ, chế biến, thu mua các loại động vật, thuỷ hải sản tươi sống ra ngoài khu vực tập trung dân cư. Các cơ sở giết mổ không được thải chất thải trực tiếp ra ngoài không qua hệ thống xử lý.

6.4 - Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư vào dịch vụ khai thác các công trình vệ sinh môi trường, công trình xử lý chất thải, sản xuất tái chế, tái sử dụng các phế liệu phế thải tại địa phương thành những sản phẩm phục vụ sinh hoạt và tiêu dùng.

Điều 7: Mọi tổ chức, cá nhân cư trú, hoạt động trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý chất thải đảm bảo các quy định về môi trường.

7.1- Tuân thủ thực hiện các qui định giữ gìn vệ sinh môi trường đường phố ngõ xóm, khu du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hoá, các khu vực nhà máy xí nghiệp, cây xanh bóng mát, vỉa hè đô thị...

7.2 - Phải có dụng cụ chứa đựng rác tại nơi cư trú, sinh hoạt, thường xuyên làm vệ sinh nơi ở, trụ sở làm việc không gây ảnh hưởng đến vệ sinh chung nơi công cộng.

7.3- Cấm mọi hành vi đổ rác, nước thải sinh hoạt ra lòng đường, hè phố gây mất vệ sinh môi trường nơi công cộng.

Điều 8 : Trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ đối với việc bảo vệ môi trường:

8.1- Tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên trong việc bảo vệ môi trường.

8.2- Tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo qui định. Đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng chống, khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng với các diễn biến suy thoái, sự cố môi trường tại khu vực do đơn vị quản lý.

8.3- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bệnh viện... trong quá trình hoạt động có các ảnh hưởng đến môi trường về chất thải rắn, lỏng, khói, bụi, khí độc, tiếng ồn bắt buộc phải thực hiện các biện pháp xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường cho phép. Định kỳ hàng năm tự tiến hành kiểm tra đo đạc, phân tích các chỉ tiêu thành phần môi trường bằng số liệu cụ thể gửi cho cơ quan quản lý môi trường theo qui định của Luật Môi trường.

8.4- Các hoạt động sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

8.5- Đóng góp tài chính để bảo vệ môi trường. Cung cấp đầy đủ, trung thực các tài liệu liên quan, cho đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc thanh tra viên về bảo vệ môi trường.

Điều 9: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, rửa ô tô, xe máy phải có hệ thống bể lắng đất cát, thu gom xử lý nước thải, có các dụng cụ chứa dầu mỡ thải đảm bảo không làm ô nhiễm đất, các nguồn nước. Không được lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh. Nghiêm cấm mọi hành vi thải dầu mỡ, nước rửa xe máy ra vỉa hè, lòng đường gây ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Điều 10: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lương thực thực phẩm, dịch vụ ăn uống phải có đầy đủ dụng cụ phương tiện thu gom xử lý chất thải rắn, nước thải khói bụi đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường .

Điều 11: Chất thải của các bệnh viện, cơ sở dịch vụ y tế là nguồn gây dịch bệnh nguy hiểm phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải theo đúng quy định của ngành y tế. Cấm đổ nước thải, rác thải chưa qua xử lý vào hệ thống thoát nước chung của đô thị, sông, suối, ao, hồ và bãi chứa rác công cộng.

Điều 12: Các đơn vị quản lý các nơi công cộng : Chợ, bến tàu xe, công viên, nhà hàng... đều phải có công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, cấm việc xả chất thải chưa qua xử lý vào hệ thống thoát chung của khu vực.

Điều 13: Các hoạt động sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng theo phương pháp thủ công như: Gạch, Ngói, Vôi, Cát... phải có giấy phép, phải xa khu dân cư, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường quá tiêu chuẩn về bụi, tiếng ồn...

Điều 14: Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng than Na dương để sản xuất thủ công vật liệu xây dựng, sấy thuốc lá, đun nấu... sinh khí độc hại gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khoẻ nhân dân.

Điều 15: Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ có gây tiếng ồn, bụi, khói, khí độc... phải có biện pháp xử lý không được vượt quá tiêu chuẩn cho phép trong đô thị, khu dân cư gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt của nhân dân.

Điều 16: Mọi tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ và trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường đối với các nguồn nước mặt, nước ngầm và các hệ thống cấp thoát nước.

16.1- Không đổ rác, các loại phế liệu phế thải vào nguồn nước như sông, suối, ao, hồ ...

16.2- Cấm mọi hoạt động gây ô nhiễm và mất vệ sinh môi trường trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn của các giếng khoan khai thác nước phục vụ sinh hoạt khu dân cư.

Điều 17: Không được sử dụng các vỉa hè, lòng đường ở thị xã, thị trấn để làm nơi tập kết, kinh doanh các loại vật liệu xây dựng gây bồi lắng, tắc nghẽn cống rãnh ảnh hưởng đến an toàn giao thông và thoát nước, mất vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.

Điều 18: Qui định đối với các loại phương tiện vận chuyển cơ giới qua trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn:

18.1- Các loại phương tiện ô tô, xe máy, xe công nông... lưu hành trên địa bàn phải đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn...

18.2- Đi vào các khu vực cơ quan, trường học, bệnh viện hoặc giờ nghỉ trong các khu vực dân cư phải đảm bảo tiêu chuẩn tiếng ồn cho phép. Cấm sử dụng còi hơi tại các trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn.

18.3- Khi vận chuyển, chuyên chở nguyên, vật liệu không được để rơi vãi gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường.

18.4- Các loại phương tiện khi bẩn bùn, bụi, đất không được phép đi vào các trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn.

Điều 19: Việc tổ chức thi công xây dựng và cải tạo các công trình, phải thực hiện các biện pháp cần thiết đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường về: Khói bụi, khí độc, tiếng ồn, chấn động, an toàn phòng chống cháy nổ... theo các qui định của Nhà nước.

Điều 20: Các hoạt động khai thác khoáng sản, cát, sỏi ở lòng sông, suối phải lập phương án khai thác cụ thể có đầy đủ các giải pháp phòng chống ô nhiễm, suy thoái môi trường, phải được cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường thẩm định, phê chuẩn cho phép.

Điều 21: Nghiêm cấm việc thả rông súc vật ra các đường phố ở trung tâm đô thị, các loại xe do súc vật kéo phải hót dọn phân do súc vật phóng uế ra đường.

Điều 22: Qui định giữ gìn VSMT trong nông nghiệp nông thôn :

22.1- Việc sử dụng, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học và các chế phẩm sinh học phải tuân thủ đúng các qui định chuyên ngành. Khuyến khích mở rộng và sử dụng các biện pháp sinh học trong sản xuất nông nghiệp có lợi cho môi trường sinh thái và phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

22.2- Nghiêm cấm việc xử lý tiêu huỷ các loại thuốc độc bảo vệ thực vật khi chưa được phép của cơ quan chuyên môn chuyên ngành.

22.3 - Chỉ dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật được Nhà nước qui định và thực hiện theo qui trình hướng dẫn sử dụng.

22.4- Khi thu hoạch rau, quả... phải có một khoảng thời gian sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật lần cuối, đảm bảo dư lượng thuốc không gây độc hại cho người sử dụng.

22.5- Nông sản đem bán ra thị trường và sử dụng vào chế biến lương thực, thực phẩm không được có dư lượng hóa chất trừ sâu, phân bón vượt quá giới hạn tối đa cho phép.

22.6 - Không dùng phân bắc tươi trong sản xuất nông-lâm nghiệp.

22.7 - Các hộ gia đình phải có hố xí hợp vệ sinh. Chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hợp vệ sinh, đặt xa nhà ở và đảm bảo không gây mất vệ sinh môi trường khu vực, ô nhiễm các nguồn nước (theo hướng dẫn cụ thể của chuyên ngành Y tế).

- Nghiêm cấm việc phóng uế bừa bãi (kể cả trẻ em).

- Việc chuyên chở phân phải có các phương tiện chuyên dùng riêng và đậy kín.

Điều 23: Việc an táng, di chuyển thi hài, hài cốt cần áp dụng những biện pháp đảm bảo giữ gìn vệ sinh chung theo nếp sống mới và phải tuân thủ nghiêm chỉnh theo các qui định cụ thể của cơ quan Y tế.

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 24: Các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ và giữ gìn vệ sinh môi trường sẽ được khen thưởng theo chế độ của Nhà nước. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện thị xã hàng năm lập báo cáo đề nghị UBND tỉnh khen thưởng các tổ chức cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ và giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa phương.

Điều 25: Mọi vi phạm hành chính giữ gìn vệ sinh môi trường của cá nhân, tổ chức phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

25.1-

+ Cảnh cáo.

+ Phạt tiền.

+ Tước quyền sử dụng giấy phép.

+ Buộc bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả môi trường do vi phạm hành chính gây ra.

25.2- Việc áp dụng hình thức xử phạt đối với từng vi phạm hành chính được qui định trong các văn bản pháp luật: Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính về Bảo vệ môi trường.

Điều 26: Nghiêm cấm việc lam dụng quyền hạn cố tình cản trở các tổ chức, cá nhân thực hiện những điều trong bản Qui định này.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27: UBND các huyện, thị, xã, phường, các sở, ban ngành và mọi tổ chức, cá nhân cư trú, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có trách nhiệm thực hiện bản Qui định này.

Điều 28: Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện bản Qui định này.

Điều 29: Bản Qui định này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn vướng mắc, cần kịp thời phản ánh về Sở Khoa học công nghệ & Môi trường để tổng hợp báo cáo trình UBND tỉnh xem xét bổ sung sửa đổi./.





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.