Quyết định 69/2003/QĐ-UB quy định việc chuẩn bị, vận động thu hút và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: 69/2003/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Hoàng Văn Nghiên
Ngày ban hành: 02/06/2003 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 69/2003/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CHUẨN BỊ, VẬN ĐỘNG THU HÚT VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG NGUỒN VỐN HỖ TTỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA) CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh thủ đô Hà Nội số 29/2000/PL-UBTVQH10 ;
Căn cứ Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Thông tư số 06/2001/TT-BKH ngày 20/9/2001 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Giám đốc Sở Tư Pháp Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về việc chuẩn bị, vận động, thu hút và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Thành phố Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trái với bản Quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan ban, ngành của Thành phố, Chủ đầu tư, Giám đốc các Ban quản lý dự án có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC CHUẨN BỊ, VẬN ĐỘNG, THU HÚT VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG NGUỒN VỐN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA) CỦA THÀNH PHỐ.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2003/QĐ-UB ngày 02/6/2003của UBND Thành phố Hà Nội)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

Bản Quy định này quy định những nội dung cụ thể về việc xây dựng chương trình, dự án để vận động, thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Thành phố Hà Nội (sau đây gọi là ODA) và quy trình tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đó nhằm thống nhất đầu mối quản lý, sử dụng và triển khai có hiệu quả nguồn vốn ODA phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội và môi trường sống của người dân.

Các dự án do các tổ chức phi chính phủ (NGO) thực hiện không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

Điều 2: Các nguyên tắc cơ bản

1. ODA là nguồn vốn quan trọng của Ngân sách Nhà nước, được Nhà nước giao cho UBND Thành phố Hà Nội quản lý, tổ chức triển khai, sử dụng để hỗ trợ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ưu tiên.

2. UBND Thành phố Hà Nội thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo vùng lãnh thổ đối với tất cả các chương trình, dự án ODA trên địa bàn Thành phố Hà Nội, bao gồm cả các chương trình, dự án do các bộ, ngành hoặc các tỉnh, thành phố khác chủ trì thực hiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội (sẽ có quy định chi tiết sau khi thống nhất với các bộ, ngành, địa phương liên quan).

3. UBND Thành phố Hà Nội thống nhất quản lý về ODA trên cơ sở phân công phân cấp, tăng cường trách nhiệm và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, các quận, huyện và các Ban quản lý dự án.

4. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện các dự án ODA và hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan đến các chương trình, dự án ODA của Hà Nội được thực hiện theo quy định này và các quy định về Luật Ngân sách Nhà nuớc, Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ban hành kèm theo Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001 của Chính phủ, Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định số 90/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ và các chế độ quản lý hiện hành khác của Nhà nước.

Điều 3 : Các lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA của Thành phố Hà Nội

1. Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng cho những chương trình, dự án thuộc lĩnh vực:

a. Y tế, dân số và phát triển, các vấn đề xã hội, xoá đói giảm nghèo;

b. Giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực;

c. Bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học;

d. Nghiên cứu chuẩn bị các chương trình, dự án phát triển (quy hoạch, hợp tác kỹ thuật, chuyên gia, công nghệ);

e. Cải cách hành chính, tăng cường năng lực các cơ quan quản lý của Thành phố và quận, huyện, phát triển thể chế.

2. Vốn ODA vày được ưu tiên sử dụng cho những chương trình, dự án thuộc lĩnh vực:

a. Giao thông đô thị - thông tin liên lạc;

b. Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị (cấp nuớc, thoát nước,v.v…); cơ sở hạ tầng xã hội (các công trình phúc lợi công cộng, y tế, giáo dục, đào tạo, v.v…);

c. Bảo vệ môi trường;

d. Hỗ trợ một số lĩnh vực sản xuất nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội.

3. Các lĩnh vực ưu tiên khác thực hiện theo Điều 3, Chương I của Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001 của Chính phủ.

Điều 4: Các cơ quan quản lý, thực hiện chương trình, dự án ODA.

1. Cơ quan chủ quản dự án ODA: là UBND Thành phố Hà Nội

2. Chủ dự án: là cơ quan, tổ chức được UBND Thành phố giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn đối ứng để thực hiện chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ dự án là một trong các tổ chức sau đây: Ban quản lý dự án, doanh nghiệp Nhà nuớc hoặc cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND Thành phố, quận, huyện hoặc sở, ngành của UBND Thành phố Hà Nội.

3. Cơ quan cấp trên tực tiếp của các chủ dự án: là cơ quan cấp quận, huyện, sở, ban, ngành có Ban quản lý dự án trực thuộc được giao nhiệm vụ chủ dự án đối với các dự án đầu tư.

4. Nhà tài trợ: là chính phủ nước ngoài hoặc các tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia, cung cấp vốn ODA cho Thành phố Hà Nội.

Chương 2:

VẬN ĐỘNG, XÂY DỰNG DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÀN ODA

Điều 5. Các căn cứ vận động, thu hút ODA của Thành phố Hà Nội

1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cụ thể hoá bằng các Nghị quyết của HĐND và UBND Thành phố giai đoạn đến 2005, 2010 và 2020.

2. Quy hoạch và kế hoạch phát triển cụ thể của từng ngành, từng địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Năng lực tiếp nhận vốn, công nghệ, năng lực quản lý và triển khai dự án ODA theo từng thời kỳ của cơ quan, tổ chức.

Điều 6. Quy trình xây dựng danh mục các chương trình, dự án ODA

1. Quy trình xây dựng danh mục các chương trình, dự án ODA của Thành phố được thực hiện theo Nghị định 17/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001 của Chính phủ và Thông tư số 06/2001/TT-BKH ngày 20/9/2001 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. UBND Thành phố Hà Nội quy định cụ thể như sau:

a. Căn cứ vào các lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA của Thành phố Hà Nội được quy định tại điều 3 của Quy định này, trước 31/3 hàng năm, các sở, ban, ngành, quận, huyện của Thành phố lập danh mục và đề cương các chương trình, dự án ODA cho các thời hạn 5 năm và hàng năm gửi Sở kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.

b. Từ 31/3 đến 15/5 hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND Thành phố phê duyệt danh mục và đề cương các dự án cần được vận động nguồn vốn ODA, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan Trung ương để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 7 Phối hợp vận động thu hút ODA

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tham mưu, tổng hợp của UBND Thành phố Hà Nội trong việc vận động và quản lý các chuơng trình, dự án ODA.

2. Các cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, thu hút các dự án ODA trên địa bàn phải tuân thủ theo Quy định này, kịp thời thông tin về kết quả vận động, thu hút ODA cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để xử lý, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA

Điều 8. Ban chuẩn bị chương trình, dự án ODA

1. Trong thời hạn 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận đuợc văn bản thông báo chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về danh mục các chương trình, dự án ODA đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nhà tài trợ đồng ý xem xét tài trợ, UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Ban chuẩn bị chương trình, dự án ODA, bổ nhiệm Trưởng ban và một số cán bộ công chức có đầy đủ năng lực và điều kiện để làm nòng cốt cho Ban quản lý chương trình, dự án giai đoạn sau.

2. Thành phần của Ban chuẩn bị chương trình, dự án ODA tuỳ thuộc vào quy mô và tính chất của chương trình, dự án ODA cụ thể gồm:

a. 01 Trưởng ban chuyên trách;

b. Từ 01 đến 02 Phó trưởng ban: 01 phó ban chuyên trách và 01 phó trưởng ban kiêm nhiệm;

c. Một số cán bộ chuyên trách;

d. Một số cán bộ công chức thuộc các sở, ban, ngành của Thành phố tham gia kiêm nhiệm;

Khi cần thiết, Ban chuẩn bị chương trình, dự án ODA được tuyển dụng thêm một số nhân viên thuộc các đơn vị tư vấn của Thành phố, của bộ, ngành phía Việt Nam và mốt số cán bộ kỹ thuật, nhân viên mới làm việc theo chế độ hợp đồng.

Tiền công/tiền lương của người lao động tuyển dụng theo chế độ hợp đồng của Ban chuẩn bị chương trình, dự án ODA đuợc thực hiện theo Quyết định số 112/2001/QĐ-BTC ngày 09/11/2001 của Bộ Tài chính.

3. Ban chuẩn bị chương trình, dự án ODA là đối tác trực tiếp với các chuyên gia của Nhà tài trợ, là cơ quan đầu mối giữa các cơ quan của UBND Thành phố và với nhà tài trợ nhằm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư cho đến khi kết thúc phần Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, Điều ước cụ thể về ODA và Hiệp định tài chính được ký kết.

4. Chức năng, nhiệm vụ của Ban chuẩn bị chương trình, dự án ODA, các nội dung chủ yếu của văn kiện dự án ODA được thực hiện theo quy định tại điều 13 Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ban hành kèm theo Nghị định 17/2002/NĐ-CP ngày 04/5/2001 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn kèm theo.

Ban chuẩn bị chương trình, dự án ODA triển khai thủ tục lập, thẩm định và trình duyệt chương trình, dự án ODA của UBND Thành phố theo quy định tại các Nghị định số 17/2002/NĐ-CP ngày 04/5/2001, số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999, số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000, số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ và các quyết định số 100/2002/QĐ-UB ngày 16/7/2002, số 116/2002/QĐ-UB ngày 14/8/2002 của UBND Thành phố Hà Nội.

5. Ban chuẩn bị chương trình, dự án ODA sẽ chấm dứt hoạt động và chuyển giao công việc cho Ban quản lý chương trình, dự án ODA khi UBND Thành phố ra quyết định thành lập Ban quản lý chương trình, dự án ODA.

Điều 9. Ban quản lý chương trình, dự án ODA

1. Sau khi ký kết Hiệp định tài chính và được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện dự án, UBND Thành phố ra quyết định thành lập Ban quản lý chương trình, dự án ODA.

2. Thành phần Ban quản lý chương trình, dự án ODA phải bao gồm các cán bộ chủ chốt được chuyển tiếp từ Ban chuẩn bị chương trình, dự án ODA để tiếp tục bước triển khai thực hiện dự án, cụ thể là:

a. Trưởng ban hoặc 01 Phó trưởng ban chuyên trách;

b. Ít nhất 50% số cán bộ chuyên trách.

Điều 10. Quy định về đấu thầu đối với các chương trình, dự án ODA của Thành phố Hà Nội

Việc đấu thầu đối với với các chương trình, dự án ODA được thực hiện theo Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999, số 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chinh phủ, các văn bản huớng dẫn kèm theo và quy định trong Hiệp định đã ký kết.

UBND Thành phố Hà Nội quy định cụ thể như sau:

1. Lựa chọn tư vấn trong giai đoạn xúc tiến vận động ODA, hình thành dự án ODA:

a. Đối với các dự án lớn, phức tạp, các cơ quan, sở, ban, ngành, quận, huyện được UBND Thành phố giao nhiệm vụ làm đối tác thực hiện xúc tiến, vận động và đàm phán thực hiện chương trình, dự án ODA đề xuất lựa chọn, báo cáo UBND Thành phố chỉ định đơn vị tư vấn trong nước hoặc nước ngoài để hỗ trợ.

Chi phí cho tư vấn được trích trong kinh phí xúc tiến đầu tư hàng năm thuộc ngân sách của Thành phố Hà Nội.

b. Khi chương trình, dự án ODA vận động được các cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục triển khai, có sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia, tư vấn nước ngoài trong việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, các cơ quan được UBND Thành phố giao nhiệm vụ làm đối tác hoặc Ban chuẩn bị chương trình, dự án ODA đề xuất với UBND Thành phố quyết định đơn vị tư vấn đã được chỉ định thực hiện tư vấn trong giai đoạn trước hoặc đề xuất đơn vị tư vấn mới.

Chi phí cho tư vấn đuợc bhi trong kế hoạch XDCB hàng năm phần vốn chuẩn bị đầu tư thuộc ngân sách Nhà nuớc.

c. Các tiêu chuẩn lựa chọn tư vấn:

- Là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

- Có kinh nghiệm, chuyên môn sâu đúng ngành nghề;

- Có đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi, có năng lực. Ưu tiên cán bộ đã từng tham gia các dự án tương tự có vốn đầu tư nước ngoài (FDI hoặc ODA) ở trong nước hoặc nước ngoài;

- Có hiểu biết về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội, các quy hoạch không gian chung và các quy họch chuyên ngành phù hợp;

- Có hiểu biết về quy trình ODA của Nhà nước Việt nam và quy trình ODA của nhà tài trợ.

2. Lựa chọn tư vấn thiết kế, lập hồ sơ mời thầu, mua sắm thiết bị và giám sát công trình, lựa chọn nhà thầu thực hiện xây lắp, mua sắm thiết bị của dự án ODA; được thực hiện theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999, số 12/2/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000, số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003, số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999, số 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn kèm theo và quy định của nhà tài trợ theo Điều ước quốc tế khung về ODA và Điều ước quốc tế cụ thể về ODA đã được ký kết giữa chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước tài trợ như quy định tại điều 2 Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ban hành kèm theo Nghị định 17/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001 của Chính phủ.

3. Sở Kế hoạch và đầu tư là cơ quan thẩm định, trình duyệt về đấu thầu đối với các chương trình, dự án ODA trình UBND Thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tuớng Chính phủ quyết định qhê duyệt theo thẩm quyền được quy định tại Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 và số 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000, các Hiệp định khung đã ký kết giữa hai Chính phủ, các quy định cụ thể của UBND Thành phố tại các quyết định số 100/2000/QĐ-UB ngày 16/7/2002, số 116/2002/QĐ-UB ngày14/8/2002 của UBND Thành phố Hà Nội và các quy định của nhà tài trợ về đấu thầu, mua sắm.

Chương 4:

THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN

Điều 11. Theo dõi, đánh giá chương trình, dự án ODA

1. Theo dõi, đánh giá chương trình, dự án ODA phải được tiến hành thường xuyên và định kỳ nhằm cập nhật tình hình thực hiện chương trình, dự án ODA, phân tích làm rõ tương quan giữa kết quả đạt được của chương trình, dự án trên thực tế so với mục tiêu cần đạt được như quy định trong văn kiện chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc nhằm tìm biện pháp phòng ngừa hoặc khắc phục.

2. Kế hoạch theo dõi, đánh giá và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong công tác theo dõi, đánh giá chương trình, dự án ODA được thực hiện theo quy định tại Quy chế về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ban hành kèm theo Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001 của Chính phủ và Thông tư số 06/2001/TT-BKH ngày 20/9/2001 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện quy chế này.

Điều 12: Báo cáo thực hiện chương trình, dự án ODA

Trong quá trình thực hiện chương trình, dự án ODA, Ban quản lý chương trình, dự án ODA có trách nhiệm lập và gửi báo cáo cho cơ quan chủ quản dự án, cơ quan cấp trên của chủ dự án, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, v.v… theo quy định dưới đây:

1. Các báo cáo định kỳ:

a. Theo mẫu biểu hướng dẫn tại Nghị định 17/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn 06/TT-BKH ngày 20/9/2001 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quản lý và sử dụng nguòn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)

b. Theo mẫu biểu báo cáo tháng, quý năm của Thành phố kèm theo công văn số 759/KHĐT-VVTT ngày 25/7/2002 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội quy định chế độ báo cáo đối với các dự án ODA của Thành phố Hà Nội.

2. Các báo cáo đột xuất theo chỉ đạo của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố.

Điều 13. Trách nhiệm thực hiện tiến độ và các khoản cam kết theo Hiệm định đã ký kết.

1. Đối với các chương trình, dự án ODA được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện, UBND Thành phố Hà Nội cam kết với nhà tài trợ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện đúng tiến độ và các khoản cam kết theo Hiệp định đã ký kết.

2. Chủ dự án, chủ đầu tư và cơ quan cấp trên trực tiếp của chủ đầu tư chịu trách nhiệm truớc UBND Thành phố về việc tổ chức thực hiện đầy đủ các mục tiêu, yêu cầu và nội dung của toàn bộ chương trình, dự án ODA theo đúng tiến độ và các cam kết trong các Hiệp định, các văn bản thoả thuận, các bản phạm vi công việc mà hai bên đã thảo luận, thống nhất và ký kết.

3. UBND Thành phố Hà Nội cam kết với nhà tài trợ, chỉ đạo các chủ dự án, chủ đầu tư và các cơ quan của Thành phố Hà Nội thực hiện đúng tiến độ các dự án ODA được xác định thông qua thảo luận và ghi nhận trách nhiệm của mỗi bên, tuân thủ theo Hiệp định đã ký kết. Dự án được hoàn thành đầy đủ các bước công việc, các hạng mục của từng dự án thành phần và của toàn dự án, đảm bảo tiến độ giải ngân.

4. Trong trường hợp đặc biệt, khi có thay đổi về kỹ thuật, công nghệ cũng như tiến độ của dự án phải thảo thuận với Nhà tài trợ. Việc thay đổi các nội dung trên phải được Chủ tịch UBND Thành phố phê chuẩn và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Hạn chế tối đa các thay đổi trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Điều 14. Phối hợp giữa các dự án trên cùng một địa bàn hoặc cùng một chuyên ngành

Chủ đầu tư và cơ quan cấp trên của chủ đầu tư có trách nhiệm phân công, phối hợp các nội dung công việc của các dự án đầu tư khác nhau trên địa bàn hoặc chuyên ngành đảm bảo không có sự trùng lặp về đầu tư, bị bỏ sót cũng như trách nhiệm phối hợp, tổ chức triển khai các hạng mục công việc của dự án theo lịch trình thời gian hợp lý, tránh chồng chéo hoặc đợi gây lãng phí, chậm tiến độ, giảm chất lượng công trình.

Chương 5:

GIẢI NGÂN, THANH QUYẾT TOÁN VÀ BÀN GIAO ĐƯA CÔNG TRÌNH VÀO SỬ DỤNG, QUYẾT ĐỊNH VỀ TRẢ NỢ VAY

Điều 15 : Quy trình thanh quyết toán và bàn giao công trình đưa vào sử dụng

Các dự án ODA sau khi tiến hành triển khai thực hiện, hoàn thành các hạng mục xây lắp sẽ tiến hành chuyển giao theo các bước sau đây:

1. Theo thoả thuận với Nhà tài trợ, dự án sẽ được đưa vào hoạt động thử tuỳ thuộc quy trình công nghệ - kỹ thuật yêu cầu. Trong thời gian này, chuyên gia, tư vấn, nhà thầu và chủ đầu tư có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra đơn vị đánh giá, báo cáo kết quả lên các cấp có thẩm quyền xem xét.

2. Theo thoả thuận, dự án có thời gian bảo hành từ vài tháng đến vài năm. Trong thời gian bảo hành, chủ đầu tư có trách nhiệm theo dõi tư vấn, nhà thầu thực hiện vận hành thiết bị, công trình và bảo hành.

3. Về giải ngân, chủ đầu tư có quyền giữ lại một khoản chi phí theo thoả thuận trong Hợp đồng A - B sẽ thanh toán hết khi hoàn thành tốt giai đoạn bảo hành trong quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Sau khi các nội dung chạy thử và nghiệm thu thực hiện theo quy định và các thủ tục trên được hoàn thành, UBND Thành phố sẽ quyết định bàn giao toàn bộ chương trình, dự án cho đơn vị thu hưởng để tổ chức, quản lý, khai thác, sử dụng công trình.

Điều 16: Quy định về trả nợ vay:

Việc thực hiện các quy định về trả nợ các nguồn vay ODA tuân thủ theo quy định hiện hành của Nhà nước, UBND Thành phố, các cam kết với Nhà tài trợ và các quy định cụ thể của cấp có thẩm quyền trong quyết định phê duyệt đầu tư dự án.

Chương 6:

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Điều 17: Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối quản lý các nguồn vốn ODA vào Thành phố Hà Nội và các nguồn viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Việt Nam (uỷ quyền cho Hà Nội quản lý) và của Thành phố Hà Nội cho các nước khác. Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ:

1. Chủ trì, soạn thảo chiến lược, quy hoạch thu hút, vận động, điều phối và sử dụng ODA, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố Hà Nội xây dựng danh mục và đề cương các chương trình, dự án ưu tiên vận động ODA, tổng hợp danh mục các chương trình, dự án ODA trình UBND Thành phố phê duyệt, dự thảo danh mục của UBND Thành phố gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Được UBND Thành phố uỷ quyền tham gia cùng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung và tiến hành đàm phán điều ước quốc tế khung về ODA với các cơ sở ngành, quận, huyện và Ban quản lý dự án; chuẩn bị nội dung và tiến hành đàm phán và ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA.

3. Tổng hợp, lập kế hoạch giải ngân nguồn vốn ODA, cân đối và bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn đối ứng với các chương trình, dự án ODA thuộc diện Ngân sách Nhà nước cấp phát cho các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện và thực hiện dự án.

4. Chủ trì việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra tình hình quản lý, triển khai và hiệu quản hoạt động của các chương trình, dự án ODA; đôn đốc, hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án ODA đúng tiến độ và thoả thuận đã cam kết trong các Hiệp định đã ký với Nhà tài trợ; đôn đốc thực hiện đúng pháp luật, các quy định, quy chế của Nhà nước và của Thành phố trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA.

5. Báo cáo, tổng hợp định kỳ và đột xuất tình hình chung về quản lý, thực hiện các chương trình, dự án ODA trong phạm vi trách nhiệm của UBND Thành phố.

6. Hướng dẫn, phổ biến các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về vận động, chuẩn bị, quản lý, thực hiện, theo dõi, đánh giá các chương trình, dự án ODA trong điều kiện cụ thể của Thành phố Hà Nội; tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị đánh giá và vận động thu hút ODA trong và ngoài nước.

7. Tổ chức thẩm định Báo cáo tiền khả thi, Báo cáo khả thi chương trình, dự án ODA, kế hoạch đấu thầu, xét thầu, kết quả đấu thầu, hợp đồng và các vấn đề về điều chỉnh dự án, trình UBND Thành phố phê duyệt theo quy định hiện hành của nhà nước và của UBND Thành phố.

8. Phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện của Thành phố trong các lĩnh vực có liên quan đến quản lý và sử dụng các chương trình, dự án ODA gồm quy hoạch, giải phóng mặt bằng, nhà tái định cư, chính sách hỗ trợ, các chuơng trình, dự án liên quan khác không thuộc nguồn vốn ODA trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, dự án ODA.

Điều 18: Sở Tài chính Vật giá

1. Phối hợp với sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc cân đối và bố trí bốn đối ứng thực hiện dự án định kỳ theo kế hoạch hàng năm, kế hoạch đột xuất sử dụng vốn.

2. Quản lý Nhà nước đối với các nguồn vốn vay, vốn đối ứng và các nguồn vốn huy động khác, hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra công tác quản lý tài chính đối với các dự án ODA, tổ chức hạch toán, kế toán ngân sách Nhà nước đối với nguồn vốn ODA, tổng hợp số liệu rút vốn, thanh toán và trả nợ đối với chuơng trình, dự án ODA, báo cáo UBND Thành phố, các cơ quan Bộ ngành Trung ương và sở, ban, ngành có liên quan của Thành phố.

Điều 19: Văn phòng HĐND và UBND Thành phố Thành phố

1. Có trách nhiệm phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chuyên ngành, sở chức năng đệ trình các tài liệu, văn bản, hồ sơ dự án tới lãnh đạo UBND Thành phố để thực hiện chức năng chỉ đạo và điều hành chung.

2. Cùng với các cơ quan có liên quan thúc đẩy tiến trình đàm phán, ký kết các Hiệp định về ODA, tổ chức triển khai các hạng mục dự án theo các nguyên tắc, nội dung đã cam kết trong các Hiệp định với Nhà tài trợ, bảo đảm chất lượng công trình cho các dự án ODA của Thành phố Hà Nội.

Điều 20. Sở Ngoại vụ

Có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện thực hiện chức năng lễ tân, thủ tục lãnh sự đối với các tổ chức quốc tế, các đoàn đàm phán Hiệp định, các chuyên gia nuớc ngoài trong khuôn khổ đàm phán, ký kết, triển khai thực hiện các dự án ODA của Thành phố Hà Nội.

Điều 21. Ban Tổ chức chính quyền

Có trách nhiệm phối hợp với sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu để UBND Thành phố thành lập các Ban chuẩn bị chương trình, dự án ODA và các Ban quản lý dự án, các tổ chức phù hợp để kêu gọi vốn ODA, tổ chức chuẩn bị đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện dự án ODA, quản lý, sử dụng, khai thác dự án, kinh doanh và trả nợ vốn ODA cho nước ngoài, tiến hành các thủ tục giải thể các tổ chức đã kết thúc nhiệm vụ đối với dự án ODA.

Điều 22. Hội đồng thi đua khen thưởng Thành phố

Có trách nhiệm phố hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành và quận huyện theo dõi, đánh giá, đề xuất khen thưởng các chuyên gia, các tổ chức của Nhà tài trợ đối với các dự án ODA của Thành phố Hà Nội theo quy định hiện hành của Nhà nước và của Thành phố.

Điều 23. Các sở, ban, ngành chuyên môn khác và các quận, huyện

Các cơ quan, sở, ban, ngành chuyên môn khác và các quận, huyện thuộc Thành phố có liên quan đến quản lý Nhà nước về ODA có nhiệm vụ:

1. Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được Thành phố giao thực hiện quản lý Nhà nước, cung cấp thông tin, giấy phép, quy hoạch, hướng dẫn đối với các dự án ODA từ khâu đàm phán, kêu gọi đến chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện, thực hiện và kết thúc, đua dự án vào sử dụng.

2. Tổ chức hoàn thuế ODA theo quy định, hướng dẫn thực hiện tích luỹ nguồn thi để trả nợ ODA.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Trách nhiệm thực hiện

Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ truởng các đơn vị có liên quan có trách nhiệm thực hiện quy định này.

Điều 25. Khen thưởng, kỷ luật

Hàng năm, UBND Thành phố xét khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong thực thi các chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp vào quá trình thúc đẩy triển khai nhanh, nhiều và có hiệu quả dự án ODA.

Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà, cản trở đến việc kêu gọi, tổ chức triển khai thực hiện dự án ODA trái với quy định gây chậm tiến độ, kém chất lượng công trình gây thiệt hại sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Sửa đổi, bổ sung

Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi, đánh giá kết quả việc thực hiện quy chế này.

Quy chế này sẽ được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung từng phần hoặc toàn bộ theo các chế độ, chính sách và quy định mới của Nhà nước về quản lý và sử dụng ODA và các văn bản hướng dẫn có liên quan.





Pháp lệnh về Thủ đô Hà Nội năm 2000 Ban hành: 28/12/2000 | Cập nhật: 08/01/2013

Nghị định 88/1999/NĐ-CP về Quy chế Đấu thầu Ban hành: 01/09/1999 | Cập nhật: 27/02/2013