Quyết định 70/2011/QĐ-UBND về quy chế xét công nhận danh hiệu “Gương sáng Y đức” đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh (gọi chung là bệnh viện) trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Số hiệu: 70/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Nguyễn Xuân Đường
Ngày ban hành: 21/12/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Thi đua, khen thưởng, các danh hiệu vinh dự nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/2011/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 21 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT CÔNG NHẬN DANH HIỆU “GƯƠNG SÁNG Y ĐỨC” ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÀM CÔNG TÁC Y TẾ TRONG CÁC CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH (GỌI CHUNG LÀ BỆNH VIỆN) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 14/6/2005; Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ và Thông tư số 02/2011/TT-BNV ngày 24/01/2011 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2010/NĐ- CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Căn cứ Thông tư số 71/2011/TT-BTC ngày 24/5/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Căn cứ Quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 06/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành các quy định về Y đức;

Căn cứ Quyết định số 2526/1999/QĐ-BYT ngày 21/8/1999 của Bộ Y tế ban hành bản "Tiêu chuẩn cụ thể phấn đấu về y đức";

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế Nghệ An tại Tờ trình số 2160/TTr. SYT ngày 22/11/2011 về việc Ban hành Quy chế xét công nhận danh hiệu “Gương sáng Y đức” đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh (gọi chung là bệnh viện) trên địa bàn tỉnh Nghệ An,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xét công nhận danh hiệu “Gương sáng Y đức” đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh (gọi chung là bệnh viện) trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 565/QĐ.UB-TĐ ngày 16/02/2005 của UBND tỉnh về việc ban hành danh hiệu “Gương sáng Y đức” kèm theo tiêu chí áp dụng cho ngành y tế Nghệ An.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; các đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đường

 

QUY CHẾ

XÉT CÔNG NHẬN DANH HIỆU “GƯƠNG SÁNG Y ĐỨC” ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÀM CÔNG TÁC Y TẾ TRONG CÁC CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH (GỌI CHUNG LÀ BỆNH VIỆN) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2011/UBND.VX ngày 21/12/2011 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng điều chỉnh

Danh hiệu “Gương sáng y đức” được xét công nhận cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức là những tấm gương sáng có tâm huyết, đức độ và chuyên môn tốt làm việc trong lĩnh vực y tế.

Điều 2. Phạm vi áp dụng

Quy chế này được áp dụng đối với các cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức đang làm công tác y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập (Bệnh viện, Trung tâm Y tế có giường bệnh) góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 3. Nguyên tắc bình xét danh hiệu

1. Tự nguyện, tự giác, công khai, dân chủ đảm bảo tinh thần đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.

2. Việc đánh giá và công nhận, vinh danh danh hiệu “Gương sáng Y đức” thực hiện đúng quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ, Quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 06/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành các quy định về Y đức và Quyết định số 2526/1999/QĐ-BYT ngày 21/8/1999 của Bộ Y tế ban hành bản "Tiêu chuẩn cụ thể phấn đấu về y đức".

3. Danh hiệu “Gương sáng y đức” quy định tại Quyết định này được xét công nhận hai năm một lần.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Hệ thống tiêu chí

Danh hiệu Gương sáng y đức được đánh giá thông qua hệ thống các tiêu chí sau đây:

TT

HỆ THỐNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ

ĐIỂM CHUẨN

ĐIỂM TỰ CHẤM

ĐIỂM DO HỘI ĐỒNG TĐKT CẤP CƠ SỞ CHẤM

ĐIỂM DO HỘI ĐỒNG TĐKT SỞ Y TẾ CHẤM

I.

Đối với bản thân

25

 

 

 

1

Trong 02 năm cá nhân đã có những thành tích đặc biệt hoặc xuất sắc để làm gương học tập cho cán bộ viên chức toàn đơn vị (báo cáo thành tích có chứng nhận của Đảng, Công đoàn kèm theo)

5

 

 

 

2

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách công tác được giao

4

 

 

 

3

Có tham gia học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ...

2

 

 

 

4

Không vi phạm pháp luật, thực hiện nghiêm túc quy chế bệnh viện, Quy trình kỹ thuật bệnh viện và Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân

3

 

 

 

5

Tham gia nghiên cứu khoa học và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đạt kết quả tốt

2

 

 

 

6

Không để sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm

3

 

 

 

7

Trong giờ làm việc cán bộ, công chức phải mặc trang phục y tế chỉnh tề, đeo thẻ công chức theo quy định.

1

 

 

 

8

Đạt các danh hiệu thi đua liên tục trong 2 năm

a) Đối với cán bộ lãnh đạo các cơ sở Khám chữa bệnh (Bệnh viện, Trung tâm y tế có giường bệnh):

- Đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (nếu là đảng viên);

- Đạt danh hiệu “chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”;

- Đạt danh hiệu đoàn viên công đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

- Tập thể phải được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tổ chức cơ sở đảng phải đạt trong sạch vững mạnh (có xác nhận của các tổ chức cấp trên);

- Quan tâm, kiểm tra, chỉ đạo cơ sở, chủ động thăm khám hoặc điều trị trong các trường hợp cần thiết, đặc biệt (căn cứ vào nhật ký cơ sở, hoặc lịch công tác...). b) Đối với cán bộ, công chức, viên chức còn lại:

- Đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (nếu là đảng viên);

- Đạt danh hiệu “lao động tiên tiến”;

- Đạt danh hiệu đoàn viên công đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

3

 

 

 

8

Không có đơn thư khiếu nại của người bệnh, hoặc người nhà, nếu có đã được xác định không sai sót (trừ đơn thư nặc danh, tố cáo sai sự thật)

2

 

 

 

II.

Đối với người bệnh

35

 

 

 

1

Tôn trọng người bệnh, không lạm dụng nghề nghiệp gây phiền hà cho người bệnh

5

 

 

 

2

Tiếp xúc với người bệnh niềm nở, thái độ tận tình

5

 

 

 

3

Khi cấp cứu người bệnh phải khẩn trương, trường hợp nặng phải hết lòng cứu chữa đến cùng

4

 

 

 

4

Phục vụ người bệnh tận tình, chu đáo

5

 

 

 

5

Chỉ định thuốc điều trị phù hợp với chẩn đoán, không lạm dụng thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng và kỹ thuật cao

4

 

 

 

6

Hướng dẫn nội quy bệnh viện, quyền lợi, nghĩa vụ người bệnh đối với bệnh viện đầy đủ, tỷ mỷ, giải thích rõ ràng cho người bệnh và gia đình người bệnh

4

 

 

 

7

Đảm bảo công bằng trong chăm sóc phục vụ người bệnh, không phân biệt giàu nghèo, chức vụ và thân quen

2

 

 

 

8

Không có hành vi sách nhiễu, gợi ý bồi dưỡng, nhận quà, tiền biếu, thu phí ngầm trước, trong lúc người bệnh đến thăm khám và nằm điều trị tại bệnh viện

4

 

 

 

9

Khi người bệnh tử vong cần có thái độ thông cảm sâu sắc và chia buồn với gia đình người bệnh

2

 

 

 

III

Đối với đồng nghiệp

10

 

 

 

1

Tôn trọng đồng nghiệp, không làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của đồng nghiệp

2

 

 

 

2

Chấp hành sự phân công, chỉ đạo, kiểm tra của cấp trên. Cộng tác và hỗ trợ đồng nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ

3

 

 

 

3

Không đùn đẩy người bệnh, không đùn đẩy trách nhiệm cho đồng nghiệp

3

 

 

 

4

Khiêm tốn học hỏi đồng nghiệp, thật thà, đoàn kết, giúp đỡ mọi người

2

 

 

 

IV

Đối với xã hội

5

 

 

 

1

Thực hiện tốt các quy định của địa phương nơi cư trú, sống đoàn kết, hòa đồng với nhân dân, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, gia đình hàng năm đạt danh hiệu gia đình văn hóa

2,5

 

 

 

2

Hướng dẫn, tham gia tích cực công tác tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, phòng chống tệ nạn xã hội tại địa phương, giúp đỡ người bị nạn, ốm đau tại cộng đồng

2,5

 

 

 

V.

Thăm dò sự tín nhiệm từ phía người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân và nội bộ cơ quan (cá nhân không tự chấm mục này)

25

 

 

 

1

a) Đối với Y, Bác sỹ trực tiếp chăm sóc người bệnh: Đạt ≥ 70% số phiếu thăm dò tín nhiệm của người bệnh (hoặc người nhà bệnh nhân)

b) Đối với cán bộ quản lý (không trực tiếp điều trị, khám chữa bệnh): Đạt ≥ 70% số phiếu thăm dò tín nhiệm của Cấp uỷ, Ban giám đốc và đại diện các đoàn thể trong đơn vị.

15

 

 

 

2

Thăm dò sự tín nhiệm của cán bộ công chức trong cơ quan, đơn vị nơi cá nhân công tác (nếu đơn vị có dưới 100 người thì lấy ý kiến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức; nếu đơn vị có 100 người trở lên thì lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt trong đơn vị): Đạt ≥ 70% số phiếu tín nhiệm/tổng số người được mời dự họp.

10

 

 

 

 

Tổng điểm:

100

 

 

 

Điều 5. Quy trình xét công nhận danh hiệu "Gương sáng y đức”

1. Các cơ sở khám chữa bệnh thành lập Hội đồng xét công nhận danh hiệu “Gương sáng Y đức” cấp cơ sở (gọi tắt là Hội đồng), riêng Sở Y tế thành lập Hội đồng cấp tỉnh, mời Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh tham gia Hội đồng, số lượng thành viên Hội đồng 07 hoặc 09 người, cụ thể:

- Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cơ quan, đơn vị trên cơ sở Bản tự chấm của cá nhân theo các tiêu chí quy định tại Điều 4, tiến hành chấm điểm sau đó tổng hợp, tổ chức họp bình xét, bỏ phiếu suy tôn.

- Các cơ quan, đơn vị lập hồ sơ đề nghị xét công nhận danh hiệu “Gương sáng Y đức” gửi Sở Y tế để Hội đồng cấp tỉnh thẩm định, chấm điểm, sau đó tổ chức họp bình xét, lập danh sách đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh (qua Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh), quyết định công nhận.

2. Cá nhân được đề nghị công nhận danh hiệu “Gương sáng Y đức” tại Hội đồng các cấp phải được ít nhất 70% trên tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý.

3. Cách tính điểm:

a) Cách chấm điểm cho từng tiêu chí:

+ Thực hiện tốt nội dung của mỗi tiêu chí thì được nhận tối đa (100%) số điểm của tiêu chí đó.

+ Thực hiện chưa đầy đủ nội dung của mỗi tiêu chí thì được tính điểm theo mức độ hoàn thành của tiêu chí đó.

+ Nếu không thực hiện theo nội dung của tiêu chí thì không được tính điểm tiêu chí đó.

b) Yêu cầu đối với cá nhân được đề nghị xét công nhận danh hiệu "Gương sáng Y đức":

Thang điểm tối đa cho hệ thống tiêu chí của Hội đồng các cấp là 100 điểm.

+ Cá nhân được đề nghị xét công nhận danh hiệu "Gương sáng Y đức" phải đạt được tổng số điểm tối thiểu 95 điểm.

+ Riêng các đối tượng công tác ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo; người trực tiếp điều trị, khám chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân truyền nhiễm (HIV, Lao, Phong....) được đề nghị xét công nhận danh hiệu "Gương sáng Y đức" phải đạt được tổng số điểm tối thiểu 90 điểm.

Điều 6. Khen thưởng

Cá nhân đạt danh hiệu “Gương sáng Y đức”, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; được xem, xét ưu tiên đi học nâng cao nghiệp vụ và xét nâng lương trước thời hạn theo quy định. Đồng thời, cá nhân được xét công nhận "Gương sáng y đức" sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi tổ chức phân công.

Điều 7. Hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu "Gương sáng y đức”

1. Thủ tục Hồ sơ

Làm thành 02 bộ bản chính, gồm:

- Tờ trình kèm trích biên bản họp Hội đồng của đơn vị cơ sở và đơn vị trình UBND tỉnh.

- Báo cáo thành tích kèm Bảng tổng hợp thực hiện các tiêu chí (quy định tại Điều 4).

- Bảng tổng hợp thăm dò ý kiến của bệnh nhân (hoặc người nhà bệnh nhân) và cán bộ, công chức, viên chức.

- Bản xác nhận công tác Đảng, đoàn thể của tập thể và cá nhân (nếu có).

2. Thời gian, nơi tiếp nhận hồ sơ

Hồ sơ trình UBND tỉnh (gửi qua Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh) trước ngày 30 tháng 01 của năm kế tiếp.

Điều 8. Tổ chức tuyên dương khen thưởng

Hai năm một lần, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt và trao bằng khen cho các cá nhân đạt danh hiệu “Gương sáng Y đức” vào dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2).

Điều 9. Kinh phí thực hiện

Kinh phí khen thưởng được trích từ nguồn thi đua, khen thưởng hàng năm của tỉnh theo quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 và Thông tư số 71/2011/TT-BTC ngày 24/5/2011 của Bộ Tài chính Hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Hướng dẫn, triển khai thực hiện

1. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh và các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt Quy chế này. Các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm trong việc quán triệt thực hiện, tổ chức bình xét danh hiệu "Gương sáng y đức”.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có nội dung cần điều chỉnh, sửa đổi hoặc phát sinh mới, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.