Quyết định 72/2006/QĐ-UBND quy định về cơ chế hỗ trợ và khuyến khích hoạt động sáng tạo và phổ biến các tác phẩm văn học - nghệ thuật chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Số hiệu: 72/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang Người ký: Lê Thị Quang
Ngày ban hành: 25/09/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/2006/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 25 tháng 9 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ HỖ TRỢ VÀ KHUYẾN KHÍCH HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO VÀ PHỔ BIẾN CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học - nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương giai đoạn 2006 - 2010";

Căn cứ Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 27 tháng 8 năm 2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Tuyên Quang tại Tờ trình số 64/TTr-VHTT ngày 04 tháng 10 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về cơ chế hỗ trợ và khuyến khích hoạt động sáng tạo và phổ biến các tác phẩm văn học - nghệ thuật chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang".

Điều 2. Giao trách nhiệm Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật hướng dẫn, kiểm tra thi hành Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật, Giám đốc các Sở: Văn hoá - Thông tin, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Thị Quang

 

QUY ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ HỖ TRỢ VÀ KHUYẾN KHÍCH HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO VÀ PHỔ BIẾN CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/2006/QĐ-UBND ngày 25/9/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, hình thức, mức hỗ trợ và khuyến khích hoạt động sáng tạo và phổ biến những tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật chất lượng cao thuộc các lĩnh vực: Văn học, mỹ thuật, điêu khắc, sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, nhiếp ảnh và văn hoá dân gian.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1- Hỗ trợ các tác giả, nhóm tác giả có hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật chất lượng cao phản ánh về đời sống, xã hội và con người Tuyên Quang.

2- Khuyến khích tác giả, nhóm tác giả chọn đúng đề tài, lĩnh vực cấp thiết của tỉnh đang quan tâm giải quyết; khuyến khích những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật phản ánh về Tuyên Quang đoạt giải quốc gia, quốc tế.

3- Đề tài được hỗ trợ và khuyến khích:

a) Truyền thống lịch sử cách mạng, truyền thống văn hoá các dân tộc tại địa phương;

b) Về công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; những nhân tố tích cực, những con người tiêu biểu trong đời sống xã hội của tỉnh;

c) Về miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

d) Về thiếu nhi.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- Sáng tạo là tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần. Theo đó, sáng tạo văn học là những điển hình văn học do nhà văn sáng tạo ra.

2- Tác phẩm văn học là công trình, sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

3- Công trình văn học nghệ thuật là sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo, khám phá về văn học nghệ thuật, có đóng góp quan trọng đối với nhận thức, có ảnh hưởng lớn, tích cực trong khoa học, văn học - nghệ thuật, kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh.

4- Tác giả là những người sáng tạo ra một tác phẩm văn học, nghệ thuật.

5- Phổ biến là làm cho đông đảo người biết bằng cách truyền đạt trực tiếp hoặc thông qua hình thức in ấn, phát hành (xuất bản).

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nguyên tắc, tiêu chuẩn tác phẩm được hỗ trợ, khuyến khích

1- Nguyên tắc:

a) Các tác giả phải có bản thảo, đề cương, phác thảo (đối với mỹ thuật), bản đăng ký được tài trợ sáng tác. Trong quá trình sáng tạo nếu có sự thay đổi về đề tài phải đăng ký lại nội dung trước thời hạn nghiệm thu;

b) Khi được quyết định hỗ trợ, tác giả, nhóm tác giả tiến hành ký hợp đồng với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Tác giả, nhóm tác giả chỉ được công nhận xong hợp đồng (thanh lý hợp đồng) khi thường trực Hội đồng nghệ thuật của Hội Văn học - Nghệ thuật nghiệm thu tác phẩm;

c) Tác phẩm đăng ký hỗ trợ phải là tác phẩm mới sáng tạo; không hỗ trợ các tác phẩm, công trình của tác giả, nhóm tác giả đã nhận hỗ trợ của các Hội chuyên ngành Trung ương;

d) Mỗi tác giả, nhóm tác giả chỉ được xét hỗ trợ một lần trong năm ở một chuyên ngành nghệ thuật mà tác giả là hội viên trong phân hội đó.

2- Tiêu chuẩn xét chọn:

Ngoài những nguyên tắc nêu tại điểm 1 Điều này, các tác phẩm được xét hỗ trợ và khuyến khích sáng tạo, phổ biến phải là những tác phẩm đạt các tiêu chuẩn về chất lượng nghệ thuật của từng chuyên ngành; có điều kiện để trở thành tác phẩm có chất lượng cao, được các phân hội giới thiệu và Hội đồng nghệ thuật Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tuyển chọn.

Tiêu chuẩn cụ thể đối với từng loại hình nghệ thuật:

a) Văn học:

- Tiểu thuyết, trường ca: 01 tác phẩm;

- Truyện ngắn, ký: 8 tác phẩm;

- Thơ: Từ 20 tác phẩm (bài) trở lên.

b) Mỹ thuật: 02 tác phẩm (kích thước nhỏ nhất 60 cm x 80 cm);

c) Nhiếp ảnh: 10 tác phẩm (ảnh cỡ 25 cm x 38 cm);

d) Âm nhạc: Ca khúc, nhạc không lời 04 tác phẩm (thu qua băng, đĩa nhạc và kèm theo bản nhạc);

đ) Kiến trúc: 01 bản mẫu thiết kế công trình (có phối cảnh không gian, in màu);

e) Múa: 02 tác phẩm (đã thu qua băng hình);

h) Sân khấu: Kịch dài 01 tác phẩm; kịch ngắn 02 tác phẩm;

i) Nghiên cứu sưu tầm văn hoá dân gian 01 công trình trở lên.

Điều 5. Điều kiện và hình thức hỗ trợ, khuyến khích

1- Hình thức hỗ trợ, khuyến khích: Hỗ trợ trực tiếp cho tác giả, nhóm tác giả trong quá trình hoạt động sáng tạo và phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật.

2- Điều kiện hỗ trợ, khuyến khích:

Các tác giả có tác phẩm được hỗ trợ phải bảo đảm đủ 3 điều kiện sau:

a) Đúng đề tài, lĩnh vực quy định tại Điều 2; bảo đảm tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Quy định này;

b) Là tác phẩm đã đăng ký đề tài, đề cương và được Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chấp nhận;

c) Là tác phẩm đã được Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành thẩm định đánh giá đạt chất lượng cao.

Điều 6. Mức hỗ trợ

1- Hàng năm bố trí hỗ trợ và khuyến khích hoạt động sáng tạo và phổ biến 10 tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật chất lượng cao.

2- Một tác phẩm đủ điều kiện hỗ trợ quy định tại Điều 4 Quy định này được hỗ trợ, khuyến khích 1 lần. Mức hỗ trợ là 5.000.000 đồng.

3- Các tác giả, nhóm tác giả trong tỉnh có tác phẩm thuộc các chuyên ngành văn học, nghệ thuật đoạt giải tại các cuộc thi quốc gia, quốc tế hàng năm được tỉnh thưởng khuyến khích. Mức thưởng khuyến khích bằng 50% giá trị của giải thưởng quốc gia, quốc tế cho tác phẩm đó.

Điều 7. Nguồn kinh phí

- Nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước;

- Nguồn đóng góp tự nguyện của các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cho hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật;

- Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của các đơn vị

1- Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh:

a) Xây dựng quy trình thực hiện và khuyến khích hoạt động sáng tạo, phổ biến tác phẩm; Quy chế xét duyệt, chọn lọc đề cương, đánh giá, nghiệm thu tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật chất lượng cao;

b) Hàng năm xây dựng kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích tác giả, nhóm tác giả trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xét duyệt, nghiệm thu, đánh giá, kiểm tra, giám sát các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật;

c) Làm đầu mối tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch hàng năm; phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kết quả việc tổ chức thực hiện các quy định về hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sáng tạo và phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật ở địa phương.

2- Sở Văn hoá - Thông tin:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí và Hội Văn học - Nghệ thuật tuyên truyền, phổ biến về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước đối với hoạt động sáng tạo và phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh;

b) Kiểm tra, tổng hợp kết quả sử dụng kinh phí và tình hình thực hiện hỗ trợ, khuyến khích sáng tạo và phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng cao ở địa phương, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

3- Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Bố trí, phân bổ kinh phí hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sáng tạo và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng cao trong dự toán chi phát triển sự nghiệp văn hoá - thông tin hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

4- Sở Tài chính:

a) Cân đối ngân sách hàng năm hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sáng tạo và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng cao;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ, khuyến khích theo đúng chế độ tài chính hiện hành.

Điều 9. Quy định này được phổ biến rộng rãi đến các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh. Tập thể và cá nhân cản trở hoặc làm sai lệch việc xem xét, hỗ trợ, khuyến khích đối với hoạt động sáng tạo và phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.