Quyết định 69/2007/QĐ-UBND Quy định hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 69/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Hữu Tín
Ngày ban hành: 03/05/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/05/2007 Số công báo: Số 34
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
*****

Số:   69/2007/QĐ-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc  lập  - Tự  do  -  Hạnh  phúc
*********

TP. Hồ Chí Minh, ngày 03  tháng  5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH HẠN CHẾ VÀ CẤM KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26  tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Nghị định số 179/1999/NĐ-CP , ngày 30 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Nghị định số 149/2004/NĐ-CP , ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP , ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 11537/TTr-TNMT-QLTN, ngày 01 tháng 12 năm 2006 và Công văn số 2341/TNMT-QLTN, ngày 30 tháng 3 năm 2007; ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Công văn số 4070/STP-VB, ngày 20 tháng 12 năm 2006,

QUYẾT  ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
 - Bộ Xây dựng;
- Bộ Giao thông vận tải;
 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
 - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
 - TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam TP;
 - VP Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Các Ban Hội đồng nhân dân TP;
- Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh
 
môi trường nông thôn;
- VPHĐ-UB: Các PVP;
- Các Tổ NCTH, TTCB;
 - Lưu: VT, (ĐT-Th).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

QUY ĐỊNH

VỀ HẠN CHẾ VÀ CẤM KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2007/QĐ-UBND, ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quy định này quy định việc hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất tại một số khu vực trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; được áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước dưới đất phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Nước dưới đất là nước tồn tại trong các lỗ hổng, khe hở của đất đá dưới mặt đất.

2. Công trình khai thác nước dưới đất là các giếng khoan, giếng đào, hang động hoặc hành lang khai thác nước, điểm lộ nước dưới đất được xây dựng hoặc sử dụng để khai thác nước dưới đất.

3. Ô nhiễm nguồn nước là sự thay đổi tính chất vật lý, tính chất hóa học, thành phần sinh học của nước vi phạm tiêu chuẩn đánh giá ô nhiễm.

4. Tổng khoáng hóa (M) là tổng hàm lượng chất rắn hòa tan có trong nước.

5. Nước sinh hoạt là nước dùng cho ăn uống, vệ sinh của con người.

6. Nguồn nước sinh hoạt là nguồn có thể cung cấp nước sinh hoạt hoặc nước có thể xử lý thành nước sinh hoạt một cách kinh tế.

7. Độ cao chuẩn quốc gia là độ cao lấy mực nước biển (Hòn Dấu - Hải Phòng) làm chuẩn có độ cao là 0 mét.

8. Mực nước là cao độ mực nước dưới đất so với độ cao chuẩn quốc gia.

9. Khu vực hạn chế khai thác là khu vực chỉ được xem xét cấp phép khai thác nước dưới đất trong trường hợp cần thiết do không thể khai thác hoặc sử dụng nguồn nước khác để đáp ứng yêu cầu hoạt động của tổ chức, cá nhân đó.

10. Khu vực cấm khai thác là khu vực không cấp phép khai thác nước dưới đất.

11. Tầng chứa nước Pleistocen (Tầng I) là tầng chứa nước thường phân bố ở độ sâu nhỏ hơn 50m so với mặt đất khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

12. Tầng chứa nước Pliocen trên (Tầng II) là tầng chứa nước thường phân bố ở độ sâu 50m đến 150m so với mặt đất khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

13. Tầng chứa nước Pliocen dưới (Tầng III) là tầng chứa nước                 thường phân bố ở độ sâu 150m đến hơn 300m so với mặt đất khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

14. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của nguồn nước.

15. Bảo vệ tài nguyên nước là biện pháp phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, bảo đảm an toàn nguồn nước và bảo vệ khả năng phát triển tài nguyên nước.

Chương 2:

HẠN CHẾ VÀ CẤM KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Điều 3. Khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất

Các khu vực có đường ống có khả năng cấp nước với áp lực tối thiểu 0,2 kg/cm2, lưu lượng đáp ứng yêu cầu, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn sinh hoạt và không thuộc các trường hợp tại Điều 4 Quy định này.

Điều 4.  Khu vực cấm khai thác nước dưới đất

Các khu vực có đường ống có khả năng cấp nước với áp lực tối thiểu 0,2 kg/cm2, lưu lượng đáp ứng yêu cầu, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn sinh hoạt và đồng thời thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau:

1. Các khu vực có mực nước thấp hơn mực nước ở giới hạn cho phép, có khả năng gây tác động môi trường xung quanh và cho bản thân tầng chứa nước, cụ thể như sau:

a) Tầng I: khu vực có mực nước từ -20m trở xuống theo độ cao chuẩn quốc gia.

b) Tầng II: khu vực có mực nước từ -40m trở xuống theo độ cao chuẩn quốc gia.

c) Tầng III: khu vực có mực nước từ -40m trở xuống theo độ cao chuẩn quốc gia.

2. Các khu vực trong phạm vi cách ranh mặn-nhạt (M bằng 1g/l) 100m.

3. Các khu vực có nước dưới đất đã bị ô nhiễm Nitơ với hàm lượng tổng Nitơ ở mức nhiễm bẩn từ vừa trở lên (hàm lượng tổng Nitơ từ 7mg/l trở lên).

4. Các khu vực có hiện tượng sụt lún mặt đất xung quanh công trình              khai thác.

Điều 5. Vị trí các khu vực hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất

Vị trí khu vực hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất được xác định theo Sơ đồ vị trí các khu vực hạn chế và khu vực cấm khai thác nước dưới đất (kèm theo bảng danh sách tên khu vực) do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành theo Điều 8 của Quy định này.

Sơ đồ Vị trí vùng hạn chế khai thác nước dưới đất năm 2007 và bảng danh sách tên khu vực theo các Phụ lục IA, IB, IC, ID, IE.

Điều 6. Khai thác và bảo vệ nguồn nước dưới đất trong khu vực hạn chế

1. Mọi trường hợp khai thác nước dưới đất thuộc khu vực hạn chế khai thác phải có giấy phép hoặc phải đăng ký theo quy định của pháp luật.

2. Các công trình khai thác đã có giấy phép hoặc có giấy đăng ký khai thác còn hiệu lực trong khu vực hạn chế vẫn được khai thác theo giấy phép hoặc giấy đăng ký đến hết thời hạn.  

3. Các đơn vị cung cấp nước có trách nhiệm cung cấp đầy đủ nước và gắn đồng hồ nước cho các tổ chức hoặc cá nhân có yêu cầu trong khu vực hạn chế khai thác để không phải khai thác nước dưới đất.

4. Không xem xét giải quyết cấp phép khai thác, gia hạn, điều chỉnh tăng thêm lưu lượng hoặc đăng ký khai thác nước dưới đất ngoại trừ các trường hợp ở khoản 5 Điều này.

5. Các cơ quan có chức năng cấp phép hoặc đăng ký khai thác nước dưới đất, căn cứ vào trữ lượng khai thác nước dưới đất và các điều kiện an toàn của các công trình trong khu vực, chỉ xem xét cấp phép khai thác, điều chỉnh, gia hạn hoặc đăng ký khai thác nước dưới đất trong khu vực hạn chế cho các trường hợp:

a) Khai thác nước dưới đất để xử lý đạt tiêu chuẩn sinh hoạt.

b) Khai thác nước dưới đất để xử lý theo tiêu chuẩn riêng phục vụ cho sản xuất thực phẩm; chế biến thủy hải sản; sản xuất các loại nước uống như nước giải khát, nước uống có ga, nước đóng chai, nước đá.

 c) Khai thác nước dưới đất để lấy nước thô sử dụng trực tiếp hoặc khai thác lưu lượng tương đối lớn phục vụ sản xuất giấy, dệt nhuộm, rửa xe, tưới cây cho các công trình công ích, phòng cháy chữa cháy.

6. Đối với các công trình khai thác nước dưới đất không có giấy phép, hoặc không được giải quyết cấp phép, gia hạn hoặc đăng ký khai thác thì chủ công trình phải tiến hành trám lấp trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Quy định này có hiệu lực thi hành hoặc kể từ ngày giấy phép, giấy đăng ký khai thác hết hạn.

Điều 7.  Bảo vệ nguồn nước dưới đất trong khu vực cấm khai thác

1. Các công trình đang khai thác nước dưới đất trong khu vực cấm đã có giấy phép hoặc giấy đăng ký khai thác còn hiệu lực thì vẫn được khai thác theo giấy phép hoặc giấy đăng ký đến hết thời hạn, trong thời hạn khai thác không cho phép điều chỉnh tăng thêm lưu lượng khai thác.

2. Các đơn vị cung cấp nước có trách nhiệm cung cấp đầy đủ nước theo yêu cầu và gắn đồng hồ nước cho các tổ chức hoặc cá nhân trong khu vực cấm khai thác để không phải khai thác nước dưới đất.

3. Không xem xét giải quyết cấp phép khai thác, gia hạn hoặc đăng ký khai thác nước dưới đất cho các công trình trong vùng cấm khai thác, ngoại trừ các công trình dự phòng phục vụ phòng cháy chữa cháy.

4. Đối với các công trình đang khai thác nước dưới đất không có giấy phép, không được giải quyết cấp phép, gia hạn hoặc đăng ký khai thác thì chủ công trình phải tiến hành trám lấp trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Quy định này có hiệu lực thi hành hoặc kể từ ngày giấy phép, giấy đăng ký khai thác hết hạn.

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN CHỨC NĂNG

Điều 8.  Ủy ban nhân dân thành phố

1. Ban hành Sơ đồ vị trí các khu vực hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất (kèm theo bảng danh sách tên khu vực) hàng năm vào quý I.

2. Ban hành Quyết định điều chỉnh Sơ đồ vị trí các khu vực hạn chế và khu vực cấm trong các trường hợp sau:

a) Nguồn nước không đảm bảo ở mức độ khai thác đang thực hiện.

b) Việc khai thác nước đang gây sụt lún, tăng đáng kể khả năng xâm nhập mặn, ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước dưới đất.

Điều 9. Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Thực hiện công tác quản lý, cấp phép nước dưới đất theo đúng các quy định hiện hành và Quy định này.

2. Phổ biến các quy định về quản lý nước dưới đất, Sơ đồ vị trí các khu vực hạn chế và khu vực cấm khai thác hiện hành đến các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện.

3. Kiểm tra, cập nhật đầy đủ các tài liệu về quan trắc nước dưới đất, các tài liệu có liên quan đến tài nguyên nước để phục vụ cho việc xây dựng Sơ đồ vị trí các khu vực hạn chế và khu vực cấm khai thác nước dưới đất.

4. Phối hợp cùng Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã, thị trấn, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn và Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn hướng dẫn và tổ chức triển khai trám lấp các công trình khai thác nước dưới đất không còn sử dụng đến các tổ chức, cá nhân sau khi gắn đồng hồ nước.

Hướng dẫn kỹ thuật trám lấp tại Phụ lục IIA, IIB.

5. Phối hợp với Sở Giao thông - Công chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn để dự thảo Sơ đồ vị trí khu vực hạn chế và khu vực cấm khai thác nước dưới đất trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét để quyết định ban hành vào quý I hàng năm.

6. Thực hiện hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan đến tài nguyên nước và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố định kỳ 06 tháng và 01 năm.

Điều 10. Sở Giao thông - Công chính

1. Xây dựng chiến lược ưu tiên cấp nước cho các tổ chức, cá nhân sử dụng nước trong khu vực hạn chế, khu vực cấm khai thác nước dưới đất.

2. Cung cấp kịp thời các thông tin, tài liệu có liên quan đến tài nguyên nước về Sở Tài nguyên và Môi trường hàng năm.

Điều 11. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường phối hợp với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn có kế hoạch phát triển mạng lưới cấp nước, cấp nước và lắp đặt đồng hồ nước đến các tổ chức, cá nhân ở các khu vực ngoại thành để hạn chế việc khai thác nước dưới đất riêng lẻ.

2. Cung cấp kịp thời các thông tin, tài liệu có liên quan đến tài nguyên nước về Sở Tài nguyên và Môi trường hàng năm.

Điều 12. Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn và các tổ chức cấp nước trên địa bàn thành phố

1. Đảm bảo việc cấp nước đầy đủ cho các tổ chức, cá nhân sử dụng nước trong khu vực hạn chế, khu vực cấm khai thác nước dưới đất.

2. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm tra việc trám lấp các công trình khai thác nước dưới đất không còn sử dụng của các tổ chức, cá nhân trong khu vực hạn chế, khu vực cấm sau khi gắn đồng hồ nước.

3. Phối hợp cùng Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã, thị trấn lập kế hoạch phát triển mạng lưới cấp nước, lắp đặt đồng hồ nước cho các tổ chức, cá nhân ở các khu vực chưa có mạng lưới. Thực hiện cấp nước đầy đủ và lắp đặt đồng hồ nước cho các tổ chức, cá nhân tại các khu vực đã có mạng lưới để hạn chế việc phải khai thác nước dưới đất.

4. Kiểm tra, cập nhật và thống kê đầy đủ, thường xuyên các dữ liệu mạng lưới cấp nước, thể hiện trên bản đồ các khu vực đã có mạng lưới cấp nước và khu vực đã được cung cấp nước gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường 6 tháng một lần.

Điều 13. Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã, thị trấn

1. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Quy định này và các quy định pháp luật khác liên quan đến tài nguyên nước cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý, chú trọng thực hiện ở các khu vực hạn chế, khu vực cấm khai thác.

2. Hỗ trợ các đơn vị cung cấp nước phát triển mạng lưới cấp nước, lắp đặt đồng hồ nước cho các tổ chức, cá nhân ở các khu vực hạn chế, khu vực cấm khai thác nước dưới đất thuộc địa bàn quản lý.

3. Thực hiện công tác quản lý, cấp phép hoặc đăng ký khai thác nước dưới đất theo thẩm quyền căn cứ các quy định hiện hành và Quy định này. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai trám lấp các công trình khai thác nước dưới đất không còn sử dụng đến các tổ chức, cá nhân sau khi gắn đồng hồ nước trong khu vực hạn chế và khu vực cấm khai thác.

4. Tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền; hoặc phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan đến tài nguyên nước.

Chương 4:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 14. Khen thưởng

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước.

2. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước, đấu tranh chống các hành vi vi phạm các quy định về tài nguyên nước được khen thưởng theo quy định.

Điều 15. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân có hành vi gây suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước; không tuân theo sự điều chỉnh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có sự cố về nguồn nước; không thực hiện theo Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan đến tài nguyên nước thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh  môi trường nông thôn, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố có trách nhiệm thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Sở Tài nguyên và Môi trường để trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết./.