Quyết định 674/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt Đề án thành lập Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam .
Số hiệu: 674/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 01/06/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 674/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP TỔNG CÔNG TY BƯU CHÍNH VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nư­­ớc ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Quyết định số 58/2005/QĐ-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Quyết định số 265/2006/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Đề án thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam với những nội dung sau đây:

1. Tổng công ty Bưu chính Việt Nam là tổng công ty nhà nước, do Nhà nước quyết định thành lập và giao vốn thông qua Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; thực hiện chế độ hạch toán và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; có tư cách pháp nhân, con dấu, biểu tượng, Điều lệ tổ chức và hoạt động; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

2. Tên gọi: Tổng công ty Bưu chính Việt Nam .

Tên giao dịch quốc tế: Vietnam Post, viết tắt là VNPost.

3. Trụ sở chính: đặt tại thành phố Hà Nội.

4. Vốn điều lệ: không thấp hơn 8.122 tỷ đồng.

5. Cơ cấu quản lý Tổng công ty, bao gồm:

a) Hội đồng quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty.

b) Ban Kiểm soát Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giúp Hội đồng quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam kiểm tra, giám sát tính hợp pháp, chính xác và trung thực trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, ghi chép sổ kế toán, báo cáo tài chính, việc chấp hành Điều lệ Tổng công ty Bưu chính Việt Nam; việc chấp hành các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, quyết định của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong việc thực hiện chức năng đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Bưu chính Việt Nam.

c) Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.

6. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu:

a) Thiết lập, quản lý, khai thác và phát triển mạng bưu chính công cộng, cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

b) Cung cấp các dịch vụ công ích khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

c) Kinh doanh các dịch vụ bưu chính dành riêng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

d) Kinh doanh các dịch vụ bưu chính, phát hành báo chí, chuyển phát, tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước;

đ) Tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính quốc tế và các dịch vụ khác trong khuôn khổ các điều ước quốc tế trong lĩnh vực bưu chính mà Việt Nam ký kết, gia nhập khi được Nhà nước cho phép.

e) Hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông để cung cấp các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin.

g) Tư vấn, nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bưu chính.

7. Các đơn vị thành viên của Tổng công ty:

a) Đơn vị hạch toán phụ thuộc:

- Bưu điện của các tỉnh, thành phố trong cả nước (được hình thành trên cơ sở tổ chức lại khối kinh doanh bưu chính thuộc Bưu điện các tỉnh, thành phố hiện nay);

- Công ty Phát hành báo chí Trung ương;

- Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện;

- Các đơn vị khác hình thành theo quy định của pháp luật.

b) Các công ty do Tổng công ty góp trên 50% vốn điều lệ:

- Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu điện;

- Công ty cổ phần Tem Bưu chính;

- Công ty cổ phần In tem Bưu điện;

- Công ty cổ phần Du lịch Bưu điện;

- Các công ty khác được hình thành theo quy định của pháp luật.

c) Đơn vị sự nghiệp: được hình thành theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị thành viên khác được thành lập theo chiến lược phát triển của Tổng công ty và quy định của pháp luật.

8. Các chính sách ưu đãi đối với Tổng công ty:

a) Trong thời gian 5 năm kể từ khi thành lập, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam được vay các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư, duy trì, mở rộng, phát triển mạng bưu chính công cộng; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với các doanh nghiệp mới thành lập thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư và đầu tư vào địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn.

b) Được áp dụng chính sách đối với lao động dôi dư như trong công ty nhà nước sắp xếp lại theo quy định hiện hành để giải quyết chế độ cho lao động dôi dư khi tổ chức, sắp xếp lại lực lượng lao động trong quá trình chia tách giữa 02 lĩnh vực bưu chính và viễn thông để thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam. Nguồn kinh phí lấy từ Quỹ trợ cấp mất việc làm của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam .

Điều 2.Tổ chức thực hiện:

1. Bộ Bưu chính, Viễn thông:

a) Chịu trách nhiệm chỉ đạo và theo dõi việc thực hiện Đề án này; kịp thời phát hiện, giải quyết những vướng mắc phát sinh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền.

b) Quyết định thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam và thông qua Điều lệ tổ chức, hoạt động của Tổng công ty để Hội đồng quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam phê duyệt.

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam xác định mức vốn điều lệ cụ thể của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam .

d) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về dịch vụ bưu chính công ích và cơ chế tài chính bảo đảm cung cấp dịch vụ bưu chính công ích.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam để hướng dẫn việc thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh đối với đơn vị kinh tế trực thuộc của đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn Tổng công ty Bưu chính Việt Nam được vay các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

3. Bộ Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Tổng công ty Bưu chính Việt Nam .

4. Hội đồng quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam :

a) Xây dựng và trình Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Tài chính phương án và mức vốn, tài sản thuộc sở hữu nhà nước tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam để bàn giao cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam tại thời điểm thành lập.

b) Trình Bộ Bưu chính, Viễn thông quyết định chiến lược, kế hoạch dài hạn, ngành, nghề kinh doanh của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam .

c) Chỉ đạo việc chuyển giao lao động sang Tổng công ty Bưu chính Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật về lao động trên cơ sở bảo đảm nguồn nhân lực để Tổng công ty phát triển theo chiến lược, kế hoạch dài hạn, ngành, nghề kinh doanh đã được phê duyệt.

d) Bảo đảm sự liên tục, ổn định của các hoạt động điều hành mạng lưới bưu chính và cung ứng các dịch vụ về bưu chính cho khách hàng trong thời gian chuyển giao các quyền và nghĩa vụ hợp pháp giữa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tổng công ty Bưu chính Việt Nam.

đ) Quyết định ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam sau khi được Bộ Bưu chính, Viễn thông chấp thuận bằng văn bản; ban hành Quy chế quản lý tài chính nội bộ của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam sau khi được Bộ Bưu chính, Viễn thông và Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

5. Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông và Hội đồng quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng các Bộ: Bưu chính, Viễn thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và Hội đồng quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
  cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
  thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; 
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao; 
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN;
- VPCP: BTCN, các PCN,
  Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
  Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN. 

THỦ TƯỚNG


 
 
Nguyễn Tấn Dũng