Quyết định 67/2005/QĐ-UBND quy định trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người bán dâm, người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
Số hiệu: 67/2005/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Huỳnh Tấn Thành
Ngày ban hành: 13/10/2005 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 67/2005/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 13 tháng 10 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM ĐÓNG GÓP VÀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI NGƯỜI BÁN DÂM, NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY CHỮA TRỊ, CAI NGHIỆN BẮT BUỘC TẠI TRUNG TÂM GIÁO DỤC LAO ĐỘNG XÃ HỘI.

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Thông tư số 13/2004/TTLB/BLĐTBXH-BTC ngày 02/11/2004 của Liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn về trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người bán dâm, người nghiện ma túy;
Căn cứ văn bản 550/HĐND-VHXH ngày 06/10/2005 của HĐND tỉnh Bình Thuận;
Xét đề nghị của Liên Sở: Tài chính - Lao động Thương binh và Xã hội tại công văn số 2774/LS/TC-LĐ ngày 24/5/2005,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: “Quy định trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người bán dâm, người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TBXH;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư Pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND Tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh;
- Mặt trận Tổ quốc Tỉnh;
- Đài Phát thanh truyền hình;
- Báo Bình Thuận;
- Như Điều 3;
- Lưu VT, TH, Bình (30b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM ĐÓNG GÓP VÀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI NGƯỜI BÁN DÂM, NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY CHỮA TRỊ, CAI NGHIỆN BẮT BUỘC TẠI TRUNG TÂM GIÁO DỤC LAO ĐỘNG XÃ HỘI.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 67/2005/QĐ-UBND ngày 13/10/2005 của UBND tỉnh Bình Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

1. Người bán dâm, người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội.

2. Người nghiện ma túy, người bán dâm chưa thành niên bị đưa vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội theo Luật phòng, chống ma túy và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Điều 2. Người bán dâm, người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện bắt buột tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội có trách nhiệm đóng góp và được trợ cấp theo quy định.

Chương II

TRÁCH NHIỆM ĐÓNG GÓP

Điều 3. Đối với người bán dâm, người nghiện ma tuý bị bắt buộc đưa vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội phải đóng góp tiền ăn 210.000 đồng/tháng (7.000 đồng/ngày) trong thời gian không được hưởng trợ cấp tiền ăn.

Chương III

CÁC CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP

Điều 4. Người bán dâm, người nghiện ma tuý (kể cả người chưa thành niên) bị bắt buộc đưa vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (thuộc Sở Lao động-Thương binh Xã hội) được trợ cấp các khoản như sau:

1. Tiền ăn: 210.000 đồng/người/tháng (7.000 đồng/ngày).

- Đối với người bán dâm được trợ cấp 9 tháng/lần chấp hành quyết định; Đối với người nghiện ma tuý được trợ cấp 12 tháng/lần chấp hành quyết định.

- Thời gian chấp hành quyết định còn lại người bán dâm, người nghiện ma tuý phải đóng góp tiền ăn theo quy định tại Điều 3.

2. Trợ cấp tiền thuốc chữa bệnh:

- Người nghiện ma túy: 250.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định, bao gồm: tiền thuốc cắt cơn, thuốc chóng rối loạn sinh học, thuốc cấp cứu, chi phí xét nghiệm chất ma túy và thuốc điều trị các bệnh cơ hội khác.

- Người mại dâm: 150.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định, bao gồm: tiền thuốc chữa bệnh lây truyền qua đường sinh dục, thuốc thông thường và chi phí xét nghiệm (nếu cần thiết).

- Trường hợp người bán dâm đồng thời cũng là người nghiện ma túy, thì được trợ cấp tiền thuốc điều trị và thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện với mức: 400.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định.

3. Chi phí y tế:

- Trong thời gian chấp hành quyết định, nếu người bán dâm, người nghiện ma túy bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo vượt quá khả năng chữa trị của Trung tâm phải chuyển đến bệnh viện của Nhà nước điều trị thì chi phí điều trị trong thời gian nằm viện do bản thân hoặc gia đình đó tự trả; Những người thuộc diện chính sách hoặc hoàn cảnh gia đình quá khó khăn được Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn, Phòng Nội vụ Lao động thương binh xã hội xác nhận thì Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội xem xét hỗ trợ 50% hoặc 100% chi phí điều trị, nhưng không quá 1.000.000 đồng/người/lần điều trị.

- Người bán dâm, người nghiện ma túy bị thương do tai nạn lao động được sơ, cấp cứu kịp thời cho đến khi ổn định thương tật.

- Kinh phí chi cho khoản này:

+ Từ dự toán chi ngân sách hàng năm

+ Từ nguồn thu lao động sản xuất hàng năm của Trung tâm giáo dục lao động xã hội.

4. Mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết (mùng, mền, chiếu, gối, quần áo đồng phục, khăn mặt,....) với mức: 200.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định.

5. Hoạt động văn thể: 20.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định.

6. Học văn hóa: Theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo về chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học.

7. Trợ cấp tiền học nghề: Người bán dâm, người nghiện ma tuý nếu chưa có nghề, có nhu cầu học nghề được xét hỗ trợ kinh phí học nghề theo mức thu học phí đối với các cơ sở dạy nghề công lập có cùng ngành nghề, thời gian đào tạo. Kinh phí này chỉ hỗ trợ cho đối tượng chấp hành quyết định lần đầu.

8. Vệ sinh phụ nữ: 15.000 đồng/người/tháng, trong thời gian chấp hành quyết định.

9. Trợ cấp tiền ăn đường, tiền tàu xe: Người bán dâm, người nghiện ma túy sau khi chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội nếu hoàn cảnh khó khăn hoặc không có thu nhập từ kết quả lao động tại trung tâm và địa chỉ nơi cư trú được xác định rõ ràng, khi trở về nơi cư trú được trợ cấp tiền ăn đường với mức 10.000 đồng/người/ngày, tối đa không quá 05 ngày, trợ cấp tiền tàu xe theo giá phương tiện phổ thông của Nhà nước, nhưng tối đa không quá 500.000 đồng/người.

10. Trợ cấp tái hoà nhập cộng đồng: Người bán dâm, người nghiện ma túy sau khi chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính, trở về địa phương đã có nhiều tiến bộ, cam kết không tái phạm, chưa có việc làm, bản thân, gia đình thuộc diện khó khăn được xét trợ cấp với mức là 500.000 đồng/người để tự tạo việc làm ổn định cuộc sống. Trợ cấp này chỉ cấp cho đối tượng chấp hành quyết định lần đầu, không cấp lần thứ hai. Người mại dâm, người nghiện ma túy khi chấp hành xong quyết định mà vẫn ở độ tuổi chưa thành niên thì không được hưởng khoản trợ cấp này.

11. Người bán dâm, người nghiện ma túy bị nhiễm HIV/AIDS được trợ cấp thêm tiền thuốc chữa bệnh, tiền mua sắm các vật dụng phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các khoản hỗ trợ khác (trừ tiền ăn, tiền thuốc chữa trị cai nghiện) theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 51/2002/TTLT/BTC-BYT ngày 03/6/2002 của Liên Bộ Tài chính-Bộ Y tế hướng dẫn nội dung chi và mức chi chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS.

12. Người bán dâm, người nghiện ma túy đang chữa trị cai nghiện, chết tại Trung tâm mà không có thân nhân hoặc thân nhân không đến trong vòng 24 giờ hoặc chết do tai nạn lao động, Trung tâm có trách nhiệm mai táng.

- Chi mai táng phí với mức 2.400.000 đồng/trường hợp chết.

- Trường hợp cần trưng cầu giám định pháp y để xác nhận nguyên nhân chết, Trung tâm giáo dục lao động xã hội thanh toán chi phí này theo quy định tài chính hiện hành của Nhà nước.

Chương IV

CHẾ ĐỘ MIỄN GIẢM CHI PHÍ CHỮA TRỊ, CAI NGHIỆN

Điều 5. Đối Tượng được xét miễn: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 13/2004/TTLT/BLĐTBXH–BTC ngày 02/11/2004, như sau:

1. Người chưa thành niên, người già cô đơn, gia đình chính sách và gia đình thuộc hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo hiện hành.

2. Người thuộc đối tượng cứu trợ xã hội theo quy định hiện hành của Chính phủ.

3. Người không có nơi cư trú nhất định mà bản thân không có điều kiện đóng góp hoặc không xác định được thân nhân hoặc người giám hộ của người đó.

4. Người bị nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động.

Điều 6. Thủ tục đề nghị xét miễn: Đối tượng chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội thuộc diện quy định tại Điều 5 nêu trên tự làm đơn hoặc thân nhân, gia đình làm đơn có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn và Phòng Nội vụ Lao động thương binh xã hội huyện, thành phố nơi đối tượng cư trú gửi cho Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội xem xét trình cấp thẩm quyền giải quyết. Ủy ban nhân dân Tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Lao động-Thương binh Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Kinh phí để thực hiện các chế độ trợ cấp, chế độ miễn chi phí chữa trị, cai nghiện cho các đối tượng theo quy định tại quyết định này được bố trí trong dự toán chi đảm bảo xã hội hàng năm của ngân sách tỉnh cho Ngành Lao động-Thương binh Xã hội.

Điều 8. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh đề nghị báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân Tỉnh (thông qua Sở Lao động-Thương binh Xã hội, Sở Tài chính) để xem xét, giải quyết./.





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.